Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm C

Thứ năm - 28/11/2024 00:05 149 0
 
 
CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG NĂM C : LC 21,25-28.34-36

Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biến gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.
“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”.
   
TỈNH THỨC CHỜ ĐỢI THẾ GIỚI MỚI

Hôm nay bắt đầu Mùa Vọng, mở màn Năm Phụng vụ mới. Bài Tin Mừng Chúa Nhật đầu tiên này thường nối ý với các bài Tin Mừng cuối năm phụng vụ, nghĩa là nói về Ngày tận cùng và cuộc Quang lâm của Đức Ki-tô. Bản văn nằm trong một tổng thể lớn hơn, kéo dài từ câu 8 đến câu 36 của chương 21 Lu-ca, và thường được các chuyên gia gọi là “Diễn từ chung luận”.

1. Thế giới mới : hoàn tất lịch sử và canh tân vũ trụ

Bản văn khai mở với lời mô tả “kinh thiên động địa” của Đức Giê-su về Ngày tận cùng. Toàn là những cảnh tượng hùng vĩ và đáng sợ trên trời dưới đất, khiến con người “hồn xiêu phách lạc.” Các hình ảnh đó, như ta biết, đều thuộc lối văn khải huyền từng có trong Cựu Ước (x. Is 13,10; 34,4; Am 8,9). Chúng thường được dùng để diễn tả “Ngày của Đức Chúa”, lúc Thiên Chúa ngự đến xét xử mọi dân tộc.
Chớ nên hiểu những hình ảnh này theo mặt chữ, mà hình dung ra một cuộc tiêu diệt toàn thể vũ trụ hiện tại do bàn tay Thiên Chúa để tạo dựng một thế giới mới lại từ đầu. Thiên Chúa chẳng phải là “Con Tạo” (Hóa Nhi = Tạo Hóa như trẻ con), ưa gì làm nấy, ý thích thất thường. Người không giống như một thằng bé đổ bao công sức xây dựng một tòa lâu đài trên bãi cát bờ biển, để rồi sau đó đưa chân đạp đổ. Đã dựng nên mọi sự (mà ta thấy rất kỳ diệu tốt đẹp), Thiên Chúa chỉ có việc hoàn thành chúng, sau khi đã sửa chữa, điều chỉnh mọi phá hoại do tội lỗi loài người gây ra (“Thiên Chúa viết thẳng trên các đường cong của chúng ta”-Pascal). Cho rằng Người sẽ tiêu diệt tác phẩm của Người chẳng phải là bảo Người đã sai lầm trong kế hoạch sao ?

Chính vì thế, thần học không gọi luận đề bàn đến Ngày tận cùng là “Thế mạt luận” song là “Cánh chung luận” (sự hoàn tất cuối cùng). Trong quan niệm Do-thái thời Đức Giê-su, những lối nói ta vừa thấy thuộc các tập văn chương cổ truyền được dùng để diễn tả tầm mức vũ trụ và tính quyết liệt của việc Thiên Chúa can thiệp lần sau hết và tích cực vào lịch sử loài người. Những “xáo trộn” trong vũ trụ và trong lòng người đó chỉ muốn diễn tả ý tưởng, theo kiểu nói của thánh Phao-lô, là “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22), sinh nở một thế giới mới. Thế giới mới đó là chính thế giới đã cũ vì tội lỗi này nhưng được đổi mới nhờ ân sủng, nhờ tác động của Thần Khí bên trong các tâm hồn, nhờ sự cộng tác kiên trì lẫn nhiệt thành của những kẻ chính trực, và ngày “Con Người đến với quyền năng và vinh quang” là lúc đánh dấu sự hoàn thành chung quyết, trọn vẹn. Bởi thế Đức Giê-su mới bảo các môn đệ : “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.

2. Tỉnh thức : giữ vững tình yêu nhờ chuyên tâm cầu nguyện

Vậy là Mùa Vọng của chúng ta được khai mở với những mệnh lệnh chắc nịch của Người : “Hãy đứng thẳng ! Hãy ngẩng đầu ! Hãy đề phòng ! Hãy tỉnh thức ! Hãy cầu nguyện !” Có thể nói đó như là một cuộc đánh thức để tập thể dục ban sáng. Nó quét sạch hình ảnh những Ki-tô hữu tiến bước uể oải hay hãi sợ trong cuộc đời. Họ bước ngẩng cao đầu, tiến về sự khai mở cách tuyệt vời, cách kỳ diệu một thế giới mới : “Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.”

Dĩ nhiên, đối với Ki-tô hữu, cuộc sống cũng khó khăn cam go như đối với những kẻ khác, cũng pha lẫn hy vọng với tuyệt vọng, thắng lợi với đình đốn. Điểm dị biệt lớn lao, đó là chúng ta biết rằng tất cả những cái ấy có một ý nghĩa tổng quát cho dẫu, trong chi tiết, nhiều chuyện xem ra khó hiểu đối với mình. Chúng ta biết mình từ đâu mà đến và sẽ đi về đâu : được sinh ra do tình yêu, chúng ta sống dưới đôi mắt tình yêu cũng như tập thi thố tình yêu mỗi ngày, và đang tiến về Đấng Tình Yêu, về chốn tình yêu, về cõi mến thương bất tận. Thiên hạ đôi khi nói với chúng ta : “Đức tin các anh thay đổi được gì nào ?” Thay đổi tất cả ! Y như mặt trời vậy. Chúng ta sống, chúng ta trải nghiệm cũng những chuyện như họ, nhưng trong ánh sáng : “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối”, Đức Giê-su bảo (Ga 8,12).

Chúng ta bước đi trong ánh mặt trời của phen Đức Ki-tô đến lần thứ nhất : Giáng lâm. Và chúng ta tiến đến cảnh chói lòa của phen Người đến lần thứ hai : Quang lâm. Giữa hai lần đó, chúng ta hết sức mở đời mình và mở cả thế giới để đón nhận một cuộc giá lâm tiệm tiến, âm thầm hơn : thu lấy từng ngày từng giờ các tư tưởng của Đức Ki-tô, sức mạnh yêu mến của Người và niềm tin tưởng không lay của Người vào Chúa Cha.

Sống trong ánh sáng như thế, đứng vững trong tình yêu và hy vọng như thế, đó là sự thức tỉnh của Ki-tô hữu. Ngày nay, giữa chúng ta đang phổ biến nhiều kỹ thuật giúp thức tỉnh của Đông phương như Yoga, Thiền định (có tu sĩ Biển Đức nọ đã viết một cuốn sách nhan đề “Yoga cho Ki-tô hữu”). Kỹ thuật đó là thở thật sâu, hết sức chú ý đến những gì mình là, “có mặt ở đây và lúc này”, buông xả, thư giãn, cởi mở, sẵn sàng sống mỗi giây phút đến tối đa, tột độ. Sống giây phút hiện tại cách trọn vẹn như Đấng Đáng kính Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-e Nguyễn Văn Thuận nói trong Đường Hy Vọng. Sao không coi đó như một lời mời gọi gởi đến Ki-tô hữu chúng ta là những người phải luôn tỉnh thức, phải luôn muốn sống đến cùng đức tin của mình ?

Có thể mô tả cuộc sống tỉnh thức đó chăng ? Có thể ! Mỗi buổi sáng là một cuộc tìm lại Đức Giê-su và Tin Mừng của Người. Qua một Thánh lễ, một đoạn Kinh Thánh, một phút cầu nguyện vắn tắt hay một bài suy gẫm dài, ta lặp lại quyết tâm chú ý tới Thiên Chúa, tới nhiệm vụ mình, tới những con người chúng ta sắp gặp gỡ. (“Một thánh lễ sốt sắng mở đầu cho một ngày sống anh hùng”). Tuy nhiên, cũng sẽ phải thường xuyên theo dõi kẻo “lòng mình ra nặng nề.” Coi chừng, Đức Giê-su nói cách sống sượng, thói “dâm đãng trụy lạc, chè chén say sưa lo lắng sự đời” (la débauche, l’ivrognerie, les soucis de la vie, Bible de Jẻrusalem), những thứ đang rình rập Ki-tô hữu trong xã hội tiêu thụ và nền văn minh duy vật hôm nay.

Đức Giê-su cũng chỉ cho ta phải biết lấy ý chí thức tỉnh ở đâu : “Hãy cầu nguyện !” Hãy sống trong tinh thần cầu nguyện. Ai coi thường mệnh lệnh này, hôm nay phải nhập tâm lời cảnh cáo nghiêm trọng cuối cùng sau đây : “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Lời công khai cuối cùng của Đức Giê-su là thế : mời gọi ta trình diện trước Người cách “vững tâm”. Đây là từ chủ chốt diễn tả thái độ Ki-tô hữu. Luôn là những con người đứng thẳng, kiên vững, đĩnh đạc, nhất là trong cơn thử thách. Nhưng để có sức mạnh làm như thế, “hãy cầu nguyện luôn”.

Ngày kia một tập sinh đến hỏi đức viện phụ cao niên của đan viện : “Thưa cha, xin cha giúp con vài lời khuyên để con thực sự trở thành người của Chúa.” Vị viện phụ già trả lời : “Con hãy vào phòng đóng kín cửa lại và cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ dạy con mọi sự.” Thầy tập sinh lại hỏi : “Thưa cha, đâu là điều kiện chính giúp cầu nguyện đích thực ?” – “Ồ, dĩ nhiên, đó là bầu khí yêu thương. Ai cầu nguyện với tội lỗi và tâm tình thù hận trong lòng thì cũng giống như một người dọn thức ăn thịnh soạn trên một cái bàn bẩn, các dĩa bẩn, hoặc như một người nói hay nhưng có hơi thở hôi thối” – “Thưa cha, con rất hay chia trí khi cầu nguyện, làm sao để khỏi chia trí đây ?” – “Các chia trí cũng giống như chim sẻ bay ngang trên trời. Con không thể ngăn cản chúng bay ngang qua mái nhà của con chứ ? Riêng đối với những tư tưởng xấu xa thì chúng giống như bọn ong bầu, nếu con ngồi yên, chúng sẽ bay đi nơi khác. Nhưng nếu con càng động đậy, chúng sẽ bổ nhào đến hành hạ con.” – “Tại sao khi cầu nguyện, con hay bị chán nản ngã lòng, thưa cha ?” – “Bởi vì con chưa thấy đích điểm đời mình là khuôn mặt tuyệt vời của Thiên Chúa và thế giới mới kỳ diệu của Người” – “Thưa cha, cho con hỏi câu cuối cùng : Việc cầu nguyện có quan trọng thật không ?” – “Quan trọng lắm chứ. Bằng chứng là ma quỷ hằng tìm mọi cách để quấy phá và khiến cho việc cầu nguyện trở nên nặng nề. Nó tìm mọi phương thế khiến cho chúng ta ươn lười không muốn cầu nguyện và làm cho chúng ta tin rằng cầu nguyện là vô ích.” (Góp nhặt 6).


 

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây