Chúa Nhật 31 Thường niên năm C

Thứ bảy - 29/10/2022 09:19 124 0
 
 
 
CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 19,1-10
 

            Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó, có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
 
 
CUỘC GẶP GỠ CỦA NHỮNG CÁI NHÌN
 

            Có người hỏi một học giả Á đông đã tin nhận Chúa rằng: “Tại sao ông là người học sâu hiểu rộng, đã biết đến nơi đến chốn các tôn giáo, các triết lý cao siêu của Á đông, mà lại tiếp nhận Tin Mừng như vậy?” Vị học giả trả lời: “Tôi vốn như một người chìm tàu giữa đại dương, sóng cả dập vùi, sức người có hạn. Các vị giáo chủ khác đã dạy tôi: con phải bơi lội theo phương pháp này, tập dưỡng sức theo phương pháp kia, định hướng tìm bờ theo phương pháp nọ. Chỉ có Chúa Giê-su Cứu Thế là đã nhảy xuống biển và liều chết để cứu vớt tôi, vì thế tôi tin nhận Người”.
            Hôm nay cũng có một kẻ bị vùi dập giữa đại dương tội lỗi thất vọng và đang đảo mắt kêu cứu. May thay, một người khác thấy được và đã nhảy xuống cứu ông, bất chấp sóng cả dư luận. Hai nhân vật đó là ông Da-kêu và Đức Giê-su.

            1. Cái nhìn xót thương của Thiên Chúa
            “Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó, có một người tên là Da-kêu”. Phải chăng Lu-ca muốn khôi hài hay chế diễu? “Zakkay”, trong tiếng Hip-ri, có nghĩa “kẻ trong sạch, người công chính”. Tội nhân công khai mang danh “kẻ trong sạch” như thế khiến ta nghĩ tớn một tên bợm tai quái có biệt hiệu “vô tội hiền lành”! Nhưng hãy chờ kết thúc câu chuyện. Biết đâu ông ta sẽ thật sự xứng danh… vào đoạn cuối. Là một tội nhân do nghề nghiệp, Da-kêu lúc này lẽ ra phải gọi là “kẻ bị trục xuất”. Một tên bỉ ổi bị mọi người khinh ghét, vì phục vụ quân xâm lược Rô-ma, thỏa hiệp với ngẫu thần Hoàng đế, bóc lột thẳng tay người nghèo! Một tay “sếp thu thuế” đểu cáng đã làm giàu trên xương máu nhân dân, đang phô trương của cải và sự xa xỉ trong biệt thự sang trọng nhất của thành phố. Một con người phải chạy trốn như bệnh dịch, một tội nhân hư hỏng hoàn toàn, bại hoại tận căn, cấm lân la gần gũi. Thiên hạ khạc nhổ xuống đất và quay mặt đi khi ngang qua con đường của hắn.
            “Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai…”. Cả một loạt “biểu tượng”: Da-kêu nhỏ bé, quá nhỏ bé để thấy được Đấng Ki-tô… đám đông thù nghịch, cả một dư luận phải thắng vượt, để thấy được Đấng Ki-tô… trèo lên cây, cây nào cao lớn bằng cây thập giá, để thấy được Đấng Ki-tô… Nhưng lối giải thích biểu tượng chẳng làm mất đi lịch sử tính của các chi tiết cụ thể: thời Lu-ca, người ta hẳn còn nhớ biến cố khó tin này là tại Giê-ri-cô, một tay “thầu thuế”[1] đã trở lại. Ngoài ra, mọi chi tiết đều hết sức tự nhiên. Ở cổng thành, Đức Giê-su đã cho một người mù sáng mắt (Lc 18,35-42). Tiếng đồn phép lạ lan nhanh như thuốc nổ. Nên ta hiểu Da-kêu đã có ước vọng được thấy Người. Và rồi, vì quá lùn tịt lại bị khinh bỉ chẳng ai nhường chỗ cho, ông đã leo lên cây dưới những cái nhìn mỉa mai của quần chúng, chẳng bận tâm đến tư cách “trưởng ty thuế vụ” của chính quyền!
Cái gì đã thúc đẩy Da-kêu bất chấp lố lăng, xắn cao chiếc áo choàng trưởng giả, để leo lên cây như một đứa trẻ tầm thường? Vì tò mò ham biết? Vì một lôi kéo mầu nhiệm? Vì bất ổn tâm hồn và chán ngán kiếp phù sinh? Ông đã trải qua cuộc đời để đếm những đồng xu và khiến cả thành ngao ngán. Thiên hạ tránh xa ông vì ông nhân danh luật pháp truy nã họ. Nhưng này thiên hạ bảo rằng Đức Giê-su đang đi ngang qua, và Người là bạn của những kẻ bị căm ghét. Bấy giờ, để thấy được Chúa, tay tài chủ đã leo lên cây vả. Và hai cái nhìn đã gặp gỡ nhau tại đấy. Bề ngoài, chính Da-kêu nhìn trước hết, cháy bỏng khát khao thấy được Đức Giê-su. Nhưng có lẽ đã không gì xảy ra nếu Chúa chẳng ngước mắt trông lên cư dân lạ lùng của cây vả. Chúng ta tưởng mình kiếm tìm Thiên Chúa, trong lúc chính Người tìm kiếm chúng ta trước, tự muôn đời. Đức Giê-su hẳn rất hạnh phúc ngày hôm ấy! Chỉ vài cây số cách Giê-ru-sa-lem, chỉ vài hôm cách cuộc Khổ nạn cứu rỗi nhân loại, Người đã lập được thành tích đẹp nhất của mình! Tất cả sự chơ vơ cô quạnh của thập giá, tất cả nỗi khổ sắp gánh lấy trên lưng, tất cả sự xâu xé tay chân thân thể… Người biết rõ, Người chắc chắn là có ích. Người cứu rỗi thế giới, khi “lên Giê-ru-sa-lem”. Da-kêu là hoa trái đầu tiên của công trình này.
            Và Đức Giê-su đưa ra sáng kiến: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Tất cả xảy ra như thể Đức Giê-su đã liệu trước ngón đòn của mình: Người biết ông, gọi đích danh ông, tự mời mình đến nhà ông, chuộng ông hơn mọi cư dân khác trong thành. Người đã chọn kẻ thấp hèn nhất, bị khinh bỉ nhất. Cách của Người là thế: xin ai đó giúp một việc để ban cho đương sự ơn huệ huy hoàng của mình, tựa ông vua biến thành hành khất để cho lại sau đó mà không xúc phạm. Người có vẻ chỉ là nhà thuyết giáo lưu động xin một bát cơm và một chỗ ngủ qua đêm. Và thân mật biết bao trong sự vội vàng này. Chúa như thể muốn bảo: “Ông Da-kêu ơi, tôi đói lắm rồi, xin ông lẹ cho!” Người cũng từng xin một phụ nữ Sa-ma-ri bị khai trừ cho mình uống nước bên bờ giếng như thế, từng để một phụ nữ tội lỗi xức dầu thơm cho mình tại nhà Si-môn biệt phái như vậy.

            2. Cái nhìn thống hối của tội nhân
  Và “Da-kêu vội vàng tụt xuống”. Sự vội vàng này tương ứng với sự vội vàng của Đức Giê-su. Niềm vui là dấu chỉ đã gặp được Người. Một tràng pháo hoan hỉ chạy dài từ kinh Magnificat của Đức Trinh Nữ, qua nỗi vui mừng của các mục tử Bê-lem, kéo đến tận niềm hân hoan của hai lữ khách quán trọ. Nhưng trong cảnh nhộn nhịp hân hoan đó, bỗng có một cú hãm tàn bạo, một thanh âm chói tai, một gáo nước lạnh dội vào: “Mọi người xầm xì với nhau: Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Lại cũng một cái nhìn, lối nhìn thông thường. Không hẳn là ác độc, nhưng nông cạn. Một đám đông chẳng có thấy tâm hồn Da-kêu lẫn tâm hồn Đức Giê-su, song chỉ biết thiết lập danh mục : Da-kêu bóc lột - Giê-su nhà ngôn sứ: những thái cực không thể pha trộn vào nhau! Nhưng các thái cực đã nhìn nhau, bằng một cái nhìn làm vỡ tung các vẻ bề ngoài. Phải chăng tôi cũng biết đánh thức trong mình khát vọng thoát khỏi những xầm xì của đám đông: của phát thanh, truyền hình, báo chí, trang mạng, môi trường giáo xứ, môi trường gia đình, môi trường nghề nghiệp…? Phải chăng tôi cũng biết bắt chước Đức Giê-su là người từng đòi hỏi chớ làm cớ vấp phạm (Lc 17, 1-3), song chẳng ngần ngại tạo vấp phạm đôi khi, qua những phong thái không phù hợp với dư luận đương thời… đặc biệt là qua lòng tốt lạ lùng đối với những kẻ tội lỗi? Người cứu thoát đến độ gây chướng kỳ. Người tha thứ tới mức khiến công phẫn.
            Nhưng chính cách cư xử lạ lùng đó đã tạo nên hiệu quả: tay phú hộ đáng ghét đã làm một cuộc đổi đời ngoạn mục: “lấy phân nửa tài sản mà cho người nghèo; và nếu đã chiếm đoạt của ai, xin đền gấp bốn”. Thánh Ambrôsiô, trong bài giảng ở Milanô, đã từng dạy: “Lỗi không phải ở chỗ giàu có, nhưng ở chỗ chẳng biết sử dụng nên của cải của mình…” Và toàn bộ Tin Mừng của thánh Lu-ca xem ra bảo rằng chỉ có một lối dùng nên của cải là thoát ly nó, là trao tặng nó! (x. Lc 12,23; 16,9). Thảng thốt trước lòng quảng đại của Đức Giê-su đối với mình, Da-kêu đã muốn chứng tỏ cũng lòng quảng đại ấy với những kẻ khác. Từng bất hạnh với tất cả vàng bạc của mình, nay Da-kêu hết sức vui mừng phân phát mừng vui.
            Trong mọi tôn giáo, kể cả tại Ít-ra-en, Thiên Chúa là Hữu thể đáng sợ và Đền thờ của Người gây nên khiếp hãi linh thánh. Nhưng Đức Giê-su lại chính là Thiên Chúa di chuyển và đến trọ “nhà tội nhân”, để ban ơn cứu rỗi, vì tội nhân cũng là con cái của Người. Và từ ngày đó, các nhà thờ, thậm chí các nhà thờ chánh tòa vĩ đại nhất, đều cũng chỉ là ngôi nhà khiêm tốn của Da-kêu, nơi các tội nhân và thánh nhân gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Giờ đây, nhân vật của chúng ta mới có thể mang tên thật của mình: “người thanh sạch”, người đã được nên thanh sạch, “người công chính”, người đã được nên công chính.
 

[1] Thầu thuế: người nộp trước tổng số tiền thuế cho chính quyền rồi mới thu của nhân dân sau (trong đế quốc Rô-ma). Dĩ nhiên là thu trội.
           
 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây