Từ bỏ mình để theo Đức Kitô
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chúng con cảm tạ Chúa vì tin rằng: nhờ Ngài, với Ngài, trong Ngài, và nhân danh Ngài, chúng con được quy tụ nơi đây, trong Hội dòng này. Xin cho việc gẫm suy về mầu nhiệm tình yêu mà Chúa đã dành cho chúng con nơi cuộc Thương Khó và Phục Sinh ngày càng làm cho mỗi người cảm thấu ân huệ lớn lao Chúa dành cho. Nhờ đó, trí lòng và mọi hoạt động nơi cuộc sống chúng con luôn quy hướng về Chúa; thể hiện trong từng suy nghĩ, từng hành động của chúng con. Điều này thật không dễ chút nào, nhưng với ơn Chúa và sự cố gắng mỗi ngày, chúng con tin rằng chúng con có thể vững tiến theo Chúa trọn con đường Mến Thánh Giá và trở nên chứng nhân sống động cho tình yêu Chúa nơi đời sống của chúng con.
Xin Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, Đấng Sáng lập Dòng đồng hành và trợ giúp chúng con mọi ngày trong đời sống.
Lời Chúa : (Mt 16: 24-28)
Suy gẫm:
“Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi”. Ai cũng sợ vác thập giá, bởi nghĩ đến nó, người ta không thể bỏ qua hình ảnh Chúa Giêsu mình trần, đầy thương tích, vác thập giá đi trên con đường đầy bụi, nắng nóng...đi giữa một đám người ô hợp hung hăng... hình ảnh thật đáng sợ cho con người mọi thời đại.
Con người vốn thích cuộc sống hạnh phúc, nhẹ nhàng, dễ dãi; đi trên con đường cao tốc thênh thang, một cuộc sống không hề có thử thách, thất bại hay thiếu thốn điều chi. Thế nên, chỉ nghĩ đến những gì mang dáng vẻ khó khăn hay trắc trở, đau khổ... làm việc gì mà đòi hỏi phải hy sinh, chịu thiệt thòi đã thấy sợ, tìm cách thoái thác, chứ nói chưa nói đến phải vác thập giá đi trên con đường dốc đá, nắng bụi hay phải chấp nhận chịu đòn soi, chịu chết như Đức Giêsu?
Tuy vậy, mấy ai tránh được thập giá của đời mình!
Đức Giêsu để lại cho các Kitô hữu điều kiện theo Ngài được ghi lại thế này:"Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được" (Mt 10, 34 – 11, 1). Khi đọc lời này của Đức Giêsu ta thấy nổi bật hai kiểu sống: Cuộc sống trần gian được xây dựng ở đời này, và cuộc sống siêu nhiên Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu, cuộc sống không chấm dứt bằng cái chết và không ai có thể lấy đi được. Thật khó hiểu? Sợ mất thì lại mất, không sợ mất thì lại có vĩnh viễn. Sự sống chúng ta cố níu kéo có phải sự sống bất tử không? Còn Chúa Giêsu đang hướng chúng ta về sự sống bất tử, sự sống mà không ai lấy mất của chúng ta. Cũng dễ hiểu thôi, chúng ta muốn có cái vĩnh cửu thì phải đành mất cái tạm bợ.
Nhìn vào Chúa Giêsu khi đối diện với giờ phút sinh tử của mình, chúng ta thấy Người sợ hãi và muốn né tránh, nhưng thánh ý Chúa Cha mạnh mẽ và chiếm trọn con tim nên Người đã liều mạng sống để giúp chúng ta có nơi nương tựa tinh thần vững chắc cho cuộc sống mình. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói mà không làm thì có lẽ người ta chẳng theo Người, nhưng vì Người đã hành động nên nhiều người muốn dấn bước theo Người, ít ra trong sự nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi trong đời sống nên thánh từng ngày. Chúng ta cũng được Chúa dủ lòng thương và cứu vớt, bởi vì Chúa Giêsu đã làm điều đó, để cứu chúng ta khỏi chết đời đời.
Sống đời tận hiến hôm nay là đi trên con đường khó khăn, “con đường chẳng mấy ai đi”, chấp nhận một lối sống chẳng giống ai, chấp nhận lội ngược dòng. Chính vì thế mà mỗi người khi dấn bước trên con đường tu trì, phải biết mình đi đâu và tại sao lại đi vào con đường hẹp như thế. Không phải biết cách chung chung nhưng là biết chính xác, rõ ràng. Và còn phải can đảm sống điều mình biết. Phải bạo dạn dấn thân và chấp nhận hy sinh từ bỏ để chọn lấy một lý tưởng cao cả dù người đời cho là điên dại. Vì theo sự thường, “lựa chọn là hy sinh”. Và chính Đức Giêsu đã khẳng định "Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo". (Mt 16, 24)
Thật vậy, chính Đức Giêsu không đi ngoài con đường thập giá ấy. Dù thấy trước những cực hình phải chịu, những khổ đau phải mang vác vào thân, có lúc hoảng sợ đến thốt lên cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cất chén này xa con” (x. Lc 22, 42), thế mà Ngài vẫn tiếp tục bước đi, bởi tình yêu trong Ngài đã khỏa lấp tất cả. Ngài quyết chọn con đường tình yêu, đã từ bỏ ý riêng để hiến dâng cho Thiên Chúa và nhân loại trọn vẹn trái tim Người.
Nhìn lại cuộc đời người tu sĩ với lời khấn dòng, liệu rằng chúng ta có can đảm để khước từ mọi tình cảm, mọi ý riêng, quyền chiếm hữu, quyền chọn lựa nơi đến nơi đi, việc này việc kia... để dành trọn vẹn tình yêu và con người mình cho Đức Kitô nhờ tinh thần khiêm tốn vâng phục, sống vui tươi, hạnh phúc và hài hòa trong đời sống hay không?
Để hoàn toàn thuộc về Đức Kitô bằng lời khấn dòng, người tu sĩ cần thấy rõ giới hạn của bản thân mỏng dòn và đầy yếu đuối để từ đó luôn ý thức hồng ân kỳ diệu mà Thiên Chúa tặng ban cho mình trong lời đoan ước. Dâng hiến không có nghĩa là biến trái tim mình trở nên khô khan, cứng lạnh. Dâng hiến cũng không có nghĩa là trở nên lạc lõng, cô độc, khinh thường tình yêu trần thế. Trái lại người sống đời thánh hiến phải nhạy cảm hơn trước những gì cao đẹp, thánh thiện, chia sẻ, trao ban. Người thánh hiến vẫn là người sống giữa cuộc đời, có thể bị rung động trước một đối tượng mình tiếp xúc, vẫn nhìn thấy những điều kỳ diệu trong tình yêu...người tu sĩ còn là người nhạy cảm, họ thấy và hiểu biết tất cả sự đời nhưng họ dám từ bỏ tất cả để tận hiến đời mình cho Đấng đã hiến thân vì nhân loại, người tận hiến muốn cùng với Đức Kitô hiến thân cho con người trong mọi thời đại.
Vì thế,
Với con tim không san sẻ người tu sĩ dành tất cả cho Thiên Chúa, họ yêu mà không đòi chiếm giữ, cho mà không đòi đền đáp. Họ yêu một mình Thiên Chúa và họ diễn tả tình yêu ấy trong sứ mạng phục vụ con người. Càng yêu các linh hồn, họ càng dấn thân phục vụ. Không hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy cũng như không ai có thể khiến họ hết yêu Giêsu và con người được. Bởi lẽ, tình yêu là căn tính của người tu sĩ. Một khi yêu mến Thiên Chúa và say mê con người như thế, người tu sĩ sống đời thánh hiến một cách hạnh phúc và thành toàn. Hạnh phúc vì cảm nếm được sự hiện diện của tình yêu của Đấng đã ngỏ lời mời gọi họ sống riêng tư với Ngài.
Khi sống lời khuyên Tin Mừng, người tu sĩ khao khát sống tình thân với Thiên Chúa, mong muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, sống tình bạn với chị em trong Hội dòng, và sẵn sàng phục vụ tha nhân. Nhờ lời khấn dòng người tu sĩ trở nên thanh thoát hơn với mọi sự để chỉ kết hợp mật thiết với Thiên Chúa vì Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi sự cho công cuộc cứu rỗi con người.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, cảm ơn Chúa đã cho chúng con hồng ân sống đời thánh hiến. Xin cho chúng con mỗi ngày dám dâng hiến đời mình để theo sát Chúa hơn. Xin tiếp tục thắp lên trong con ngọn lửa tình yêu để mỗi chúng con có thể luôn rạng ngời niềm vui, ngập tràn hạnh phúc vì được bén rễ sâu trong tương quan tình yêu với Chúa. Nếu lúc nào đó tình yêu Chúa trong con bị phai nhạt, sức hấp dẫn của đời tu nơi con yếu dần hoặc có thể bị biến dạng... xin Chúa mau đến cứu giúp và ở lại với con. Ước mong sức mạnh tình yêu từ thập giá luôn là động lực thôi thúc con yêu Chúa hết mình, tu hết tình được hiện thực hóa nơi mọi việc mà sứ vụ mời gọi . Amen.