CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 16,19-31
Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đằng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Áp-ra-ham nói: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này có muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được’.
“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, không, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’. Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”
KHÔNG VƯỢT QUA...
Năm 1950, một hội nghị đại diện 17 quốc gia đã bầu bác sĩ Albert Schweitzer (1875-1965, gốc Đức, quốc tịch Pháp, phiên âm tiếng Việt là Anbớt Sutơ) làm “người hùng của thế kỷ”. Hai năm sau, ông được thưởng giải Nobel Hòa bình. Do đâu vậy? Hãy trở ngược lại đời ông. Bước vào tuổi 21, Schweitzer tự hứa với mình là sẽ nghiên cứu nghệ thuật và khoa học cho đến năm 30 tuổi, rồi sẽ cống hiến phần đời còn lại cho những kẻ bất hạnh bằng một hình thức phục vụ trực tiếp nào đó. Và thế là vào sinh nhật thứ 30 của mình, ông gởi thư cho cha mẹ bằng hữu, thông báo mình sắp sửa ghi tên vào đại học y khoa, sau đó sẽ sang Phi châu sống như một bác sĩ thừa sai làm việc giữa đám dân nghèo. Những lá thư này lập tức bị phản đối. Thân nhân bạn bè bảo ông là một người đem chôn giấu tài năng Thiên Chúa đã ban tặng. Vì quả thực Schweitzer là một kẻ đa tài: triết gia lừng danh, thần học gia tăm tiếng, sử gia uyên thâm, nhạc sĩ cự phách… Tuy nhiên ông vẫn khăng khăng thực hiện các dự định của mình. Năm năm sau khi trở thành bác sĩ, ông sang Gabon mở một bệnh viện miễn phí cho dân nghèo. Mỗi khi thiếu tiền, ông trở về châu Âu, đi một vòng biểu diễn đánh đàn pianô. Ông làm việc rồi mất ở Gabon năm 1965, hưởng thọ 90 tuổi. Theo lời ông, một trong những động cơ thôi thúc ông tận hiến chính là do đã suy gẫm về bài Tin Mừng này. Schweitzer nói: “Tôi không thấy tại sao mình lại được phép sống một đời hạnh phúc dư dật đang khi chung quanh mình còn biết bao người quằn quại đau khổ. Có một vực thẳm ngày càng sâu thêm giữa người giàu với người nghèo. Tôi phải góp phần lấp đi vực thẳm đó!”
1…vực thẳm ở đời này
Như Albert Schweitzer, Đức Giê-su đã từng chứng kiến lắm cảnh bất công thời mình và Người đã ra tay chống lại bằng việc làm lời nói. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là một ví dụ tiêu biểu. Nhưng trong dụ ngôn minh họa cô đọng này, người ta nhận thấy ông nhà giàu chẳng có tên: có lẽ để ai nấy trong chúng ta đều có thể nhận ra mình nơi đương sự. Phần người nghèo thì có: tên “La-da-rô”. Anh ta đã là một ai đó trước mặt Thiên Chúa rồi. Và tên mà Đức Giê-su ban cho anh (đây là lần duy nhất một nhân vật dụ ngôn mang một tên cụ thể) thật đầy ý nghĩa: trong tiếng Hip-ri, El’azar có nghĩa là “Thiên Chúa cứu giúp”.
Chúng ta đoán ngay được tay nhà giàu đã phạm tội gì. Ông ta không bị tố cáo đã lấy trộm của người nghèo, đã lột sạch anh này bằng một hoạt động thương mại khéo léo, đã chẳng trả lương cân xứng cho anh, hay đã đối xử với anh tàn tệ… Thậm chí người ta cũng chẳng nói ông đã từ chối bố thí. Tội của ông chỉ đơn giản là không thấy La-da-rô, chẳng bao giờ để ý đến kẻ đầy ghẻ chốc nằm trước cổng nhà mình, đã chấp nhận không hề thắc mắc sự kiện La-da-rô thì quá túng thiếu còn mình thì quá đầy đủ. Ông đã thiết lập giữa ông với người nghèo một vực thẳm ghê gớm, mà “cánh cổng” là hình ảnh tượng trưng minh họa: vực thẳm lãnh đạm dửng dưng, hố sâu chênh lệch tài sản: “Người nghèo thèm được những thứ trên bàn ăn ông nhà giàu rớt xuống mà ăn cho no. Nhưng chỉ được bầy chó đến liếm ghẻ chốc”. Hai vũ trụ song đối. Người giàu sống trong một thế giới khép kín, chẳng vượt qua cửa nhà mình. Y xem chàng ăn mày nọ như một phần trang hoàng cho phong cảnh cuộc sống thế thôi.
Ngày 3 tháng 7 năm 1980, tại São Paolo bên Braxin, Thánh Giáo hoàng Gio-an-Phao-lô II đã áp dụng dụ ngôn này cho toàn thể thế giới hiện đại: “Nhiều đợt sóng dân di cư chen chúc nhau trong các khu ổ chuột tồi tàn, nơi đó lắm kẻ mất niềm hy vọng và kết thúc đời trong cảnh khổ. Nhiều trẻ em, thanh niên, người lớn chẳng tìm đâu ra không gian sống để phát triển đầy đủ các năng lực thể chất và tinh thần của họ, vì bị ném ra đường, nơi làn sóng xe cộ xuôi ngược giữa những tòa nhà bê-tông… Lắm kẻ sống ở nơi thiếu những gì cơ bản nhất, bên cạnh những khu phố đầy đủ tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Thông thường sự phát triển trở thành một phiên bản vĩ đại của dụ ngôn ông nhà giàu và La-da-rô. Việc xa hoa kề cận khốn cùng càng làm rõ nét cảm thức bị tước đoạt của những người xấu số…”. Mẹ thánh Tê-rê-xa thành Calcutta cũng từng nói: “Đối nghịch với bác ái không hẳn là hận thù mà là dửng dưng”.
2. Sẽ không vượt qua vực thẳm ở đời sau
Nhưng này đây, tình thế hoàn toàn đảo ngược. Người nghèo đã ở trong địa ngục trên trần gian (vì có nhiều hoàn cảnh khốn khổ đúng là một địa ngục thật sự), bây giờ anh ta được hạnh phúc. Trong khi người giàu đã được đầy đủ thì nay phải bất hạnh. Ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham với La-da-rô ngồi trong lòng, ông ta xin người “thương xót và sai La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi cho mát, vì mình bị lửa thiêu đốt khổ sở”. Hiển nhiên, chớ nên tìm một mô tả về thế giới bên kia trong các hình ảnh này. Đức Giê-su chỉ sử dụng các lược đồ tư tưởng đương thời thôi. Để thiên hạ hiểu mình, Người không thể nói cách khác. Các hình ảnh bình dân này rõ ràng chỉ muốn nói một chuyện, đó là sự đảo ngược các điều kiện. Giờ đây người giàu cần đến kẻ nghèo, như một châm ngôn của Ý: “Trên dương gian, người giàu sang giúp kẻ nghèo khó. Trên nhà Thiên Chúa, người nghèo khó giúp kẻ giàu sang”.
Nhưng vì tay phú hộ đã không thực hiện vế thứ nhất, nên bây giờ chẳng được hưởng vế thứ hai của châm ngôn. Điều này được chính tổ phụ Áp-ra-ham khẳng định; người còn nói rõ là sự đoạn tuyệt giữa hai hoàn cảnh đã trở thành chung quyết: có một vực thẳm không thể vượt nổi! Qua miệng Áp-ra-ham, Đức Giê-su tái khẳng định lần nữa mối họa của những kẻ giàu và cảnh giác đề phòng nguy cơ của cải vật chất (Lc 12,15-21; 16,9-11). Đối với Đức Giê-su, của cải chứa đựng hai nguy hiểm chết người: 1) Nó khiến tâm hồn khép lại trước Thiên Chúa: người ta bằng lòng với những thú vui khoái lạc trần thế, quên điều chủ yếu là sự sống vĩnh cửu. 2) Nó khiến tâm hồn khép lại trước tha nhân: người ta chẳng còn thấy kẻ khốn khổ nằm ngoài cổng nhà mình.
Và hỏa ngục chỉ là sự nối tiếp tình trạng này: xa Thiên Chúa như đã xa dưới thế, xa người khác như dưới thế đã xa. Vực thẳm dưới âm phủ chỉ là hậu quả của vực thẳm trên trần thế mà mình đã tạo. Một lần nữa, chúng ta nhận thấy chính cá nhân “tự phán xét ngay từ đời này”. Sự trừng phạt khủng khiếp, đó chỉ là khoảng cách người giàu đã đặt giữa mình với Thiên Chúa, giữa mình với tha nhân. Vì Nước Thiên Chúa là tình yêu thông hiệp! Người giàu đã tự kết án chính mình: “cổng nhà” của y đã phân cách hai thế giới nay trở thành “vực thẳm”.
Tôi có xác tín rằng tôi đang tạo thiên đàng hay hỏa ngục cho tôi không, mỗi khi tôi mở lòng cho tha nhân và cho Thiên Chúa hay mỗi khi tôi khép lại trong chính mình? Trái đất là nơi tập sống thiên đàng và hỏa ngục! Ai chẳng yêu thương ở trần gian là tự khiến mình không tham dự “bữa tiệc của Thiên Chúa”, nơi chỉ đi vào những kẻ mở lòng với Thiên Chúa (tự nhận nghèo hèn), những kẻ mở lòng với tha nhân (sống đời phục vụ). Lòng ích kỷ, thói tự do quá trớn, thái độ vô tín ngưỡng của người giàu rốt cục khiến họ “không thể đọc được các dấu chỉ của Thiên Chúa”. Thỉnh thoảng cái chết của ai đó đến nhắc cho họ nhớ rằng việc họ dửng dưng với những điều thiêng liêng thật nguy hiểm, rằng của cải họ không bảo vệ họ được mãi mãi… Nhưng tất cả đều vô ích: vốn đã khiến họ mù quáng trước nỗi khổ của anh em, tài sản cũng khiến họ mù quáng về chính sự mong manh của họ. Họ đầy ứ chính mình, khép kín trong của cải mình…. Đang khi Thiên Chúa thì không bẻ khóa. Người chẳng thể bó buộc ai phải yêu thương.
Chấm dứt bài suy niệm bài Tin Mừng này, chúng ta nên tự hỏi: Ai giàu? Ai nghèo? Vấn đề này nghiêm túc đến độ bạn phải coi chừng nếu áp dụng quá nhanh trình thuật này cho kẻ khác: “Tôi đâu phải ông vua dầu lửa”. Hãy nhìn kỹ tâm hồn bạn. Nó có mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân không? Bạn có nghèo không?