Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm C

Thứ bảy - 15/10/2022 06:48 466 0
 
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 18,1-8

            
Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho’. Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này cứ quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’”.
            
Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”


 
ĐỨC TIN KIÊN NHẪN
 
            
Một cậu bé 15 tuổi ở thành phố Abilene, bang Kansas (Mỹ) bị té rách đầu gối. Đến đêm, vết trầy bắt đầu đau và hai hôm sau thì làm cậu nhức nhối không thể chịu được. Bác sĩ bảo: “Có lẽ chẳng cứu được chân chú bé! E đến phải cưa lìa thôi!” Thấy cậu ngày càng sốt, bác sĩ càng thất vọng, và cho rằng chỉ có phép lạ mới cứu cậu nổi. Thế là gia đình cậu bắt đầu cầu nguyện với Chúa. Đầu tiên là bà mẹ, ông bố và một em trai. Mỗi ngày vài tiếng. Dần dần ba người quỳ bên giường cầu nguyện suốt ngày đêm, chỉ dành giờ làm những việc cần thiết nhất. Đến ngày thứ ba, bốn cậu con trai còn lại cũng cùng cầu nguyện… Sáng hôm sau, bác sĩ ngạc nhiên thấy vết thương bớt sưng và cậu bé đã ngủ được ngon lành. Chỉ 3 tuần sau, Dwight David Eisenhower, tên cậu bé và là vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ (1890-1969), đã đi lại được.

            
1. Lòng nhẫn chiến thắng quan tòa bất chính

          
  “Để dạy môn đệ phải kiên trì cầu nguyện” y như thế, “Đức Giê-su đã kể cho họ dụ ngôn” hôm nay. Thấy họ “thất vọng nản chí”, Người đã phải đỡ nâng tinh thần họ. Chúng ta có lúc cũng bắt đầu cầu nguyện cách quảng đại, đã quyết định để ra một ít thời gian mỗi ngày. Đôi khi lại mua một ảnh thánh đặt trong góc nhà hầu nhắc nhở mình “phải cầu nguyện”. Rồi trong vài ngày hay vài tuần, chúng ta đã lấy một đoạn Tin Mừng và trung thực sống thử… Nhưng đã chẳng có gì xảy ra! Chúng ta chỉ đụng phải sự thinh lặng của Thiên Chúa. Các cuộc giải trí lại xâm chiếm thời gian suy niệm. Do đó chúng ta đã ngừng… Kể ra, có hàng ngàn lý do khiến chúng ta khó cầu nguyện. Tất cả bầu khí của thế kỷ hiện nay chỉ nói với chúng ta về hiệu quả tức thời, về năng suất sản lượng. Khoa học và kỹ thuật đã khiến chúng ta tin rằng con người rốt cục có khả năng làm được mọi sự ngay lập tức. Và rồi bị thói tiêu thụ và tốc độ ám ảnh, chúng ta chạy bở hơi tai, chẳng còn thời gian để dừng… trừ lúc cơ tim nhồi máu! “Bạn biết đấy, tôi phải nghiên cứu, làm việc, giải trí, dấn thân, nên không có giờ cầu nguyện… Sáng Chúa nhật là thời gian nghỉ ngơi duy nhất của tôi… Thông cảm cho tôi chuyện không thể đi lễ… Và vì cầu nguyện cũng vô ích! Bạn thấy đó, Thiên Chúa có nghe lời cầu nguyện của mình đâu! Bất công tiếp tục trên cõi đời này. Vậy tốt nhất hãy tranh đấu chống lại nó cách cụ thể hơn là mất giờ cầu khẩn “Nước Cha trị đến”... vì xem nó chẳng đến bao giờ!”

            
Thế nhưng Đức Giê-su vẫn dạy phải cầu nguyện “luôn luôn… không ngừng… liên tục… chớ nản chí… với lòng can đảm…”. Những công thức này cũng rất thường gặp dưới ngòi bút của thánh Phao-lô, thầy của Lu-ca (x. 2Tx 1,11; Cl 1,3; Plm 4; Rm 1,10; 2Tx 3,13; 2Cr 4,1.16; Gl 6,9; Ep 3,13). Và để giúp ta hiểu điều Người sắp nói, Đức Giê-su một lần nữa, đã chọn một gương mặt hết sức đen đủi. Một quan tòa Đông phương, kẻ duy nhất thi hành chức vụ trong một thành phố nhỏ, bên trên chẳng ai kiểm soát, bên dưới chẳng ai dám động vào, và có thể kéo dài vụ kiện tùy thích. Một tay bất chấp thần lẫn quỷ, và khinh bỉ hết mọi người.

           
 Đối diện với ông là một “bà góa”, biểu tượng của những kẻ nghèo vô khả năng, không phương tiện, bị bỏ mặc cho “kẻ thù” giàu có bóc lột đàn áp… một “phụ nữ” thiếu chỗ dựa pháp lý, không chồng để được trọng… Rồi chỉ trong vài tiếng, chân dung của con người ích kỷ vô tâm được mô tả. Nếu ông có lúc làm điều thiện, “trả lại công lý”, thì ta chớ ảo tưởng, chớ tưởng tượng rằng đó là do lòng tốt. Đơn giản là vì một tình cờ may mắn đã khiến điều thiện của người khác trùng với cái lợi riêng của ông. Ông luôn luôn hành động “vì mình”. Khi bôi đen bức tranh với một sự mỉa mai tàn bạo đến thế, Đức Giê-su muốn đẩy lối minh chứng cho đến cùng. Mọi người đều chấp nhận việc tên độc địa ấy đã có thể nhận lời của một phụ nữ khốn khổ bị y khinh bỉ… chỉ vì bà đã không ngừng “làm y nhức đầu nhức óc”.

            
2. Đức tin lay chuyển Thiên Chúa từ nhân

            
Viên quan tòa bất chính mà còn như thế, thì “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu Người sao?” Một dụ ngôn kiểu tương phản là vậy: bài học phải lấy trong cái đối nghịch với gương mẫu. Quan tòa bất chính (1) thật vô tâm. Ông từ chối (2) xét xử đã lâu ngày. Rốt cục, vì ích kỷ, ông phải nhượng bộ cho một bà góa nghèo (3) vốn chẳng là gì đối với ông… để bả ngưng quấy rầy ông. Huống chi Thiên Chúa, Đấng trái lại vô cùng (1) nhân hậu, Người sẽ xét xử (2) lập tức cho các kẻ đã được Người (3) thương chọn mà biết kêu cầu Người. Nếu một con người hung dữ và “sống chết mặc bây, chuyện rầy ta tránh” như thế rốt cục đã nghe tiếng van xin, thì Thiên Chúa còn nhạy hơn biết bao với lời cầu nguyện của những kẻ nghèo!

            
“Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”, Lu-ca đã bạo dạn trích dẫn cho ta câu này của Đức Giê-su chính vào lúc Người sáng suốt ý thức mình đang tiến đến chỗ bị kết án bất công bởi những quan tòa bất chính. Một khẳng định xem ra ngược đời. Khi phàn nàn mình không được nhậm lời, khi bảo rằng bất công tiếp tục ngự trị trên thế giới, chúng ta chẳng được kêu mời thanh lọc ý tưởng chúng ta có về sự toàn thắng của công lý sao? Sự toàn thắng của Thiên Chúa, sức mạnh của Thiên Chúa, phải được thực thi cách khắc hẳn với những gì chúng ta chờ đợi. Chúng ta luôn luôn bị cám dỗ thích các quan niệm nhân loại thiển cận của mình hơn các quan niệm của Thiên Chúa. Việc cầu nguyện của chúng ta thường giống như một kiểu đòi nợ, qua đó chúng ta buộc Thiên Chúa vâng lời chúng ta. Một Thiên Chúa “tự động phân phối” như thế là một thần tượng dổm: Người sẽ giống cái máy nhả ra cho bạn một thỏi sôcôla sau khi bạn đút một đồng tiền vào! Lúc có cảm tưởng không được nhậm lời, chúng ta được kêu mời hiệp thông với Đức Giê-su, Đấng đã được nhậm lời cách khác! “Xin cho chén này xa khỏi con…”. Chén đau khổ đã không xa. Nhưng qua cái chết của mình, Người đã đi đến niềm vui của sự sống lại. Vì do kinh nghiệm, chúng ta cũng biết rằng điều mình xin Thiên Chúa chẳng luôn luôn là điều tốt nhất. Chúng ta sẽ thế nào nếu mọi ý thích thất thường ấu trĩ của chúng ta đều được nhậm? Chúng ta giống như mọi sinh vật, mọi cây cỏ: phải có nhịp điệu của tứ thời, sự luân phiên của mưa nắng, và thậm chí cả những trận cuồng phong giông bão, để lớn dần từ hạt lên hoa rồi trái. Sẽ nên thế nào một hạt giống từ chối mọi thử thách suốt thời gian tăng trưởng mà muốn được gặt ngay sau ngày gieo?

            
“Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”. Với điều kiện họ có niềm tin. Thiên Chúa đôi khi xem ra giả điếc như ông quan tòa bạo ngược, bởi lẽ sự van nài của chúng ta thiếu phẩm chất. Chúng ta quấy rầy và lay chuyển được Thiên Chúa với duy một phương thế: sức mạnh của đức tin mình. Có một mối tương quan chủ yếu giữa Thiên Chúa với con người: đức tin. Tự đức tin xuất phát tình yêu, tin tưởng và cầu nguyện. Thiên Chúa không muốn làm kẻ điếc nhưng muốn làm nguồn mạch đức tin chúng ta, vì một lời cầu nguyện thiếu đức tin chẳng thấu đến tai Người. Chúng ta van nài không phải để làm xiêu lòng Thiên Chúa nhưng để đi tìm đức tin tận đáy lòng chúng ta, để đức tin vọt lên thành sức mạnh cho đến khi nó thốt lên tới Thiên Chúa những lời cầu nguyện Người nghe được, những lời cầu nguyện của niềm tin. Lời cầu nguyện ở đây xuất hiện như hai thứ kiên nhẫn: kiên nhẫn của Thiên Chúa và kiên nhẫn của con người. Được đức tin nuôi dưỡng, tiếng van nài của chúng ta rốt cục soi sáng cho chúng ta về Thiên Chúa và về chúng ta, đưa chúng ta đi vào các quan điểm của Người.

            
Nhưng có được như vậy chăng? “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” Thay vì những “kẻ tin” biết ngày đêm khẩn cầu lòng tốt của Thiên Chúa, Đức Giê-su lại đụng phải những “kẻ thông tin” chẳng cầu nguyện đêm lẫn ngày. Phải chăng sẽ tới ngày người ta thậm chí chẳng còn tự hỏi xem Thiên Chúa có nhận lời cầu nguyện không, vì sẽ chẳng còn lời cầu nguyện nữa? Đức Giê-su đau đớn vì gần đến giờ chết, mà Người đã chẳng nhận được đức tin của dân Người chọn. Người thật sự lo âu trước thái độ thiên hạ từ chối sứ vụ Người và sứ điệp Người. Chính những kẻ được chọn cũng gặp mối nguy bỏ tin, bỏ đạo. Việc tuyển chọn ngày chịu phép rửa đâu phải là một bảo đảm. Việc sống trong cộng đoàn Giáo Hội một thời gian nào đó chẳng có nghĩa là người ta sẽ không trở thành vô tín. Phải chăng tôi sẽ còn có đức tin ngày mai? Ngày tôi chết? Ngày Đức Giê-su đến gặp tôi? Tôi sẽ làm gì, ngay từ hôm nay, để nuôi dưỡng đức tin tôi. Phải chăng tôi sẽ luôn cầu nguyện?

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây