Chúa nhật 27 thường niên năm C

Thứ sáu - 30/09/2022 19:45 800 0
 
 
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 17,5-10
            
Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hại cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.

            
“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’ Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh mà phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”
.

THÁI ĐỘ TÔNG ĐỒ

            Một ông kia tưởng phải lên được thiên đàng do cái thang từ thiện mình xây dựng, nên suốt đời tận tụy cứu giúp người cùng khổ, bênh vực kẻ yếu hèn. Ông tin rằng mỗi khi làm một việc thiện thì thang kia thêm được một nấc, cứ như vậy mãi thì khi chết, ông sẽ có một cái thang rất cao đưa ông lên tận thiên đàng. Rồi một đêm kia, ông chiêm bao thấy mình qua đời và trước mặt mình có một cái thang bắc lên trời thật. Vui mừng quá, ông bèn leo lên, nhưng leo đã đến đầu thang mà thiên đàng vẫn còn xa lắm. Đang khi tuyệt vọng, ông nghe một tiếng than van thảm thiết rằng: “Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi” (Is 64, 5)

            1. Tin tưởng mạnh mẽ
            Thái độ của kẻ “tự bắc thang lên trời” trên đây chính là thái độ bị Đức Giê-su nhắc nhở phải tránh trong phần hai của bài đọc. Bài này hôm nay dạy cho chúng ta biết hai thái độ đích thực khác của một tông đồ, một môn đệ: tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa và khiêm tốn thực hiện công việc của chính mình.
            Bản văn nằm trong phần “tiến lên Giê-ru-sa-lem” của Đức Giê-su. Sau khi đã nói với phái Pha-ri-sêu (Lc 16,1-31) rồi với các môn đệ (Lc 17,1-4), nay Đức Giê-su ngỏ với các “Tông Đồ”. Tước hiệu này (“apostoloi” trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “sứ giả”, “sứ đồ”, “kẻ được sai đi”) chỉ được ban cho Nhóm Mười Hai một lần duy nhất trong mỗi Tin Mừng khác. Nhưng Lu-ca lại sử dụng nó tới 6 lần trong Tin Mừng của ông và 28 lần trong sách Công Vụ. Dưới ngòi bút của vị thánh sử, duy Nhóm Mười Hai có quyền mang ước hiệu đó, vì họ là các chứng nhân chính thức của Tin Mừng Phục sinh cho đến tận cùng trái đất. Họ “thưa với Chúa: Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”. Xin thêm lòng tin, vì nên Tông Đồ không phải là một quyết định thuần túy nhân loại! Làm chứng nhân cho Đấng Phục sinh, điều đó không do chỗ lý trí đã thấy một điều hiển nhiên và buộc phải công nhận một sự kiện lịch sử, nhưng là do một mình đức tin. Chính đức tin mới mở lòng đón nhận các thực tại thần linh, những thực tại có tính chất siêu việt, vượt quá mọi hợp lý tính khoa học. Mà đức tin lại là một “hồng ân của Thiên Chúa”. Vì ai, ngoài chính Thiên Chúa, đã có thể biến đổi các Tông Đồ sau những lúc bỏ chạy thảm thương và chối Thầy bai bải? Ai ngoài Thiên Chúa đã khiến họ trở nên những “chứng nhân” can trường đến độ tử đạo? Không, đức tin chẳng phải là một điều hiển nhiên, một cuộc chinh phục, một cố gắng của lý trí… mà là việc khiêm tốn đón nhận một ân sủng. Điều đó không có nghĩa con người chẳng cần làm gì để cộng tác: “đón nhận” là một hành vi nhân linh tích cực vô cùng… Bạn không phải là ánh sáng. Nhưng nếu bạn đóng kín cửa sổ, thì dẫu có muốn ngập tràn nhà bạn, mặt trời cũng sẽ chẳng vào được bao giờ. Đức tin là một mặt trời. Một “hồng ân” luôn luôn được ban cho tất cả. Nhưng phải mở lòng ra.
            “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hại cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”. Hình ảnh khó quên, đặc trưng của người Do-thái, nằm trong kiểu nói ngược đời của Đức Giê-su! “Hạt cải” là “hạt nhỏ nhất trong mọi hạt” (Mc 4,31). “Cây dâu”, theo châm ngôn của các rab-bi, là cây khó nhổ rễ nhất. Dĩ nhiên Đức Giê-su ở đây không khuyên chúng ta cầu xin những phép lạ giật gân ngoạn mục. Người chẳng bao giờ bứng một cây dâu đem trồng dưới biển cũng như đã lắm phen từ chối hiện thực những “dấu chỉ” kỳ diệu thiên hạ yêu cầu. Qua hình ảnh này, Người mạnh mẽ nói với ta rằng đức tin giúp ta làm điều bất khả, đưa ta tới cùng Thiên Chúa. Một mẩu đức tin nhỏ xíu nhất cũng mạnh hơn mọi công cuộc của con người, vì nó không gì khác là sự tham dự vào sức mạnh sáng tạo của chính Thiên Chúa. Trong thực tế, hiệu lực của đức tin các Tông Đồ sau ngày Phục sinh, chẳng cân xứng chút nào với các khả năng nhân loại nghèo nàn của họ. Là những con người không thế lực, không tài chánh, không tổ chức, không báo chí, không truyền hình, không mạng ỉnternet, không gì hết… nhưng trong thực tế, họ đã đổi dòng lịch sử.
            “Xem kìa: một trinh nữ sinh con, một con người sinh bởi Thiên Chúa, trời ở giữa chúng ta, nhân loại chẳng còn cô độc… Chỉ cần một chút đức tin là bạn sẽ thấy cây cối xuống biển, nghĩa là những kẻ hành khất làm vua, những người quyền thế bị lật đổ, các kho tàng được chia nhau… Xem kìa: nước hóa thành rượu, rượu trở thành máu, bánh hóa ra nhiều, dân không còn đói nữa... Chỉ cần một chút đức tin là bạn sẽ thấy cây cối xuống biển, nghĩa là những kẻ nản chí lại hy vọng, các tội nhân lại chỗi dậy, các ngõ cụt có lối thoát, các cuộc chiến lụi tàn, tình yêu được tái sinh... ”. Một nhà thơ đã viết như thế. Thế giới khủng hoảng ư? Giáo Hội khủng hoảng ư? Cái chết chiến thắng ư?... Xem kìa: nấm mồ của Đức Giê-su đã vỡ tung, trống rỗng. Người đã sống lại. Thần Khí của Người đã thổi khắp thế giới từ hơn hai mươi thế kỷ nay!

2. Phục vụ khiêm tốn
            Thái độ thứ hai của người tông đồ là phục vụ khiêm tốn. Đấy là điều Đức Giê-su muốn nói qua dụ ngôn mà mới đọc, ta đã thấy chói tai, công phẫn. Hoàn cảnh nô lệ tại Palestina thời Đức Giê-su, trong đế quốc Rô-ma thời thánh Lu-ca, ở một vài chỗ trên thế giới thời bây giờ, vẫn là một hoàn cảnh lệ thuộc bi thảm. Nô lệ là “vật sở hữu” của chủ, ông ta không trả lương cho y cũng chẳng cần biết ơn y. Nhưng xin nhớ: chúng ta không có quyền dựa trên những lời này của Đức Giê-su để biện minh cho các thái độ phản xã hội của mình. Khá nhiều đoạn Tin Mừng bênh vực tình yêu, sự chia sẻ, tôn trọng kẻ khác. Thật ra, Đức Giê-su có ý dạy cho chúng ta một chân lý rất quan trọng, đến nỗi đã nói với chúng ta qua những hình ảnh ngược đời ấy, gần như không thể chịu đựng theo các tiêu chuẩn nhân loại hiện thời của chúng ta. “Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì được lệnh (hiểu ngầm: Thiên Chúa buộc) phải làm…”. Đây là điểm Người muốn đi tới. Không phải là bài học về các tương quan xã hội, nhưng là bài học về các tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta gặp lại chỗ này ngữ điệu Do-thái: một động từ ở thể thụ động nhưng không có túc từ tác nhân (complément d’agent), vì muốn hiểu ngầm đó là Thiên Chúa (x. Lc 14,11).
            Đức Giê-su là con người triệt để hướng về Thiên Chúa. Người phá hủy các tham vọng lố bịch của chúng ta. Người đặt thụ tạo lại vị trí đích thực của thụ tạo. Thiên Chúa là tất cả. Tôi chẳng là chi trước mặt Người. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta phải nghe chân lý hiển nhiên đó: Thiên Chúa là “Chủ tể”! Hình ảnh khắc khổ nhưng chân thật, mà chớ nên đem đối chọi với bao hình ảnh khác về Người mà Đức Giê-su đã dùng: một “người cha”, một “người chồng”, thậm chí “một tôi tớ” (x. Lc 12,37). Nghĩa là phải quân bình hai mạc khải: khiêm tốn của tạo vật, dẫn tới lòng kính sợ - và thoải mái của con cái, dẫn tới tình yêu thương. Vâng, lạy Chúa, con chấp nhận đặt mình trước mặt Chúa như một tôi tớ hết sức nhỏ bé, chăm chỉ trung tín thực thi mọi chuyện Chúa truyền, như Đức Ma-ri-a, như bao vị thánh nam nữ: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm bổn phận của mình thôi”. Phải thưa vậy vì Thiên Chúa bao giờ cũng muốn hơn nữa. Nếu khi xong việc phải làm, chúng ta xin Người chuẩn nhận, thì hãy nhớ ngay lúc rất bằng lòng về ta, Người vẫn đòi hỏi quyết liệt. Chính vì tình yêu mà Người muốn chúng ta luôn làm hơn và hơn nữa.
            Phái Pha-ri-sêu rốt cuộc đã tin chắc họ đáng hưởng thiên đàng nhờ các việc lành của họ y như câu chuyện mở màn: có đi có lại! Họ đứng trong tương quan người với người, ngay cả đối với Thiên Chúa. Họ đã chỉ xem Người như một siêu chủ (super-patron) thôi. Thế nhưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Tha (hoàn toàn khác hẳn), Đấng chẳng mắc nợ chúng ta chút nào, Đấng chẳng ai có thể đặt tay khống chế. Muốn có một quyền lực, ma thuật hay không, trên Thiên Chúa là coi Người như một “ngẫu tượng”. Bỏ mình trọn vẹn là thái độ duy nhất đích thực trước Người. Làm tôi tớ theo cách Đức Giê-su chẳng có gì nhục nhã, vì phục vụ Thiên Chúa chính là thống trị!
           

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây