Chúa Nhật 1 Mùa Vong Năm A

Thứ sáu - 25/11/2022 20:33 609 0

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A : MT 24,37-44
            
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thời ông No-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông No-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.
           
 “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông ta phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.


 
 
CHUẨN BỊ CHO NGÀY HẠNH NGỘ


            Một Năm Phụng vụ mới lại bắt đầu. Năm A này, chúng ta sẽ đọc mỗi Chúa nhật một đoạn trong Tin Mừng “theo thánh Mát-thêu”. (Năm B thánh Mác-cô và năm C thánh Lu-ca).
            Hôm nay khởi sự “Mùa Vọng” (“Avent” trong tiếng Pháp và “Advent” trong tiếng Anh). Chữ này phát xuất từ chữ La-tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến” (“Avènement” trong tiếng Pháp, “Lâm”, “Quang lâm” trong tiếng Hán Việt). Đây là chữ đầu tiên trong câu nói của Đức Giê-su khai mở bài Tin Mừng. Một con người sắp đến! Đức Giêsu không tỏ mình cho ta như một “nhân vật quá khứ”, nhưng như một “nhân vật tương lai”. Người nói tới việc mình “quang lâm” như một biến cố sắp đến rồi. Không phải đến trong lễ Giáng sinh như một kỷ niệm tuyệt vời xưa cũ khiến ta nhung nhớ. Người đang đến thật, đang đi qua thật, đang đến cách mới mẻ mỗi sáng ngày, và nhất là sẽ đến trong Ngày Cánh chung.
            Đáp lại câu hỏi của các môn đệ: “Xin Thầy nói cho chúng con hay…. cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế” (Mt 24,3), Đức Giê-su gạt ngay mọi suy cứu về thời điểm của biến cố trọng đại này, đồng thời nhấn mạnh tính cách tất yếu của việc Con Người đến và cùng lúc mời gọi Ki-tô hữu phải luôn tỉnh thức. Bốn dụ ngôn minh họa lý do của việc thức tỉnh này: dụ ngôn hồng thủy (24,37-42), dụ ngôn kẻ trộm (24,43-44), dụ ngôn đầy tớ trung tín (24,45-51), dụ ngôn mười trinh nữ (25,1-13). Dụ ngôn thứ năm: những yến bạc (25,14-30) đến như một kết luận để nhấn mạnh hơn nữa trách nhiệm của các môn đệ. Phụng vụ hôm nay cho ta nghe hai dụ ngôn đầu.

1- Đời không phải là cuộc hưởng thụ, trò tiêu khiển.
            Dưới con mắt người thế, tiền tài-lạc thú­-danh vọng bao giờ cũng xuất hiện như những nhân tố hạnh phúc rất hợp lý hợp tình, vì chúng đáp ứng ba bản năng trong con người: sinh tồn-truyền sinh-quyền lực. Giữa cuộc đời gian khổ khắc nghiệt, chúng trở nên một thứ ánh sáng huyền ảo cuốn hút ta theo đuổi tìm kiếm. Đối với nhiều người, sống là “ăn-làm-chơi-ngủ”, ưu tư là “kiếm thật nhiều tiền hơn, hưởng cho đủ mùi đời, hoàn thành cái gì đó”, dự tính là “week-end, nghỉ hè, du lịch, tham gia các lễ hội toàn cầu”… như World Cup Qatar lúc này chẳng hạn. Đúng như “trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn không hay biết gì, vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng”. Trong lối so sánh này, Chúa Giê-su không nhấn mạnh đến hạnh kiểm xấu của những kẻ bị chết chìm, nhưng đến thói bất phòng xa của họ. Người ta chẳng muốn biết rằng Thiên Chúa có thể can thiệp như một vị thẩm phán vào trong nếp sống quen thuộc thường ngày. Vị thẩm phán này sẽ là đáng sợ nếu nếp sống đó chìm ngập trong tội lỗi. Nên thánh Phao-lô trong Bài đọc 2 nhắc nhở chúng ta : “Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương… Đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14). Triết gia Blaise Pascal cũng có nói “Cái duy nhất xem ra yên ủi chúng ta khỏi nỗi khốn cùng là sự chơi nhởi (tiêu khiển, hưởng thụ cuộc đời). Tuy nhiên đó lại là nỗi khốn cùng lớn nhất. Vì nó chủ yếu ngăn cản chúng ta nghĩ đến phận mình và từ từ làm chúng ta hư hỏng, bị tiêu diệt. Có lẽ không có nó, chúng ta sẽ buồn chán và nỗi buồn chán này sẽ thúc đẩy chúng ta tìm một phương tiện chắc chắn hơn để thoát khỏi, nhưng sự chơi nhởi lừa phỉnh chúng ta và từ từ dẫn chúng ta đến chỗ chết” (Tư tưởng 414). Bởi thế, “ngày Quang lâm, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại”. Đem đi để được cứu thoát. Bỏ lại để chịu án phạt. Cũng trong một công việc mà người thì ngủ, kẻ thì sống. Người chẳng chuẩn bị gì trơn, kẻ lại luôn luôn sẵn sàng.

2- Sống cần luôn tỉnh thức đón chờ ngày hội lớn.
            Sẵn sàng làm gì ? Sẵn sàng tỉnh thức. Tỉnh thức không chỉ để đề phòng hay đối phó với hiểm nguy, nhưng là để có mặt trong Ngày Hạnh ngộ. Tỉnh thức không có nghĩa là lo lắng đến tê liệt, hay tỏ thái độ bất cần: “làm mà ích chi”, khinh bỉ trần gian và các công việc trần thế (coi trần gian là “chốn lưu đày” mong sớm thoát khỏi mà về với Chúa, thay vì xem đó là “một công trường” để ra tay xây dựng, chuẩn bị cho Nước Trời mai sau). Tỉnh thức trái lại là sống cuộc sống hiện tại hết mình vì tình yêu (yêu thương là sống 100%), là luôn bị ám ảnh bởi ý hướng phục vụ, truyền giáo, kết hiệp với Thiên Chúa trong khi làm mọi công việc bổn phận.
            “Tôi không có thời giờ cho việc giữ đạo, còn nhiều chuyện quan trọng và cấp bách hơn!” cuộc sống quay cuồng giành giật khiến ta có thể thốt lên điều ấy. Nhưng đó thường là bài ca của mê ngủ, và đó cũng là lối ngụy biện của nguội lạnh. Vì những gì ta thấy quan trọng thì sẽ tìm ra thời giờ, dành đủ thời giờ cho nó. Nếu thế thì bạn cũng sẽ không có giờ để chuẩn bị cho Ngày Quang lâm. Vì thật ra là bạn “đâu có ý hướng đón Chúa tới”! Người đã cho biết : chúng ta không tiến đến cái chết, tiến gần nấm mộ mỗi ngày mà tiến tới cuộc gặp gỡ với Đấng hoàn thành mọi sự, hoàn thành tiểu sử mỗi người và lịch sử thế giới (các tôn giáo khác đều cho lịch sử là một vòng tròn vô tận). Như đã tới lần thứ nhất khi “thời gian viên mãn” (Gl 4,4 nghĩa là khi mọi chuẩn bị trong Cựu Ước đã xong), Chúa Ki-tô cũng sẽ đến lại khi tất cả đã sẵn sàng, để hoàn thành mọi sự trong “Ngày Cánh chung" như thần học nói («cánh» = xong xuôi, «chung» = cuối cùng : sự hoàn tất vào ngày cuối cùng, không phải sự tận diệt vào lúc sau hết); và công việc chuẩn bị tất cả sẵn sàng như thế là của chúng ta. Sự sẵn sàng này nằm ở nội tâm, không ai thấy được (dĩ nhiên vẫn gây hiệu ứng bên ngoài), nên việc Chúa tới trở nên bất ngờ là vì thế. Vấn đề là chớ để bản thân chúng ta bị bất ngờ, bắt chợt. Vì vận mạng chung cuộc này không phải do hên xui may rủi hay do quyết định độc đoán của Thiên Chúa, mà là do “cung cách sống” giây phút hiện tại của mỗi người. Cung cách sống đó chính là biết dùng các thực tại đời này như phương tiện chuẩn bị cho cuộc hội ngộ lớn lao vĩnh cửu chứ không gắn bó sống chết với chúng, là biết coi bổn phận của mình như một công việc phục vụ anh em và chu toàn nó với hết khả năng và lương tâm trách nhiệm, là biết cảnh giác trước những gì xấu xa tội lỗi xúc phạm đến tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa cũng như làm thương tổn anh chị em mình, là biết giới thiệu và minh chứng sử quan Ki-tô giáo cho lương dân. Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của đời bạn!
   Xin kết thúc bằng một dụ ngôn nữa, nhưng là dụ ngôn thời đại, về sự cám dỗ của ma quỷ: Có ba tên quỷ con đang thời kỳ huấn luyện đi cám dỗ loài người. Một hôm tên quỷ già thầy giáo yêu cầu lũ quỷ học trò đề ra kế sách hoàn hảo để thực hiện bổn phận. Tên quỷ thứ nhất thưa rằng: “Tôi sẽ nói với loài người rằng: trên đời này làm gì có Thiên Chúa, nên các ngươi cứ việc ăn chơi thỏa thích theo lòng đam mê của mình”. Nhưng tên quỷ già bảo: “Kế sách đó khó thành công lắm, vì dù không thấy Thiên Chúa vô hình, nhưng hầu như mọi người đều cảm thấy sự hiệu hữu của Ổng”. Tên quỷ con thứ hai trình bày: “Phần tôi sẽ rỉ tai cho loài người biết: chết là hết. Thiên đàng hay hỏa ngục chỉ là sự tưởng tượng để dụ hay dọa họ phải ăn ngay ở lành mà thôi chứ không có thực! Do đó, các ngươi cứ việc vui chơi thỏa thích, kẻo giờ chết đến thì khi ấy có muốn cũng không thể vui chơi được nữa!” Tên quỷ già gật gù nói: “Kế đó cũng hay đấy. Nhưng có lẽ loài người vẫn biết có quả báo, có thiên đàng để thưởng kẻ lành và hỏa ngục để phạt kẻ dữ”. Tên quỷ con thứ ba thì nêu ý kiến này: “Phần tôi, tôi sẽ làm cho con cái loài người tin rằng còn lâu chúng mới chết. Do đó chúng cứ việc thỏa mãn những đam mê lạc thú ở đời. Khi nào phải nằm liệt giường sắp chết, sẽ ăn năn sám hối cũng chưa muộn!” Nghe xong, tên quỷ già khoái chí cười hô hố. Nó vừa xoa đầu tên quỷ học trò vừa khen lấy khen để: “Trò giỏi lắm. Quả đó là kế sách rất hạp ý ta. Với phương kế này, chắc chắn nước hỏa ngục của chúng ta sẽ ngày càng bành trướng vì sẽ có thêm rất nhiều kẻ gia nhập.

 
 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây