Chúa Nhật 24 Thường niên năm C

Thứ sáu - 09/09/2022 22:13 186 0
 

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 15,1-10
            
Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi thường đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

           
 “Người nào trong các ông có trăm con chiên mà bị mất một, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất sao? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’. Vậy tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn. Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được ? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất’. Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”
.

 
TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
            
Bài Tin Mừng hôm nay, nếu đọc trọn vẹn, sẽ gồm ba “dụ ngôn nổi tiếng về lòng thương xót”, mà Lu-ca đã gộp lại trong chương 15 của ông: 1) con chiên lạc tìm lại 2) đồng tiền mất tìm lại 3) đứa con đi hoang tìm lại. Xây trên cùng một lược đồ (mở đầu và kết luận của ba dụ ngôn đều giống nhau), cả ba tiến dần trong tư tưởng (một trên một trăm, một trên mười, một trên hai) và đạt tới đỉnh cao ở dụ ngôn thứ ba, vốn có tên truyền thống là “dụ ngôn đứa con hoang đàng” (hay “dụ ngôn đứa con phung phá (của cải)” và tên hiện đại là “dụ ngôn người cha phung phí (tình yêu)”. Tuy nhiên, vì dụ ngôn cuối đã được suy niệm Chúa nhật thứ 4 mùa Chay năm C, nên hôm nay chúng ta chỉ giải thích hai dụ ngôn đầu. Cả hai đều nói lên tình yêu Thiên Chúa và cho thấy tình yêu đó có nhiều đặc điểm.

            
1. Một tình yêu nhắm cá nhân.

           
 Mở đầu bài Tin Mừng là một nhận xét về Đức Giê-su: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Đây là một trong những định nghĩa về Người: “Đấng tiếp đón kẻ tội lỗi”. Và cũng là một mạc khải về Thiên Chúa! Tuy nhiên, nhận xét này nhuốm nét mỉa mai vì đến từ phái Pha-ri-sêu và các kinh sư là những người thường xuyên và thật sự công phẫn vì những giao thiệp của Đấng Cứu thế. Nhưng chính ta cũng có thể hoàn toàn bỏ qua “Tin Mừng” của ngày hôm nay, nếu không khám phá ra rằng Tin Mừng này cũng được nói cho ta nữa. Phải chăng chúng ta là những người Pha-ri-sêu vốn chỉ thấy tội lỗi nơi kẻ khác? Phải chăng chúng ta thuộc số những kẻ bảo rằng: “Tôi chẳng làm gì xấu, tôi là người tử tế, tôi không có tội”. Tuy nhiên, trong Thánh thư đọc hôm nay, Thánh Phao-lô lặp lại với chúng ta rằng: “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1Tm 1, 15).

            
Để trả lời nhận xét, Đức Giê-su kể dụ ngôn con chiên lạc. Người bắt đầu bằng cách nhắc đến kinh nghiệm của thính giả. Anh em nghĩ sao? Nếu là anh em thì sẽ làm gì? Thực tế, không một mục tử nào chịu mất một con chiên cả, nhưng lo lắng tìm lại nó. Thiên Chúa cũng vậy! Trong thực tế, các triết gia từng tạo ra một ý tưởng tĩnh về Người: Hữu Thể bất biến, bất động… Nhưng này đây ta đứng trước một Thiên Chúa đang “động đậy”, đang lên đường “tìm kiếm” cái mình đã mất! Và Đức Giê-su vẽ ra trước mắt ta hình ảnh một cậu mục tử vùng đồi Ga-li-lê đang chạy hết tốc độ, chân trần trên đá, để tìm lại một con vật đã lạc xa khỏi bầy. Cậu thật kiên trì, “tìm cho đến khi gặp”.

            
Cần chiêm ngưỡng lâu giờ vị Thiên Chúa ấy, Đấng được Đức Giê-su mạc khải. Khi người ta yêu, số học chẳng còn như bình thường. Lúc đó, “một” có thể bằng “chín mươi chín”. Hay như nhà thơ nọ đã nói: “Trong tình yêu, tất cả sẽ bằng không nếu trừ một”. Thiên Chúa yêu chúng ta cách cá nhân chứ đâu phải cách chung, cách tập thể. Người yêu mỗi chúng ta bằng một lối đặc biệt. Đối với Người, mỗi cá nhân đều mang một giá trị độc nhất khôn sánh (thiên thần hộ thủ của từng người chính là ý tưởng và tình cảm [đã biến thành ngôi vị] mà Thiên Chúa dành cho người đó). Con chiên duy nhất thất lạc ám ảnh tâm trí người mục tử. Chỉ còn nó là đáng kể thôi. Chẳng ai bị bỏ rơi cả, nhưng luôn được Thiên Chúa kiếm tìm.

  
 2. Một tình yêu vô điều kiện

            
Có thể vì đã ham đùa giỡn, tham ăn uống, con chiên nay lạc mất. Người mục tử không quan tâm đến lỗi lầm này. Anh ta chẳng thốt lên: “Cho đáng đời nó!” rồi bỏ mặc. Nhưng trái lại “băng rừng lội suối, đạp tuyết dầm sương, trèo mương qua đèo” để tìm lại con vật hư hỏng dại dột. Đứa con thứ (trong dụ ngôn thứ ba) đã bỏ nhà đi hoang. Đến khi khánh tận tài sản, thân tàn ma dại, nó đã mò về nhà cha với ý định đê hèn (xin làm người giúp việc để có cơm ăn, chứ chẳng hối hận gì ráo). Người cha biết thế nhưng chẳng coi sao. Ông đã lập tức trả lại chức vị “quý tử” cho nó cùng với bao quyền lợi đi kèm. Thiên Chúa không yêu chúng ta với điều kiện chúng ta phải luôn tốt lành, chẳng lạc xa vào đường tội lỗi. Người yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta bỏ đi khỏi Người, khỏi nhà Người, khỏi cộng đoàn của Người. Yêu đến độ lên đường tìm kiếm chúng ta! Không cá nhân nào, dù tội lỗi đến đâu, bị Người cho là “đồ bỏ”. Chẳng một ai vĩnh viễn “lạc mất”, vì “được tìm kiếm” liên tục bởi Đấng yêu mình. Thiên Chúa không bằng lòng chờ đợi kẻ tội lỗi trở lại. Người đi tìm kiếm y. “Khi con ra đi tìm Chúa, thì con thấy Chúa đang kiếm tìm con!” (Yehuda Halevi). Thiên Chúa chúng ta là thế đấy! Một Thiên Chúa tiếp tục nghĩ tới những ai đã bỏ Người, một Thiên Chúa luôn yêu những kẻ chẳng yêu Người, một Thiên Chúa đau khổ vì con người chúng ta tội lỗi lầm lạc! Nghe bài thơ sau đây của một tù nhân gởi một bạn tù (trích trong tạp chí Cor Unum bằng tiếng Pháp của Tu hội đời Thánh Tâm Chúa Giê-su), ta sẽ hiểu rõ:


            Nếu trong thế giới dễ lạc đường này, tư tưởng bạn vấp ngã,
            Hãy để tình yêu, câu đáp duy nhất, hướng dẫn bước chân.
            Chân lý lớn lao này: có một tình yêu toàn năng,
            Tôi xin nói: lắng nghe đi, chân lý đó cũng có giá trị cho bạn!
            Khi theo dòng đời, một vài tâm trí lầm lạc,
            Nghĩ tình yêu khó có trong một quả tim riêng lẻ tách xa,
            Bạn chẳng còn là gì, bạn vất vưởng, bạn bị loại ra,
            Tôi xin nói: lắng nghe đi, điều đó không có cơ sở!
            Vì Thiên Chúa hiểu bạn, nên sự thật này hãy nghe cho rõ:
            Người sẽ trung thành với bạn, ở bên cạnh bạn luôn.
            Nếu bạn mở lòng đón nhận tình yêu và sống thành tâm.
            Thì nghe đây, tôi xin nói: Thiên Chúa sẽ dẫn dắt bạn!

3. Một tình yêu vui mừng hoan hỉ
            
“Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai”. Đây là một hình ảnh tuyệt đẹp, một trong những “thánh tượng” đã được Ki-tô hữu sử dụng để mô tả Đức Giê-su ngay tự các thế kỷ đầu: một mục tử hạnh phúc, tươi cười, vác một con chiên trên vai. Phải dừng lại chiêm ngắm từ trong nội tâm hình ảnh này của Thiên Chúa. Chi tiết đơn sơ “vác chiên trên vai” là một nhận xét rất tinh tế của người kể chuyện. Khi một con vật đã đi lang thang nhiều giờ hay nhiều ngày xa bầy, thì nó kiệt lực và chỉ muốn ngủ. Nên quả thật phải vác nó. Và một con chiên thì đâu có nhẹ! Nhất là khi người mục tử cũng đã chạy nhiều giờ trên các ngọn đồi sỏi đá dưới ánh mặt trời chói chang… Anh ta hẳn cũng phải mệt. Nhưng, Đức Giê-su nói, lòng “mừng rỡ”, anh quên nỗi nhọc của riêng mình, bồng nó trong tay rồi vác lên vai, chẳng hề nghĩ tới chuyện quở trách con vật đã khiến mình vất vả.      

            
Chính Thiên Chúa được trình bày cho ta như vậy. Kể ra, hình ảnh này chẳng phải là mới. Tất cả Kinh Thánh từng mô tả Người dưới các nét của “mục tử” (Is 40,11; 49,10 v.v…). Và mỗi Ki-tô hữu hẳn thỉnh thoảng đọc lại Thánh vịnh tuyệt diệu (23/22): “Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”. Niềm vui của mục tử mãnh liệt đến độ anh ta không thể giữ riêng cho mình. Thành thử Thiên Chúa giờ đây là kẻ đang sung sướng và muốn chia sẻ nỗi hân hoan. Chúng ta xa biết bao các Pha-ri-sêu và kinh sư hay càu nhàu! Thiên Chúa vui mừng được tha thứ cho kẻ có tội, vui mừng được cứu rỗi vì Người chẳng biết kết án. Trên trời có niềm vui! Lúc nào vậy? Mỗi khi có tội nhân hoán cải. Một tội nhân duy nhất! Mỗi khi sự ác lùi lại một chút trên trái đất này.

           
 Niềm vui của người phụ nữ tìm ra lại đồng bạc rồi mời bà con lối xóm đến chung vui cũng minh họa thêm cho tình yêu đầy hoan hỉ của Thiên Chúa. Người là thế đấy. Chúng ta chắc còn chưa hiểu đủ bầu khí vui tươi phát xuất tự con tim của Người, bầu khí lan tỏa khắp các Phúc Âm như một “Tin Mừng” và muốn tràn ngập nhân loại “được cứu chuộc”… Dĩ nhiên, như mọi ngôn sứ, Đức Giê-su luôn đòi hỏi hoán cải (Mc 1,15). Và các dụ ngôn chúng ta vừa nghe, dẫu là một lời rao giảng về tình yêu Thiên Chúa, cũng là một lời rao giảng về việc tội nhân cần hoán cải. Nhưng điều được nói với chúng ta cách mạnh mẽ ở đây, đó là Thiên Chúa luôn luôn có sáng kiến “đi tìm” cái đã hư mất. Ta vừa xoay mình lại để lui về với Người thì đã thấy Người chình ình trước mặt. “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta” (1Ga 4, 10). Phải chăng chúng ta sẽ để cho mình được yêu thương? Sẽ tạo cho Thiên Chúa niềm vui ấy? Và đi vào trong niềm vui của Người?


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây