Của ăn đích thực

Thứ sáu - 13/08/2021 23:05 698 0


CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN NĂM B : GA 6,51-58
            
Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.
            
Đức Giê-su nói với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi là của ăn đích thực, và máu tôi là của uống đích thực. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
                       
CỦA ĂN ĐÍCH THỰC

Têxêxa Neumann (1898-1962) là một phụ nữ nông thôn đã sinh ra, lớn lên và qua đời tại Konnersreuth, một ngôi làng nhỏ miền Bắc bang Bavière nước Đức. Trong đời bà có hai chuyện kỳ lạ : được in năm Dấu thánh từ năm 1926 và cũng từ đó hầu như bà không ăn uống nữa, chỉ nuôi mình bằng Mình Thánh Chúa thôi. Mà việc rước lễ của bà cũng rất lạ lùng. Theo cuốn “Mẫu gương thánh thiện” kể lại, thường thường Têrêxa không phải nuốt bánh thánh. Vừa khi Mình Thánh được đặt trên lưỡi bà thì liền tan biến tức khắc. Vì nghi ngờ có chuyện gian trá, Bác sĩ Dulit, một tín hữu Tin lành, chủ bút một nhật báo nổi tiếng ở Munich, đã đích thân tới kiểm chứng sự việc. Bị đánh động bởi những gì thấy được nên ông đã trở về với đức tin Công giáo. Ông miêu tả cuộc rước lễ của Têrêxa như sau : “Khi cha xứ Nabe xuất hiện với Mình Thánh Chúa nơi bàn thờ, Têrêxa liền rơi vào một cơn xuất thần và biểu lộ một nỗi khao khát được gặp Đấng Cứu Chuộc đến không cưỡng lại được. Gương mặt bà ta ngời sáng, hai tay giang thẳng về phía trước, và toàn thân bà như được thêm năng lực. Vị linh mục ra dấu bảo tôi đến quỳ bên cạnh bà để có thể thấy rõ miệng bà. Lúc đó ngài đặt Mình Thánh trên đầu lưỡi Têrêxa và lùi lại ; đột nhiên, Mình Thánh biến mất, miệng bà vẫn mở ra như trước và không có dấu hiệu nào cho thấy là Têrêxa đã nuốt Mình Thánh vào”. Cũng có nhiều lần xảy ra là khi không có linh mục mà Têrêxa quá khao khát Đấng Cứu Chuộc thì bà đã nhận được Mình Thánh cách trực tiếp. Mình Thánh ra khỏi nhà tạm và bay vào miệng bà.
            
Bà Mátta Robin (1902-1981) tại Châteauneuf-de-Galaure vùng Drôme bên Pháp cũng là một trường hợp tương tự. Từ năm 1930, bà cũng bắt đầu được mang năm Dấu thánh và cho đến khi qua đời, chỉ dùng một thức ăn độc nhất là Thánh Thể thôi. Án phong chân phước cho bà đã được đệ trình năm 1987. Các phép lạ (họa hiếm) này là những tín hiệu đôi khi Thiên Chúa muốn ban cho ta để nhắc nhở ta tin vào sự thật của lời Người, tin vào mầu nhiệm Bánh Sự Sống, nhất là trong thời đại duy lý hôm nay.
            
Chương sáu của thánh Gio-an, bàn về mầu nhiệm Bánh Sự Sống này, có thể được hiểu nhiều cách. Nhiều nhà chú giải cho rằng phần đầu diễn từ cho đến hết câu 50 nhắm đến Đức tin, vốn khiến ta nuôi mình bằng Đức Giê-su qua việc hiệp thông vào tư tưởng và lời Người. Phần hai của diễn từ, bắt đầu từ câu 51, chỗ khởi sự của bài đọc hôm nay, nhắm đến Thánh Thể, vốn khiến ta hiệp thông vào “thịt và máu Người” cách bí tích, trong một “Dấu chỉ hữu hiệu”. Tuy nhiên, đối với vài tác giả đương đại, toàn bộ diễn từ của Đức Giê-su nhắm đến Đức tin lẫn Thánh Thể. Quả thế, có một liên hệ chặt chẽ giữa hai chủ đề này : tin trọn vẹn vào Đức Ki-tô là tin sự “hiện diện” thánh thể của Người, vì Thánh Thể là “mầu nhiệm đức tin” số một… Suy niệm Lời Đức Giê-su và Bản thân Người (phần nhất của Thánh lễ : phụng vụ lời Chúa) rồi hiệp thông Mình và Máu Người (phần hai của Thánh lễ : phụng vụ Hy tế), cả hai việc nối dài nhau. Làm sao có thể nói mình thật sự tin vào Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể trong xác thịt, nếu không sẵn sàng làm điều Người đã nói, và đi đến chỗ “cầm lấy mà ăn mình Người”? Chuyện bình thường là Đức Giê-su nói tới đức tin trước khi đề cập rõ ràng đến Thánh Thể, vì mầu nhiệm sự Hiện diện của Người chỉ thật sự nuôi dưỡng những ai tin. Đi lễ đúng giờ sở dĩ quan trọng là vậy. Phải nuôi mình bằng Lời Người nhờ đức tin đã, mới có thể nuôi mình bằng Thân thể Người bị nộp vì chúng ta. Chẳng có hai phần trong Thánh lễ, mà phần nhất có tính cách tùy ý : chúng ta “đã hiệp thông” với Đức Giê-su, Ngôi Lời TC ngay tự đầu rồi !
            
1. Ý nghĩa của Thánh Thể
            
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Kết thúc Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, câu 51 này cũng mở đầu Tin Mừng Chúa nhật hôm nay. Đây là nơi bắt đầu xuất hiện những tiếng mới sẽ trở đi trở lại 11 lần cho đến cuối diễn từ : “thịt và máu”… “ăn và uống”… Các tiếng này hết sức tả chân, hiện thực. Ta không thấy làm sao có thể dừng lại ở cách hiểu biểu tượng thôi. Mà quả vậy, người Do-thái đã hiểu cách tả chân nhất, nên tỏ ra bực mình. Nếu nghĩ đến một kiểu ăn uống thiêng liêng, thì họ đã chẳng khó chịu như thế.
            
Thay vì giảm bớt cú sốc, Đức Giê-su nhấn mạnh hơn nữa tính hiện thực của lời mình bằng cách từ nay thêm tiếng “máu” vào tiếng “thịt”. Và không chỉ có vấn đề “ăn” nhưng còn vấn đề “uống” nữa. Việc liên kết hai chữ “thịt” và “máu” này có thể hiểu bằng nhiều cách: - Theo não trạng sê-mít, thành ngữ này chỉ con người toàn diện, chỉ tất cả những gì làm nên thực tại cụ thể của con người với tất cả những khả năng cũng như nhược điểm. - Cũng theo não trạng Đông phương ấy, “máu” có tính chất thánh thiêng, vì biểu trưng “sự sống” cách tuyệt diệu, đến nỗi người ta hầu như có thể thay thế từ kia bằng từ này (“nếu không uống sự sống Con Người, các ông sẽ chẳng có sự sống Người trong các ông”). - Nhưng sau cùng, và đặc biệt chính việc phân ly hai yếu tố thịt và máu này gợi cho thấy cách Đức Giê-su sắp phải chết : qua việc “máu Người tách khỏi mình Người”. Đức Giê-su vừa bảo : “Bánh tôi sẽ ban, đó là thịt tôi bị nộp cho thế gian được sống”: hy tế thập giá được ám chỉ thật rõ ràng… Vậy là ĐGS ý thức mình sẽ phải chết để cứu thế gian : Người biết mình sẽ phải “hiến” mạng… để trần đời được sống…
            
Chúng ta chớ quên rằng Gio-an đã viết những lời Tin Mừng này vào thập niên 90 hay 100. Nghĩa là từ khoảng 60 năm nay, ông đã cử hành Thánh Thể với cộng đoàn Ki-tô hữu. Làm sao độc giả của ông lúc đó chẳng lập tức áp dụng những lời này vào Thánh Thể mà họ “ăn và uống” thật sự trong một bữa ăn huynh đệ? Ngoài ra, nếu Đức Giê-su đã chẳng nói thế, làm sao các Tông đồ tối Tiệc ly đã có thể hiểu bất cứ cái gì Thầy mình làm ? Việc thiết lập Thánh Thể chiều thứ Năm thánh sẽ không dễ hiểu với Nhóm Mười hai nếu Đức GS đã chẳng bao giờ chuẩn bị trước cách nào đó cho họ (như hôm nay). Nên khi cuộc tử nạn trao ban thịt máu Chúa và cuộc phục sinh thiết lập Thân thể mầu nhiệm của Người đã xảy ra, rồi các Tông đồ làm lại cử chỉ thánh hiến bánh rượu như Thầy đã làm, thì các ông hiểu vì sao Thầy đã gọi bánh rượu được đưa vào Thân Thể mầu nhiệm làm của ăn cho tín hữu là Mình và Máu Người. Đó hoàn toàn giống như một khi tôi đã đưa đồ ăn vào miệng mình, qua cuống họng, xuống dạ dày, để bắt đầu tiến trình tiêu hóa mà nuôi dưỡng thân thể, thì đó không còn là cơm, là rau, là cá… nhưng là thịt và máu của tôi.
            
Thật ra, thánh Gio-an sẽ chẳng tường thuật việc lập phép Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Đức Giê-su chiều thứ Năm thánh. Nhưng ta nhận thấy bản văn hôm nay rất song hành với các “trình thuật thiết lập Thánh Thể” trong Tin Mừng Nhất lãm: đúng là cũng một Tin Mừng, nhưng dưới nhiều từ ngữ khác nhau. Chớ quên lưu ý một tính từ mà Gio-an thích và thường dùng, tính từ “đích thực”: “Vì thịt tôi là của ăn đích thực, và máu tôi là của uống đích thực”. Từ này có nghĩa : “Xin lưu ý! không như mọi thức ăn khác, đây là thức ăn thật!”. Các loại lương thực khác chỉ cho con người một sự sống tạm bợ thôi.
            
2. Hiệu quả của Thánh Thể.
            
Rồi Đức Giê-su chỉ cho chúng ta ba hiệu quả của Thánh Thể :
            
1. Sống mãi và sống lại :
            
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”. Thánh Thể làm chúng ta hiệp thông với Đức Ki-tô “phục sinh” đang sống trong vinh quang Chúa Cha. Và Thân thể sống này (sống cách khác… sống sự sống thực…) trở nên trong ta một “hạt giống” của sự sống thần linh ấy, khiến ta có sự sống của Đấng Muôn Đời ngay lúc này đây. Chiều Tiệc ly, theo các Tin Mừng Nhất lãm, Đức Giê-su sẽ nói đến “bàn tiệc thiên quốc” trong đó Người sẽ lại quy tụ bạn hữu Người: “Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14,25). Rước Thánh Thể là tham dự trước Nước Trời, nơi chúng ta sẽ ăn uống tại bàn tiệc của Chúa Cha, của Chúa Con, của Thánh Thần, theo ảnh thánh Ba Ngôi nổi tiếng của họa sĩ Rublev người Nga. Vâng, chúng ta đang tiến về cuộc gặp gỡ hồng phúc ấy.
            
2. Đức Ki-tô và Ki-tô hữu ở trong nhau :
            
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy”. Đây còn một tiếng quen thuộc với Gio-an : “ở lại”. Bạn có biết thế nào là được ở với người mình thương mến và mến thương mình không ? được hạnh phúc với kẻ ấy không ? Ơn gọi của mọi con người là được “ở với Thiên Chúa, trong Thiên Chúa”. Đây là chủ đề căn bản của Giao ước, được diễn tả trong Kinh Thánh suốt dòng lịch sử, qua nhiều công thức ngày càng chính xác và thân mật hơn : “Các ngươi sẽ là dân Ta, còn Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi thờ” (Xh 6,7). “Người yêu tôi thuộc về tôi, và tôi thuộc về người” (Dc 6,3). “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4). Ở lại trong Thầy, vì sau cuộc Phục sinh, Thầy sẽ kết hợp anh em trong một Thân thể vĩ đại, một Nhiệm thể diệu kỳ mà Thầy là Đầu và anh em là mọi tế bào, mọi chi thể.
            
3. Tận hiến cho Chúa Cha :
            
“Như Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Giới từ ở đây là “nhờ” có trong Hy ngữ nhiều nghĩa phong phú mở rộng mà không bản dịch nào có thể lột tả. Đây là tiếng “dia” vốn cũng có nghĩa “qua, vì”. Chúng ta thấy hé lộ một trong những chuyển động sâu xa nơi con người Đức Giê-su mà Gio-an đã đoán biết : Đức Giê-su sống qua Cha, nhờ Cha, vì Cha… và Người mời chúng ta cũng làm như vậy ! Nhắc cho chúng ta nhớ điều này là câu mà chúng ta vẫn đọc trong Thánh lễ: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời”.

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây