CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 14,1.7-14
Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa; họ để ý dò xét Người.
Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên mới nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Rồi Đức Giê-su nói với ông chủ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
BÀN TIỆC CỦA THIÊN CHÚA
Có lần hoàng đế Napoléon dẫn một ông vua ngoại quốc đi thăm một nhà tù ở thành phố Toulon (miền Nam nước Pháp). Vì muốn tỏ một cử chỉ quý mến đặc biệt, hoàng đế nói với vị thượng khách: “Ngài có thể tùy ý ân xá bất cứ tên tù phạm nào”. Ông vua bèn hỏi chuyện với nhiều tù nhân, nhưng không thấy một ai đáng ân xá. Hết thảy đều kêu rằng mình oan ức và bị bạc đãi. Rốt cuộc, vua tìm thấy một tội nhân, một kẻ khốn nạn chỉ nói được rằng: “Ôi, tâu Bệ hạ! Tôi tội lỗi nhiều và rất cảm kích vì không bị hình phạt nặng hơn”. Vua lập tức ân xá cho hắn mà rằng: “Anh là người duy nhất tôi thấy có cái gì cần được tha thứ. Anh được ra tù theo ân huệ đặc biệt của Hoàng đế anh”.
Câu chuyện trên đây giúp ta hiểu bài học của trang Tin Mừng hôm nay, bài học mà Đức Giê-su đã đưa ra “một ngày sa-bát kia, nhân khi đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa”. Là đồ đệ của Phao-lô, Lu-ca thường cố gắng phá vỡ hình ảnh quá đơn giản hóa về một Đức Giê-su chống lại Biệt phái (Pha-ri-sêu) hoàn toàn. Đức Giê-su không tiên thiên “chống” ai cả. Đó là một con người tự do, giao du với đủ mọi hạng: thu thuế và tội nhân (Lc 7,34) cũng như Biệt phái (Lc 7,36; 11,37). Lu-ca ghi nhận rằng đó là một ngày sa-bát. Ngày ấy, các bữa ăn có một tầm quan trọng đặc biệt. Sau buổi cầu nguyện cộng đồng dài, bữa ăn này sang trọng hơn, vui vẻ hơn bữa ăn những ngày làm việc. Thật thế, vì ngày sa-bát buộc nghỉ, mọi thức ăn đều phải được chuẩn bị chiều thứ sáu, “ngày sửa soạn” (Mc 15,42). Như thế, những ai đón tiếp bạn bè đều có thể hoàn toàn sống cho tình bạn, cho việc chuyện trò. Và các “câu chuyện bàn ăn” là một cơ hội để vui tươi và suy gẫm.
1. Chỗ ngồi nào?
“Nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, Đức Giê-su mới nói với họ dụ ngôn này: Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất…”. Trong mọi xã hội, người ta đều thấy có việc chạy tìm chỗ danh giá, luồn lách khôn khéo để ngồi cao. Ngày nay, có hàng nghìn dấu hiệu đặc trưng, không chỉ ở bàn ăn, để khiến cho mình nổi. Từ lối ăn mặc, đời iPhone đến kiểu xe sang trọng nào đó, ngang qua thói học làm sang bằng cách bàn đến những đề tài thời thượng! Dĩ nhiên, Đức Giê-su trước hết không kể dụ ngôn để khuyến khích ta tôn trọng các quy tắc giao thiệp theo lề thói xã hội và giai tầng hay để dạy một mánh lới ngõ hầu được nổi trong bàn tiệc. Người chỉ muốn mời gọi ta khiêm tốn. Nhưng nhất là, theo thói quen, Người nói với chúng ta về “Thiên Chúa”: đâu là điều kiện thiết yếu để được nhận vào Vương quốc của Người.
“Trái lại, khi anh được mời, thì hãy ngồi vào chỗ cuối…”. Vâng, để được vào Vương Quốc Thiên Chúa, điều kiện cơ bản là đón nhận Người và hóa nên bé nhỏ… Và nghịch lý thay, ai tự coi mình “rốt hết” thì sẵn sàng hơn kẻ kiêu căng để đón lấy ơn huệ mình nghĩ không đáng nhận. Chính tội lỗi ta đào sâu trong ta cảm thức căn bản về sự thiếu sót của ta. “Tội nhân” trở về nhà “được công chính hóa”, trong khi kẻ đứng thẳng trước Thiên Chúa phô trương các việc lành để chứng tỏ mình “công chính” thì lúc trở về càng thêm tội (x. Lc 18,9-14). Vì cái đối chọi nhất với ơn cứu độ không phải là tội lỗi song là cảm thức “mình công chính”: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,31). Lấy lại mạc khải này của Đức Giê-su, thánh Phao-lô sẽ cho thấy không ai có thể đòi hỏi ơn cứu rỗi như một quyền lợi, do công trạng của mình, bằng cách chu toàn Lề luật (Rm 3,21-31; Gl 2,16-21). “Hãy ngồi vào chỗ cuối!”, trước thánh Phao-lô, Đức Giê-su đã không ngớt lặp lại điều này. Phải biết mình “yếu đuối”, “nhỏ bé” và “rốt cùng” trước mặt Thiên Chúa, để trọn vẹn tin tưởng vào Người, trọn vẹn từ khước ỷ sức riêng ta (Lc 17,10; 18,10-14). Phải “nên bé nhỏ như trẻ thơ” mới có chỗ trong Nước Trời (Lc 9,48)… Hãy ngồi vào chỗ cuối! Ông chủ sẽ mời bạn lên cao hơn.
“Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”. Bổ ngữ chỉ kẻ hành động (complément d’agent) còn thiếu cho động từ ở thể thụ động (bị, được) nơi đây là chính Thiên Chúa (Thánh Kinh hay có kiểu nói như vậy). Kiêu căng là tội lớn nhất trước mặt Người. Ai tưởng mình đáng hưởng Nước Trời thì không có chỗ trong đó nổi. Cần biết tự hạ ! Thế giới hiện đại không chấp nhận thái độ nầy. Người ta diễn tả nó bằng những từ mang nghĩa xấu: nằm bẹp... đào ngũ... luồn cúi... chịu thua... đầu hàng... Trái lại người ta đề cao sự phát triển, sự nảy nở, sự tăng tiến, sự nổi bật... Tuy nhiên tự hạ hẳn là một điều cao cả đến độ Đức Giê-su, trước khi khuyên nhủ ta điều ấy, đã sống trước rồi… như chính thái độ của Thiên Chúa giữa chúng ta! “Người đã chọn chỗ rốt cùng đến độ sẽ chẳng bao giờ có ai chiếm đoạt của Người chỗ ấy” (x. Lc 22,24-27). Đó chính là ý nghĩa của việc Nhập thể (x. Pl 2,6-8). Nhưng để cất mọi khuynh hướng bệnh hoạn của thái độ ấy, hãy hiểu rằng khi “giành lấy chỗ cuối, chỗ kẻ bị đóng đinh”, Đức Giê-su đã không tự giảm giá trị, đã không kém là “chính mình” : trái lại chính trong thái độ tự hạ nầy, Người đã bày tỏ sự cao cả rất mực của mình cách trọn hảo. Người là Tình Yêu Tuyệt đối, là “kẻ-sống-cho-tha-nhân”, là “kẻ-sống-cho-Chúa-Cha”! Theo nghĩa này, Phục sinh vinh quang không mâu thuẫn với Thập giá ô nhục. Chính sự quên mình trọn vẹn như thế đã khiến Người vinh hiển! Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên!
Bạn thấy đó, chúng ta vượt xa các quy tắc lịch sự bàn ăn đơn giản! Chúng ta được kêu mời đạt tới Vương Quốc Thiên Chúa bằng cách bắt chước Thiên Chúa, Đấng kín đáo, mai ẩn, khiêm nhường, đã tự biến mình thành kẻ rốt hết, tôi tớ của tất cả! Chẳng có chút đào ngũ trong thái độ thần linh ấy. Đó là sự cao cả của Người! Trái lại, chính nhu cầu tự khẳng định mình trước kẻ khác, thống trị họ bằng vũ lực hay cám dỗ, len lỏi chạy chọt để tiến lên hàng đầu, chính bản năng thú vật muốn làm kẻ mạnh số một, những cái đó biểu lộ sự yếu đuối nguyên thủy của chúng ta, tội nguyên tổ của chúng ta: nên như các thần minh… như vị Thiên Chúa dổm được ta gán cho bản năng quyền lực của mình…
2. Khách mời nào?
“Rồi Đức Giê-su nói với ông chủ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối…”. Quanh cùng chủ đề “bàn ăn”, này là một dụ ngôn mới. Dụ ngôn này mời gọi thái độ vô vụ lợi; phải trao ban và phục vụ không đợi đáp đền: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Trái lại anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả” (Lc 6,32-35).
“… hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ”. Đây còn là một trong những nghịch lý ngược dòng đời của Tin Mừng. Những lời thật sự cách mạng! Thật thế, phải biết rằng các loại người được Đức Giê-su kể ra đây, lúc đó đều bị coi là đồ ô nhục. Một kiêng kỵ cổ về lễ nghi cấm những kẻ dị dạng tham dự các nghi lễ tại Đền thờ (x. 2Sm 5,8; Lv 21,18). “Luật Qumran”, đương thời với Đức Ki-tô, cũng quy định: “Không một ai bị coi là nhơ bẩn về mặt con người được vào Cộng đoàn hội họp của Thiên Chúa! Bất cứ ai bị trong da thịt một tì vết rõ ràng, bị thọt bại, đui mù, điếc câm… các kẻ đó không được vào chiếm chỗ giữa Đại hội những người tăm tiếng!” Thế mà theo Đức Giê-su, chính những kẻ bị khinh bỉ, bị tật nguyền ấy là đối tượng Thiên Chúa ưu đãi, mời mọc đến bàn tiệc của Người (x. Lc 14,21). Hỡi kẻ bệnh tật, đau khổ, nghèo đói, bị lăng nhục, bạn được yêu mến! Hỡi kẻ tội lỗi, thẹn thùng, thảm hại, thương tổn, rốt cùng, bạn được mến yêu! Trái tim của Thiên Chúa lớn hơn trái tim chúng ta. Sự yếu đuối của Đức Ki-tô còn mạnh hơn sức mạnh của chúng ta! Khôn ngoan của Nước Thiên Chúa là điên rồ đối với loài người. Phúc cho những ai khiêm nhường, họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp…
“Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Qua việc nhắc đến cuộc phục sinh cuối cùng này, ta thấy các câu chuyện bàn ăn của Đức Giê-su không dừng ở những lời khuyên tầm thường về chuyện mời mọc. Nhưng điều đó không muốn nói rằng chẳng có áp dụng ở mức độ cụ thể. Trong thực tế, các lời của Đức Giê-su nhắm tới ba loại bữa ăn: trước hết là bữa ăn nhân loại: phải chăng nó là cái Đức Giê-su nói với ta? rồi bữa ăn Thánh Thể: nó có phân biệt ngôi thứ không, hay mở ra cho mọi người? cuối cùng là bữa ăn Cánh chung: Thiên Chúa đã dự định thỏa mãn những kẻ tội lỗi, với điều kiện duy nhất là họ ra công yêu mến như Người, không đòi đáp trả.