Chúa Nhật 32 thường Niên Năm C

Thứ sáu - 04/11/2022 21:28 417 0
 
 
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 20,27-38
 

            Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi để lại vợ góa mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”
            Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.
           
 
CUỘC SỐNG SAU CÁI CHẾT


Một bác sĩ sản khoa có viết một câu chuyện về cuộc đối thoại giả tưởng giữa ông với một bào thai như sau. Bác sĩ nói: “Bào thai ơi, thời gian trong bụng mẹ chỉ là giai đoạn sửa soạn, cuộc đời thực sự sẽ đến sau nầy trên trần thế. Đó là một cuộc đời mà ngươi chưa biết và không thể tưởng tượng ra được”. Nghe vậy, bào thai liền nói: “Thôi, đừng nói chuyện mê tín dị đoan. Cuộc đời trong bụng mẹ là cuộc đời duy nhất mà tôi biết, ngoài ra chẳng còn cuộc đời nào khác nữa. Một cuộc đời khác chỉ là điều bịa đặt của những kẻ cuồng tín”. Nhưng sau khi suy nghĩ một hồi, bào thai thắc mắc: “Tôi sẽ có mắt ở trên mặt. Để làm chi? Ở đây đâu có gì để nhìn và đâu có ánh sáng để nhìn? Tôi sẽ có chân, nhưng ở đây tôi không đủ chỗ để duỗi người ra, vậy có chân để làm gì nhỉ? Và tại sao tôi lại có tay? Phải chăng để vòng lại? Tay lúc này làm phiền tôi và mẹ tôi lắm! Sự tăng trưởng của tôi trong lòng mẹ e vô nghĩa, nếu sau này không có một cuộc đời với ánh sáng, màu sắc và lắm điều khác để tôi nhìn. Không gian mà cuộc đời khác của tôi sẽ sống trong đó chắc là vĩ đại. Chắc tôi phải đi nhiều nên tôi mới có chân. Chắc tôi phải làm việc và chiến đấu, nên tôi mới có tay!”
            1. Vấn nạn của những người không tin
            Câu chuyện giả tưởng trên đây nêu lên cho ta hai vấn đề như bài Tin Mừng đề cập: cuộc sống đời này và cuộc sống đời sau, với ranh giới là sự chết. Nhưng sự chết cũng là một vấn đề, vấn đề nghiêm trọng nhất, khó tránh nhất, phổ quát nhất mà nhân loại luôn tự đặt. Các cơn bệnh hiểm nghèo, các đại họa thiên nhiên, các tai nạn đường sá, các cuộc chiến khốc liệt… không ngớt khiến ta nêu câu hỏi: có cái gì “mai hậu” chăng? Hầu kết mọi nền văn minh lớn và tôn giáo lớn đều khẳng định “kiếp sau” của con người, đều cử hành “phụng tự kẻ chết”, đều xác tín “tổ tiên” vẫn ảnh hưởng lên cuộc sống của con cháu hậu duệ. Nhưng ngày nay, duy vật chủ nghĩa xem ra chinh phục được các tâm trí. Lắm người không tin, không muốn tin bất cứ hình thức tồn tại nào sau cái chết cả. Tuy nhiên, ngay thời Đức Giê-su, vài nhóm tôn giáo như phái Xa-đốc cũng đã chẳng tin vào sự sống lại, do khuynh hướng “bảo thủ giáo lý” chỉ chấp nhận Ngũ Thư thôi (5 cuốn sách đầu bộ Kinh thánh). Quả thế, niềm tin sống lại chưa được bày tỏ minh nhiên trong các cuốn này. Nó mới bắt đầu được nói đến ở Đn 12,2-3, tức chỉ trước đó hai thế kỷ. Tuy nhiên, như sẽ thấy, Đức Giê-su sẽ dựa vào chính Ngũ Thư để chứng minh cho phái Xa-đốc biết là có sự sống lại.
  Cả ba Tin mừng Nhất lãm đều kể lại cho chúng ta giai thoại này và trong cùng bối cảnh, nghĩa là trong những ngày cuối cùng đời tại thế của Đức Giê-su. Thật cảm động lúc thấy thiên hạ đã cho Người cơ hội phát biểu quan điểm cá nhân về thế giới bên kia đang khi cái chết của bản thân đến gần: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải cưới lấy nàng để sinh con nối dõi cho anh hay em mình…”. Vâng, khát vọng sống mãi, vốn ở trong trái tim con người, đã dẫn các nền văn minh Át-xi-ri và Do-thái đến thói tục “thế huynh”: vì thật ra, thiên hạ nghĩ rằng mình chỉ sống mãi thật sự trong con cháu. Thành thử phải bằng mọi giá làm dấy lên một hậu duệ cho người anh quá vãng. Và đứa bé sinh ra từ cuộc kết hợp ấy được pháp luật xem như con của người đã khuất.
            Nhưng để chế giễu niềm tin vào sự phục sinh, phái Xa-đốc đã đưa ra cho Đức Giê-su một trong những đề tài “tranh luận” tinh tế mà các trường phái ráp-bi rất ưa chuộng. Bảy anh em, vì luật thế huynh, đã cùng lấy một người vợ mà chẳng có ai để lại đứa con nào. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai? Nố lương tâm này có vẻ lố bịch. Tuy nhiên, tách riêng yếu tố huyền hoặc, nó rất giống với các kiểu tò mò của chúng ta về thế giới bên kia: chúng ta chẳng luôn ngây ngô tưởng tượng thế giới ấy như tiếp nối cuộc sống đời này mà chúng ta đang biết hay sao? Đức Giê-su sẽ giải đáp thế nào?

            2. Giải đáp của Đấng sống lại
            Chẳng bao giờ để mình bị lôi kéo vào sự tò mò tôn giáo thuần túy, Đức Giê-su lập tức lên cao và tỏ ra trịnh trọng. Trước hết, Người thiết lập một tương phản toàn diện giữa “thế giới đời này” với “thế giới mai sau”, và quả quyết chỉ đi vào đó “những ai sẽ được xét là đáng hưởng”. Thành thử đây là chân lý thứ nhất, hết sức rõ rệt: ta không đi vào cuộc sống vĩnh cửu “cách đương nhiên”, kiểu chơn giỡn… mà phải được xét là xứng đáng! Thế giới bên kia đâu phải là một nơi mà bất cứ ai cũng có thể vào cách thong dong: có một sự kiểm soát… theo kiểu các trắc nghiệm chúng ta thường chịu để lãnh một số trách nhiệm hay một số nghề nghiệp. Và đương nhiên thử thách để vào “trong thế giới tương lai” chỉ có thể là thử thách về cách chúng ta sống “trong thế giới đời này”!
            “Họ được ngang hàng với các thiên thần”. Cần hiểu cho đúng khẳng quyết thứ hai này của Chúa. Người bảo chúng ta phải từ bỏ ý định tưởng tượng cuộc sống tương lai. So sánh các “tuyển nhân” với các “thiên thần”, đó là nói lối sống của những người quá vãng thoát khỏi tầm tay của khoa học và trí tuệ. Cuộc sống thế giới bên kia đâu dựa theo mẫu cuộc sống chúng ta! Chẳng có thể nào hình dung thế giới tương lai lẫn các thiên thần. Việc tiếp tục hay không các sinh hoạt tính dục là một câu hỏi cũng bậy bạ như việc tranh luận về giới tính của các hữu thể thiêng liêng ấy! Họ chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ. Vậy họ thế nào? Hoàn toàn khác với chúng ta! Và Đức Giê-su đáp lại phái Xa-đốc duy vật (và cả phái Pha-ri-sêu duy lý máy móc nữa) rằng sẽ chẳng cần sinh sản, vì ta đâu còn phải chết.
            Lắm người sẽ tự hỏi tại sao Thiên Chúa không giải thích thêm một chút về cuộc sống ngon lành ở thế giới bên kia? Người không thể làm được, vì chúng ta chẳng có chút kinh nghiệm nào về thế giới đó cả. Với đứa trẻ còn trong bụng mẹ, ta có thể nói gì để hé lộ cho nó biết “cuộc sống” đang chờ nó? Giả sử nó biết ngôn ngữ bạn dùng, lời của bạn cũng chả nói lên với nó điều gì, vì nó đâu kinh nghiệm về thế giới chúng ta: nó chỉ có thể khởi sự khám phá thế giới ấy một khi “chào đời”… Tuy nhiên Thiên Chúa cũng cho ta một vài hình ảnh. Con bướm là một sinh vật hoàn toàn khác với con sâu từ đó nó phát xuất. Cây lúa xanh hoàn toàn khác với hạt lúa. Bà già 90 tuổi hoàn toàn khác với cô bé vốn là bà lúc đầu đời. Có khác biệt trong mọi trường hợp ấy nhưng cũng có liên tục. Con sâu sống cuộc sống bò trên đất, một hôm nó chui vào ngủ trong cái kén dùng làm quan tài nhỏ cho nó, và một ngày nọ, con bướm xinh đẹp chỗi dậy, tung cánh bay lượn trên trời. Một hình ảnh về sự sống lại đang chờ hết thảy chúng ta.
            “Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại”. Đây là mạc khải tích cực thứ ba của Đức Giê-su về những người quá vãng: họ được đưa vào sống thân mật với Chúa Cha, nên con cái Thiên Chúa. Tham dự tình yêu tuyệt đối sẽ làm cho ta hạnh phúc vô cùng! Vậy là chúng ta đã xa câu hỏi nực cười của phái Xa-đốc mà đi vào trung tâm đức tin đích thực. Cuộc sống thế giới bên kia là không thể tưởng tượng, khác hẳn cuộc sống đời này, vì đó là việc tham dự vào sự sống của Đấng Toàn Tha, của Thiên Chúa! Như tất cả những gì động tới Thiên Chúa, chúng ta chẳng có cách nào để ý niệm hóa các thực tại như vậy, những thực tại vượt quá trí tuệ ta hoàn toàn. Khả năng duy nhất của chúng ta là tin vào đó hoặc không tin thôi.
            “Còn về vấn đề kẻ chết sống lại, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về Bụi Gai…”. Sau khi đã tự mình khẳng định việc kẻ chết sống lại, giờ đây Đức Giê-su dựa vào chính Kinh thánh. Người như muốn bảo hãy tìm các ý tưởng về sự sống lại không phải nơi các triết gia và các tay tưởng tượng nhưng trong Mạc khải. Và để kẻ đối thoại dễ chấp nhận, Người chỉ xoay quanh Ngũ Thư. Đức Giê-su trích câu Thiên Chúa nói với Mô-sê (Xh 3,6; rồi truyền cho Mô-sê lặp lại với dân Người: Xh 3,15-16) rằng Người “là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp”. Người loan báo sẽ cứu dân khỏi cảnh nô lệ Ai-cập vì đã giao ước với tổ tiên của họ. Câu chuyện và lời tự xưng như vậy cho thấy: 1-Các tổ phụ đã chết nhưng không tuyệt diệt mà vẫn tồn tại nên Thiên Chúa phải giữ lời. Chẳng ai bị bó buộc giữ lời -mà cần gì hứa lời- đối với một con vật sẽ bị tuyệt diệt, vì đâu có sợ “làm tủi hổ vong linh” nó, đâu có sợ “chẳng còn mặt mũi nào nhìn nó khi xuống suối vàng”! 2-Áp-ra-ham, I-xa-ac, Gia-cóp không chết nhưng còn sống mãi, vì Thiên Chúa đã giao ước là cho tới muôn đời và tình Người yêu ta vượt thắng cái chết. Nếu những kẻ đã được Thiên Chúa sáng tạo và yêu thương như Áp-ra-ham, I-xa-ac, hay ai đó… đều tất phải đi vào hư vô vĩnh viễn, thì như thế tình yêu của Người thất bại. Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa tình yêu đã chẳng gọi chúng ta đến sự sống để biến chúng ta thành những kẻ mang án chết tạm hoãn. Nếu tin vào vị Thiên Chúa do Đức Giê-su mạc khải, ta biết mình được Người yêu mến và muốn mến yêu Người. Làm sao một chuyện tình như thế lại kết thúc ở nghĩa địa? Lạy Chúa, con quá yêu Chúa, nên chẳng lẽ không mơ yêu Chúa sau cuộc đời này (x. Tv 73,23)? Phần Chúa, Chúa quá yêu con nên chẳng lẽ bỏ con hư nát trong phần mộ (x. Tv 16, 10)? Đây là kinh nghiệm tử đạo: phải chấp nhận “liều mạng hoàn toàn vì Thiên Chúa”, thậm chí cho đến chết, để sống mãi trong tình yêu Người.
            Thành thử chẳng có gì thần thoại hay trẻ con trong niềm tin Ki-tô giáo về thế giới bên kia: đức tin vào sự sống lại đâu phải là một tin tưởng bên lề, không bắt buộc: đó là đức tin vào chính Thiên Chúa!

 
 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây