Chúa Nhật 5 Phục Sinh Năm A

Thứ sáu - 05/05/2023 22:53 848 0

 
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH NĂM A : GA 14,1-12
            
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”
            
Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường ?” Đức Giê-su đáp : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

            
Ông Phi-líp-phê nói : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.”   

                         

 
ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH

            
Cha phó có dáng người cao, hơn 1m8, thân hình vạm vỡ như một lực sĩ. Người đang đứng ở tiền sảnh nhà thờ, chào hỏi các tín hữu dự lễ xong ra về. Một em gái bước ra. Em cao chưa tới 1m, trông thật dễ thương. Em ngước nhìn lên vị linh mục khổng lồ và nói điều gì đó mà ngài không nghe được. Ngài cúi xuống và bảo em nhắc lại điều vừa nói. Với một giọng lanh lảnh, em hỏi : “Thưa cha, mắt Thiên Chúa màu gì ?” Do dự một lúc, vị linh mục đáp : “Đen, như mắt con vậy.” Em bé tí hon được thỏa mãn, chớp mắt mỉm cười, và rồi chạy đi kể cho mẹ nó.


            
1. Thầy là Đường.

            
Một số lớn chúng ta cũng giống như em bé gái. Có lẽ chúng ta không hỏi xem mắt Thiên Chúa màu gì, nhưng nhiều người lớn cũng như nhỏ muốn biết : “Thiên Chúa giống như cái gì ?” Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cho chúng ta một manh mối khi Người công bố: “Ai xem thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha”, đồng thời còn mạc khải cho ta nhiều khía cạnh khác trong mầu nhiệm phong phú của Người mà mỗi cuộc gặp gỡ Người đều giúp ta khám phá ra thêm.

            
Trước hết, Người mời gọi chúng ta du hành để khám phá ra Người là đường. Du hành là chủ đề của chương 14, với động từ chính yếu là “đi” (cùng hai từ tương đương: “đến”, “trở lại”) và với danh từ chính yếu là “đường” : “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” - “Thầy đi đâu, Tô-ma hỏi, cho chúng con biết đường nào !” - “Thầy là Đường”. Hình ảnh thật đẹp, nhưng muốn nói điều gì đây? Một người có thể làm hướng đạo, nhưng không bao giờ là con đường cho chúng ta cả ! Đức Thích Ca từng nói với môn đệ mình chỉ là kẻ hướng dẫn, ngón tay chỉ mặt trăng. Mọi nhà sáng lập tôn giáo khác (trừ Đức Giê-su) cũng chỉ như vậy.

            
Một khẳng định khác rất cô đọng sẽ giải thích hết thảy : “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Câu này ám chỉ Hội Thánh là Thân thể Mầu nhiệm của Đức Kitô Phục sinh mà tất cả mọi phàm nhân phải đi vào, để kết hợp với Người như chi thể với đầu, ngõ hầu có thể tiến đến Chúa Cha mà hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Khẳng định “Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu rỗi” phải được hiểu trong viễn ảnh như vậy. Tiếp theo là một chuỗi những từ quen thuộc của thánh Gio-an: biết, thấy, tin, ở lại… Đi đến với Cha chính là nhận biết Cha, “các chỗ ở” của Thiên Chúa nằm ngay trong con người. Chúng ta được kêu mời tham gia một cuộc du hành bất động.

            
“Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”, Phi-líp-phê nói thế, tưởng đã hiểu. Thánh Gio-an thích trình bày những lối hiểu nông cạn như vừa thấy, chúng tạo dịp cho Đức Giê-su đưa thính giả mình đến “chỗ khác” của mầu nhiệm. Người quở mắng Phi-líp-phê bằng một lối hài hước hơi nhuốm vẻ chán nản : “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha !? Anh muốn Thầy làm cho Người xuất hiện ư ? Còn Thầy thì sao ? Đã lâu thế mà anh vẫn không nhận biết Thầy à ?” Người ta cảm thấy có một mạc khải lớn lao đang đến. “Phi-líp-phê, anh không tin Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.” Cuộc du hành của chúng ta là thế : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Đơn giản, vắn gọn ! Điều đó có nghĩa nếu chúng ta muốn có một vài ý tưởng về Thiên Chúa, thì hãy ngắm nhìn Đức Giê-su, Đấng Thiên Chúa làm người. Điều Người nói và việc Người làm tỏ cho chúng ta biết và thấy Thiên Chúa.


            
2. Thầy là đích.

            
“Thấy” Đức Giê-su là thấy Thiên Chúa ! Nhờ thánh Gio-an, ta biết “thấy” chính là đi suốt hành trình đức tin, là khám phá và tin yêu Người ngày càng sâu xa, mạnh mẽ. Lúc ấy, điều ta “thấy” trong Đức Giê-su chính là mầu nhiệm Người kết hiệp với Cha Người, mầu nhiệm Ba Ngôi. Kết hiệp không phải theo lối cận kề, song là đồng bản tính và nhất là đồng bản thể. Nhưng biết diễn tả cái không thể diễn tả với những từ nào đây ? Thánh Gio-an dùng từ “ở” vậy : “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” Tất cả những gì Đức Giê-su có, tất cả những gì Đức Giê-su làm, tất cả những gì Đức Giê-su biểu lộ, có thể nói đều giúp chúng ta sờ được Chúa Cha. Vì thế chính Đức Giê-su vừa là đạo (đường) dẫn về với Cha, vừa là đích ta sẽ đạt tới cuối và trong cuộc lữ hành : “Thầy cũng là sự sống”.

            
Thật thế, mỗi hành vi tin kính Đức Giê-su không chỉ là một bước về với Chúa Cha mà đã là kết hiệp với Chúa Cha rồi. Tin chính là cuộc hành trình nội tâm đưa chúng ta xâm nhập vào Thiên Chúa trong Đức Giê-su : “Thầy ở đâu thì Thầy muốn anh em cũng ở đó nữa.” Khi kết hợp với Người là chúng ta sống ngay bây giờ trong các Chỗ ở ấy. Chính Đức Giê-su nói với chúng ta như thế, bằng không làm sao dám mơ tới những chuyện như vậy ? Hóa ra mục đích của phàm nhân chẳng nằm ở trong phàm nhân, nhưng trong Thiên Chúa ! Nhân loại đi về “nơi” Đức Giê-su ở. Con người được “lập trình” để trở nên “như Thiên Chúa” trong Đức Giê-su. “Anh em đừng xao xuyến” là vì vậy. Và đó là tất cả sự thật về Thiên Chúa và về con người. Thảo nào Đức Giê-su gộp cả 3 thực tại làm một nơi bản thân mình: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Thần học gia Schnackenburg đã tóm kết như sau: “Vì Đức Giê-su mạc khải sự thật dẫn đến sự sống và vì Người cung cấp sự sống đích thực cho kẻ chấp nhận sự thật ấy trong đức tin rồi đem ra thực hành, thì Người dẫn kẻ tin vào Người đến cùng đích cuộc sống đương sự, tức Chúa Cha, và như thế Người trở nên con đường”.

            
“Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai yêu mến Thầy, thì sẽ tuân giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (Ga 14,20.23). Mỗi khi đứng trước những lời này, chúng ta nên tự hỏi : trong lúc có thể sống điều ấy, thì chúng ta đã sống cái gì ? sống ra sao ? Chúng ta làm gì để tâm hồn chúng ta trở nên Chỗ ở cho Thiên Chúa ? Hay đã miệt mài để nó trở nên chỗ ở của ham muốn, đam mê, dục vọng ? Con đường và đích điểm bạn đang chọn nằm ở đâu ?

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây