Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm A

Thứ sáu - 12/05/2023 22:09 174 0

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM A : GA 14,15-21
 
           
 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.

           
 “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

 
 
GIỚI RĂN VÀ TÌNH YÊU

            Người nọ từng trông thấy một thiên thần đi bộ xuống phố, tay phải xách thùng nước đầy, tay trái cầm bó đuốc rực lửa. Người ấy liền hỏi : “Ngài làm gì với bó đuốc và thùng nước vậy ?” Thiên thần đứng lại, nhìn người ấy mà bảo : “Ta sẽ thiêu rụi các tòa nhà trên trời bằng bó đuốc và sẽ dập tắt lửa hỏa ngục bằng thùng nước này. Lúc đó sẽ thấy được ai là kẻ thực sự yêu mến Thiên Chúa.” Chủ ý của thiên thần là nhiều người vâng lệnh Chúa, giữ đức tin vì sợ hãi hình khổ Hỏa ngục hay vì hy vọng phần thưởng Thiên đàng. Họ không giữ huấn lệnh ấy vì yêu thương như Chúa Giê-su đã nêu lên trong bài Tin Mừng đang đọc : “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”

            1. Giữ điều răn vì yêu mến.
            Đứng trước điều răn Đức Giê-su, chúng ta thường có một trong hai thái độ. Tiên vàn, chúng ta có thể coi điều răn như một cái gì hạn chế tự do của chúng ta, thậm chí như một đòi hỏi khắt khe, phi nhân, độc đoán ; nên dẫu không ưa, chúng ta có thể cũng ép mình phải giữ vì sợ hãi, “sợ phạt hỏa ngục” hay ngược lại để mong “được thưởng Thiên đàng”. Hãy lấy ví dụ điều răn yêu thương kẻ thù, điều răn về tính dục và hôn nhân… Chúng ta có thể tự nhủ : “Chìa má kia luôn cho người vả mặt có vẻ khiếp nhược, tha thứ kẻ thù biết đâu tiêu diệt ý chí đấu tranh! Giữ sự trong sạch thời còn tuổi trẻ e là dại dột uổng phí, cố gắng bảo toàn sự chung thủy và mối giây hôn nhân sau khi đã có những rạn nứt xem ra lỗi thời, có nguy cơ tự đày đọa mình trong hỏa ngục trần gian.” Và vì thế chúng ta miễn cưỡng chịu đựng, sống đạo một cách ơ hờ, hoặc lạm dụng tòa cáo giải, hay đến mức cuối cùng là cho mọi sự đi đong ! Nhưng một niềm tin chỉ xây trên nỗi sợ phạt và lòng mong thưởng thì luôn luôn tìm kiếm kẽ hở, đưa đến những kiểu lý luận như sau : “Tới mức nào thì tôi mới bị xem là phạm lỗi ? Có thể ăn cắp bao nhiêu mà chưa phải là tội trọng ? Tôi có thể buông thả đến độ nào mà chỉ lỗi nhẹ điều răn thứ sáu ? Tôi có thể cho ít bao nhiêu mà vẫn chu toàn bổn phận Ki-tô hữu ?” Thái độ này là thái độ của một nô lệ, một gia nhân chứ không phải là của một người con Thiên Chúa.
            Hay ngược lại, chúng ta có thể coi điều răn như một cái gì thăng tiến bản thân, một biểu hiện tình yêu của Cha trên trời, một phương thế Chúa dùng giáo dục con tim nhân loại vốn luôn nghiêng chiều về lòng ích kỷ. Và từ đó chúng ta sẽ giữ với lòng yêu mến biết ơn. Mà quả thật, nếu chịu khó suy nghĩ tìm hiểu, ta sẽ thấy các điều răn Thiên Chúa, giới luật Hội Thánh, dẫu đôi khi rất đòi hỏi, vẫn là những chỉ dẫn tốt đẹp, đưa chúng ta đạt tình yêu chân chính, hoàn thiện đúng nghĩa, đưa xã hội tới bình an trường tồn, văn minh đích thực. Hay nếu chưa hiểu thì cũng coi các điều răn Đức Giê-su dạy như những cơ hội để chúng ta biểu lộ tình yêu đối với Người. Một niềm tin xây dựng trên tình yêu như thế luôn tìm dịp làm đẹp lòng Thiên Chúa và phục vụ anh em, đưa tới những kiểu lý luận : “Tôi có thể làm gì để chứng tỏ lòng yêu mến Chúa và giúp anh em hơn nữa ? Bác ái thế này vẫn chẳng thấm vào đâu ! Đừng ngại nhờ đến tôi bất cứ lúc nào !” Đó thực là thái độ của một người con Thiên Chúa, một môn đệ của Đức Giê-su.

            2. Giữ điều răn nếu yêu mến.
            Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thường chỉ muốn yêu mến Chúa mà khỏi giữ điều răn của  Người. Thế mà Người lại bảo : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ tuân giữ lời Thầy” và thêm: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (Ga 14,23). Câu nầy đưa chúng ta lên đỉnh cao vời và vào cõi dịu ngọt, nhưng bốn từ giữ ta lại với thực tế, và thường chúng ta chẳng muốn nghe chúng : “Tuân giữ lời Thầy”. Giữ lời, hay giữ điều răn, không phải là chuyện ít nhiều tùy ý trong đà tình yêu của chúng ta đối với Đức Giê-su. Thậm chí đây cũng chẳng phải là một lẽ đương nhiên, như thể nếu yêu mến Đức Giê-su, tôi sẽ phải giữ các điều răn của Người. Từ “nếu” liên kết khát vọng mến Chúa của chúng ta với thái độ sống của chúng ta cách rất mạnh mẽ : tôi chỉ yêu mến khi tôi vâng lời Người, bởi lẽ tình yêu đích thật, cụ thể của tôi, đó là cái tôi thực hiện chứ không phải chỉ nhận ra hay ao ước. Người Pháp có câu tục ngữ: “Nền hỏa ngục được lát bằng thiện chí” (thiện chí đơn thuần). Các thất bại của chúng ta có nguồn gốc sau đây : không muốn cho rằng tình yêu chẳng phải là một từ ngữ, một giấc mơ, hay một tiếng tim đập, mà là một thái độ sống, một cách ăn nết ở.
            Khi người ta chiêm niệm với thánh Gio-an, thái độ sống ấy hiện ra thật rõ rệt : “Ta phải yêu mến anh em”. Với tình yêu Đức Giê-su dùng để yêu loài người, thứ tình yêu múc lấy từ việc Người liên kết với Chúa Cha. Thái độ sống huynh đệ của chúng ta nối dài cái đã được sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Mối dây bền chặt nối kết ước vọng mến Chúa rất thật của chúng ta với cái chúng ta làm cụ thể từ sáng tới chiều bằng trí khôn và đôi tay, qua các cuộc gặp gỡ huynh đệ của mình là như thế đấy. Nếu trong tất cả những điều ấy mà không có tình yêu thì đừng nói đến tình yêu đối với Thiên Chúa. “Chính khi yêu anh em con, Đức Giê-su bảo ta, là con yêu chính Thầy.”
            Trong ánh sáng đó, bản văn hôm nay nói cho ta hay làm sao sự vắng mặt bề ngoài của Thiên Chúa có thể là một kinh nghiệm hiện diện liên tục. Hiện diện của Ba Ngôi, như đã được nêu ngay từ đầu : “Nếu anh em yêu mến Thầy, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban Thánh Thần cho anh em.” Thánh Thần này là Thần khí Tình yêu, vì Người là mối dây nối kết Chúa Cha với Chúa Con, đồng thời nối kết chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Người cũng là Thần khí Sự thật như Đức Giê-su nêu rõ, vì Người cho ta biết một sự thật bao trùm mọi sự thật: Thiên Chúa là Tình yêu! Tình yêu là bản tính của Thiên Chúa và phải là động lực duy nhất của con người. Khi gia tăng tình bác ái huynh đệ, chúng ta cảm nhận ngay sự ngọt ngào được sống với Đức Giê-su chính kinh nghiệm làm Con của Người, trong dòng tình yêu mầu nhiệm của Ba Ngôi.
            Nhưng tất cả những điều ấy sẽ gây một ấn tượng không thực, hay càng khiến người ta thấy Thiên Chúa như vắng mặt cách tàn nhẫn nếu chúng ta không quyết tâm tìm sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Mỗi khi muốn suy niệm về mối tương quan của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hãy bắt đầu bằng cách giữ thật tốt các tương quan huynh đệ. Chính các tương quan này bảo đảm cho chúng ta thực sự hiểu được Thiên Chúa. Người ta chỉ có thể cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa khi thực sống giới răn yêu thương. Bạn muốn hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, hãy bác ái với mọi người đi đã, từ tư tưởng, ra lời nói, qua hành động.



 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây