CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 17,11-19
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua biên giới hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong khi đi thì họ được sạch.
Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới hỏi: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
THÓI TRỜI THÓI ĐỜI
Chuyện cổ tích kể rằng một hôm Thiên Chúa mở tiệc thết đãi tôi tớ Người là các nhân đức. Tất cả đều đến và được thưởng thức một bữa thịnh soạn. Bác ái làm quản tiệc. Khiêm nhường ngồi chỗ thấp nhất. Quảng đại cắt thịt mà chẳng cần tính toán to nhỏ chi hết. Nhẫn nại ngồi ăn mà chẳng xét đến việc mình có được tiếp món sau hay không. Tin và Cậy vì đi đôi với nhau nên được xếp ngồi đồng bàn. Mọi người đều vui vẻ. Giữa bữa tiệc, nhận thấy có hai nhân đức đồng bàn không quen biết nhau, Bác ái lấy làm bỡ ngỡ, vì từ trước đến giờ vẫn nghĩ hai nhân đức ấy là một cặp và đã cố ý xếp cả hai ngồi cạnh nhau vì lý do đó. Đi xuống, Bác ái hỏi mỗi nhân đức xem đã nhận ra bạn đồng bàn chưa. Khi hai nhân đức đáp là chưa, Bác ái bèn giới thiệu: “Đây là chị Biết ơn, đây là chị Tử tế”. Cả hai mới bỡ ngỡ nhận ra nhau. Tử tế nói với Biết ơn: “Thiên hạ vẫn bảo chúng ta luôn đi với nhau như bóng với hình. Nhưng khi người ta nhận được lòng tử tế thì lại chẳng tỏ lòng biết ơn. Thực từ trước tới giờ chúng ta chưa gặp nhau có phải là đáng buồn không nhỉ?” Biết ơn đáp: “Thực đáng buồn, rất đáng buồn!”
1. Hồng ân lớn lao
Trên đây là câu chuyện tưởng tượng. Bài Tin Mừng này là câu chuyện thực tế. Nó xảy ra khi Đức Giê-su đang tiến về Giê-ru-sa-lem để sống tuần cuối cùng của mình. Lu-ca nêu bật rằng Người đi qua Sa-ma-ri. Từ khước các quan điểm kỳ thị chủng tộc của kẻ đương thời, Người không ngần ngại băng qua tỉnh bị cư dân Giê-ru-sa-lem tuyệt thông (x. Ga 4,9). Sở dĩ có chuyện này là vì lúc Vương quốc Bắc sụp đổ và cư dân bị lưu đày năm 722, xứ Sa-ma-ri đã được quân xâm lược Át-xi-ri đem một mớ nô lệ đến ở. Nhiều dân tộc đủ nguồn gốc, từ mọi miền bị chuyển tới. Một hỗn hợp chủng tộc và tôn giáo, bị các giới chức ở Giê-ru-sa-lem xem như lũ rối đạo.
Trên mảnh đất bị nguyền rủa này, Đức Giê-su gặp những kẻ bị nguyền rủa hơn cả: những người phong hủi. Theo Kinh thánh (x. Lv 13-14), từ “phong hủi” chỉ mọi thứ bệnh về da, ghê tởm xét theo bên ngoài… chứ không nguyên chỉ bệnh phong theo nghĩa y khoa hiện đại. Kinh thánh còn coi phong cùi là hình phạt của Thiên Chúa, là hình ảnh của “tội lỗi” phá hủy con người, nên thật đáng sợ. Nhưng Đức Giê-su thì đâu có sợ. Người đã đến như sự an ủi Thiên Chúa ban cho những kẻ khổ đau bất hạnh nhất…
“Họ dừng lại đằng xa, và kêu lớn tiếng”. Ngay khi thấy một con người từ xa, thì họ có thói quen… và nghĩa vụ phải làm như vậy. Luật Mô-sê hà khắc đến thế để tránh bệnh dịch lan tràn: “Người phong cùi thì áo xống phải xé tả tơi, đầu để tóc rối, che mình đến râu mép và kêu: Nhơ, nhơ!” (Lv 13,45). Chẳng cần thêm là họ bị cấm cư ngụ trong những chỗ có người, và hoàn toàn loại khỏi các nơi thờ phượng. Đây là hạng khốn khổ nhất trong hạng khốn khổ. Một cái chết về mặt thể lý, xã hội và tôn giáo! Nhưng thay vì kêu báo động, họ lại gọi đích danh Đức Giê-su. Một sự kiện tương đối hiếm hoi trong các Tin Mừng. “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Trong tiếng A-ram, Yeshouah (Giê-su) có nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Cái mà Đông phương Ki-tô giáo gọi là “lời nguyện tắt dâng Chúa Giê-su” chính là câu khẩn nài này, được không ngừng lặp lại: “Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con… Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con…” Lời cầu nguyện mà chúng ta cũng năng lặp lại trong Thánh lễ.
Đức Giê-su không ra tay chữa lành như thường lệ mà chỉ bảo: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Đây cũng là Lề luật (x. Lv 14, 2). Các tư tế là những người duy nhất đủ tư cách xác nhận bệnh lành. Lệnh này của Đức Giê-su thành thử đã được họ hiểu như một lời hứa chữa khỏi. Tuy nhiên ta không thể không ngạc nhiên trước vẻ cứng cỏi của Người. Thay vì cho khỏi tức thời, Người yêu cầu các kẻ khốn khổ đó hãy đi. Và này họ đang đi, luôn mang theo bệnh phong kinh khủng. Tất cả xảy ra như thể Đức Giê-su muốn thử thách lòng tin của họ. Ngôn sứ Ê-li-sa cũng đã bắt Na-a-man người Sy-ri chịu cùng thử thách ấy, khi yêu cầu ông làm một hành vi cá nhân… khiến ông đã phẫn nộ.
Đối với chúng ta hôm nay cũng thế, đức tin đôi khi là thử thách, là vượt qua đêm tối không thấy, không hiểu. Cần phải tin tưởng, dựa lời. Chúng ta xin Thiên Chúa giải thoát. Người hứa sẽ giải thoát một ngày kia. Phần chúng ta thì phải tiếp tục con đường của mình, với duy lời hứa của Người thôi.
Một lần nữa, phép lạ hoàn tất trong sự kín đáo, xa Đức Giê-su: “Trong khi đi thì họ được sạch”. Khía cạnh “giật gân”, lạ thường mà chúng ta rất sính, đã bị cố ý làm cho mờ nhạt. Cũng hãy ghi nhận tính cách tôn giáo của việc chữa lành này. Nó chẳng hề được mô tả dưới khía cạnh y khoa nhưng được trình bày như một sự “thanh tẩy”. Lời xin của các bệnh nhân gần như có tính chất phụng vụ: “Xin thương xót chúng tôi”. Còn Đức Giê-su thì yêu cầu họ “trình diện với tư tế”…
2. Tri ân ít ỏi
Ân huệ thì như thế đó, nhưng lòng tử tế lại chẳng mấy gặp được lòng biết ơn. Chỉ duy một người trở lại “tôn vinh Thiên Chúa”! Anh ta “lớn tiếng, cao giọng” hát ca vinh quang Người, rồi “sấp mình dưới chân” ân nhân! “Sấp mình dưới chân” hay “phủ phục xuống đất”, một cử chỉ mà Ki-tô hữu thời nay chẳng mấy ai làm nữa. Chúng ta có cái bụng quá đầy, quá bự, khó rạp mình xuống sâu. Chúng ta quá tưởng rằng chỉ nhờ bản thân mình, nhờ khả năng mình, nhờ công việc mình thôi, mà mình có được những của cải mình đang đầy ứ. Bạn có bị đánh động bởi hình ảnh những người Hồi giáo hay Phật tử có khả năng gập mình làm đôi trong lúc thờ phượng đến nỗi trán chạm đất không? Một hôm nào đó, hãy thử làm vậy tại nhà, chẳng cần ai chứng kiến. Và trong tư thế kính cẩn ấy, hãy để tư tưởng mình bay xa cho đến lúc bạn phải ý thức: tôi chẳng là gì, tôi đã đón nhận tất cả… Lạy Chúa, con đang ở trước Chúa… con chỉ là hạt cát… là bụi đất trên đất bụi này.
Trong Kinh thánh, phủ phục xuống đất là cử điệu người ta chỉ làm trước Thiên Chúa. Ở đây, bệnh nhân được lành đã “sấp mình dưới chân Đức Giê-su”. Rõ ràng Lu-ca muốn nói Người chia sẻ vinh quang và danh dự của Thiên Chúa: một mầu nhiệm ẩn giấu đằng sau bản tính rất nhân loại của Người! Bệnh nhân đã nhận ra Thiên Chúa trong Người.
Nên anh ta sấp mình để “tạ ơn”. Ai trong chúng ta khi nói “tôi tham dự bí tích Thánh Thể” là bộc phát nghĩ rằng “tôi đi tạ ơn Thiên Chúa”? (Eucharistia = Thánh Thể = Tạ Ơn). Thánh lễ, trước hết đó là toàn thể Giáo Hội đi vào cuộc “tạ ơn” vĩ đại của Đức Giê-su khi “ra khỏi thế gian này mà về cùng Cha”. Được lòng đạo của dân tộc huấn luyện, Đức Giê-su không ngừng tạ ơn Thiên Chúa đã dựng nên thế giới bao la xinh đẹp này do lòng âu yếm, đã ban cho chúng ta muôn điều tốt đẹp (đặc biệt là sự sống và của ăn để sống), đã giải thoát chúng ta, cứu rỗi chúng ta, thông cho chúng ta sự sống đời đời… Hãy nhận chân điều này, vì chúng ta chẳng còn biết nói “cám ơn” Thiên Chúa nữa. Chúng ta buông từ lịch sự nầy về mọi chuyện, mọi nơi, do tập quán, do lề thói, tại bàn cơm, nơi cửa tiệm, trên lề đường… nhưng lại quên mất Đấng phải cám ơn trên tất cả. Đó chỉ vì chúng ta suy giảm niềm tin. Đức tin là bầu khí duy nhất giúp phát sinh và phát triển lời cảm tạ.
Đấy là điều thấy được nơi bệnh nhân phong cùi duy nhất trở lại tìm gặp khuôn mặt ân nhân cứu tử. Anh lui lại để tạ ơn Người và đã được Người xác nhận đức tin! Mà anh ta lại thuộc dân Sa-ma-ri. Thành thử “tên ngoại quốc”, “tên lạc đạo”, “tên đáng khinh bỉ nhất” lại có cử chỉ tự nhiên nhất. Nhưng đối với Đức Giê-su, phép lạ của Người là một thất bại chua xót… vì không sản sinh hiệu quả như Người có quyền chờ đợi: đối với 9 trên 10 bệnh nhân, phép lạ đã chẳng phải giúp phát sinh “đức tin”, điều duy nhất đáng kể đối với Người. Và Đức Giê-su hết sức buồn bã. Cái thật sự phân biệt Ki-tô hữu với những “tín hữu” khác, đó chẳng phải là cầu nguyện, xin ơn và được nhậm lời… nhưng là biết “tạ ơn” qua Đức Ki-tô.