Thư mục vụ Mùa chay 2024 của Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

Chủ nhật - 11/02/2024 20:23 199 0
THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA GIÁO PHẬN QUI NHƠN
NHÂN NGÀY ĐẦU MÙA CHAY 2024
(Thứ Tư Lễ Tro, 14.02.2024)

                                                    
Anh chị em rất thân mến,

1. Chúng ta đang cùng với toàn thể Hội Thánh bước vào Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro. Đây là thời gian đặc biệt mà Hội Thánh đã thiết lập để toàn thể Dân Chúa tham dự vào mầu nhiệm Khổ Nạn của Đức Kitô, nhờ đó được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và được tự do trong ánh sáng Phục sinh của Người. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Chúng ta hãy đón nhận Mùa Chay như thời gian mạnh mẽ trong đó Lời Chúa lại được ngỏ với chúng ta: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Đó là thời gian hoán cải, thời gian tự do”.

2. Được gọi là Mùa Chay vì đây là thời gian chay tịnh đặc biệt đã có trong truyền thống ngàn đời của Hội Thánh. Cũng như dân Do Thái ngày xưa được Thiên Chúa dẫn dắt qua sa mạc suốt 40 năm sau khi giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và trước khi cho họ đặt chân vào Đất Hứa là miền đất của tự do. Lúc đầu họ còn nhớ nhung kiếp sống nô lệ bên Ai Cập và đôi lúc còn bị cám dỗ quay về đó. Tuy nhiên, dần dần họ được Thiên Chúa giáo dục để dứt khoát hướng về Đất Hứa cho dù hành trình thật lâu dài và vất vả, nhờ cảm nghiệm và được nâng đỡ bởi tình yêu lớn lao của Người đối với họ. Mỗi người chúng ta đã được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi nhờ bí tích Rửa Tội. Tuy nhiên nhiều lần chúng vẫn còn luyến tiếc và chưa dứt khoát với tội lỗi. Vì vậy Mùa Chay là thời gian thuận tiện, để chúng ta tập luyện sự từ bỏ tội lỗi và những quyến rũ bất chính của nó, để được tự do bước đi trên con đường cứu độ.

3. Để giúp chúng ta thực hiện sự giải thoát chính mình khỏi sự ràng buộc của tội lỗi, truyền thống Hội Thánh mời gọi mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực hiện ba việc: đó là cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, đây “không phải là ba việc làm độc lập, mà là một động tác duy nhất cởi mở và dứt bỏ: loại bỏ những thần tượng đang đè nặng chúng ta, loại bỏ những ràng buộc đang giam cầm chúng ta”. Thực vậy, việc cầu nguyện giúp chúng ta từ bỏ tà thần để hướng lòng lên Thiên Chúa và gắn bó với Người. Có rất nhiều thứ tà thần đang chi phối cuộc sống chúng ta, như tiền tài, danh vọng, thú vui, v.v. Tất cả những thứ tà thần này đều giam hãm chúng ta trong sự nô lệ, khiến chúng ta không được tự do làm điều thiện và tiến bước trên đường nên thánh. Chính việc cầu nguyện sẽ giúp chúng ta thoát ly khỏi sự ràng buộc này vì chúng ta nhận được ánh sáng và sức mạnh từ Thiên Chúa.

4. Tiếp đến là việc chay tịnh. Chay tịnh là tập dứt bỏ những ràng buộc đối với cuộc sống nô lệ tội lỗi. Bản chất của chay tịnh là từ bỏ: từ bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta cảm thấy thỏa mãn trong đời sống vật chất, khiến chúng ta không còn tha thiết tìm kiếm những thực tại Nước Trời. Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu đã cảnh cáo những người giàu có chỉ biết đặt tin tưởng nơi những của cải của mình mà quên mất điều quan trọng là linh hồn của mình. Lời Chúa được đọc trong Mùa Chay luôn mời gọi mỗi người chúng ta phải tìm kiếm những tiêu chuẩn phán đoán mới để chúng ta biết từ bỏ những gì gây nguy hại cho phần rỗi linh hồn chúng ta.

5. Sau cùng, nếu cầu nguyện là hướng về Chúa, chay tịnh là hướng về chính mình, thì làm phúc là hướng về tha nhân. Nếu trong Mùa Chay chúng ta cùng nhau dừng lại để cầu nguyện với Chúa và kiểm điểm chính mình, thì chúng ta cũng dừng lại trước người anh chị em bị thương tích như người Samaritanô trong dụ ngôn Tin mừng. Chúng ta dừng lại để kiểm điểm cách hành xử của chúng ta đối với những anh chị em đang đau khổ, để sẵn sàng giúp đỡ họ. Trong Mùa Chay, khi suy niệm về Đức Kitô chịu khổ nạn, chúng ta không thể bỏ qua hình ảnh sống động của Người là các anh chị em đang đau khổ chung quanh chúng ta.

Nguyện xin Thiên Chúa hướng dẫn và nâng đỡ mỗi người chúng ta trong hành trình Mùa Chay thánh này, để chúng ta cùng nhau hiệp hành trên con đường khổ nạn của Đức Kitô, cùng nhau được biến đổi nhờ siêng năng cầu nguyện, thể hiện tinh thần chay tịnh và quảng đại giúp đỡ các chi thể đau khổ trong Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô, để chúng ta được cùng Người bước vào vinh quang Phục Sinh.
 
Tòa Giám mục Qui Nhơn, ngày 12 tháng 02 năm 2024
 







+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

Tác giả bài viết: + Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khô

Nguồn tin: https://gpquinhon.org

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây