Sống Linh đạo Mến Thánh Giá là chia sẻ cuộc thương khó của Đức Giêsu để tiếp tục cứu độ nhân loại

Thứ tư - 08/02/2023 08:09 690 0

Sống Linh đạo Mến Thánh Giá là
chia sẻ cuộc thương khó của Đức Giêsu để tiếp tục cứu độ nhân loại

Lời nguyện đầu:
 
Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa. Cảm tạ Chúa về muôn hồng ân Chúa đã ban cho chúng con trong suốt cuộc sống. Chúa đã yêu thương, nâng đỡ chúng con qua từng biến cố vui buồn của đời người. Giờ đây xin dâng Chúa âu lo và hy vọng của từng cá nhân, gia đình, cộng đoàn, quê hương Việt Nam và toàn thế giới. Xin dâng con người yếu đuối, sự thờ ơ lạnh nhạt mà chúng con đã từng thể hiện đối với Chúa và với nhau trong cuộc sống chung. Lạy Chúa, sức mạnh tình yêu Chúa đang âm thầm nuôi sống, dẫn dắt đồng hành với mỗi chúng con cách riêng tư mà chúng con vô tình không nhận ra.
Giây phút linh thiêng nhất của ngày sống mới, chúng con xin trở về với Chúa. Xin Chúa ban Thánh Thần tình yêu để tẩy xóa hết lỗi lầm, thiếu sót cho chúng con. Xin cho chúng con biết mở lòng đón nhận nguồn sinh lực mới mà Chúa đang đợi chờ để thi ân cho chúng con. Xin cho từng người biết thể hiện lòng yêu mến Chúa qua những người mình gặp gỡ, qua từng việc chúng con làm ít nhất là thời gian quí giá của ngày sống hôm nay.

SUY NIỆM:

Trong xã hội hiện tại con người đạt đến nền văn minh vượt bậc, nhưng chính vì nền văn minh ấy đưa con người đến lối sống hưởng thụ. Chủ trương thực dụng đã làm cho con người đặt nặng tính chất hiệu năng, hiệu quả, nhanh gọn, tiện lợi lên trên tất cả... Điều này cũng đang tạo nên nguy cơ cho đời sống tâm linh là muốn được “dễ dãi” “thoải mái”, chẳng phải hy sinh gì vẫn mong kết quả mĩ mãn trong hoạt động và trong lối sống của mình. Đó cũng là một thứ “mật ngọt” mà kết quả là ta muốn Thiên Chúa làm theo ý mình chứ không phải ta tìm kiếm ý Thiên Chúa nơi cuộc sống hằng ngày.

Đây chính là điểm yếu của con người mà ma quỷ đã đọc được để tấn công qua việc cám dỗ Chúa Giêsu “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông...”(x. Lc 4:1-13). Ma quỷ không ngăn chặn việc cứu độ của Đức Giêsu dành cho nhân loại, nhưng nó lại mong muốn Ngài làm theo ý nó, nó muốn Ngài không cần phải chịu đau khổ, không cần phải vác Thập giá và chết cách ô nhục nặng nề làm gì. Bằng một loạt những toan tính sâu độc, Ma quỷ muốn dẫn dắt Đức Giêsu đến phương cách cứu độ “dễ dãi” bằng quyền năng và sức mạnh có sẵn, bằng thái độ thỏa hiệp để đôi bên cùng có lợi.
Xem ra phương sách cứu độ đó có tác dụng rất hữu hiệu và thực tiễn, nhưng rất tiếc đó không phải là đường lối của Thiên Chúa (x. Mt 16, 21-23). Đừng quên rằng, việc cứu độ không nhằm vào một sự toan tính phương pháp hiệu quả, hiệu năng nhất thời, nhưng nhằm vào việc mạc khải tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa trước tình trạng vong thân cực độ của con người do tội lỗi gây ra.
         
Cơn cám dỗ thường xuyên đối với chúng ta hôm nay, là tìm kiếm một Đức Giêsu không có Thập giá, là muốn một ‘thứ Ki-tô giáo’ dễ dãi và hợp thời hơn, là khát khao một ‘thứ Tin Mừng’ không nhuốm nước mắt. Cũng giống như Phêrô, ta muốn kéo Chúa Giêsu ra ngoài và can ngăn về chuyện Ngài tuyên bố quá rõ ràng về Thập giá. Nhưng rồi cần phải nhận ra rằng, Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng Tình yêu, không chỉ nói bằng lời mà là hành động làm chứng, nghĩa là dám chết đi cho bản thân để Chân lý và Tình yêu được tỏ hiện. Nếu không như thế, Tin Mừng trở nên mơ hồ, Thập giá trở thành món đồ trang sức, và đạo lý cứu độ biến thành mớ lý thuyết suông.  Thật vậy, Thánh Phaolô đã nói thế này: "Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì đức tin của chúng ta chỉ là hảo huyền và lời rao giảng cũng trở nên vô ích…"(1,Cr. 15,14-19). Nếu Đức Kitô chết mà không sống lại, thì Ngài không phải là con Thiên Chúa hằng sống; việc Ngài hiến mình chịu chết là một điên rồ.
         
Nếu ta cố tìm một Đức Giêsu không có Thập giá, ta sẽ gặp Thập giá mà không có Đức Giêsu. Sự khôn ngoan và sức mạnh của Thập giá chỉ được hiểu khi người ta đảm nhận và trực tiếp kinh nghiệm nó một cách sâu xa, để từ đó không còn nhìn Thập giá như một chướng ngại, nhưng là một cơ hội và cách thức thể hiện chính mình một cách cao độ nhất trong Đức Kitô, tạo nên sự say mê và niềm thâm tín như thánh Phaolô:
  • “Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi.” (2Cor 4, 10).
  •  “Tôi thông phần vào các sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục sinh từ cõi chết.” (Pl 3, 10-11).
Khi sống Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, thánh Phaolô hiểu được rằng đó là một sự trải nghiệm liên lỉ việc “sống –chết” nơi con người của thánh nhân. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trên đường Đamas đã thay đổi cuộc đời ngài một cách quyết liệt. Đó là một loại trải nghiệm sống-chết đối với Phaolô. Nếu xưa kia những gì ngài cho là giá trị, là đáng tự hào, thì nay ngài dám đánh đổi tất cả để được Chúa Giêsu. Tất cả đã trở nên không có giá trị trước mối lợi tuyệt vời là được hiểu biết và yêu mến Chúa. Những gì trước đây ngài cho là “mối lợi” thì nay lại là “thua thiệt”. Điều đáng ngạc nhiên là trong suốt cuộc đời theo Chúa, ngài đã luôn chọn cho mình đứng dưới “ngọn cờ” của sự yếu đuối. Cái nghịch lý của “sự điên rồ Thập giá” được thánh Phaolô trình bày, ngài yêu cầu các tín hữu phải đánh giá sự việc không theo tiêu chuẩn, triết lý hoặc sự thông thái loài người nhưng bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong khi Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là một cớ vấp phạm đối với người Do thái (bởi nó mâu thuẫn với nhãn quan thế tục về hành động cứu độ) và là sự ngu dại đối với dân ngoại thì ngài đề nghị với những ai tin vào Đức Kitô hãy nhận ra sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa nơi sự điên rồ Thập giá. Nếu nhìn từ góc độ bên ngoài, việc Đức Kitô Chịu Đóng Đinh thập giá đúng là một sự “thất bại”, một sự “yếu đuối”, và tột đỉnh của yếu đuối là sự chết. Sự thật Ngài đã chết, đã mất tất cả: mất phẩm giá, mất danh dự, mất sự nghiệp và mất cả mạng sống. Nhưng chính từ cái yếu đuối, cái chết chóc đó thì quyền năng của Thiên Chúa lại được mạc khải. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi. Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em” (2Cr 4, 7-12).

Đối với Đức cha Lambert, ngài dạy thế này: “Hỡi các nữ tu của cha, chắc hẳn các con thấy được rằng ơn gọi của mình cao trọng dường nào và các con đã chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ sống bằng những châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống của Chúa Giêsu Kitô.”
[1] .Bị hiểu lầm lên án, ngài cũng sẵn sàng đón nhận: “Những điều trên không hề làm tôi bận tâm, tôi nhìn chúng như một cơ may lớn trong ơn gọi của tôi. Có thể là Chúa muốn ban cho tôi ơn phải chết vì sự thật và công lý, cách đó chứ không phải chết treo trên cây gỗ, vì đức tin và để anh em được cứu rỗi.”[2]

Thánh Phaolo và Đấng sáng lập dòng luôn mang trong mình “dấu tích” cuộc thương khó của Đức Giêsu. Còn tôi đang mang trong mình những những dấu tích ấy tới ở mức độ nào? Tôi đang bị lôi cuốn bởi sức mạnh nào giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn hôm nay ?
Sống Linh đạo Mến Thánh Giá là tiếp tục chia sẻ nỗi khổ đau cùng với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, tôi có sẵn sàng để cho Người mượn khối óc, đôi tay, đôi chân...để tiếp tục hy sinh mang ơn cứu độ cho anh chị em đồng loại?  

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến , xin giúp chúng con yêu mến Chúa nhiều hơn, vì Chúa đã quá yêu chúng con. Xin cho chúng con biết mở rộng cõi lòng để đón nhận hồng ân Chúa và đến với mọi người xung quanh bằng tình yêu đơn hèn của chúng con. Xin cho chúng con đừng chỉ xây đắp hạnh phúc cho riêng mình mà biết nghĩ đến hạnh phúc của người khác, của cộng đoàn, của gia đình Hội dòng trong tình yêu liên kết, vị tha và đón nhận nhau để mỗi người nỗ lực thăng tiến bản thân trong ơn nghĩa Chúa.

Xin cho chúng con biết liên kết mật thiết với Chúa để can đảm mang lấy thương tích của Chúa bằng những từ bỏ, hy sinh, sống những giá trị của Tin Mừng. Dám lội ngược dòng trước những trào lưu tục hóa, những kiểu sống không hợp với đời tu ...để dù thế gian có cho đó là điên dại, lạc hậu ...nhưng đó là phương cách tốt để giới thiệu cho họ về cùng đích cuối cùng của đời mình “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá”, Đấng đã chịu đóng đinh để cho loài người được ơn cứu độ. Amen  

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây