Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm A

Thứ sáu - 02/12/2022 19:19 801 0
 
 
CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM A : MT 3,1-12
 

            Khi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: “Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.
             Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham’. Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Phần tôi, tôi làm phép rửa cho các anh bằng nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đang đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi “.
                                          

 
MAU CHÓNG ĐỔI ĐỜI
 

            Đang khi thực hiện bức họa nổi tiếng “Bữa Tiệc Ly” (1495-1497) trong nhà thờ Santa Maria delle Grazie (Đức Mẹ đầy Ân phúc) tại Milano (Italia), họa sĩ thiên tài Leonardo da Vinci (1452-1519) đã cãi vã với một người bạn. Ông mắng nhiếc người bạn với những lời gay gắt và những cử chỉ dọa nạt. Khi cuộc cãi cọ qua rồi, ông trở lại công việc đang làm là vẽ khuôn mặt Chúa Giê-su, nhưng không thể phác được một nét. Cuối cùng, nhận ra nguyên nhân là phiền muộn bực bội, ông liền bỏ bút vẽ đấy, đi tìm người bạn ông đã xúc phạm và xin người ấy tha thứ cho mình. Thế rồi ông trở lại xưởng họa và bình tĩnh vẽ khuôn mặt Chúa Giê-su.

            1. Một cuộc hoán cải cá nhân.
            Từ hoang địa đi ra, người ta thường nói, chỉ có thể là một thánh nhân hay một tên cướp. Tên cướp vào đó như sào huyệt để tránh mặt loài người và chờ cơ hội đột nhập xóm thôn thành phố mà “làm ăn”. Thánh nhân vào đó để tạm lánh loài người hầu gặp gỡ chính bản thân, gặp gỡ Thiên Chúa trong khổ chế và cầu nguyện, để sau đấy đi ra công bố kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Gio-an Tẩy Giả là một con người như thế. Sau bao tháng ngày trong hoang địa để thanh luyện bản thân (xem cách ăn mặc và ăn uống của ông), để đắm mình trong linh thánh (xem những lời cháy bỏng của ông), Gio-an ra đi trong vai trò Tiền hô của Đấng Cứu Thế, với nhiệm vụ dọn đường cho Người giữa đám đồng hương. Vai trò đó bao gồm hai công việc : rao giảng và làm phép rửa.
            Cái ông muốn trước tiên, chính là quét sạch những ngoại diện lừa dối của một thứ tôn giáo vụ hình thức (mà phái Pha-ri-sêu và Xa-đốc là biểu tượng), hầu gây nên một cuộc hoán cải nội tâm và cá nhân chân thành. Xây dựng cơ sở Giáo hội cho bề thế, tổ chức lễ hội tôn giáo cho linh đình, cải cách phụng vụ nghi thức cho sống động mà không có một cuộc đổi mới sâu xa trong mỗi người thì chẳng có ích gì. Mối nguy đe dọa chúng ta (và đã đe dọa hai phái nói trên) là nghĩ rằng một thứ thực hành tôn giáo nào đó là đã đủ, một thứ nhãn hiệu được mang từ ngày chịu phép rửa tội và nay có trong lý lịch là đã chắc ăn. Chẳng khác chi chủ trương cải cách cơ cấu xã hội bên ngoài mà không đặt vấn đề thay đổi nội tâm theo những nguyên tắc đến từ Thiên Chúa. Thất bại, sai lầm và tội ác của các học thuyết và chế độ “cách mạng” vô thần trong hai thế kỷ 20-21 này chẳng phải là những bằng chứng sờ sờ đó sao?

            2. Một cuộc hoán cải hữu hiệu.
            “Hãy dọn sẵn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Hoán cải, đó chính là tạo cho mình “một con tim mới”, là xây trên đống hoang tàn của “con người cũ” tội lỗi (x. Rm 6,6) một “con người mới” trong Chúa Giê-su (x. Ep 4,24). Đó là sau khi đã nhận ra các thiếu sót ở trong mình, ta liên tục ra sức làm cho chúng biến mất, để tập được chính các nhân đức của Chúa Giê-su bằng lối rập khuôn theo Người.
            “Tôi không thể! Tính tôi là vậy! Tôi như thế đấy…” Chúng ta năng nói kiểu đó để biện minh cho cái sai, cái lỗi mà mình thường phạm. Có đúng là người ta không thể thay đổi, hoán cải? Có đúng là mỗi người trong chúng ta bị nhốt kín trong quá khứ của mình, trong các thói quen của mình? Tin Mừng hôm nay, với giọng điệu dữ dội chưa từng thấy, minh nhiên nói với chúng ta điều ngược lại. Bạn có thể thay đổi! Bạn buộc phải hoán cải !
            Leonardo da Vinci không thể vẽ được mặt Chúa Cứu Thế khi ông cảm thấy mình còn tội lỗi xúc phạm đến người khác, nên bạn và tôi cũng thể đặt Chúa Ki-tô vào lòng mình và lên khuôn mặt mình bao lâu chúng ta chưa thật sự thống hối và có một cái nhìn mới, một thái độ mới như Chúa Giê-su.

            3. Một cuộc hoán cải hướng về anh em.
            “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối… Cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Lễ Giáng Sinh là hồng ân Thiên Chúa ban cho nhân loại. Chúng ta chỉ có thể sống thật lễ này khi muốn tự hiến cho anh em. Nhưng đừng chỉ bằng lòng với những thiện chí mà phải có những hành động thực sự. Người ta đã chẳng nói: “Nền hỏa ngục được lát bằng các thiện chí” đó sao? Chúng ta có tìm cách thấu hiểu, thông cảm mà chẳng bao giờ phê phán hay kết án họ không ? Chúng ta có biết đón nhận họ với trái tim trên bàn tay không ? Chúng ta có luôn sẵn sàng để lắng nghe họ, phục vụ họ không ? Chúng ta có yêu họ bằng chính tình yêu của Đức Ki-tô không ? Với tha nhân, hãy tỏ ra dễ thương thay vì khó thương, hay chịu khó thay vì khó chịu!
            Sau cuộc cãi cọ trên, Leonarđo và người bạn chắc đã có một kinh nghiệm quý báu, tình bạn của họ chắc càng thêm gắn bó hơn, và hẳn họ đã nhận ra rằng chính Chúa Ki-tô là người đã hòa giải và hoán cải họ.
            Tựu trung, hoán cải chính là làm cho não trạng và tình cảm của mình hòa hợp với não trạng và tình cảm của chính Chúa Cứu Thế. Phương thế đặc biệt để thực hiện việc này là bí tích thống hối. Bạn hãy xưng tội sớm đi ! Thống hối ngay từ bây giờ !



 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây