Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm C

Thứ sáu - 11/11/2022 16:39 852 0
 


CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 21,5-19
            
Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”

            
Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và: ‘Thời kỳ đã đến gần’; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ chỗi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

            
“Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”
.

                       
 
CẢNH GIÁC TRƯỚC NGÀY CỦA CHÚA
    
        
Một cuộc động đất xảy ra tại một làng nhỏ nọ gây nên một cơn sợ hãi lớn. Tuy nhiên, một bà trú ngụ tại đó dường như bình tĩnh suốt cơn chấn động, đến nỗi hết thảy những người lân cận đều thắc mắc làm sao bà có thể giữ được bình an và chẳng bị xáo trộn như thế. Có người đến gặp bà và hỏi: “Bí quyết của bà là gì? Chúng tôi muốn biết điều gì đã giữ bà bình thản như vậy trong khi đất đang rung chuyển dưới chân chúng ta. Bà không sợ sao?” Người đàn bà đáp cách đơn giản: “Không, tôi không sợ! Tôi chỉ mừng là tôi có một Thượng Đế đủ để làm rung chuyển cả thế giới!”

            
Những cơn chấn động vẫn luôn xảy ra trong xã hội loài người và trong cuộc sống mỗi người: chấn động tự nhiên, chấn động xã hội, chấn động thời cuộc, chấn động tâm lý (đó là chưa nói đến chấn động vĩ đại của Ngày Cùng tận)... Hết thảy ít nhiều đều khiến chúng ta lo âu sợ hãi. Nhưng ai tỉnh táo, kiên vững, tin tưởng và ý thức mọi chuyện đều không nằm ngoài bàn tay Thiên Chúa, thì sẽ thoát được các ngôn sứ giả, chẳng sợ hãi các tai biến và trung thành với đức tin cho đến cùng. Đó là bài học của đoạn Tin Mừng hôm nay.

            
Bản văn khai mở với việc thầy trò Đức Giê-su đang đứng trước Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Vào thời ấy, Đền thờ này, một công trình độc nhất vô nhị, còn hết sức mới mẻ. Hê-rô-đê đã khởi công xây dựng nó năm 19 trước Công nguyên. Cẩm thạch, bạc vàng, màn trướng, gỗ lát tường chạm trổ của nó đều khiến khách hành hương khen ngợi tấm tắc. Nó là một trong những kỳ quan của thế giới cổ thời. Và môn đệ Đức Giê-su, như thế hết thảy mọi người, đều kinh ngạc thán phục… Nhưng Đức Giê-su đã thẳng thừng bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. Phản ứng xảy ra ngay lập tức. Mọi con dân Do-thái đều biết sự phá hủy Đền thờ sẽ tiên báo ngày cùng tận. Nên ta hiểu mỗi kinh ngạc lẫn công phẫn do sấm ngôn này của Đức Giê-su gây ra: đây sẽ là một trong những nguyên nhân khiến Thượng Hội đồng kết án Người phải chết (x. Mt 26,61). Như thế, thay vì hòa mình vào việc đồng thanh ca ngợi của môn đệ, thay vì để mình chiều theo “sự an tâm giả tạo” của toàn thể loài người, vốn luôn tưởng tượng rằng “mọi sự sẽ tồn tại y nguyên”, Đức Giê-su loan báo tính chất mong manh của các kỳ công nhân tạo: tất cả sẽ bị phá hủy! Vâng, một ngày nào đó, thời gian sẽ chấm dứt tất cả: mạng sống, tài sản, sắc đẹp… Phải biết nhìn thẳng sự tận cùng… sự già nua không ngừng của hết thảy… hành trình chầm chậm và khắc nghiệt của mọi sinh vật tiến về cái chết.

            
1. Ngôn sứ giả

“Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” các môn đệ hỏi, và chúng ta cũng luôn tự hỏi như vậy. Chúng ta muốn biết ngày giờ. Chúng ta tin rằng có lợi nếu được biết. Nắm được tâm lý này, nhiều giáo phái, nhiều “nhà tiên tri” suốt giòng lịch sử nhân loại đã mạnh miệng tiên đoán ngày tận thế hay thời điểm Chúa Ki-tô quang lâm để hòng lôi kéo thiên hạ đi theo: một Shoko Asahara của giáo phái “Chân lý Tối cao” bên Nhật, một David Koresh của giáo phái “Nhành Đavít” bên Mỹ, một Luc Jouret của giáo phái “Đền Mặt trời” tại Âu châu… Nhưng hết thảy đều bị lời này của Đức Giê-su vạch mặt: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có lắm kẻ mạo danh Thầy đến nói: ‘Chính Ta đây’, và ‘Thời kỳ đã đến gần’; anh em chớ có theo họ”.
            
Như mọi lần, Đức Giê-su gạt bỏ tính hiếu kỳ vô ích và đi thẳng vào cái môn đệ sẽ cần thực hiện để phản ứng đúng trước những tình thế gây khắc khoải. Ưu tư duy nhất của Người là họ phải thoát khỏi “cơn sốt khải huyền” cũng như những nỗi khiếp sợ thường ám ảnh trí tưởng tượng của loài người… và khiến họ gieo mình vào vòng tay của mọi “cứu chúa” giả hiệu. 
“Chính ta đây!”… “Các người sẽ thấy ta có giải pháp cho mọi vấn đề của các người!”… “Hãy ủng hộ tôi, tôi là người Thượng Đế gởi đến”… Những thiên sai giả, ngôn sứ giả xuất hiện khắp nơi: đông tây, nam bắc, tả hữu. Họ tự tin tuyên bố sắp thay đổi xã hội loài người và cuối cùng làm cho ai nấy hoàn toàn hạnh phúc. Thời gian sẽ ngừng trôi. Mọi sự sẽ chẳng hao mòn. Con người sẽ trẻ mãi. Ngày mai sẽ ca hát. Chẳng còn kẻ chết. Chẳng còn áp bức… Toàn những hứa hẹn vu vơ, những giấc mơ không tưởng !

            
2. Sợ hãi

            
Ưu tư thứ hai của Đức Giê-su, sau ưu tư cảnh giác về các “ngôn sứ giả”, đó là tố giác nỗi sợ hãi : ngay cả “chiến tranh, nổi dậy, xung đột, động đất, ôn dịch, các sự kiện khủng khiếp”… chẳng phải là những dấu chỉ về ngày “tận cùng” và chẳng làm nên một lý do để hãi sợ. “Những điều ấy phải xảy đến”. Và xảy đến không ngừng. Nên ta hãy bình tĩnh, cố gắng giữ cái đầu thật lạnh.     

 Các tai ương lịch sử và vũ trụ được Đức Giê-su gợi lên ở đây là thành phần của một ngôn ngữ mã hóa, các “khải huyền”. Thể văn khuôn đúc này đã phát sinh tại Ít-ra-en chính vào lúc những lời hứa lớn lao của các ngôn sứ xem ra gây thất vọng (sách Đa-ni-en chẳng hạn). Hạnh phúc hứa ban đã không đến. Dân Thiên Chúa vẫn bị dân ngoại đè bẹp. Thử thách, vấp phạm biết chừng nào ! Phải chăng nên tiếp tục tin vào vị Thiên Chúa ấy? Chính lúc đó, tiếp nối các ngôn sứ, các khải huyền tái khẳng định tâm điểm của đức tin : Thiên Chúa là chủ lịch sử. Song phải biết chờ đợi. Sứ điệp của các khải huyền cho thấy tương lai. Tương lai này thuộc về Thiên Chúa. Tương lai duy nhất của con người nằm nơi Thiên Chúa. Một ngày nào đó, Ngày của Thiên Chúa, tất cả lịch sử nhân loại sẽ được hoàn thành. Và tương lai ấy, vô cùng chắc chắn, giúp bền chí trong hiện tại… thậm chí giữa lòng các đảo lộn và tai ương.
            
Các khải huyền thành thử là một lời mời gọi hy vọng : “Hãy tin vào Ta, Thiên Chúa phán!” Dẫu tinh tú rơi xuống, dẫu các ngôn sứ đổ sụp, dẫu tất cả điêu tàn xét theo loài người, thì vẫn còn một tương lai… Dẫu cái chết có đó, thì vẫn còn hy vọng tuyệt đối, hy vọng triệt để… Một nỗi hy vọng không dựa trên con người, nhưng dựa trên Thiên Chúa !

            
3. Mất đức tin

  
 “Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng”. Một lần nữa, chúng ta thấy được rằng, đối với Đức Giê-su, nỗi sợ duy nhất của các môn đệ phải là sợ mất đức tin. Người loan báo : trước khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, thành thử là rất sớm, các môn đồ sẽ chịu bách hại. Khi Lu-ca viết, chuyện đó đã xảy ra rồi (x. Cv 4,1-3; 5,18; 8,3; 12,4). Các cuộc bách hại đánh dấu từng quãng lịch sử Giáo Hội… tới mãi ngày nay.

            
Tuy nhiên, Đức Giê-su nói mạnh, bách hại, thử thách đức tin, thay vì là một điều đáng sợ, lại là một thứ vận may: một cơ hội để “làm chứng” trước những kẻ bách hại mình. Làm chứng công bố Đức Giê-su đã sống lại và là Chúa tể. Từ ngữ Hy-lạp (martur) được dịch là “làm chứng” ở đây sẽ mang ý nghĩa “tử đạo” (martyr) cho các thế hệ sau này. Thành thử hãy hy vọng, kiên nhẫn, vui tươi, bất chấp mọi sự : “Đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan… Anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên nhẫn, anh em mới giữ được mạng sống mình”. Đây là những lời thần linh, mà ta phải tin tưởng nhưng cũng không nên hiểu theo mặt chữ : vì dĩ nhiên, tóc và đầu Ki-tô hữu vẫn rơi rụng ! Đức tin chẳng bảo vệ khỏi chết hay khỏi đau khổ, nhưng nó ban sự sống ! Chớ quá vội tin vào ngày tận thế. Sẽ có một cuộc cưu mang đau đớn thê thảm, nhưng từ những tàn phá bách hại, sự sống sẽ vươn lên. «Cánh chung» như thần học nói là vậy : cánh (=xong xuôi) chung (=cuối cùng) : sự hoàn tất vào ngày cuối cùng, không phải sự tận diệt lúc sau hết. Kiên nhẫn là đứng vững, là sử dụng ngày giờ còn đang có và như đang có để sản sinh sự sống với cuộc sống, và cuộc sản sinh cuối cùng của lòng can đảm bất khuất sẽ đưa chúng ta vào Sự Sống thật.

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây