Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống Năm A

Thứ bảy - 27/05/2023 05:24 797 0
 

 
CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG NĂM A : GA 20,19-23

            Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
            Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”    
           
 
HƠI THỞ KHAI SINH GIÁO HỘI

            Vì bận tâm về vấn đề thời biểu, từ lâu Phụng vụ đã đọc cho bản văn Gio-an này trong Chúa nhật sau lễ Phục sinh. Nhưng từ đây, nó được đề nghị đọc trong ngày lễ Hiện xuống : sự cải cách ấy có thể gây bỡ ngỡ, vì trong trình thuật, Đức Giê-su xem ra chiếm nhiều chỗ hơn Thánh Thần. Tuy nhiên mối liên hệ giữa bản văn với cuộc Hiện xuống xuất hiện trong một lời thông ban Thánh Thần của Đức Giê-su. Nhưng việc đề cập Thánh Thần này quá ngắn ngủi đến nỗi ta thắc mắc không biết phải mặc cho nó tầm quan trọng nào. Sự tương phản thật lớn lao so với trình thuật được Lu-ca chuyển đạt trong sách Công vụ. Tương phản này càng tăng do việc Lu-ca cho thấy Thánh Thần đang trực tiếp hành động với những hiệu quả thấu đến nhiều người thuộc mọi dân nước. Trong trình thuật Gio-an thì ngược lại : một đàng chính Đức Ki-tô thiết lập mối liên hệ giữa Thánh Thần và các môn đồ, đàng khác chiều kích phổ quát xem ra không mấy rõ: việc ban Thánh Thần được tiếp liền bằng việc trao quyền tha tội mà chẳng xác định tha tội cho ai.
            Những cảm tưởng đầu tiên này khiến ta nghĩ rằng bản văn Gio-an chất chứa nhiều chủ ý thần học về Đức Ki-tô phục sinh, về sứ mệnh Người ủy thác cho môn đồ và về Thần khí được Người ban tặng, khác với Lu-ca trong Công Vụ là tường thuật chi tiết sự kiện.
 
               1. Cảm nghiệm về Đấng Phục sinh để rồi nhận được sứ mệnh

            Khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội, có kinh nghiệm về Đấng Phục sinh của các môn đồ. Đó là kinh nghiệm về một Đức Giê-su đầy sáng kiến và có sức bẻ gãy mọi hàng rào đang vây hãm những kẻ vốn sẵn sàng nhận ra Người nhưng hãy còn bị giam giữ trong nỗi sợ sệt. Hình như đấy là ý nghĩa việc Đức Giê-su bất ngờ hiện đến: dẹp bỏ các hàng rào của lòng cứng tin. Điểm đặc biệt của Chúa Phục sinh là không bị một chướng ngại vật nào ngăn cản khi đến “đứng giữa” các thuộc nhân của Người. Đây là kinh nghiệm phục sinh khởi thủy sắp ở trong các môn đồ giữa lòng thế giới họ đang sống.
            Qua chữ “môn đồ”, theo văn mạch gần (20,19), phải hiểu trước hết là Nhóm Mười một, nhưng văn mạch tổng quát hơn cho thấy đó là Nhóm Mười một và tất cả những ai liên kết với họ, vì Nhóm Mười hai đã được chọn như là hạt nhân của một dân mới có phận sự làm lan rộng khắp thế gian sự hiện diện của Đấng Sống Lại.
            Và chính trong cùng một động tác mà các môn đồ vừa rộng lòng đón nhận đức tin phục sinh vừa được sai phái. Điểm quan trọng liên quan đến việc sai phái này nằm trên sự đồng nhất: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói cách khác, việc sai đi không được xét dưới khía cạnh thực hiện sứ mệnh, vốn được khai triển nơi khác trong Tân Ước, nhưng dưới khía cạnh nguồn gốc sứ mệnh: mối liên hệ mật thiết nối kết Đức Giê-su với Chúa Cha. Chỉ có một sứ mệnh (x. 17,18): sứ mệnh từ Chúa Cha giao cho Đức Giê-su, cũng chính là sứ mệnh của Giáo Hội. Thành thử Giáo Hội không chỉ tiếp nối sự nghiệp Đức Giê-su, nhưng là có chính sứ mệnh của Đức Giê-su, mà sứ mệnh Đức Giê-su là chính hành động của Thiên Chúa; đấy là điều được nhấn mạnh qua từ ngữ “cũng như” (katos), một từ ngữ năng gặp nơi Gio-an và không chỉ có nghĩa so sánh nhưng cũng thường chỉ sự tương đương tương đồng (x. 6,57; 10,15…).
            Ở đây cần ghi nhận là Tin Mừng chỉ nói “sai đi” một cách trổng. Không nói nơi các môn đồ được sai đến, vì họ đang ở trong thế gian (x. 17,18). Thành thử đây là việc sai phái theo nghĩa một hành động liên tục, đánh dấu quyền bính tuyệt đối của Đức Ki-tô ở đầu nguồn gốc sứ mệnh Giáo Hội. Đức Ki-tô là Sứ giả Cánh chung thần linh đã nhờ sự Phục sinh và nhờ những kẻ nhận biết Người trong trạng thái mới, mà thiết lập cộng đoàn được Người hứa ban sự sống trong thời cánh chung ấy. Có sự liên tục từ Đức Ki-tô đến cộng đoàn. Vì vậy thánh sử trình bày cộng đoàn mới này được khai sinh vào chiều ngày Phục sinh.

            2. Một sứ mệnh chỉ có thể thực hiện nhờ hồng ân Thánh Thần

            Bởi lẽ chính Thánh Thần biến các môn đồ thành một Thân thể mà Người ban cho sống và dùng một hơi thở mới mà sinh động. Ở đây ta nhớ lại rằng Cựu Ước từng mong rằng vào thời cánh chung, việc tuôn đổ Thần khí cách toàn vẹn và dứt khoát sẽ xảy đến (x. Ge 3,1-2). Khi đặt việc này vào chiều ngày Phục sinh, Gio-an tỏ ra trung thành với dự định của ông là minh chứng rằng thời ấy đã tới với chiến thắng của Đức Ki-tô trên tử thần.
            Câu nói “Hãy nhận lấy Thánh Thần” được kèm theo bằng một cử chỉ : Đức Giê-su “thổi hơi”. Người ta ghi nhận rằng nơi khác trong Tin Mừng cũng như trong Công Vụ và các thư Phao-lô, Thánh Thần chẳng bao giờ được nói là “được thổi vào”, mà là “được đổ tràn”, “được sai đến”… Việc dùng chữ bất thường này trong trường hợp hôm nay chắc hẳn là có chủ ý. Có thể đây là một ám chỉ những cách nói, tuy hiếm hoi nhưng rất chính xác, mà Cựu Ước vẫn dùng để đề cập đến cuộc sáng tạo ban đầu (x. St 2,7) hoặc cuộc sáng tạo thời tương lai (x. Ed  37,9).
            Trong thực tế, khi chết đi và bước vào thế giới của Phục sinh, Đức Ki-tô không chỉ hứa ban, mà còn thông ban Thánh Thần (x. Ga 19,30), làm phát sinh một tạo vật mới là Giáo Hội, mà lúc ấy được tượng trưng bởi nhóm môn đồ. Tạo vật mới này làm thành Thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô với Thánh Thần như là hồn thiêng. Giáo Hội do đó khác hẳn với mọi xã hội nhân loại. Nét riêng biệt đặc trưng Giáo Hội là mối liên hệ giữa Giáo Hội với Thánh Thần Thiên Chúa mà Đức Giê-su phục sinh đã thông ban.
           
           3. Thánh Thần hành động bằng cách thực thi một cuộc xét xử.


            Ngay từ đầu Tin Mừng, Gio-an đã cho thấy Đức Giê-su đến để “khử trừ tội của thế gian” (x. 1,29). Sứ mệnh của Người tự bản chất là một sứ mệnh cứu rỗi, nghĩa là trao hiến qua bản thân mình món quà tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Được giải phóng là những ai tiếp nhận món quà ấy với giá là phải chết cho những gì cầm giữ họ sống ích kỷ. Giờ đã rời bỏ thế gian này về phương diện thể lý, Đức Giê-su làm nẩy sinh một cộng đoàn có trách vụ kéo dài sự hiện diện của món quà ban cho nhân loại đó. Vì thế thông ơn Thánh Thần và ban quyền tha tội tức là chuyển đạt ơn cứu độ nói trên. Đấy là sứ mệnh của Giáo Hội.
            Đối với những kẻ đón nhận ơn cứu rỗi bằng việc chịu phép rửa song đã để cho tội lỗi tái chiếm, thì Đức Ki-tô ban Thần khí Người để chiến thắng tội lỗi. Bởi thế Thần khí này được gọi là “Thánh Thần”, vì vai trò của Người là thánh hóa, nghĩa là không chỉ đưa vào sự sống (x. 6,63) của Đức Giê-su -Đấng Thánh- mà còn làm cho lớn lên trong ấy nữa. Viết như vậy, Gio-an đã muốn cho thấy mối liên hệ giữa các quyền bí tích của Giáo Hội với tình trạng mới của Đấng Phục sinh: các quyền này là sự nối dài tính cách thanh luyện và tác sinh của nhân tính được thiêng liêng hóa của Người.
            Câu “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (c.23) có thể đem so sánh với câu mà Tin Mừng thứ nhất (x. Mt 18,18) đặt vào thời Đức Giê-su thi hành sứ vụ chứ chẳng phải sau khi đã phục sinh. Tuy nhiên cả hai cũng chỉ nói cùng 1 điều. Lại nữa, việc so sánh đó giúp quán triệt hơn ý nghĩa của lời xác định: “Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”. Đây không phải là xét xử cách độc đoán, nhưng là đặt giữa nhân loại (để phục vụ họ) một cộng đoàn có quyền năng khơi dậy và thừa nhận việc đón nhận Thần khí nơi những kẻ công khai liên kết với Đức Ki-tô và với lời Người. Chính qua cách thức sống Thần khí mà cộng đoàn sẽ gây ra được sự đón nhận trên. Quyền được ủy thác cho cộng đoàn đi kèm với yêu sách cần thiết và được hiểu ngầm trong sự trao ban đó.
            Như Đức Ki-tô lúc sinh tiền đã thực hiện một cuộc xét xử bằng cách dùng thái độ và lời nói để thúc đẩy cử tọa phải xác định lập trường đối với ơn cứu độ Người đề ra, thì Giáo Hội từ đây cũng được giữ vai trò ấy. Mọi việc tha tội và do đó mọi ơn cứu độ được ban cho kẻ rộng lòng đón nhận Thánh Thần, đều từ Thiên Chúa mà phát xuất. Nhưng ngoài việc khơi dậy và thừa nhận sự đón tiếp đã nói, Giáo Hội còn có sứ mệnh riêng biệt là giúp con người liên kết với bản thân và với lời giải thoát của Đức Giê-su.
            Vậy ta thấy, Tin Mừng thứ tư đã chuyển đạt một giáo huấn bổ túc cho các Tin Mừng khác (x. Mt 28,16-20; Mc 16,15-16…) về Giáo Hội mà Đức Giê-su đã khai sinh qua việc sống lại để nối tiếp sức mạnh của Người trong thế gian. Điểm đặc biệt của giáo huấn là nhấn mạnh đến vai trò sinh động của Thánh Thần trong công việc đó.
            Vai trò sinh động này ngày nay tiếp tục được nhấn mạnh như bởi các Ki-tô hữu kiệt xuất, chẳng hạn  Đức Ignace IV Hazim (1920-2012), Thượng phụ Giáo chủ ở Antiokia (Syria), người từng tuyên bố một câu nổi tiếng : “Không có Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ muôn trùng xa cách, Đức Ki-tô thuộc về quá khứ, Tin Mừng là chữ chết, Giáo hội chỉ là một tổ chức, quyền bính là thống trị, truyền giáo là tuyên truyền, phụng tự chỉ là sự gợi nhớ, và ngôn hành Ki-tô hữu là luân lý của kẻ nô lệ… Nhưng trong Thánh Thần, Đức Ki-tô phục sinh luôn có đó, Tin Mừng là sinh lực, Giáo hội là hiệp thông Ba ngôi, quyền bính là phục vụ giải thoát, truyền giáo là một cuộc Hiện xuống, phụng vụ là tưởng niệm và thực hiện trước kỳ hạn hành vi nhân linh được thần hóa”.
            Viết theo Gilles Becquet, Lectures d’Évangiles


 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây