Chúa Nhật I Mùa Chay Năm A

Thứ sáu - 24/02/2023 19:15 212 0
 
 

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A : MT 4,1-11
            
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

            
Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng bạn, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Đức Giê-su đáp : “Nhưng cũng đã có lời chép rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.

            
Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Đức Giê-su liền nói : “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

            
Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người. 
            


 
THỬ THÁCH VÀ CHIẾN ĐẤU

           
 Trong cuốn “Thaïs, vũ nữ thoát tục” (1890), văn hào Anatole France (người Pháp, 1844-1924) có viết một đoạn rất hay như sau : “Các vị tu hành trong sa mạc bị hàng sư đoàn côn đồ dưới địa ngục tấn công tới tấp. Với sự trợ giúp của Chúa và của các thiên thần, nhờ vào phương pháp ăn chay, hãm mình phạt xác, họ đã chống trả mãnh liệt. Đôi khi, những đam mê xác thịt dày vò họ dữ dội đến nỗi họ tru lên vì đau đớn, và những tiếng kêu la của họ dưới trời sao bình yên như ứng đáp tiếng gào rú của lũ beo báo săn mồi. Chính vào những lúc đó, bọn quỷ sứ hiện hình trong những dáng dấp đẹp đẽ. Bởi vì nếu trong thực tế, ma quỷ xấu xí, chúng lại hay mặc một lớp bề ngoài kiều diễm để che giấu cái xấu của mình đi. Các nhà ẩn sĩ vùng Thèbes (Ai-cập) đôi khi nhìn thấy trong phòng của họ những hình ảnh lạc thú mà những kẻ chơi bời đàng điếm ngoài thế gian cũng chưa từng được trông thấy bao giờ. Nhưng vì họ có dấu Thánh giá trên mình, nên họ không sa chước cám dỗ, nên các tà thần ô uế phải trở lại nguyên hình và trốn mất biệt vào lúc bình minh, vừa xấu hổ vừa tức giận”.

            
Đức Giê-su, Chúa và Thầy của các ẩn sĩ cũng đã từng trải qua một kinh nghiệm như thế. Xét theo lịch sử, chắc chắn Người đã muốn làm một cuộc “tĩnh tâm” trước khi bắt đầu sứ vụ. Hoang địa là chốn thích hợp cho việc này: nơi cô độc và tĩnh lặng đó, con người tất yếu phải đối diện với chính mình, vì chẳng còn lối tránh né và những mặt nạ do xã hội cung cấp. Theo lời các Tin Mừng kể, Người được Thánh Thần đẩy vào hoang địa để chịu cám dỗ, nghĩa là để được thử thách về lòng trung tín, như dân Ít-ra-en xưa trong cuộc Xuất hành (x. Đnl 8,2).
            
Không nên tìm một mô tả cụ thể về “những gì đã xảy ra” nhưng hãy cố gắng tìm một ý nghĩa thần học đằng sau các chi tiết. Mt rõ ràng muốn nêu bật, ngay từ đầu đời Đức Giê-su, những cám dỗ mà trong thực tế, Người phải nếm trải suốt cả cuộc sống mình: thường xuyên chống lại việc sử dụng quyền năng Thiên Chúa để giải quyết các bận tâm ham muốn của loài người, từ bà con, quần chúng, kẻ thù đến môn đệ (x. Mt 12,24; 16,23; 26,59; 27,40). Nên có thể nói trình thuật cám dỗ này là khúc dạo đầu của cả bản nhạc đời Chúa Giê-su.

          
  1- Cám dỗ về đức cậy.

            
Cám dỗ đầu tiên của Chúa Giê-su có thể coi là một cám dỗ về đức trông cậy : người ta lồng lên trước thử thách, đau khổ… người ta xin Thiên Chúa loại bỏ tất cả những cái làm mình khổ đau. “Sự dữ” ta chịu, “sự dữ” động đến những người vô tội, “nạn đói” công bằng của một phần loài người… đó là vấn nạn đầu tiên và lớn lao chống lại Thiên Chúa. Lúc đó người ta bị cám dỗ tố cáo Thiên Chúa… hay xin Người trực tiếp giải quyết các vấn đề của chúng ta.

            
Cám dỗ đầu tiên này cũng có thể giải thích như là cuộc tranh chấp muôn đời giữa “tinh thần” và “xác thịt”. Ngũ quan của ta đói, và ta tìm cách thỏa mãn chúng với các lương thực trần gian. Điều đó tốt, hợp ý Thiên Chúa! Nhưng… đặc biệt trong lãnh vực này, chúng ta thiếu tự chủ : lạc thú dễ dãi chắc chắn không xây nên những con người có giá trị. Xã hội tiêu thụ, với chủ nghĩa vật chất thực tiễn của nó, có nguy cơ hạ con người xuống mức độ sơ đẳng nhất.

            
Câu trả lời của Chúa Giê-su luôn luôn có tính cách thời sự, và mạnh mẽ chất vấn chúng ta : ta khao khát cái gì hơn cả ? Khao khát những thỏa mãn trần thế vốn có thể làm chúng ta diệt vong ? Hãy khao khát Lời Thiên Chúa vốn có thể cứu chúng ta khỏi mọi thử thách ? Lạy Chúa, xin giúp chúng con trông cậy Ngài đến cùng. Xin ban cho chúng con niềm hy vọng.

           
 2- Cám dỗ về đức
tin.     

                                                                                                                             
Nếu đau khổ (đói khát) thử thách niềm hy vọng của ta vào Thiên Chúa… thì này cám dỗ là thử thách về đức tin. Dân Ít-ra-en, nơi hoang địa 40 năm trường, đã từng xin Thiên Chúa làm nhiều “dấu lạ” : chớ gì Người hãy tỏ ra là Người hiện hữu ! “Chúa có ở với chúng ta hay không nào ?” (Xh 17,1.7). Đức Giê-su cũng thế, suốt cuộc đời mình, đã luôn bị cám dỗ tránh thoát thân phận con người, đạt đến thành công trong sứ vụ bằng những phương tiện dễ dàng của “phép lạ”: công luận thời Người hằng chờ mong một đấng Mê-si-a (Thiên sai) siêu việt, biểu dương rạng rỡ Quyền năng Thiên Chúa vì ích lợi các kẻ tin, bằng cách làm những “dấu chỉ lừng lẫy” : “Họ xin Người cho thấy một dấu lạ tự trời” (Mt 16,1; 12,39; 24,3). Với tất cả sức sống của một con người trai trẻ và năng động, Đức Giê-su đã không ngừng bị cám dỗ đóng vai Thiên Chúa Toàn Năng. Và chẳng phải không xâu xé khi Người đành chọn làm một đấng Mê-si-a nghèo khó, khiêm hèn, bị quần chúng và giới chức đương thời đè bẹp.

            
Mọi Ki-tô hữu, đến phiên mình, phải đón chờ một cám dỗ “chống lại đức tin” như thế : đây là cám dỗ về “khoảng không”, cảm tưởng gieo mình vào khoảng không khi tin vào Thiên Chúa. Người ta muốn Thiên Chúa phải hiển nhiên hơn. Thế mà Người vẫn “mai ẩn”. Người ta thích cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong kinh nguyện và phụng vụ. Thế mà Người vẫn lặng im, và bầu khí không lý thú mấy. Thiên Chúa không “lý thú” vì Người đâu có đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng ta. Ta muốn có thể đặt tay trên Người, biến Người thành một Thiên Chúa phục dịch, một Thiên Chúa tránh cho ta khỏi bị “vấp chân vào đá”. Thế mà Người vẫn để chúng ta tự trị và tự trách nhiệm : lo mà tự mình tránh đá… và nếu có vấp, thì đừng chờ phép lạ : nhưng chẳng phải vì thế mà Ta không hiện hữu… vì Ta hoàn toàn khác. Lạy Chúa, xin giúp chúng con “tin”.

            
3. Cám dỗ về đức mến.

            
Hiển nhiên Mt cũng như chúng ta không bị ngôn ngữ đánh lừa. “Một ngọn núi cao từ đó trông thấy mọi nước thiên hạ” chỉ là một kiểu nói. Đây là một thị kiến nội tâm hơn là một hiện tượng vật lý bên ngoài. Sau cám dỗ về đức cậy và đức tin, thì đây có thể coi là cám dỗ về đức mến. Dân Ít-ra-en, trong cuộc Xuất hành, đã bị cám dỗ bỏ rơi Giao ước, hôn nhân tình yêu với Thiên Chúa chân thật, để hiến thân cho các “ngẫu tượng” trong một thứ ngoại tình (x. Xh 23,20.33). Ngôn ngữ biểu tượng của Mt gợi hình hết sức ! “Các nước thế gian” được Xa-tan coi như tài sản riêng của mình. Hắn tự xưng là chủ tể, là “thủ lãnh thế gian”. Và Tên Địch Thủ đã bị Chúa Giê-su vạch mặt. Ở đây, Người gọi đích danh hắn là Xa-tan : tên Phản-Chúa, kẻ có tham vọng được nhân loại tôn thờ.

            
Hắn có tham vọng cũng phải, bởi lẽ chúng ta thường bị cám dỗ thần thánh hóa mọi sự. Thần tượng của chúng ta nhiều khôn kể xiết… toàn là những thứ mưu toan chiếm chỗ Thiên Chúa trong lòng chúng ta : tiền bạc, tiện nghi, uy thế, quyền lực, thống trị, lạc thú, các ý thức hệ, lối sống của môi trường… hay đôi khi là những thứ tầm phào mà chúng ta lấy làm hết sức quan trọng ! Chỉ mình Thiên Chúa là Thiên Chúa ! Mùa Chay được mở ra để chúng ta giải thoát mình khỏi các thần giả trá, ngụy tạo.

            
Dĩ nhiên, ba cám dỗ trên đây còn được giải thích bằng nhiều cách khác, như đó là cám dỗ về của cải, vinh quang, quyền lực, mà bất cứ ai trong chúng ta đều phải chịu đựng suốt cả đời, với điều kiện chúng ta coi cuộc đời như một cuộc chiến đấu, chiến đấu để giành lấy tự do cho tâm linh và trung thành với tình yêu Thiên Chúa. Nhưng nếu bạn bảo mình không bao giờ bị cám dỗ, nghĩa là vẫn bình thản sống theo dòng đời, trong một đức tin hờ hững, không mấy khi đặt vấn đề về tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, chẳng chút băn khoan về việc giữ đức công bình và lòng trong sạch, thì quả là bạn đang gặp nguy cơ : nằm trong vòng tay ma quỷ mà không hề biết : “Tội lớn nhất của thời đại này là đánh mất ý thức về tội” (Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI).


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây