Bí quyết trường sinh

Thứ sáu - 06/08/2021 04:50 147 0
 
CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN NĂM B : GA 6,41-51

            


Khi ấy, người Do-thái xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói : “Tôi là bánh từ trời xuống”, Họ nói : “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : “Tôi từ trời xuống?”.
            
Đức Giê-su bảo họ : “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. 
                           

BÍ QUYẾT TRƯỜNG SINH
            
Sau khi Tần Thủy Hoàng (Doanh Chính) lên ngôi đế liền mơ mộng ngay đến việc truyền ngôi báu cho dòng tộc mình đến muôn đời. Chính vì vậy mà ông hết sức sợ hãi cái chết. Nhưng sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên, chưa ai trốn thoát được. Bởi thế, Tần Thủy Hoàng tìm cách kiếm linh đan thần dược trong thuật trường sinh bất lão để mong thoát khỏi sự uy hiếp của tử thần. Ông sai cận thần là Lư Sinh đi tìm thuốc tiên song không gặp, sau đó lại phái Từ Phúc dẫn theo vài ngàn đồng nam đồng nữ vượt biển tìm linh đan. Thế nhưng Tần Thủy Hoàng đế đã nhắm mắt qua đời ở tuổi 50 cường tráng. Tiếp theo Tần Thủy Hoàng, nhiều đế vương vẫn hết sức tin vào những phép thuật lừa dối của hạng phương sĩ, tự nguyện uống cái gọi là tiên đan linh dược. Kết quả chẳng những không kéo dài được thêm tuổi thọ mà còn gặp đủ mọi bất hạnh khổ đau. Như người kiến lập vương triều Bắc Ngụy là Đạo Võ đế Thác Bạt Khuê chỉ vì uống tiên được mà trở nên bất thường, tính khí hung hãn, định giết chết cả hoàng hậu, đến nỗi sau cùng bị Hạ Phu nhân và con trai là Thác Bạt Thiệu chém nát thây trên giường ngủ, lúc mới 39 tuổi đời.
            
1. Nằm ở chỗ tin vào lời Thiên Chúa trong Thánh Kinh
            
Bí quyết trường sinh mà Tần Thủy Hoàng, Thác Bạt Khuê cùng bao nhiêu người đã ước mơ tìm kiếm, hiện đang ở giữa chúng ta, trong bản thân Đức Giê-su, dưới hình bánh rượu ở trên bàn thờ, nếu chúng ta tin vào những lời Người dạy trong bài Tin Mừng hôm nay chứ không có thái độ xầm xì phản đối như các thính giả tiên khởi của Người trong câu chuyện.
            
Trước hết, ta hãy biết khiêm tốn công nhận sự cao cả lạ lùng của lời Đức Giê-su khẳng định : “Tôi là bánh từ trời xuống”. Có lẽ phải thừa nhận người không tin chẳng phải là một kẻ bất bình thường… Đương sự chỉ đi theo “lý luận” phàm nhân thôi. Điều đó càng nêu bật “tính cách đặc thù” của đức tin, vốn không thể giản lược vào những quan điểm thuần lý. “Tôi là bánh… bánh từ trời xuống!” Con người này, anh thợ mộc nông thôn mà thiên hạ biết rõ mẹ cha này quả có một tham vọng kỳ lạ! Đức Giê-su phản ứng ra sao hôm đó (và hôm nay) trước thái độ từ chối “bánh bởi trời”?
            
“Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy… Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Ngay lập tức, Đức Giê-su đặt mình trên một bình diện khác với “lý trí” con người. Đây là cái từ nay được gọi là vai trò của “ân sủng”, nghĩa là sáng kiến thần linh. Cần phải có một soi sáng bên trong của Thiên Chúa là đức tin mới hiểu được mọi chuyện của Thiên Chúa, mới “đến cùng Đức Giê-su”. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể nói một cái gì đó về Người. Siêu việt tính đâu phải là một thực tại nhỏ bé vừa tầm bộ óc con người hay các máy móc khoa học của chúng ta : Thiên Chúa là Đấng Toàn tha, vượt trên mọi sự. Phải để chính Thiên Chúa “dạy dỗ” mình. Phải “đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa” đến từ chỗ khác.
            
Chúng ta chắc đã chẳng nghe Đức Giê-su cho đủ. Này anh bạn trẻ đang cảm thấy Thánh lễ “chẳng hấp dẫn” gì, hãy vượt qua các chân trời nhỏ bé của mình đi. Thánh lễ trước hết sẽ chẳng bao giờ là một hiện tượng văn hóa, xã hội học, thẩm mỹ học. Nếu bạn đến đó chỉ vì “hấp dẫn” thì sẽ mau chóng bỏ lễ. Thánh lễ, đấy là mầu nhiệm “Thần cư”: nghĩa là “nơi ở thật sự” của Thiên Chúa siêu việt trên trần gian này. Bạn tìm gì khi đến với Thánh lễ ? Bình ca hay tân nhạc ? Các lập trường bảo thủ an toàn hay sự tán dương các kiểu dấn thân cách mạng (trong bài giảng) ? Các bầu khí này chẳng vô ích. Nhưng Đức Giê-su bảo ta hãy tìm chính Thiên Chúa. Đến với Đức Giê-su là một “ơn Chúa”, một ân sủng.
            
“Vì phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi”. Đức Giê-su có một tư tưởng vô cùng tinh tế. Không đi vào tranh luận, bút chiến thần học nào, Người khẳng định vai trò ưu tiên của “ân sủng”, sáng kiến thần linh, mà ta cần đón nhận; rồi vai trò chủ yếu của “tự do”, đáp ứng của con người, vốn đòi hỏi cố gắng. Chính Chúa Cha “lôi kéo”, “dạy dỗ”, “đề nghị”… nhưng con người có thể “lắng nghe” và trả lời hoặc bịt tai và từ chối. Chỉ những ai chấp thuận “nghe lời giáo huấn của Cha” mới đi vào mầu nhiệm “Bánh Trường sinh” nổi. Nhưng sẽ lầm to nếu hiểu câu nói trên của Đức Giê-su theo một nghĩa giới hạn, như thể Người đã phán : “Có ít người được Cha lôi kéo và lãnh nhận ân sủng”. Đức Giê-su vừa mới nói mạnh : “Hết mọi người được Thiên Chúa dạy dỗ”. Như thế, khác nhau trong thái độ là do khác nhau trong cách lắng nghe : về phía Thiên Chúa, ân sủng được ban cho mọi người… nhưng về phía loài người, tự do có thể từ chối Thiên Chúa : “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
            
2. Và ở chỗ đến với Đức Giê-su trong Thánh Thể
            
“Dĩ nhiên, chẳng có ai thấy Chúa Cha bao giờ, trừ phi Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy mới thấy Chúa Cha”. Đức Giê-su rõ ràng muốn đem lại cho chúng ta cái gì khác hơn một hệ tư tưởng, một nền luân lý, một khoa chính trị. Người là sự đột nhập của một Ngôi Thiên Chúa vào trong lịch sử loài người: Người quả quyết mình “đến từ Thiên Chúa” là “Kẻ duy nhất” biết Thiên Chúa thật sự ! Thành thử Người là sự hiện diện đích thật của Thiên Chúa giữa thế giới chúng ta. Do đó đừng ngạc nhiên khi người ta nói Thánh lễ “gây chóng mặt”. Đấy là nơi gặp gỡ Đấng tuyệt đối, Đấng vô hình. Thành thử đó là cuộc mạo hiểm số một, đòi hỏi phải hết sức vượt quá các quan điểm thông thường của chúng ta. Thánh lễ là một “kẽ hở”, một lối mở nhiệm mầu trong bức tường lý trí lý luận của chúng ta, đưa chúng ta vào lãnh vực (biết bao bí ẩn) của Thiên Chúa.
            
“Chẳng ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ!” Đức Giê-su không nói dè dặt thận trọng. Người đặt xà ngang rất cao… Vượt chướng ngại vật này chẳng phải dễ. Thánh Thể, Bánh Trường sinh đâu phải là những chuyện nhảm nhí, thi sĩ Péguy từng nói, hay một trong những gì tầm thường vừa tầm tay chúng ta. Phải tìm kiếm bên kia cái “hữu hình”, chẳng ai từng thấy được! Phải đóng chặt đôi mắt để tránh mọi lo ra mà chú tâm vào cái “vô hình”, có lẽ lúc đó mới thấy rõ.
            
“Ai tin tôi thì được sự sống đời đời… tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết…” : Những tiếng lạ lùng, gần như không thể chịu nổi, khi ta biết rằng chúng đã được nói ngày nọ trên bờ một hồ nhỏ của trái đất chúng ta, tại Ca-phác-na-um, bởi một kẻ có đủ dáng vẻ “như mọi người”. Việc Thiên Chúa đột nhập vào con người làm sao không gây nên những chuyện lạ… mà chung quy, cũng lạ như cuộc sáng tạo tiên khởi từ “hư vô”. Xin lưu ý thì “hiện tại”: ai tin thì có sự sống đời đời ngay lúc này. Và thì “tương lai”: tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết.
            
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. Cuốn sách Kinh Thánh đầu tiên quả quyết con người (“adam” trong tiếng hipri) đã được tạo nên để bất tử, nhờ một “cây sự sống” mà nó có thể ăn quả (St 3,22). Và sách cuối cùng của Mạc khải khẳng định lúc kết thúc cuộc tạo dựng, sự chết sẽ chẳng còn : “Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống trồng nơi ngự uyển của Ta” (Kh 2,7). Đây là sự lấy lại và hoàn thành chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa. Thế mà Đức Giê-su khẳng định với những nông dân Ga-li-lê và với chúng ta hôm nay rằng sự bất tử ấy, “sự sống không chết” ấy, đã được đức tin ban cho những ai không còn ăn “cây sự sống” nhưng ăn “bánh sự sống” là chính Người! Có thể có vấn nạn rằng những kẻ rước Mình Thánh Chúa cũng chết như ai. Nhưng chính thế, chúng ta đâu còn trong lãnh vực con người, trên mức độ những sự vật “hữu hình” nữa : chẳng ai đã thấy được cái vô hình bao giờ, vậy làm sao có thể chứng minh “sự sống” vô hình không có. Đây đâu phải là lãnh vực của cái “thuần lý”! Nhưng tại sao không để mình được “Thiên Chúa dạy dỗ”? Tại sao lại chẳng tin tưởng vào Người ?
            
Từ chối “tặng phẩm” siêu phàm này, đó là ngay từ bây giờ tự tước bỏ Sự sống ấy, là tưởng mình sẽ phải rơi vào cảnh hư vô, hữu hạn vốn đương nhiên là của con người (“Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra thì là xác thịt”, Ga 3,6). Tại sao Thiên Chúa lại chẳng can thiệp để “ban” cho chúng ta Sự Sống tuyệt đối, vĩnh cửu của Người.

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây