Chúa Nhật 7 Thường Niên Năm A

Thứ sáu - 17/02/2023 21:45 1.673 0
 
 
CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN NĂM A : MT 5,38-48
 

            “Khi ấy, Đức Giê-su nói với môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác; trái lại, nếu anh bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”.
            “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời; vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi! Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ! Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha của anh em, Đấng ngự trên trời là Đấng hoàn thiện”.

 
 
TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI.

             Georgescu là một thanh niên Công giáo người Rumani. Anh bị tù vì là một tông đồ giáo dân tích cực. Do chế độ nhà tù, chẳng bao lâu anh bị bệnh lao phổi. Gia đình biết thế, đã gởi cho anh một hộp thuốc Streptomicin. Viên quản đốc gọi anh lên và bảo: “Tôi sẽ cho anh nhận hộp thuốc này với điều kiện anh thường xuyên báo cáo cho tôi về các bạn tù của anh” - “Thưa ông, tôi không thể làm chuyện này được. Vì mỗi lần nhìn vào trong gương, thấy mặt một tên phản bội, tôi chịu không nổi” - “Thành thật khen anh đã có lòng yêu thương và trung tín với bạn bè. Thế thì anh báo cáo về các kẻ thù của anh vậy. Số là trong các tù nhân, có một vài tên là “ăng-ten” (chỉ điểm) cho chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không thể hoàn toàn tin bọn chúng. Anh và bạn bè đã phải đau khổ vì chúng. Đây là cơ hội tốt để anh báo thù đồng thời để được lành bệnh” - “Thưa ông, tôi lại càng không thể làm chuyện này được. Vì Chúa Giê-su của chúng tôi đã dạy chúng tôi phải yêu thương ngay cả kẻ thù nữa. Trái tim chúng tôi không thể phân làm hai: nửa để yêu mến, nửa để căm thù…” Và cuối cùng, Georgescu đã chết vì lao phổi trong trại giam. (Theo lời kể của Mục sư Richard Wurmbrand trong tác phẩm “Những ngục tù của tôi với Thiên Chúa” – Mes prisons avec Dieu).

            1. Tại hại của việc lấy oán báo oán.
            “Mắt đền mắt, răng đền răng”, đó là “luật báo thù” của Cựu Ước. Dù có vẻ gây ngạc nhiên, nó đã là một tiến bộ mênh mông đối với bản năng trả oán rất tự nhiên và thường quá đáng nơi con người (x. Xh 21,24; Lv 24,20; Đnl 19,21). Ta thấy như nó đã lỗi thời đối với thế giới văn minh. Than ôi ! Thói báo thù ngày nay đâu chỉ “ăn miếng trả miếng”: người ta “giáng trả đích đáng”, “leo thang bạo lực”. Cứ nhìn cuộc chiến Ukraina và Nga hiện thời thì rõ, nhất là việc Nga trả đũa tàn bạo trên phương tiện dân sinh, trên mạng sống dân thường.
            Chúa Giê-su đã có can đảm kêu mời nhân loại tiến tới tình yêu tuyệt hảo: chớ báo thù gì hết, đừng cự lại ác nhân. Và với tính cách của một nhà giảng thuyết bình dân, cụ thể, Người cho ta bốn ví dụ.
            Tại sao Người dạy ta như thế ? Câu trả lời thật rõ ràng : Cái ác không bị thắng vượt khi ta đáp trả bằng một sự tàn nhẫn tương đương. Dĩ ác báo ác là đi vào trong cái vòng lẩn quẩn của bạo lực. Đức Phật trước đó cũng từng nói: “Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Thật thế, sự ác ta chịu thực chất nằm bên ngoài ta… nhưng khi ta lấy nó để trả đũa, nó lại thêm một chiến thắng phụ trội, vì đã đi vào trong ta. Khi một người căm ghét và thù hận kẻ khác, thì cuối cùng đương sự gây thương tổn cho chính mình còn hơn là cho chính kẻ thù của mình nữa. Một tác giả đã cắt nghĩa điều này như sau : “Khi chúng ta ghét kẻ thù là chúng ta cho họ quyền áp đảo chúng ta. Quyền lực này xâm chiếm giấc ngủ chúng ta, khiến chúng ta bị tăng huyết áp và đe dọa luôn cả sức khỏe lẫn hạnh phúc của mình. Kẻ thù của chúng ta hẳn sẽ nhảy múa vui mừng, nếu họ biết được sự căm ghét đã xâu xé chúng ta đến thế. Lòng căm ghét của chúng ta chẳng gây thương tổn cho họ chút nào cả. Nó chỉ khiến chúng ta ngày đêm bị rơi vào hỗn loạn địa ngục. Nói cách khác, viên đạn hay lưỡi kiếm căm thù chỉ có thể làm thương tổn kẻ thù chúng ta sau khi đã xuyên qua trái tim và thân xác chúng ta trước”. Một nạn nhân của Quốc xã Đức từng phát biểu : “Tôi tha thứ cho Hitler, bởi lẽ tôi không dại mang ông ta cho đến tận nấm mồ”. Người Hy-lạp cổ thường ví von như sau : “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác”.
            Dĩ nhiên, ta không có quyền dựa trên lời nói của Chúa để bảo lãnh cho sự bất công. Người không đưa ra ở đây những quy tắc pháp lý áp dụng y nguyên cho xã hội dân sự : như thế là khuyến khích ăn mày, bạo lực, tội ác, là bảo đảm cho kẻ bất lương chẳng bị trừng phạt. Người chắc chắn đã không muốn công nhận một tình trạng áp bức bất thường bằng cách yêu cầu những kẻ yếu đuối hãy nhẫn nhục chịu đựng, xã hội chớ có đưa ra các biện pháp cũng như luật hình, hay quốc gia chớ có đương đầu với nước láng giềng xâm lấn (Lưu ý Chúa Giê-su dùng đại từ ngôi thứ hai số ít để nhấn mạnh trường hợp cá nhân). Vì có những hoàn cảnh mà một môn đệ đích thực của Chúa Giê-su phải đấu tranh thật sự: cam chịu bất công, nhất là bất công mà nạn nhân là kẻ khác, là đồng bào (trong một chế độ độc tài toàn trị), hoàn toàn đi ngược với tinh thần của Chúa Giê-su.

            2. Thiện ích của tình yêu kẻ thù.  
             Tình yêu đối với những kẻ làm hại chúng ta mang lại lợi ích cho cả hai phía hơn là sự đáp trả bằng căm ghét rất nhiều. Khi đáp lại bằng tình yêu, chúng ta đã tung tình yêu ra ở chỗ cần thiết nhất. Chúng ta đã chận lại phản ứng dây chuyền thù hận và thay vào đó bằng phản ứng dây chuyền yêu thương. “Đừng để cho sự ác thắng được mình, song hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21). Cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ ngược đãi mình, đó là một hình thức yêu thương mở ra niềm hy vọng một sự thay đổi, và để duy mình Thiên Chúa lo chuyện phán xét kẻ khác.
            Nhưng xin lưu ý, người ta không thể sống Tin Mừng nếu chỉ đứng trên bình diện nhân loại. Làm điều Chúa Giê-su vừa mới xin chúng ta vượt quá khả năng chúng ta. Sở dĩ Người bảo chúng ta hãy yêu mến địch thù, đó là vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước như thế : “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi : đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Khi đứng trước một tình yêu khó sống, hay không thể sống về mặt nhân loại, chúng ta chẳng còn có thể đứng trên bình diện tâm lý, đạo đức, xã hội thuần túy nữa… Phải đặt mình trước mặt một cây thập giá mà nói : “Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã muốn điều lành cho những người muốn cho Chúa điều dữ… Chúa đã đau khổ và chết cho những người làm Chúa chết và khổ đau… Nay xin Chúa cũng giúp con làm được tương tự”. Y như các thánh tử đạo mọi thời, cụ thể là các thánh tử đạo Việt Nam. Y như anh Georgescu trong câu chuyện mở đầu bài suy niệm. Hay như gương Đức Cha Franjo Komarica, Giám mục giáo phận Banja Luka, thuộc cộng hòa Bosnia Herzegovina, người từng bị quân Serbia quản thúc tại tòa giám mục đang khi giáo dân của ngài bị kỳ thị dữ dội. Ngài cũng đã từng nói: “Nếu tại Âu châu có một Giáo hội đau khổ, thì đó là các tín hữu của chúng tôi. Trong giáo phận của tôi, 95% các tòa nhà của Giáo hội đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề trong chiến tranh… Nhưng chúng tôi thà chịu bất công hơn là làm chuyện bất công” (Radio Vatican 06-11-2021)

            3. Yêu kẻ thù là bắt chước Thiên Chúa.
            Lòng yêu kẻ thù chỉ có thể đến từ Thiên Chúa ! Đó là điều Người không ngừng thực hiện : “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. Thiên Chúa đã yêu bạn như thế nào ? Bằng cách không ngừng tha thứ cho bạn. Tình yêu kẻ thù bất khả như thế, Chúa Giê-su chỉ dám xin chúng ta vì Người đã sống điều đó trước chúng ta : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thái độ này là một cái gì hoàn toàn mới -bất khả về mặt nhân loại- và nổi bật lên trên thái độ của phần lớn loài người. Để bắt chước Thiên Chúa, ta cần đi đến cái tình yêu không đơn thuần là tình yêu tương hỗ : “Tôi yêu bạn vì bạn yêu tôi, tôi chào bạn vì bạn chào tôi…”. Điều đó, Chúa Giê-su nói, người ngoại cũng làm. Phần Thiên Chúa, trước thái độ tuyệt đối từ chối yêu trả, vẫn duy trì quyết định tuyệt đối yêu thương. Tình yêu theo Chúa Giê-su không thể giản lược vào mức độ tình cảm, thu hút, rung động. Dĩ nhiên, Người chẳng nói xấu thứ tình yêu… mà chúng ta vẫn rất cần này. Ai có thể sống thiếu âu yếm ? Người chỉ bảo chúng ta là đừng dừng lại ở chỗ đó thôi.
            Chúa Giê-su dạy phải yêu mến kẻ thù. Với thói quen và nghệ thuật làm dịu Tin Mừng, chắc bạn sẽ bảo : “Tôi có kẻ thù đâu…”. Thế thì hãy để ánh sáng trần trụi và dữ dội Chúa Giê-su chiếu tỏa trên cuộc sống con người của bạn, cuộc sống ghi dấu nhiều tranh chấp xung đột không thể tránh khỏi. Hết mọi kẻ không giống tôi thực ra đều tấn công tôi, động tới tôi. “Cái-tha-nhân-khác-tôi” thì cáo giác tôi, có khuynh hướng loại trừ tôi… “Cái-tính-khí-nghịch-tôi-đó” giết chết tôi, làm cho tôi căng thẳng. “Cách-nói-ấy… cách-cư-xử-ấy…” khiến tôi phát khùng. Có phải thế không bạn ?
            Yêu thương những kẻ không thương yêu chúng ta, đó là bắt chước Thiên Chúa. Trước cái ác, lấy cái thiện đáp trả, đó là thái độ “thần linh”. “Làm Ki-tô hữu” nghĩa là gì ? Đấy chẳng phải là đã đạt được mục đích tối cao là tình yêu phổ quát… nhưng là cố gắng vươn tới đó mỗi ngày. Chúng ta là con cái của một vị Hiền Phụ “âu yếm ôm vào lòng” người lành lẫn kẻ dữ, của một vị Thiên Chúa chẳng bao giờ trả thù bất cứ ai. Chúa Giê-su đã đạt được trên thập giá cái quyền đòi hỏi chúng ta như vậy. Người là kẻ đã nhận những cái tát… đã bị tước mất áo choàng và danh dự… đã bị buộc xuất trình cho một vụ án bất công… đã bị người ta lôi đi hai nghìn bước trên con đường Núi sọ… đã bị lột trần truồng ô nhục trước đám đông… đã phải lãnh khổ hình khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại… Nhưng Người là “kẻ bị đóng đinh không chút oán thù” !


 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây