Chiến đấu suốt đời

Thứ sáu - 04/03/2022 19:19 425 0
 
CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM C: LC 4,1-13
 
 
 
           
 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”.
           
 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”. Đức Giê-su đáp lại: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
            
Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.
            
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.

 
CHIẾN ĐẤU SUỐT ĐỜI
            
Một hôm, thánh Ephrem (306-378) trải qua một giấc mơ kỳ lạ. Ngài thấy mình đi vào một thành phố dâm loạn. Trên cửa thành, có một con quỷ hình như đang ngủ. Lâu lâu nó mới nhướng mắt lên. Ra khỏi thành, thánh nhân qua một bãi sa mạc và gặp một vị ẩn sĩ bị rất nhiều tên quỷ vây đánh. Ngạc nhiên, thánh nhân nói với lũ quỷ: “Chúng bây không xấu hổ à? Ở đây chúng bây điên cuồng đánh phá một người; còn đằng kia, trong thành phố lớn, chỉ có một thằng đang ngủ gà ngủ gật”. Lũ quỷ đáp lại: “Trong thành phố đó, không có việc gì để làm; một đứa chúng tôi canh giữ cũng chẳng cần thiết nữa là. Trái lại ở đây, chúng tôi còn quá ít đấy, vì vị ẩn sĩ này đã gây cho chúng tôi nhiều tổn thất”.
           
 Có thể nói đấy cũng là quang cảnh xảy ra nơi hoang địa, khi Đức Giê-su đi vào đó sau biến cố đổi đời ở sông Gio-đan, biến cố khiến Người được tấn phong làm ngôn sứ, được Thánh Thần tràn ngập! Nay bắt đầu sứ vụ, Người cảm thấy cần phải rút lui vào nơi hoang vắng, để cầu nguyện, suy nghĩ, chọn lựa các “phương tiện” sẽ sử dụng cho sự nghiệp mình. Không có công trình nhân loại lớn lao nào, cuộc sống thiêng liêng đích thực nào mà chẳng phát xuất từ những tháng ngày suy tư trong quạnh quẽ, thinh lặng nội tâm.
            
Theo Lu-ca, “cám dỗ” của Đức Giê-su kéo dài suốt 40 ngày lưu trú hoang địa. Thời gian cầu nguyện cũng là thời gian “thử thách”. Từ này nêu bật khía cạnh tích cực của cám dỗ. Khi dạy chúng ta cầu xin Thiên Chúa “chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”, Đức Giê-su không gợi ý với ta là sẽ thoát các cơn cám dỗ, song là thắng chúng, là chẳng bị sự dữ đè bẹp, thống trị. Người đã kinh nghiệm cách khắc khổ rằng thử thách hữu ích, vì có thể giúp tình yêu lớn lên: các cơn cám dỗ của riêng Người sắp làm nổi bật lòng Người “trung thành” với Thiên Chúa.
          
  1. Cám dỗ thỏa mãn thân xác
           

 Thử thách đầu tiên liên quan đến thể xác. Đức Giê-su khổ vì đói sau khi đã không ăn gì cả! Dạ dày cồn cào… đau đầu chóng mặt… Trong hầu hết các tôn giáo lớn đều có thói quen “chay tịnh” tự ý này. Nền văn minh hiện đại của chúng ta chắc hẳn là nền văn minh duy nhất trong lịch sử từ khước kinh nghiệm tôn giáo phổ quát đó. Phải thụ hưởng, người ta nói thế. Sao lại nhịn? Làm vậy có chắc cải thiện “chất lượng cuộc sống” không? Nhưng khi một con người thả cửa trong chuyện tính dục hay ăn uống, y có nguy cơ đánh mất một cái gì đó thiết yếu: sự “tự chủ”! Lúc ấy y trở thành một hữu thể nhu nhược, thiếu nghị lực, nô lệ các bản năng sơ đẳng nhất. Phần Đức Giê-su, Người cho ta ở đây hình ảnh một hữu thể mạnh mẽ, có khả năng từ bỏ chính mình, “ăn chay” tự ý.
            
“Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” Cám dỗ cơn đói từng là cám dỗ dân Ít-ra-en trải qua trong hoang địa. Cám dỗ “no thỏa” nầy cũng là cám dỗ của mọi con người. Chúng ta đều biết rõ các ham muốn thể xác của mình. Tự thân chúng là tốt. Thiên Chúa đã đặt chúng trong ta mà! Đó là bản năng sinh tồn và bản năng truyền sinh. Nhưng chúng có thể dễ trệch đường, trở thành những bạo chúa đòi hỏi (sống để ăn thay vì ăn để sống, tìm lạc thú tình dục bất chấp luân lý hôn nhân). Xã hội tiêu thụ bao quanh ta đang gia tăng quyền lực của chúng. Kỹ nghệ quảng cáo đang giới thiệu những gì thỏa mãn chúng, đôi khi cách trâng tráo sống sượng như khúc nhạc truyền hình này: “Hãy đến với (bia) Carlsberg, đem tin yêu hạnh phúc cho thế giới hôm nay. Hãy đến với Carlsberg, bao đắm say” (sic!).
           
 Để chống trả, Đức Giê-su đáp lại: “Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh”. “Con người”, đó là nỗi đam mê của Đức Giê-su! Người đã đến trong nhân tính để phát triển mọi giá trị, mọi chiều kích của con người. Hôm nay Người lặp lại với ta: hỡi con người, ngươi đâu chỉ sống nhờ bánh! Đừng giản lược ngươi xuống những mức độ sơ đẳng nhất của ngươi! Phải chăng ngươi chẳng có nhu cầu nào khác ngoài nhu cầu ăn uống, nhậu nhẹt, hưởng thụ?
          
  2. Cám dỗ thi thố quyền lực
            
Trình thuật này hiển nhiên không phải là “thiên phóng sự” của một nhà báo đang mô tả hay quay phim một sự kiện. Đây là một trang thần học, tóm tắt và tổng hợp cách biểu tượng “mọi hình thức cám dỗ mà Đức Giê-su đã “thực sự” gặp phải suốt đời. Cám dỗ thứ hai này chẳng hạn, cám dỗ “quyền lực trần thế”, rõ ràng đã không ngừng tấn công Đức Giê-su. Người đã phải thường xuyên chống lại sức thu hút của “chủ nghĩa thiên sai trần thế” mà kẻ đương thời muốn lôi Người vào: một đấng Mê-si-a chính trị, một ông vua trần đời theo kiểu Đa-vít, cầm đầu phái Quá khích (Nhiệt thành, Zê-lốt) chống lại quân xâm lược Rô-ma, tái chinh phục “vinh quang” và “quyền lực” (x. Ga 6,15). Ngay từ ngày đầu trong hoang địa, và cho đến hơi thở cuối cùng, Đức Giê-su đã từ chối vương quyền này, để trở nên “Kẻ nghèo”, “Tôi tớ” (Ga 13,1-20). Cám dỗ “quyền lực” (thống trị, áp đặt, lợi dụng) này cũng là cám dỗ của ta. Nó phát xuất và là sự lệch lạc từ bản năng thứ 3 cũng do Thiên Chúa đặt vào trong ta, là bản năng thúc đẩy ta tìm sự công nhận của kẻ khác.
            
Trước các cuộc tấn công của Sa-tan, Đức Giê-su đáp trả ba lần bằng Kinh Thánh (Đnl 8,3; 6,13; 6,16). Vì Người đang sống lại nơi bản thân mình những cám dỗ dân Ít-ra-en đã trải qua suốt “bốn mươi năm” trong hoang địa: cám dỗ đòi bánh ăn (Xh 16), cám dỗ thờ ngẫu thần (Xh 32) và cám dỗ yêu cầu phép lạ (Xh 17). Cám dỗ của Ít-ra-en, cám dỗ của Đức Giê-su, cám dỗ của toàn thể nhân loại, cám dỗ của chúng ta: đó là ngờ nghi Thiên Chúa vì Người chẳng chịu tỏ mình… và đặt niềm tín nhiệm vào những “thần khác”.
            
Không gì khác ngoài Thiên Chúa, Đức Giê-su đáp! Lạy Chúa Giê-su, con muốn theo Ngài từ khước tin tưởng và sùng bái lạc thú, tiền của, quyền lực, các “ý thức hệ chính trị”… để chỉ tôn thờ Thiên Chúa thôi. Trần thế không xấu xa, nhưng biến nó thành “tuyệt đối” là một ảo tưởng bi thảm. Đức Giê-su là Đấng giải thoát ta khỏi các “thần giả” phỉnh gạt.
           
 3. Cám dỗ ỷ lại Thiên Chúa
            
“Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống… Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ… tay đỡ tay nâng…”. Đây là cám dỗ lớn lao mà Đức Giê-su liên tục nếm trải suốt cuộc sống công khai của mình: “làm phép lạ đi… hãy ban một dấu chỉ trên trời… cho thấy ông là Thiên Chúa… hãy dùng quyền năng phép tắc để chứng minh ông quả là Đấng Mê-si-a được trông đợi… xuống khỏi thập giá coi nào!” (Lc 11,29; 11,6; 21,7; Ga 2,18; 6,30; 12,37; Mt 27,42-43). Chúng ta, cũng chẳng tiếp tục xin Thiên Chúa những điều ấy sao?
            
Lu-ca đã chuyển cám dỗ ở Giê-ru-sa-lem này qua vị trí thứ ba (vốn là thứ hai trong Mt), nhằm nêu bật một kiểu tiến triển. Vì chính tại Giê-ru-sa-lem mà Đức Giê-su sẽ chịu thử thách nặng nề nhất, chịu cơn cám dỗ nguy kịch nhất là ước mong thoát chết: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con” (Lc 22,42). Trong thực tế, Đức Giê-su đã chẳng được các thiên thần “bảo vệ”, chân Người đã lắm phen “vấp vào đá”. Vì Người chẳng bao giờ sử dụng thần lực để thoát gánh nặng khủng khiếp của “thân phận phù du”. Người đã từ khước các “phương tiện ly kỳ ngoạn mục” để thi hành sứ mệnh, song lại chọn những “phương tiện nghèo nàn”. Chính nhờ trọn vẹn vâng lời đến độ cảm thấy như bị “Cha bỏ rơi” (Mt 27,46) mà Người sẽ cho thấy mình chính là Con Một. Người sẽ được “cứu khỏi cái chết” nhờ cuộc Phục sinh, nhưng chỉ sau khi đã sống yêu thương “cho đến cùng”. Thành thử chúng ta chớ ngạc nhiên khi đến phiên mình cảm nghiệm cùng một cám dỗ bi thảm, cám dỗ lớn lao hơn hết, cám dỗ tưởng “Thiên Chúa bỏ rơi”, cám dỗ của chủ nghĩa vô thần: “Nếu có một Thiên Chúa tốt lành, tôi đã chẳng gặp thử thách như vậy!”
            
Nhưng Đức Giê-su thì nói: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Thử thách Thiên Chúa, buộc Người theo ý muốn của chúng ta, đó là việc chúng ta thường làm: “Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, nếu tôi thật là con của Ngài, thì Ngài phải cho tôi lành bệnh, phải cho tôi thi đậu, phải giải thoát tôi khỏi thử thách… nếu Chúa không thỏa mãn mọi điều kiện của tôi, tôi sẽ chẳng quan tâm đến Ngài nữa, Ngài chẳng còn hiện hữu đối với tôi nữa”. Ta biết lối đặt vấn đề như thế là nguyên nhân của phần lớn các cơn khủng hoảng tinh thần và của nhiều cuộc rời bỏ đức tin hiện nay.
            
Nhưng ta tin rằng Đức Giê-su, người đầu tiên chiến thắng cám dỗ ấy bằng cách vững chãi trung thành với Chúa Cha, dù phải chịu “đóng đinh thập tự”, hằng ở với ta luôn mãi.


@font-face {font-family:"Cambria Math"; panose-1:0 0 0 0 0 0 0 0 0 0; mso-font-charset:0; mso-generic-font-family:roman; mso-font-pitch:variable; mso-font-signature:-536869121 1107305727 33554432 0 415 0;}p.MsoNormal, li.MsoNormal, div.MsoNormal {mso-style-unhide:no; mso-style-qformat:yes; mso-style-parent:""; margin:0cm; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman",serif; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";}p.MsoFootnoteText, li.MsoFootnoteText, div.MsoFootnoteText {mso-style-unhide:no; mso-style-link:"Footnote Text Char"; margin:0cm; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman",serif; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";}span.MsoFootnoteReference {mso-style-unhide:no; mso-style-parent:""; vertical-align:super;}p {mso-style-priority:99; mso-margin-top-alt:auto; margin-right:0cm; mso-margin-bottom-alt:auto; margin-left:0cm; mso-pagination:widow-orphan; font-size:12.0pt; font-family:"Times New Roman",serif; mso-fareast-font-family:"Times New Roman";}span.FootnoteTextChar {mso-style-name:"Footnote Text Char"; mso-style-unhide:no; mso-style-locked:yes; mso-style-link:"Footnote Text";}.MsoChpDefault {mso-style-type:export-only; mso-default-props:yes; font-size:10.0pt; mso-ansi-font-size:10.0pt; mso-bidi-font-size:10.0pt;}div.WordSection1 {page:WordSection1;}



 

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây