Chúa Nhật 34 TN Năm C

Thứ bảy - 19/11/2022 20:31 1.070 0
CHÚA NHẬT 34 TN NĂM C : LC 23,35-43
LỄ ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ

Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”. Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói : “Nếu ông là Vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi !” Phía trên đầu Người, có bản án viết bằng tiếng : “Đây là vua người Do-thái”.
            
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người : “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ?Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” Nhưng tên kia mắng nó : “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái !” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su : “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.


 
VƯƠNG QUYỀN ĐỨC KI-TÔ
 

           Lễ Chúa Ki-tô Vua là một lễ mới có trong thế kỷ này, được cử hành lần đầu tiên năm 1925. Trong thực tế, việc cử hành đích thực vương quyền của Đức Giê-su là lễ Thăng thiên. Nhưng trong Chúa nhật cuối của Năm Phụng vụ này, chúng ta chiêm ngưỡng “Vương triều Thiên Chúa” đang đến dần qua lịch sử, và đang tiến tới chỗ hoàn thành vào cuối thời gian.
            Nhưng nghịch lý thay, để mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, Giáo Hội đề ra cho chúng ta quang cảnh Đức Giê-su khai mạc vương triều của Người trên ngai thập giá… với triều thiên là mão gai nhuộm máu khuôn mặt… với sắc phong là một bản án đóng trên đầu: “Đây là vua người Do-thái!”… với hai chứng nhân, hai quan cận thần là hai tên gian phi cùng bị kết án tử.
            Một nghịch lý hết sức theo kiểu Tin Mừng! Vua ư? Vâng! Nhưng chắc chắn không như những ai hoan hô ủng hộ hay chống đối kết án Người đã hiểu… Vua “theo cách Thiên Chúa”! Vương quyền “tha thứ yêu thương” mà Thập giá là biểu tượng sống động! Nên trong số những kẻ chứng kiến cuộc “đăng quang”của Người, phần lớn chống đối hoặc không chấp nhận.

            1. Những kẻ chống đối
            Đầu tiên, thiết tưởng nên đọc câu 33 trước đó để hình dung được quang cảnh tổng quát: “Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá cùng lúc với hai tên gian phi…”. Đây là một đỉnh điểm! Một “đỉnh cao” của Tin Mừng. Sau “đỉnh núi Bát phúc” nơi Đức Giê-su tung ra sứ điệp đầu tiên, sau “đỉnh núi Ta-bo” nơi Đức Giê-su biến hình và được Chúa Cha phong tặng: “Đây là Con Ta, người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”… thì đây là đỉnh thứ ba và là đỉnh sau hết của Tin Mừng. Nơi cổng thành Giê-ru-sa-lem, gần cửa Ép-ra-im, trên một công trường khai thác đá cũ, các thợ khai thác đã để lại chỗ một tảng đá cứng hơn, một khối trơ vơ cao khoảng 5 mét. Đối với mọi người, đó là “Gôn-gô-ta”, nghĩa là “Sọ”, do hình dáng khối thạch. Một truyền thuyết cổ xưa cho rằng đó là sọ của A-đam, được chôn ở đó mãi mãi! Đỉnh cao Tin Mừng thành ra là một “hòn trọc”, một “núi quạnh hiu”, một “nơi sầu não”: một gò nhỏ, hơi cao hơn mặt đất, dùng dựng giá xử tử, gần con lộ đông người… hầu tất cả có thể thấy những kẻ bị kết án mà nhớ gương.
            Trong thực tế, “dân chúng thì đứng nhìn”! Từ Lu-ca sử dụng ở đây thật ý nghĩa. Ông không dùng tiếng “đám đông”, nhưng là tiếng “dân chúng” (laos trong Hy-ngữ), tiếng thường chỉ “dân Thiên Chúa”. Cũng từ này đã được sử dụng trong câu nói “Toàn dân say mê nghe Đức Giê-su giảng dạy trong Đền thờ” (Lc 19,48), vào chính lúc “các thượng tế, kinh sư và kỳ hào trong dân tìm giết Người cho được” (Lc 19,47). “Và dân chúng đứng đó mà nhìn”, như choáng ngợp trước biến cố. Im lặng của một lũ đông bao giờ cũng gây ấn tượng! Đám dân Ít-ra-en này không còn hiểu gì nữa. Họ đã chờ đợi Đấng Mê-si-a như một “ông vua”, một Đa-vít mới. Vương quyền đã kéo dài ít lâu trong lịch sử họ, với lúc huy hoàng là thời Đa-vít và Sa-lo-mon, song mọi ông vua tiếp đó đều không có tầm cỡ như hai vị. Từ bao thế kỷ, họ đã mơ mộng một Đấng Mê-si-a vương đế, hiếu chiến, đánh bại các kẻ thù. Vâng, họ đã tưởng rằng Đức Giê-su đến “khôi phục vương quyền tại Ít-ra-en”, nên đã thử tôn Người lên làm vua, nhưng Người đã bỏ chạy (Ga 6,15; Lc 19,38). Và bây giờ, Người có đó, bị kết án tử!
 Khác với đám dân đứng nhìn, im lặng và ngạc nhiên, đau đớn và thất vọng… thì “các thủ lãnh buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Các thủ lãnh thách thức Đức Giê-su bày tỏ “vương quyền Ki-tô của Người”. “Ki-tô” (“kẻ được Thiên Chúa xức dầu”) là một vương tước, vì vua chúa Ít-ra-en từng được gọi vậy và thật sự đã được “thánh hiến” bằng dầu thánh, khiến họ trở thành những Ki-tô (do chữ Christos của Hy-lạp, dịch từ Mê-si-a của Hip-ri). Nếu Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, là người được tuyển chọn (từ ngữ mượn nơi Is 42,1), là Đấng Cứu thế, thì trước hết Người hãy tự cứu mình!
            Các lời gào thét của đám chế giễu làm vọng lại các gợi ý của ma quỷ khi Đức Giê-su bị cám dỗ ở hoang địa, ngày đầu đời công khai (x. Lc 4,3)… cũng như các lời quở trách của đồng hương ở Na-da-rét: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình trước” (Lc 4,23). Trong thế giới hiện đại của chúng ta, hạng “chế giễu Thiên Chúa” không mấy còn cao giọng làm việc ấy, nhưng vẫn luôn là cùng câu hỏi, cùng lầm lẫn: “Thiên Chúa hãy tỏ mình ra cho chúng tôi xem nào! Người xuất hiện đi nếu Người có thật!”. Và câu trả lời của Thiên Chúa luôn là câu trả lời của Đức Giê-su: im lặng, không can thiệp ở mức độ các sự vật mà Người để cho hiện hữu với tất cả sự tự trị của chúng… Người chẳng tự biện hộ cho mình… Người để mình bị tố cáo là bất lực và không hiện hữu… Như Thiên Chúa, Đức Giê-su đã chẳng bao giờ chiều theo cám dỗ “hành động vì mình”, sử dụng Toàn Năng của mình cho chính mình. Đó đâu phải là cung cách của Tình yêu!
            Cả “lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là Vua dân Do-thái thì tự cứu mình đi!” Chính những người Rô-ma ngoại giáo thuộc đạo quân chiếm đóng sử dụng tước hiệu “vua” cho Người. Chế giễu tột mức đối với kẻ bị gạt ra bên lề này, chịu treo thập giá này, vốn đang thở có tiếng ran… Lại một tên xưng hùng xưng bá nữa!
            Chưa hết! “Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là Vua người Do-thái”. Nghi lễ đăng quang của vua chúa tại Ít-ra-en thường bao gồm việc tấn phong: một tư tế, nhân danh chính Thiên Chúa, ban cho vua “tước hiệu” qua lời đọc như thấy trong Thánh vịnh: “Ngày đăng quang Con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh Con” (Tv 109). Ở đây, bên trên “ngai” ứng biến là thập giá, bản án dùng làm sắc phong tương tự lời Chúa Cha tấn phong Con mình trên giòng nước Gio-đan ngày Người chịu phép rửa: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22). Theo các Tin Mừng, Đức Giê-su đúng là đã tự giới thiệu mình như một ông vua, nhưng “vương quyền chẳng thuộc thế gian này” (Ga 18,36). Trong tất cả sứ vụ của mình, Người đã hết sức chú ý để thiên hạ không thể giải thích sứ vụ ấy theo chiều hướng chính trị. Vương quyền Người đúng là được thiết lập “ở trần gian”, nhưng không tranh chấp với các “vương quốc hay hệ thống chính trị trần thế”. Thập giá này, ngai báu này, vương tước này làm vỡ tung mọi “hy vọng ảo tưởng” về một thứ Mê-si-a vua chúa tại Ít-ra- en.       
                                                                                                  
  Cuối cùng, “một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng xỉ vả Người: ‘Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Cứu mình đi xem nào, và cứu chúng tôi với!’” Giê-su đúng là ông vua bị nhạo báng đến cùng cực. Đã bị biến dạng, lột trần, phủ đầy đờm rãi, nhuộm máu toàn thân, có hai tên gian phi làm chứng nhân đăng quang và cận thần hầu hạ, giờ đây lại bị một trong hai đứa xỉ vả. (Thật ra đây là hai tay kháng chiến chống quân xâm lược, nhưng nhà cầm quyền Rô-ma, như nhiều chế độ độc tài hiện đại, đã hình sự hóa việc làm mang tính chính trị của họ. Tác giả Tin Mừng chỉ gọi họ theo cách thông thường giữa dân chúng). Trình thuật của Lu-ca quả đã được xây dựng cách bi thảm, trong một sự căng thẳng càng lúc càng dâng cao: dân chúng “đứng nhìn”… thủ lãnh “nhạo báng”…lính tráng “chế giễu”… bản án “lăng nhục”… và gian phi “xỉ vả”…


            2. Những người công nhận

            Nhưng trong tiếng la hét khinh bỉ của mọi người, này đây một giọng nói yếu ớt và khốn khổ cất lên, giọng của tên gian phi còn lại: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Chi tiết này hẳn đã được chính Đức Ma-ri-a nghe dưới chân Thập giá và đã kể lại cho vị thánh sử. Là tác giả Tin Mừng về lòng “thương xót” và về những “người nghèo”, Lu-ca hẳn đã đặc biệt vui mừng vì câu này, câu mà chỉ mình ông ghi lại.
            Đấy là cái hôn đầu hết và cuối cùng của đức tin và tình yêu. Đức tin và tình yêu của tên “gian phi” thống hối. Vương quyền của Đức Ki-tô, Vương quốc của Thiên Chúa, chỉ mở ra cho những ai “thống hối”. Cách Đức Ki-tô thực thi vương quyền mình trên loài người, kể cả các kẻ thù, là ban ơn tha thứ cho họ (Lc 23,34.43)… một ơn tha thứ vô hạn! Để vào Vương quốc đó, thì không phải cần mang cho được danh hiệu “chính nhân”, song phải tự nhận mình là “tội nhân”, biết đón nhận ơn tha thứ luôn được Thiên Chúa cống hiến cho mình. Người thứ nhất cảm nghiệm sự hòa giải phổ quát này là một tên “gian phi” biết thừa nhận tội lỗi mình, đồng thời công bố sự vô tội của Đức Giê-su. Y đã đoán được Vương quốc mà Đức Giê-su chết cho là một vương quốc yêu thương tha thứ, và lời cầu nguyện khiêm tốn của y đã mở được cho y cánh cửa Vương quốc này: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
            Nếu xem các câu tiếp (23,47-48), ta sẽ khám phá thêm hai hạng công nhận vương quyền ngược đời này của Đức Ki-tô. Đó là viên đại đội trưởng và những kẻ chứng kiến cảnh tượng. Khi thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan tôn vinh Thiên Chúa mà rằng: “Người này đích thực là người công chính”, còn đám đông thì đấm ngực trở về nhà. Họ đã nhận ra Đức Giê-su là vua cao cả, đích thật vì Người đã chiến thắng bản năng báo thù vốn có trong mỗi cá nhân, một bản năng sẽ chỗi dậy như vũ bão khi bản thân bị bách hại; vì Người đã chứng tỏ tình yêu mãnh liệt qua sự tự hiến, tự hiến suốt cuộc đời, tự hiến trong đau khổ và tự hiến bằng cái chết.
            Để kết thúc việc suy niệm, ta hãy nghe bài thơ sau đây của một thi sĩ mô tả cái chết của Đức Giê-su theo cách Mẹ Người hỏi chuyện Người, đại ý như sau: “Con sẽ chết lúc đêm khuya, ở nơi kín đáo chăng? - Không, giữa ban ngày và ở nơi muôn mắt nhìn ngó. - Chung quanh con sẽ có bạn hữu yêu dấu chăng? - Không, bạn hữu đều tránh xa, chỉ có kẻ thù nghịch. - Con sẽ nằm trên giường êm ấm mà chết chăng? - Không, con sẽ bị treo trên cây thập tự. - Con sẽ chết lúc già nua yếu nhược chăng? - Không, chính lúc còn thanh niên mạnh khỏe. - Con sẽ chết cách vinh quang xứng đáng chăng? - Không, sẽ chết cách trần trụi ô nhục. - Xác của con sẽ được chôn cất lành lặn cả chăng? - Không, sẽ bị giáo đâm đinh đóng. - Con sẽ chết với những bậc hiền triết quân tử chăng? - Không, con sẽ chết giữa hai tên trộm cướp. - Tội nghiệp! Cớ sao con phải chịu nông nỗi dường ấy? - Để làm trọn thánh ý Đức Chúa Cha và để cứu loài người khỏi tội lỗi!”.      

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây