Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm A

Thứ bảy - 10/12/2022 03:13 718 0
 

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM A : MT 11,2-11

  
Đang ngồi tù, ông Gio-an nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?” Đức Giê-su trả lời : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.

            
Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng ? Thế thì anh em ra xem gì ? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng ? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì ? Một vị ngôn sứ chăng ? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, để dọn đường cho Con đến.

            
Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông “.

           

THIÊN CHÚA ĐANG LÀM VIỆC ?

           
 Gio-an Tẩy Giả đã cả gan phê bình Hê-rô-đê Antipas cướp vợ của ông anh ruột (x. Mt 14,3-4). Để bịt miệng tay khó chơi này, quận vương đã giam ông vào pháo lũy Machéronte (bên bờ Biển chết) nhưng vẫn cho ông được môn đồ viếng thăm. Ông háo hức chất vấn và những điều ông biết quả đã làm ông thất vọng. Là tiếng kêu mạnh mẽ từng la lớn và ngăm đe, ông đã phán : “Đấng đang đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi” (Mt 3,11), đã loan báo một vị thẩm phán sẽ ném vào lửa tất cả những gì xấu xa và cằn cỗi (xin xem lại bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước), thế mà thiên hạ nói với ông về một đấng hiền khô, một kẻ làm phúc, một thầy chữa bệnh ! Không thể chịu đựng được nữa, ông gởi một sứ điệp cho Người : “Thầy có thật là Đấng phải đến không ?” (một cách chỉ định Đấng Mê-si-a cảm hứng từ Tv 118,2)

            
1- Học cách nhìn Chúa Giê-su hoạt động.

             
Ai đã không tự đặt cho mình nhiều câu hỏi kiểu ấy ? Lạy Chúa Giê-su, phải chăng Ngài là tất cả những gì thiên hạ đã nói với con về Ngài ? Câu Ngài trả lời cho Gio-an không làm chúng con thỏa mãn : “Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Đúng đó là những gì người ta từng chờ đợi nơi Đấng Thiên Sai (Mê-si-a), đúng đó là những gì Chúa đã làm xưa kia tại xứ Do-thái. Nhưng bây giờ thì sao ? Từ hơn 2000 năm nay, thế giới nên như thế nào ? Nói sao đây với những người hỏi chúng con : “Chúa Ki-tô của bạn mang lại những gì ? Người có thay đổi được gì chăng ?”

            
Chính chúng ta cũng đôi khi chất vấn Chúa Giê-su từ ngục thất của mình như thế. Ngục thất đó là những chân trời rất hạn chế của ta, là sự bất am tường lịch sử Giáo hội, là việc thiếu cái nhìn sắc bén để hiểu rằng Chúa Ki-tô đang hoạt động: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (không mất niềm tin vào tôi).

            
Hãy học cách nhìn Nước Trời đang đến ! Trong thế giới đề cao ngôi sao của chúng ta (ngôi sao thể thao, chính trị hay nghệ thuật), đúng là chỉ có một vài tên tuổi trong đạo trở đi trở lại : Mẹ Têrêxa, Đức Cha Camara, Đức Cha Romero, Cha Pierre, Cha Piô, Thầy Roger của cộng đoàn Taizé, Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI… Nhưng có biết bao tâm hồn tận hiến và bàn tay hoạt động khác nữa trong hơn 100.000 tổ chức bác ái của Giáo hội và trong vô số cộng đoàn dòng tu. Có muôn vạn người “mù” cuối cùng nhận ra lỗi lầm của bản thân và tình yêu của Thiên Chúa. Có hàng triệu kẻ nghèo được vô số linh mục, tu sĩ, giáo dân cũng nghèo như họ loan báo Tin Mừng cho và đã đem Tin Mừng ra thực hiện. Có biết bao nhiêu mảnh đời đã được cứu vớt qua hơn hai ngàn năm cuộc sống Dân Chúa, có biết bao nền văn minh đã được Giáo hội thanh tẩy, bao nhiêu giá trị văn hóa đã được Giáo hội bảo tồn (muốn biết điều này, bạn cần đọc lịch sử Giáo hội và theo dõi sinh hoạt Giáo hội hiện nay trên các phương tiện truyền thông).

            
Chính qua các tín hữu mà Chúa Ki-tô tác động đến thế giới. Như với những kẻ Gio-an sai đến, Người cũng nói với chúng ta : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều tai nghe mắt thấy”. Nhưng “những công việc của Chúa Ki-tô” (cứu giúp thể xác, cứu giúp tinh thần) thường ít ồn ào hơn chiến tranh, quyền lực và tiền bạc. Phải có con mắt chú ý mới thấy được tất cả tình yêu tự hiến “nhân danh Chúa Giê-su”. Đó cũng là nói rằng chúng ta luôn đứng trước một Chúa Ki-tô vô danh bí ẩn mà chúng ta sẽ chỉ biết rõ vào thời tận thế, khi chúng ta hiểu được rằng Người đã không ngừng hoạt động.

            
Riêng đối với Gio-an Tẩy giả trong trường hợp này, Chúa Giê-su sẽ cho ông thấy cách thức hoạt động tối cao và tối hậu của Người là hy sinh mạng sống vì tình yêu, bằng việc “bỏ mặc” ông anh họ trong lao tù để rồi phải chết dưới lưỡi đao oan nghiệt, ngõ hầu ông hiểu ra lẫn đi vào con đường của Người và tránh được lời cảnh báo của cậu em họ: “Chớ vấp ngã vì tôi”.

            
2- Biết cách làm cho Chúa Giê-su hoạt động.

            
Chúa Ki-tô vô danh bí ẩn ư ? Đúng, nếu chúng ta dừng lại nơi những tư tưởng và câu hỏi tự đặt ra về Người. Nhưng ngay khi khởi sự làm việc với Người, chúng ta sẽ thấy ngay kẻ què thế nào và kẻ chết sống lại ra sao. Phép lạ thời Chúa Giê-su cũng sẽ tái thực hiện nếu chúng ta quyết cùng nhau sống thực Tin Mừng. Một tín hữu anh hùng ở nơi bắt bớ hay một Ki-tô hữu dấn thân cho công bình xã hội chắc sẽ chẳng tự hỏi Chúa Giê-su có phải là Đấng thiên hạ đợi chờ không. Khi sống cho tình yêu, bạn chắc chắn sẽ gặp Thiên Chúa và làm cho Người thôi vô danh bí ẩn, vì Người là Tình Yêu, Tình Yêu tuyệt diệu.

            
Có thể đôi khi chúng ta cũng tự đặt một câu hỏi khác : “Giáo hội phải chăng là dấu chỉ cho thấy Chúa Giê-su đã đến ?” Đây là một câu hỏi tốt, nếu nó không phải là cách thức che đậy cho những thiếu sót của bản thân chúng ta. Chính tôi là Giáo hội loan báo Tin Mừng nơi tôi ở. Chính tôi là Giáo hội không loan báo Tin Mừng nơi mà vì lỗi tôi, người khác chẳng nhìn thấy công việc của Thiên Chúa. Lý do: chính tôi là tay chân của Chúa Ki-tô, là chi thể của Giáo hội. Người khác không nhìn thấy công việc của Thiên Chúa vì bác ái là dấu chỉ của Chúa Ki-tô, dấu chỉ của Giáo hội và dấu chỉ của Ki-tô hữu. Y như câu chuyện ngụ ngôn vắn sau đây: Một tín đồ tình cờ bắt gặp trên đường một kẻ vừa tàn tật vừa đói khổ. Động tình xót thương và đầy lòng đạo đức, tín đồ kêu lên cùng Chúa: “Lạy Chúa ! Sao Chúa dựng nên kẻ xấu số này rồi bỏ mặc anh ta sống thân tàn mà dại mà không cứu giúp?” Tín đồ vừa dứt lời thì nghe một tiếng nói tự trời cao: “Ta dựng nên con lành lặn và sung túc là để giúp anh ta đó mà! Ta là Đầu, con là tay chân của Ta. Chẳng lẽ tay chân không biết hành động cho đầu và theo ý đầu sao?”

            
Riêng đối với Gioan Tẩy Giả, ông đã biết giúp Chúa Giê-su hoạt động bằng cách làm Tiền hô cho Người, sâu xa hơn là làm Ngôn sứ của Người, một ngôn sứ ngoại hạng theo chính lời khen của Chúa: “Ông còn hơn cả ngôn sứ”. Hơn cả ngôn sứ vì áp dụng vào ông sấm ngôn về vị “sứ giả” tối hậu (Ml 3,1), một sấm ngôn phối hợp với lời sấm về vị thiên sứ mở đường đi vào Đất Hứa (Xh 23,20). Ngoài ra, đoạn cuối cùng của Các sách Ngôn sứ (và cũng của Cựu Ước), Ml 3,23-24, đồng hóa vị sứ giả ấy với Ê-li-a sẽ đến lại (x. Mt 17,10-13). Nhưng dù lớn lao nhất theo lịch sử nhân loại, Gio-an vẫn bị Ki-tô hữu nhỏ nhất vượt hơn về mặt phẩm giá, vì là thành viên của một Vương Quốc vốn lật nhào những tiêu chuẩn loài người và ưu đãi những kẻ bé mọn (x. Mt 18,3).


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây