Chúa Nhật 34 Thường Niên Năm B

Thứ bảy - 23/11/2024 01:30 86 0

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN NĂM B
- CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ : GA 18,33b-37

Khi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng : “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Đức Giê-su đáp : “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi ?” Ông Phi-la-tô trả lời : “Tôi là người Do-thái sao ? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì ?” Đức Giê-su trả lời : “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra, Nước tôi không thuộc chốn này”. Ông Phi-la-tô liền hỏi : “Vậy ông là vua sao ?” Đức Giê-su đáp : “Chính ngài nói rằng tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.       
           
 
SỰ THẬT VÀ VƯƠNG QUYỀN

            Trong ngôn ngữ Tây phương, có một trò chơi trí tuệ gọi là “từ đảo chữ” (anagram, anagramme). Trong trò chơi này, người ta xáo các mẫu tự của một từ hay một cụm từ rồi sắp lại thành một từ hay một cụm từ khác có ý nghĩa. Nếu từ hay cụm từ mới này có ý nghĩa tương ứng với từ hay cụm từ cũ thì càng tuyệt. Người ta được biết có hai trường hợp đảo chữ rất thời danh. Trước hết là cụm từ “French revolution” (Cách mạng Pháp). Nó đã được xáo lại thành “Violence, run forth” (Hỡi bạo lực, hãy tung hoành !) Ai từng biết toàn bộ cuộc đại biến kể từ năm 1789 này, cuộc đại biến đã dìm toàn thể nước Pháp trong máu lửa thì mới thấy tất cả ý vị của từ mới sáng tạo do đảo chữ. Trường hợp thứ hai là cụm từ “Quid est veritas ?” (tiếng La-tinh : Sự thật là gì ? Câu Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su ở Ga 18,38 ngay sau đoạn Tin Mừng hôm nay). Nó đã được xáo lại thành “Est vir qui adest” (Là người đang đứng [đang có mặt] đây!) Quả là ý vị phải không các bạn ?

            1. Vương quyền trong dạng nghịch lý
            Câu hỏi đó của Phi-la-tô cũng như câu trả lời của Đức Giê-su chính là trọng tâm của bài Tin Mừng ta đang suy niệm. Bài Tin Mừng này nằm trong một trình thuật dài mô tả lại cuộc Thương khó (hay cuộc Khổ nạn) của Đức Giê-su.
            Được nhìn với đôi mắt của Gio-an, cuộc Thương khó ấy là một trận chiến Đức Giê-su tung ra với tất cả uy quyền. Nhìn bên ngoài, Người như thể là một nạn nhân, một tội nhân, một bị cáo. Thế nhưng Người thật sự làm chủ các biến cố và ngay cả “lèo lái” các nhân vật khác quanh mình. Bị trói, bị vả, bị đóng đinh, Người vẫn chế ngự các quan tòa và các đao phủ, duy trì sáng kiến cho tới phút chót : “Người nói : ‘Thế là đã hoàn tất !’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30).  
            Cho chúng ta, những kẻ đến dưới chân thập giá, Người đặt cùng câu hỏi đã đặt cho toán lính tới bắt mình : “Các anh tìm ai ?” (18,4) Không phải tìm một con người đáng thương nhưng là một Cứu Chúa mạnh mẽ, “biết” tới cùng những gì mình đã chấp nhận.
            Chúng ta sắp nghe ba lần từ “biết” ấy, biết trong ý thức sáng suốt và tự do hoàn toàn. Trước đó, cuộc Khổ nạn mở màn với một cái nhìn quả quyết về cuộc vượt qua đầy gian khổ : “Biết đã đến giờ Người phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, nhưng vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, Đức Giê-su yêu thương họ cho đến cùng” (Ga 13,1). Khi mọi sự sắp diễn ra, thì chính Người đặt và sẽ không ngừng đặt các câu hỏi : “Biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, Người tiến ra và hỏi : các anh tìm ai ?” (Ga 18,4). Trong giây phút cuối cùng, Người vẫn giữ sự sáng suốt tích cực đó : “Biết là mọi sự đã hoàn tất và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói : Tôi khát” (Ga 19,28).
            Ngay từ cuộc đụng độ ban đầu, phong cách của Đức Giê-su đã được xác định : ba lần câu “Chính tôi đây !” (Ga 18,5.6.8) thực sự là một cuộc thần hiển : “Họ lùi lại và ngã xuống đất.” Và khi Đức Giê-su mạnh mẽ lấy lại hình ảnh chén đắng : “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?” ta không thể không nghĩ đến con người ủ rũ và cầu khẩn tại vườn Ghết-sê-ma-ni : “Lạy Cha, xin cất chén này xa con !” (Lc 22,42). Nhưng thay vì là một mâu thuẫn, có thể coi đó như một sự tiến triển nên gương mẫu và gieo hy vọng cho chúng ta : không xấu hổ vì đã cảm thấy bị đè bẹp, trái lại luôn biết xin chính sức mạnh của Đấng Cứu Thế để vác thập giá của mình tốt hơn.
            Và cũng với sự tự chủ như vậy, Đức Giê-su đã lợi dụng các câu hỏi của thượng tế để mô tả sứ mạng căn bản của mình là làm Đấng Mạc khải : “Tôi đã nói, đã giảng dạy ở những nơi thiên hạ giảng dạy. Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi !” (Ga 18,20-21). Cái tát của tên cận vệ tượng trưng thái độ phũ phàng từ khước Mạc khải này, nhưng ở đây cũng thế, Đức Giê-su vẫn là người điều khiển tất cả : “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?” (18,23). Chính Sự Thật tối cao đang phán xét nơi đây mọi kiểu hung hăng mà chúng ta vẫn bày tỏ khi bị một sự thật quấy rầy. Suốt cuộc Khổ nạn này, Đức Giêsu-Sự Thật chất vấn chúng ta. 

            2. Sự thật đảo ngược các vai trò
            Và nhất là trong cảnh tượng vương quyền thuần túy và cao cả của Sự thật đảo ngược các vai trò. Phi-la-tô chỉ là một con rối thảm hại trước bị cáo quá vĩ đại như vậy : “Nhưng ông là ai ? Ông thật là vua sao ? Ông từ đâu đến ?” (x. 18,37; 19,9).
            Đó là nơi Gio-an đã muốn đặt chúng ta ngay từ đầu trình thuật Khổ nạn của ông : trước câu hỏi về các nguồn gốc : “Ông từ đâu đến ?” (19,9). Một con người sắp chết trên thập giá. Nhưng ai chết ? Làm sao con người ấy lại có thể làm chủ đến mức đó cái chết của mình và làm chủ mọi quyền lực mà Người chỉ cần dùng một từ là “Sự thật” thì đủ quét sạch ? Các quyền bính tôn giáo, đám đông cuồng loạn, đế quốc Rô-ma, chẳng có chi đứng vững trước lời khẳng định bình thản : “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Vương quyền của tôi là thế” (18,37).
            Việc đi từ sự thật sang vương quyền này gây chưng hửng, nhưng Sự thật ở đây, chính là những gì loài người có thể biết về Thiên Chúa và về thân phận nhân loại. Ai có quyền trên sự thật này là kẻ mạnh nhất. Người đó là Vua trên hết các vua, là Chúa ở tận đáy các tâm hồn.
            Đức Giê-su có quyền trên Sự thật “sinh tử” này. Người đã đến để làm chứng, nghĩa là mạc khải, xác nhận rằng Thiên Chúa yêu thương ta và cho thấy rằng tất cả đổi thay ngay khi ta đi vào trong ánh sáng ấy. Nói cách khác, “Thiên Chúa là Tình Yêu” chính là Sự thật bao trùm mọi sự thật. Và Đức Giê-su không chỉ là kẻ nói sự thật, mà còn là sự thật, vì chính Người là bằng chứng sống động của tình yêu Thiên Chúa, là chính tình yêu ấy đã hóa nên hữu hình. Ai biết chiêm ngưỡng Đức Giê-su sẽ hiểu được tất cả : Thiên Chúa yêu thương chúng ta thế nào và làm sao chúng ta phải bước đi trong ánh mặt trời đó, nghĩa là sống thật : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống của anh em” (Ga 14,6).
            Và “ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi.” Thuộc sự thật là gì ? Đó là sẵn sàng đón tiếp thực tại thần linh mà Đức Giê-su đem đến cho loài người. Trong thực tế chúng ta hôm nay, điều này hệ tại thành thật đối với Thiên Chúa, Đấng phán bảo qua Thánh Kinh và Giáo Hội, sống phù hợp với những gì Thiên Chúa mạc khải cho và theo Đức Giê-su mà ta gặp thấy trong Tin Mừng, trong Giáo Hội, trong các nhiệm tích, trong anh chị em ; hệ tại việc làm chứng cho sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người cách bất khuất, can đảm trong một xã hội đang gieo rắc những điều dối trá, đang bịt miệng những ai nói thẳng, đang tuyên truyền lắm lý thuyết sai lạc, đang chà đạp những giá trị thiêng liêng và nhân bản. Vương quyền của Đức Giê-su không giống chút nào với cách thống trị của nhân thế, nhưng nó trở nên hữu hiệu khi con người cá nhân và tập thể, trong cuộc sống thực sự, hiểu rằng mình đến từ Thiên Chúa và đi về cùng Thiên Chúa, cho nên hết sức ra công để nhân loại nhận biết sự thật nhờ những nét đẹp nhất của khuôn mặt nó, là những nét của Tình Yêu.  
            Phải chăng đây là một suy niệm về cuộc Thương Khó ? Vâng, một suy niệm kiểu Gio-an. Tất cả đã là sự thật trong cuộc sống Đức Giê-su, tất cả đang là sự thật trong cái chết của Người, tất cả là sự thật cho chúng ta. Cho dẫu nhiều chuyện vẫn còn ẩn giấu đối với chúng ta về cái chết ấy, chúng ta chắc chắn rằng cái chết ấy cứu chúng ta, trong toàn bộ cũng như trong từng chi tiết của nó. Việc chiêm ngắm nó sẽ không bao giờ cạn kiệt. Chính sự thật ấy giải cứu chúng ta, vì ở đấy, tất cả đều là tình yêu, như người ta từng nói : “Tất cả đều là ân sủng”. 


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây