10 thói quen độc hại ngăn cản hạnh phúc

Thứ tư - 23/08/2023 03:01 580 0


10 thói quen độc hại ngăn cản hạnh phúc

 

 

Ai cũng có lúc cảm thấy thiếu động lực, chán nản, không vui vẻ nhưng đôi khi thứ ngăn cản chúng ta đến với hạnh phúc chỉ là thói quen xấu.

Những hành vi tiêu cực trói buộc chúng ta trong một cái bẫy của sự độc hại mà ta không hề nhận ra cho đến khi quá muộn. Các nhà tâm lý học chỉ ra 10 thói quen xấu phổ biến nhất ngăn cản chúng ta đến với cuộc sống hạnh phúc như mong muốn.


Cả nể


Người cả nể không muốn người khác phật lòng vì vậy, họ luôn ưu tiên ý kiến và mong muốn của người khác hơn nhu cầu riêng. Nhu cầu được người khác công nhận dẫn đến vòng lặp căng thẳng, lo lắng. Khi bỏ được tính cả nể, bạn không chỉ cảm thấy có sức mạnh hơn mà còn tạo ra được ảnh hưởng lớn đến với những người xung quanh.


Ăn uống tùy tiện


Thiếu ngủ là một lý do khiến mọi người không có chế độ ăn uống lành mạnh. Khi mệt mỏi và không thể tập trung, chúng ta có xu hướng lựa chọn thực phẩm đã qua chế biến hơn là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Cơ thể nạp nhiều đường, làm tăng lượng đường huyết trước khi cảm thấy mệt mỏi như cũ. Sau đó, bạn lại chọn thực phẩm không có lợi và lặp lại quy trình. Khi chú trọng đến ăn uống lành mạnh, sức khỏe được cải thiện và tránh được tác động tiêu cực.


Suy nghĩ quá nhiều


Suy nghĩ quá nhiều là một trong những thói quen xấu nhất, làm gia tăng căng thẳng. Liên tục đặt câu hỏi và nghi ngờ mọi hành vi sẽ tạo ra một vòng tiêu cực luẩn quẩn. Những người kiểu này có xu hướng tập trung vào các tình huống xấu nên càng lo lắng hơn.

Bước đầu tiên để phá vỡ thói quen đó là học cách tin tưởng bản thân, quyết định của chính mình. Khi cảm thấy bản thân đang để tâm quá nhiều đến quá khứ hoặc tương lai, hãy tự nhắc nhở hiện tại mới là quan trọng nhất.


Duy trì quan hệ độc hại


Các mối quan hệ độc hại làm bạn tiêu hao năng lượng, kiệt quệ tinh thần lẫn thể chất. Bạn luôn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, không được ủng hộ, gây ra các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ. Nó còn làm tổn thương lòng tự trọng, khiến bạn nghi ngờ giá trị của mình cũng như người khác. Điều quan trọng là phải nhận ra một mối quan hệ có phải độc hại hay không và từng bước ra khỏi nó.


Quá để tâm đến lời nói của người khác


Thường xuyên cảm thấy bị xúc phạm vì những lời nói, hành động của người khác là thói quen gây mệt mỏi. Sự thật là những gì họ nói hay làm không ảnh hưởng gì đến niềm tin hay giá trị của chúng ta. Điều quan trọng là hành động của họ phản ánh chính con người họ, không phải chúng ta. Vì vậy, thay vì mắc kẹt trong suy nghĩ của người khác, hãy tập trung vào những gì bạn biết là tốt cho bản thân.


Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội


Mạng xã hội là một phần không thể tách rời của cuộc sống hàng ngày, giúp mọi người kết nối, giải trí. Tuy nhiên, khi sử dụng liên tục trong nhiều giờ, mạng xã hội làm chúng xa cách với hiện thực, "lạc lối" trong biển thông tin, ảnh chế, nội dung không bao giờ cạn. Nó còn có thể khiến bạn đánh giá thấp bản thân vì thường xuyên so sánh mình với cuộc sống dường như hoàn hảo của người khác. Vì vậy, nên hạn chế thời gian dùng mạng xã hội, đặc biệt trước khi ngủ để có giấc ngủ ngon.


Không chủ động


Bạn nên chủ động giải quyết nhu cầu riêng, thiết lập và theo đuổi mục tiêu cá nhân, ra quyết định phù hợp với giá trị và mong muốn của mình. Khi không chịu trách nhiệm cho cuộc sống, chúng ta bắt đầu có cảm giác thiếu động lực, chỉ tồn tại thay vì sống, không hạnh phúc hay thỏa mãn.


Tiêu cực


Năng lượng tiêu cực sẽ nhanh chóng xâm chiếm cuộc sống, làm chúng ta bị bào mòn cảm xúc. Rất dễ để rơi vào bẫy tiêu cực khi nhìn đâu cũng thấy vấn đề, chướng ngại vật mà không có giải pháp nào. Để thoát khỏi trạng thái này, hãy tập trung vào những mặt tích cực của cuộc sống và chọn cách nhìn vào mặt tốt trong mọi tình huống để trở nên lạc quan hơn, cải thiện tinh thần.


Không theo đuổi mục tiêu


Đã bao giờ bạn đặt ra một mục tiêu nhưng lại từ bỏ không lâu sau đó? Chẳng hạn, bạn bắt đầu tập thể dục hay cam kết ăn uống lành mạnh nhưng nửa đường đã đuối sức và quay về thói quen cũ. Khi liên tục không hoàn thành mục tiêu, bạn gửi thông điệp đến bản thân rằng mình là người thiếu kỷ luật, ý chí, dẫn đến cảm giác thất vọng, thất bại, cuối cùng giảm năng lượng và động lực.

Để thoát khỏi chu kỳ độc hại này, điều quan trọng là phải theo đuổi mục tiêu bất kể khó khăn thế nào. Làm như vậy, bạn sẽ có thêm tự tin, động lực, tràn đầy năng lượng và thỏa mãn hơn.


Không thiết lập ranh giới


Dù là thời gian, năng lượng hay các mối quan hệ, nếu không đặt ra ranh giới, chúng ta đang tạo điều kiện cho người khác lợi dụng mình. Hậu quả của thói quen này rất nghiêm trọng, dẫn đến cảm giác kiệt sức liên tục. Khi mang năng lượng của mình cho người khác, bạn không còn thời gian và nguồn lực cho bản thân. Thiết lập ranh giới không chỉ quan trọng với phát triển của bản thân mà còn với sức khỏe tinh thần, thể chất. Khi biết cách nói "không", chúng ta có thể bắt đầu sống vì chính mình.

Tác giả bài viết: Huy Phong (Theo Unfinished Success)

Nguồn tin: https://vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây