Bài học của tai ương

Thứ sáu - 18/03/2022 20:17 555 0
 
 
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY NĂM C: LC 13,1-9

            Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết chết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn những người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.
            Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất!’ Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới xung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’”.
           
BÀI HỌC CỦA TAI ƯƠNG
          
   Cuốn phim “Con tàu Titanic” của đạo diễn James Cameron (phát hành năm 1997) từng gây xôn xao dư luận thế giới. Trước hết vì đó là một siêu phẩm điện ảnh. Hai là vì nó gợi nhớ một thảm họa có thực đã xảy ra ngày 14 tháng 4 năm 1912 trên con tàu mang cùng tên, thảm họa lớn nhất trong lịch sử hàng hải. Vụ đắm tàu này đã cướp mất 1.517 sinh mạng và chỉ có 700 người được cứu thoát. Sau khi tai nạn xảy ra, có dư luận cho rằng trong lúc sơn vỏ tàu, một thợ sơn đã viết lên hàng chữ báng bổ: “Không có Thiên Chúa! Không có Giáo hoàng!” nên nó đã bị chìm ngay trong chuyến hải hành đầu tiên. Đồn đãi như thế, vô hình trung người ta cho Thiên Chúa là một kẻ báo thù tàn ác hèn hạ và tai ương là chính hình phạt của Người. Giờ đây, nghiên cứu lại xác tàu đang chìm dưới lòng đáy biển, các chuyên gia đã nhận thấy vỏ tàu làm bằng một thứ hợp kim rất dòn, dễ gãy. Nên khi đụng phải vào sườn một băng sơn, vỏ tàu đã không bị móp méo mà bể toạc, khiến ba giờ sau đó, tàu đã bị gãy đôi (hiện tượng hết sức họa hiếm) và chìm sâu vào lòng Đại Tây Dương giá lạnh.
            Xưa nay vẫn thế, đứng trước tai ương, con người thường cho rằng đó là hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên tội lỗi, một điều Đức Giê-su kịch liệt bác bỏ trong bài Tin Mừng hôm nay.
           
 1. Tai ương không phải là hình phạt tội lỗi

          
  Đức Giê-su đã không sống một thời đại bình yên về mặt chính trị… Biến cố thiên hạ vừa kể lại với Người là chuyện thông thường: có lẽ là một cuộc nổi loạn của phái Zê-lốt (“Quá khích/Nhiệt thành”) chống lại chính quyền đô hộ Rô-ma. Ngay giữa buổi phụng vụ, vào chính lúc họ cầu xin Thiên Chúa trợ giúp bằng một hy lễ, thì đã bị cảnh binh của Tổng trấn Phi-la-tô tàn sát. Thiên hạ thuật lại sự kiện cho Đức Giê-su, hiển nhiên để Người tỏ rõ lập trường. Phải chăng Người sẽ kết án Phi-la-tô với cảnh binh của ông? sẽ kết án các tay gây rối vô trách nhiệm chỉ biết kéo lôi dân tình vào những cuộc phiêu lưu không lối thoát? Ta phải ngạc nhiên mà nhận thấy rằng một lần nữa, Đức Giê-su sẽ từ chối bày tỏ lập trường trên phương diện trần thế, chính trị, mà lại giải thích biến cố trên bình diện tôn giáo. Tránh bày tỏ quan điểm về trách nhiệm của Phi-la-tô hay của các nạn nhân, Người sẽ nói đến tội lỗi và hoán cải: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn những người Ga-li-lê khác sao?” Vì não trạng thông thường vẫn nghĩ rằng tai ương xảy đến là một thứ hình phạt.
           
 Đối với Đức Giê-su, chẳng có mối liên hệ giữa bất hạnh xảy đến và tội lỗi. “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội, khiến anh ta sinh ra đã bị mù”, Người sẽ nói thế một ngày kia (Ga 9,2-3). Việc tìm kiếm thủ phạm để tự đặt mình bên phía những kẻ công chính chỉ là một cách trấn an lương tâm quá dễ dãi. Bao giờ cũng là những kẻ khác trách nhiệm: hoặc quyền bính, hoặc hệ thống, hoặc xã hội! Không! “Nếu không chịu sám hối, các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Những kẻ đã đến để kết án Tổng trấn Phi-la-tô hay các nạn nhân, thì nay lại bị cáo giác. Dẹp tranh luận về “những kẻ khác” đi! Hãy trở lại chính lương tâm mình. Phải hoán cải! “Các ông dễ dàng kết án sự dữ tợn của Phi-la-tô, hãy xem chính các ông tham dự vào bạo lực ấy như thế nào”. Phải dám nói điều đó cùng với Đức Giê-su, vì lịch sử không ngừng chứng minh cho thấy: thay đổi các cơ cấu xã hội không đủ (bất công và bạo hành có trong mọi chế độ!)… chính quả tim con người cần phải thay đổi, phải “hoán cải”, để các cơ cấu nên tốt hơn.
            
Thế rồi, Đức Giê-su đích thân gợi lên một biến cố thời sự khác: trong khu ngoại ô thủ đô, một tòa nhà đổ sụp, giết nhiều gia đình. Và Người nêu lên cũng một câu hỏi: “Các ông tưởng họ mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?” Không, đau khổ chẳng phải được Thiên Chúa “gởi đến”, tai ương chẳng phải là một hình phạt. Sự ác thể lý xảy đến với ta thường chỉ là hậu quả tự nhiên của các định luật vật chất hay đôi khi là do lòng ích kỷ độc ác của con người. Thay vì kết án Thiên Chúa, “Nguyên nhân Đệ nhất” như các triết gia bảo, ta nên chất vấn và tấn công các “nguyên nhân đệ nhị”, các nguyên nhân duy nhất nằm trong quyền lực của chúng ta. Từng chống lại sự ác, Đức Giê-su cũng yêu cầu chúng ta cũng phải chiến đấu khi đến lượt mình. Nhưng trước hết phải chiến đấu “trong chính mình”.
            
2. Tai ương là lời cảnh báo về cái chết đời đời

           
 Vì theo Đức Giê-su, các biến cố đó là một lời cảnh báo: mọi người đều có tội, đều phải sám hối: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. Như mọi ngôn sứ của Cựu Ước, Đức Giê-su trước hết là một nhà giảng đạo, chứ không phải là một tay dạy đời. Kiểu nói Người dùng thật đáng sợ. Phải chăng Người trở lại với não trạng thông thường (đau khổ= hình phạt) mà Người vừa từ chối? Chắc chắn không. Rõ ràng là Đức Giê-su không nói đến cùng một cái chết như cái chết thể lý mà những kẻ biểu tình hay các người gặp nạn tháp đổ đã chịu.
           
 Đức Giê-su biết rõ người công chính cũng phải chết. Nhưng Người cố ý đặt mình trên một bình diện khác với bình diện nhân loại, chính trị, luân lý, xã hội… hầu đưa ra một “mạc khải” tôn giáo: Người quả quyết có một cái chết khác, mang tính vĩnh cửu mà ít ai nghĩ tới, nhưng riêng Người chẳng ngừng đề cập. “Nếu không hoán cải, các ông hết thảy cũng sẽ lãnh đủ…” không phải cái chết sinh học mà các ông có thể khám phá quanh mình mỗi ngày, nhưng là cái chết nhiệm mầu do tội lỗi gây nên… Đức Giê-su cho ta thấy rằng hết thảy loài người đều là tội nhân, nhưng tất cả cũng được cống hiến cơ hội hoán cải. Ai nấy hãy trở lại lương tâm mình: trước hết dĩ nhiên là Phi-la-tô, rồi những tay Ga-li-lê kháng chiến, mấy ông kiến trúc sư hay thợ nề dối ẩu, mọi ai tưởng mình ở ngoài cuộc Phán xét, và tôi… kẻ hẳn đang nghĩ mình thoát khỏi lời Đức Giê-su đe dọa, để tránh hóan cải…
            
Các nhà chú giải nhấn mạnh tính “triệt để” của Lu-ca: “Các ông cũng sẽ chết hết!” Nhưng xin lưu ý, sự dữ dội này của Đức Giê-su chính là để đưa chúng ta về lại mình, về lại sự hoán cải. Không phải Thiên Chúa kết án. Chính phàm nhân tự kết án mình chết vĩnh cửu. Sự dữ dội của Đức Giê-su, đó là sự dữ dội của một tình yêu thần linh đầy thương xót, không chịu được cảnh loài người đi đến chỗ bị tiêu diệt. Đức Giê-su đưa ra một sứ điệp tôn giáo, nghĩa là một sứ điệp về Thiên Chúa, xin lập lại. Điều đó chẳng muốn nói Người dửng dưng trước các vấn đề của con người. Nhưng Người đặt mình trên mức độ “mạc khải”: Người tố giác cho thấy sự ác đích thật đối với chúng ta là gì. Trong mọi trường hợp, Người nhắc lại rằng không thể có thỏa hiệp giữa Thiên Chúa và tội lỗi: ở mãi trong tội, đó là tự chuốc lấy một cái chết còn ghê gớm hơn cái chết do lưỡi gươm của quan tổng trấn hay đá đè của tháp Si-lô-ác!
            
3. Tai ương là lời mời gọi sinh hoa kết trái

            
Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn cây vả không sinh trái. Dụ ngôn này lấy lại những lời đe dọa cổ điển (x. Lc 3,8-9), nhưng báo trước một kỳ hạn cuối cùng. Chúng ta vẫn luôn luôn ở trên cùng chủ đề: cuộc Phán xét tối hậu! Các hành vi của con người không như nhau, chẳng tốt chẳng xấu, vô thưởng vô phạt. Chúng có một “kết quả”, một “hậu quả”! Quan niệm hiện thời cố gắng làm ta tin rằng khắp hoàn vũ đang xóa bỏ dần mọi “mặc cảm tội lỗi”: chẳng còn trách nhiệm trước Thiên Chúa… chẳng còn cấm kỵ, cấm đoán, lỗi phạm… hãy làm những gì bạn thích… Nhiều Ki-tô hữu xa dần tòa cáo giải. Đức Giê-su trái lại nói: “Hãy chặt thân cây cằn cỗi này đi”. Người không chỉ kết án “trái hư” mà còn kết án việc “trái thiếu”.
            Tuy nhiên, dụ ngôn vẫn chứng tỏ lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa: “Nhưng người làm vườn đáp: Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới xung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”. Người làm vườn yêu thương cây cối của mình như thế, đó chính là Đức Giê-su. Người đã không đến vì những kẻ công chính mà vì những kẻ tội lỗi, đã kể mọi dụ ngôn về lòng thương xót, đặc biệt đầy rẫy trong Tin Mừng thánh Lu-ca (Lc 15 chẳng hạn, xem bài tuần tới). Các đe dọa khi nãy trên miệng Người thành thử chỉ có mục đích duy nhất là đánh thức chúng ta. Thiên Chúa yêu thương kẻ tội lỗi. Thiên Chúa yêu tôi! Không nên đối chọi lòng thương xót với sự đòi hỏi, như triết gia vô thần Bertrand Russell đã từng làm thế khi so sánh Đức Giê-su với Đức Phật. Ông bảo Đức Phật thì từ bi còn Đức Giê-su hay lên giọng đe dọa hỏa ngục! Tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi người được yêu phải từ bỏ điều ác, phải thực hành điều thiện. Con dao mổ của y sĩ giải phẫu bao giờ cũng gây đau đớn, nhưng đó là điều kiện để thoát hiểm. Chớ nên loại bỏ tiếng cuối cùng này: “Nếu không, ông sẽ chặt nó đi!” Mùa chay chính là mùa thuận tiện để sống Tin Mừng cách tận căn, triệt để. Bạn có nghĩ thế không?


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây