Biến dạng đau khổ - Biến hình vinh quang

Thứ sáu - 11/03/2022 19:21 133 0

 

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM C:
LC 9, 28b-36
 
            Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kia, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói với Đức Giê-su về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. Còn ông Phê-rô và bạn đồng hành thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người.
            Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê và một cho ông Ê-li-a”. Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su.
            Các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.   


 
BIẾN DẠNG ĐAU KHỔ - BIẾN HÌNH VINH QUANG

            Trong cuốn “Những cánh hoa đơn” kể về cuộc đời thánh Phan-xi-cô A-xi-di-ô với bạn hữu, có câu chuyện về một tu sĩ tên Bê-na-đô Quin-ta-van-lê (Bernard of Quintavalle), môn đệ đầu tiên của thánh nhân. Bê-na-đô là một tâm hồn nghèo khó, yêu Chúa rất mực và hết sức sống trọn vẹn Tin Mừng. Chính vì thế, thầy thường được ơn ngất trí khi cầu nguyện. Một lần đang lúc dự lễ, tâm hồn thầy bay lên, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, không còn biết gì nữa. Vị linh mục tế lễ nâng Mình Thánh lên, thầy cũng chẳng thấy, chẳng quỳ, chẳng cất lúp đội đầu như các anh em khác. Mắt thầy vẫn mở và chăm chú nhìn, nhưng toàn thân như xác không hồn, chẳng nhúc nhích động đậy, gương mặt thì sáng ngời lên. Thầy xuất thần như thế từ sáng đến khoảng ba giờ chiều. Sau khi tỉnh lại, thầy chạy khắp cùng tu viện, nói thật to: “Anh em ơi! Nếu người giàu có sang trọng nhất ở miền này được Chúa hứa cho cái kho tàng quý giá như tôi vừa thấy, thì bảo người ấy làm gì người ấy cũng làm; bảo mang một bị bùn đất dơ dáy mà đi, người ấy cũng vui lòng mang ngay”. Vì được Chúa cho thấy kho tàng quý báu trên trời dành cho những ai mến Chúa, nên từ đó về sau, suốt 15 năm (thầy mất năm 1241), đi đâu Bê-na-đô Quin-ta-van-lê cũng hướng mắt đưa trí về trời. Và tâm hồn ngày càng thêm thoát tục.
            1. Luật sống của con người
            Câu chuyện thầy Bê-na-đô giúp ta hiểu thêm kinh nghiệm kỳ diệu của Đức Giê-su cũng như ba môn đệ thân tín trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nhưng phải nói ngay, đoạn này đã bị Sách Bài đọc Chúa nhật cắt bớt cụm từ đầu: “Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy”. Quả là một thiệt hại lớn vì các Tin mừng Nhất lãm đều nhất trí liên kết chặt chẽ cuộc Biến hình với buổi nói chuyện thời danh về con đường khổ nạn (x. Mt 17,1; Mc 9,2; Lc 9,28). Đây là một trong những trường hợp họa hiếm trong đó hai giai thoại đời Đấng Cứu thế được liên kết với nhau về mặt thời gian. Tám ngày trước, đã có một cuộc trò chuyện đáng nhớ, diễn tiến trong hai thì: trước hết Đức Giê-su hỏi họ: “Anh em bảo Thầy là ai?” và chính Phê-rô tuyên xưng Người như “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”… Đức Giê-su lập tức loan báo cái chết cận kề của mình. Cuộc Biến hình như thế có liên quan tới cuộc Khổ nạn và Phục sinh. Trong vài tuần nữa, Người cũng sẽ lại đem theo ba ông bạn ấy vào vườn Ghet-sê-ma-ni (x. Mt 26,37; Mc 14,33). Khuôn mặt Đức Giê-su mà họ sắp thấy sáng ngời vinh quang, lúc ấy sẽ đầm đìa mồ hôi máu (Lc 22,44) lãnh đủ bạt tai (Lc 22,64) và phủ đầy đờm rãi (Mt 25,67).
            Trong cuộc đàm thoại “tám ngày trước”, Đức Giê-su cũng đã loan báo cho họ hay chính họ cũng sẽ “vác thập giá theo Người” (Lc 9,23). Rồi còn thêm rằng “một số sẽ không phải chết trước khi thấy Vương quốc Thiên Chúa” (Lc 9,27). “Vương quốc” mầu nhiệm ấy, tức sự biểu lộ vinh quang Thiên Chúa trong bản tính con người, chẳng được bày tỏ trong cuộc Biến hình đó sao? Lạy Chúa, làm sao con dám đi tới niềm vui Phục sinh mà không đích thân đi qua con đường khổ nạn? Mùa Chay này đã chẳng cho con cơ hội hiệp thông vào các đau khổ của Ngài sao?
            Như trong nhiều trình thuật khác, Lu-ca mở đầu câu chuyện với quang cảnh Đức Giê-su cầu nguyện, trước sự hiện diện của ba môn đồ thân tín. Đây là việc Người vẫn làm vào những giây phút quan trọng (x. Lc 3,21; 5,16; 6,12; 9,18.28; 10,21; 11,1; 22,32.41.42; 23,34 46). Và “đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”. Lu-ca rõ ràng tránh từ “biến đổi hình dạng” mà Mt (17,2) và Mc (9,2) sử dụng. Độc giả của Lu-ca đều là những cựu lương dân, có văn hóa Hy-lạp, từng biết đến những “biến đổi hình dạng” (métamorphoses) của các thần minh ngoại giáo (như thần Zeus biến thành con thiên nga hay một trận mưa vàng). Sử dụng một ngôn ngữ bên ngoài xem ra khiêm tốn hơn, ông bảo rằng đang lúc cầu nguyện, dung mạo của Đức Giê-su bỗng “đổi khác”. Trong thực tế, khi nhìn một số người cầu nguyện thật sốt sắng như thầy Bê-na-đô Quin-ta-van-lê, như cha Piô Năm Dấu thánh, có khi ta thấy khuôn mặt của họ như tỏa ra một thứ ánh sáng lạ lùng, ánh sáng nội tâm: cũng là con người ấy, nhưng có một cái gì đó bất thường xuất hiện.
            Trong nền văn hóa của Kinh Thánh, hình ảnh biểu tượng “y phục” đến bổ túc cho nhận xét đầu tiên vừa nêu. Y phục “trắng tinh chói lòa” là “dấu chi” của các hữu thể thiên giới (x. Đn 7,9; 10,5-6); các Ki-tô hữu đầu tiên cũng sẽ luôn mô tả Đức Giê-su phục sinh như vậy (x. Kh 1,13; Lc 17,23; 24,4). Chiếc áo trắng ngày chúng ta chịu phép rửa tội rồi thêm sức, chiếc áo trắng của cô dâu ngày chịu phép hôn phối, chiếc áo trắng của linh mục nơi bàn thánh… đều là những dấu chỉ của Phục sinh, dấu chỉ của các môn đệ được liên kết với vinh quang của Thầy (x. Kh 3,4.5.18; 4,4; 7,9.13).
            Khi gợi lại cho ta hình ảnh Đức Giê-su “có dung mạo đổi khác” nhờ cầu nguyện, Lu-ca muốn khuyến khích ta rằng trong cuộc sống chúng ta, vốn ghi dấu thử thách và thất bại, khổ đau và tội lỗi, chỉ có lời cầu nguyện, vào những giờ phút nào đó, là có thể biến đổi chúng ta. Vì chúng ta cũng “được biến đổi mà phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương” (2Cr 3,18).
            2. Thánh ý của Thiên Chúa
            Và rồi “có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”. Mt và Mc cũng ghi nhận sự hiện diện này, nhưng Lu-ca là người duy nhất cho ta biết đề tài cuộc nói chuyện giữa Đức Giê-su và hai đại chứng nhân Cựu Ước: họ bàn luận về cuộc ra đi, cuộc xuất hành của Người. Chúng ta khó mà nhận thức được Đức Giê-su đã bị viễn tượng cái chết ám ảnh và theo đuổi đến độ nào, cái chết mà Gio-an gọi là cuộc “vượt qua” của Người (x. Ga 13,1) còn Lu-ca thì gọi là cuộc “siêu thăng” (Lc 9,51; 24,51). Đức Giê-su là con người tự hy tế: Người biết tại sao mình đã đến và sẽ đi về đâu: đi về cùng Cha, “vào trong vinh hiển ngang qua cái chết”, theo như ý định của Thiên Chúa, lôi cả nhân loại theo mình. Mầu nhiệm vượt qua của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem tóm kết tất cả lịch sử nhân loại, tóm kết số phận của riêng tôi: muốn hay không, ý thức hay không, tôi cũng phải theo con đường dẫn tôi về cùng Thiên Chúa ngang qua cái chết, cũng ở trong tình trạng “xuất hành” rời mảnh đất nô lệ về miền đất hứa ban. Mở đầu mùa Chay ngày Lễ tro, Giáo hội đã nhắc ta chớ quên số phận của mình: “Người ơi hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro!” Nhưng cuộc Hiển dung biến đổi định mệnh tất yếu này thành viễn tượng vinh quang: hóa thành tro bụi, chúng ta đi về cùng Thiên Chúa.
            Tuy nhiên, lúc này đây, đứng trước linh kiến lạ lùng mà họ đang mục kích, các Tông đồ một lần nữa không hiểu. Họ ở trong một thứ ánh sáng lờ mờ, nửa mê nửa tỉnh, ăn nói lung tung. Chính khi tất cả chấm dứt, lúc Mô-sê và Ê-li-a ra đi, họ mới nhập vào cảnh tượng, ấp úng phát biểu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!” Rồi tự nguyện dựng ba cái lều cho Đức Giê-su, cho Mô-sê và cho Ê-li-a. Hai nhân vật, như đã nói, là hai đại chứng nhân của Giao ước cũ. Cả hai tiêu biểu đầy đủ và trọn vẹn cho Lề luật và Ngôn sứ. Cả hai là những con người của núi Xi-nai, từng được thị kiến trên đó Đấng Khôn Tả (x. Xh 33,18-22; 1V 19,9-14). Cả hai đều đã đau khổ vì sứ mệnh trước khi được trở về với Thiên Chúa cách nhiệm mầu vinh quang. Sự hiện diện của họ bên cạnh Đức Giê-su xác nhận Người là Đấng làm cho các lời tiên báo được ứng nghiệm, các tiền ảnh (mà Mô-sê và Ê-li-a là tiền ảnh tiêu biểu) được hoàn thành. Chính vì thế, lời Chúa Cha nói về Đức Giê-su sẽ ám chỉ Tôi Trung đau khổ trong I-sai-a.
            “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn”. Nơi đây, Mát-thêu và Mác-cô sử dụng từ “Con yêu dấu”. Những tay duy lý sính lịch sử sẽ hỏi: trong thực tế, Chúa Cha đã nói thế nào? Các Tin Mừng chẳng chút ưu tư trả lời kiểu tò mò như vậy. Lu-ca thích từ “được chọn” là có chủ ý. Nó quy chiếu về nhiều đoạn của I-sai-a, trong đó nó chỉ nhân vật bí ẩn “Tôi Trung Đức Chúa” (x. Is 42,1; 49,7). Vào lúc mô tả cuộc đóng đinh, Lu-ca sẽ lại sử dụng từ này (x. Lc 23,35) để nói lại rằng Đức Giê-su chính là Tôi Trung được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện ý định cứu độ của Người, kinh qua đau khổ ô nhục.
            Chúng ta cũng đã được tuyển chọn qua phép rửa để phục vụ Thiên Chúa và mọi người. Nhưng con đường phục vụ không thể không qua đau khổ, vì không đau khổ, không bỏ mình thì không thể yêu thương. Và càng không thể vào Thế giới của Yêu thương, Vương quốc của Thiên Chúa, nơi “người công chính sẽ chói lọi như mặt trời” (Mt 13,43). Muốn biến hình vinh quang,  phải chấp nhận biến dạng đau khổ là vậy!


 

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây