Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm C

Thứ bảy - 07/12/2024 01:43 47 0

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM C : LC 3,1-6

Năm thứ mười lăm triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa. Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa và tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho phẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
 
DỌN ĐƯỜNG CHO ƠN CỨU ĐỘ PHỔ QUÁT

Lu-ca là tác giả Tin Mừng về lịch sử cứu độ, ông triển khai lịch sử này thành ba phân cảnh hay thành một bức tam bình, chẳng hạn như trong câu rất cô đặc sau đây : “Cho đến thời ông Gio-an, thì có Lề Luật và các ngôn sứ (Ít-ra-en) ; còn từ thời đó thì Tin Mừng nước Thiên Chúa được loan báo (Đức Giê-su), và ai nấy đều dùng sức mạnh mà vào (Giáo Hội)” (16,16). Lu-ca cũng thích dựng lên nhiều hàng hiên (trụ lang) qua đó ông đưa chúng ta long trọng đi vào lịch sử. Khi Đức Giê-su sinh ra thì : “Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ…” (2,1). Khi Người khởi sự cuộc sống công khai, với Gio-an Tẩy giả kéo màn, như trong bài Tin Mừng hôm nay, thì “Năm thứ mười lăm triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn, Hê-rô-đê làm tiểu vương… Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế…”

1. Thiên Chúa muốn cứu rỗi mọi người…

Tại sao Lu-ca đã quy tụ cả một loạt nhân vật lịch sử như vậy chung quanh chân trời từ đó Đức Giê-su sắp nổi lên ? Đấy là vì ông muốn trình bày cho thấy chúng ta chẳng phải sắp trải qua một kinh nghiệm thần bí, khôn tả và nội tâm, nhưng sắp chứng kiến một sự xâm nhập của Thiên Chúa vào bên trong những năm tháng và những con đường của loài người, nghĩa là vào bên trong lịch sử nhân loại. Trung tâm điểm và độc đáo tính của Ki-tô giáo là thế, sự lạ bất ngờ ta phải loan báo là thế. Như một triết gia Ki-tô giáo Đan Mạch thế kỷ vừa qua Soren Kierkegaard từng viết, hai thế giới của Thiên Chúa và của con người, của trời và của đất trong Đức Ki-tô đã đụng chạm nhau, không phải để nổ tung nhưng là để kết hợp. Hầu thực hiện một công trình vĩ đại là ban bố ơn cứu độ phổ quát.

Quả thế, lời mở đầu với những nhân vật đương thời vừa thấy là tiếng cồng lớn nhất của lịch sử, công bố một chuyện phi thường : “Mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Điều mà cụ già Si-mê-ôn đã loan báo cách âm thầm hơn : “Mắt con đã thấy ơn cứu độ Ngài đã bày ra trước mặt muôn dân : Ít-ra-en và dân ngoại.” Chúng ta đã thường quá thu hẹp các chân trời này, lãng quên hạng người đầu, loại bỏ hạng người sau. Và chúng ta luôn liều mình đánh mất, trên các con đường của lịch sử, cái lẽ ra phải là nỗi ám ảnh của chúng ta : Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người, Người muốn cứu họ tất cả. Như Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô nói trong số 1 Sứ điệp Truyền giáo năm 2024 : “Truyền giáo là hăng hái ra đi đến với mọi người, nam cũng như nữ, để mời gọi họ gặp gỡ Thiên Chúa và sống hiệp thông với Người. Không mỏi mệt ! Là Đấng yêu thương tuyệt vời và giàu lòng thương xót, Thiên Chúa chẳng ngừng ra đi để gặp gỡ mọi người, và kêu gọi họ đến hưởng hạnh phúc trong Nước của Người, ngay cả khi Người phải đối diện với sự dửng dưng và chối từ của họ. Đức Giê-su Ki-tô, Mục tử Nhân hậu và sứ giả của Chúa Cha, đã ra đi tìm kiếm những con chiên lạc nhà Ít-ra-en và Người còn muốn đi xa hơn nữa, để đến được cả với những con chiên xa xôi nhất (x. Ga 10,16). Cả trước và sau khi phục sinh, Người thường xuyên nói với các môn đệ : “Hãy đi !” có ý cho thấy Người cho họ tham gia vào chính sứ vụ của Người (x. Lc 10,3; Mc 16,15). Về phần mình, Hội Thánh trung thành với sứ vụ đã lãnh nhận từ Chúa, sẽ tiếp tục ra đi đến tận cùng trái đất, ra đi rồi lại mải miết ra đi, không bao giờ mệt mỏi hay chán nản trước các khó khăn và trở ngại.”

Thiên Chúa muốn thực hiện tất cả những điều đó nhờ Đấng Mê-si-a (Ki-tô). Dân Do-thái thời ấy nóng lòng chờ đợi vị này tới độ trái tim họ bắt đầu đập khi nhìn nhà ngôn sứ mới, Gio-an Tẩy giả : “Biết đâu ông ta lại chẳng là Đấng Ki-tô” (Lc 3,15). Thế nhưng, sẽ có điều lạ thường hơn nữa ! Rồi đây, nhờ Tin Mừng, nhờ cuộc Phục sinh và nhờ cuộc Hiện xuống, những người Do-thái độc thần cách quyết liệt sẽ thấy mở ra trước mắt cũng như được mời gọi đón nhận điều không thể tưởng tượng : Đấng Mê-si-a, ấy là Đức Giê-su, và Đức Giê-su lại là Thiên Chúa. Và Gio-an Tẩy giả đã phác họa chân dung đầu tiên về Người : “Một Đấng quyền thế hơn tôi đang đến…” (3,16). Nhưng cũng sẽ phải cần các đại thần học gia của những thế kỷ đầu, kinh nghiệm của các thánh, và nhất là Thánh Thần, mới ấp úng được điểu không thể trình bày : Thiên Chúa độc nhất là Cha, Con và Thánh Thần ; và Ngôi Con đã nhập thể, dưới triều hoàng đế Au-gút-tô và hoàng đế Ti-bê-ri-ô.

2. … qua việc hoán cải bản thân chúng ta

Mùa Vọng đặt ta lại trước các chân trời bao la ấy của ơn cứu độ, ơn cứu độ dành cho mọi người mà Chúa Cha đã sai Con mình đến với. Nhưng còn phải đón nhận Người Con đó ! Và Gio-an Tẩy giả, con người trần trụi trước đám nhân vật tai to mặt lớn trong thiên hạ đương thời, đã yêu cầu chúng ta chuẩn bị cho Người một con đường, một lời yêu cầu bất khoan nhượng, đầy thách thức. Muốn hiểu con đường này, ta hãy lên lại Bài đọc thứ nhất hôm nay, trong đó ngôn sứ Ba-rúc (5,7), bắt chước I-sai-a, đã viết : “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp mọi núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy các thung lũng cho mặt đất trở nên phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa”. Thành thử con đường ấy là con đường thẳng, hướng đến một mục tiêu có ánh sáng tràn ngập. Đó là “con đường thiêng” (thần lộ) mà ở Tây Á cổ vẫn thường được xây dựng trước các đền thờ : chúng phải thật bằng phẳng và thẳng tắp, dấu chỉ sự hoàn hảo và niềm hân hoan.

Đây là một hình ảnh nhắc cho Ki-tô hữu chúng ta nhớ rằng để gặp Đấng Mê-si-a đang đến, gặp ánh sáng của tương lai, gặp niềm vui của tự do trọn vẹn, chúng ta phải mở cho được một con đường thẳng giữa bao chuyển động quanh co của lịch sử, bao mưu toan mờ ám nhằm áp đặt ách toàn trị độc tài ; phải kiên trì phá hủy các ngọn núi của chủ nghĩa vô thần hay của thói thờ ngẫu tượng vốn án ngữ chân trời của chúng ta ; phải lấp đầy vực sâu của phi lý, của vô nghĩa, của trống rỗng nội tâm tạo nên bởi một não trạng duy vật hưởng thụ. Cụ thể nơi bản thân và trong hoàn cảnh chúng ta, “giải tỏa” và “dọn sạch” thần lộ là làm bay tung những cánh cửa gài then quá chặt vì sợ hãi, chẳng dám công khai lên tiếng trước những quyền lực bất công, là phá hủy những ngọn núi ngập ngừng và vấn nạn, chẳng muốn dấn thân để làm chứng nhân cho chân lý, lý luận rằng chỉ cần làm chứng nhân cho bác ái là đủ, là lấp đầy những hố sâu ích kỷ, chỉ tìm an thân và dễ dãi cho chính mình, tìm ân huệ từ những kẻ nắm quyền lực, bất chấp chuyện anh em mình đang đau khổ vì mất những điều kiện căn bản để làm con người và làm con Chúa. Như Thánh Giáo hoàng Gio-an-Phao-lô II từng nói trong Sứ điệp Truyền giáo năm 2000 : “Chương trình Thiên Chúa là muốn tất cả mọi người kết hiệp với mình, để biến họ thành một dân gồm những anh chị em được giải thoát khỏi những bất công và được sinh động bởi những tâm tình liên đới đích thực.” Đây là một công việc đầy kiên nhẫn và can đảm, vì đòi trả giá bằng mồ hôi và nước mắt ; nhưng cuối cùng trên con đường ấy, sẽ đi vào một đoàn người thật đông đảo “thuộc mọi nước, mọi chi tộc, mọi dân và mọi ngôn ngữ”, như Khải Huyền sẽ mô tả (7,9).

Thưa với Chúa Mùa Vọng : “Xin đến cứu hết thảy chúng con !” sẽ là một lời cầu nguyện của kẻ mộng mơ nếu nó không làm ta nhớ tới cái phải được cứu trong mỗi người chúng ta. Nghe một lãnh chúa Tây Ban Nha phàn nàn : “Mọi chuyện ra tồi tệ !” thánh Phê-rô Alcantara (1499-1562) đã trả lời : “Nếu ông tạo cho mình một con tim nhân lành, thì chính một phần của thế giới đã nên tốt đẹp.” Bà Elisabeth Leseur (1866-1914), một nữ giáo dân thần bí người Pháp đã được Giáo Hội đưa lên bàn thờ dưới tước hiệu “Tôi tớ Thiên Chúa”, cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chồng bà là một nhà trí thức vô thần hết sức cực đoan. Không làm sao khuyên nhủ được chồng, bà đã cố gắng làm một người vợ hiền thảo và làm một tín hữu rất thánh thiện. Bao nhiêu tâm sự chẳng bày tỏ được với chồng, bà đã bày tỏ với Chúa trong nhật ký. Sau khi bà chết, ông Leseur không khỏi tiếc thương người vợ có tâm hồn quảng đại dịu dàng của mình, và vì muốn “đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi”, ông đã lục tìm những tập nhật ký của bà để đọc. Ông đã say sưa theo dõi từng hàng chữ tâm sự và đã hiểu ra ước vọng tha thiết của vợ là thấy ông nhìn nhận trở lại tình yêu của Thiên Chúa. Cuối cùng thì ông đã hồi tâm, xin học giáo lý và chịu bí tích Thánh tẩy năm 1915. Không bao lâu sau đó, ông xin vào nhà tập dòng Đa-minh, nơi đây ông thành tâm kiên nhẫn theo đuổi cuộc sống tu trì và được thụ phong Linh mục. Khi gương sống thánh thiện của bà Elisabeth Leseur bắt đầu có ảnh hưởng rộng và sâu sắc trên xã hội thì bề trên dòng đã mạnh dạn chỉ định Linh mục Leseur lên đường đi diễn thuyết nhiều nơi về đời sống gương mẫu của người vợ đã chết trước đây của mình. Lúc đầu, cha Leseur rất e ngại chần chừ, nhưng cuối cùng cha đã vâng lời. Năm 1930, cha soạn cuốn “Hạnh bà Elisabeth Leseur” trong khi tập nhật ký trước đây của bà đã xuất bản tới hàng trăm ngàn cuốn.

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây