Thứ Hai 16/09/2024 – Thứ Hai tuần 24 thường niên.

Chủ nhật - 15/09/2024 06:30 115 0


Niềm tin vững mạnh.

16/09 – Thứ Hai tuần 24 thường niên. – Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ

“Cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.

* Thánh Cornêliô làm giám mục giáo phận Rôma năm 251. Người đã chống lại giáo phái Novaxianô. Chưa được bao lâu, người bị hoàng đế Ganlô bắt đi đầy ở Xivitavéckia và đã qua đời ở đây (253). Người đã được thánh Síprianô kính trọng và quý mến. Chính vì thế, ngay từ thế kỷ IV, Hội Thánh Rôma đã mừng lễ thánh Conêliô trong chính hang mộ của người vào ngày lễ thánh Síprianô.

Thánh Xíprianô sinh tại Cácthagô quãng năm 210, trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận đức tin, làm linh mục, rồi làm giám mục năm 249. Trong cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Valêrianô, người bị lưu đày, rồi ngày 14 tháng 9 năm 258, người chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Các thư từ và các tác phẩm của người viết ra cho thấy người có tâm hồn của một vị mục tử đích thực, luôn đứng ở chỗ nguy hiểm nhất để nâng đỡ các anh em đang phải chịu bách hại và để duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Trong mọi việc, người lo nêu gương sáng về lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô.

 

Lời Chúa: Lc 7, 1-10

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum.

Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”.

Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không ba

 xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.

Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

 

Suy niệm 

Viên đại đội trưởng ở đây là người coi một trăm quân.

Ông đã nghe đồn về khả năng chữa bệnh của Đức Giêsu.

Nhưng ông chẳng hề dám gặp mặt Ngài,

vì ông biết mình là dân ngoại, bị người Do Thái coi là nhơ uế.

Bởi tình thương đối với anh nô lệ mà ông yêu quý,

ông đã mạnh dạn nhờ các kỳ mục Do Thái xin Đức Giêsu đến nhà ông

để cứu sống anh nô lệ đang bệnh nặng gần chết (cc. 2-3).

Sau khi nghe kể lại những điều tốt đẹp viên sĩ quan Rôma này đã làm,

Đức Giêsu liền lên đường đến nhà ông ấy để chữa bệnh (cc. 4-6).

Khi Đức Giêsu còn trên đường, vị sĩ quan này đã suy nghĩ và đổi ý.

Ông chẳng những thấy mình không đáng đến gặp mặt Ngài

mà còn không đáng đón Ngài vào nhà mình nữa,

căn nhà vẫn bị coi là ô uế của một người dân ngoại (c. 6).

Ông muốn ngăn Ngài lại trước khi Ngài đến nhà ông,

nên đã sai một số bạn hữu ra gặp Ngài trên đường (c. 6).

Nơi ông bùng cháy một niềm tin mạnh mẽ.

Ông tin rằng chẳng cần Ngài vào nhà ông và gặp anh nô lệ sắp chết.

Chỉ cần Ngài nói một lời cũng đủ làm cho anh ta lành mạnh (c. 7).

Viên đại đội trưởng tin vào sức mạnh của lời Đức Giêsu.

Đối với ông, lời ấy có uy lực như một mệnh lệnh.

Là một sĩ quan trong quân đội Rôma

ông hiểu thế nào là sự phục tùng của lính tráng dưới quyền.

“Tôi bảo người này: “Đi!” là nó đi; bảo người kia: “Đến!” là nó đến;

và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này!” là nó làm.” (c. 8).

Lệnh được ban ra là phải thi hành.

Viên đại đội trưởng tin rằng lời của Đức Giêsu cũng thế.

Chỉ cần một lời cũng đủ làm cơn bệnh nguy tử phải thoái lui.

Đức Giêsu ngỡ ngàng trước một lòng tin mạnh mẽ như vậy.

Khó lòng tìm thấy lòng tin đó nơi cộng đoàn dân Ítraen (c. 9).

Ngài đã không đến nhà viên sĩ quan,

chẳng gặp mặt ông, cũng chẳng nói lời nào.

Chỉ biết là sau đó anh nô lệ đã được khỏi (c. 10).

Ở đâu ta cũng gặp những người như viên sĩ quan Rôma.

Họ có thể là mẫu mực cho các Kitô hữu về sự khiêm hạ và tín thác.

Nhiều con người hôm nay, có tấm lòng thật tốt như viên sĩ quan,

nhưng vẫn ngại chưa dám mời Chúa vào nhà,

chưa dám trực tiếp gặp mặt Chúa,

chỉ dám nói chuyện với Ngài qua trung gian.

Nhưng họ có thể đã mang trong mình một niềm tin kiên vững

và đã có kinh nghiệm về sự chữa lành kỳ diệu của Ngài.

“Tôi không đáng được Ngài vào nhà tôi, chỉ xin Ngài nói một lời…”

Có khi chúng ta đã đánh mất ý thức về sự linh thánh khi rước Chúa.

Có khi chúng ta chẳng tin mấy vào quyền năng của Lời Ngài.

Xin có được lòng tin đơn sơ như một người dân ngoại.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thuong của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người.

 

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Nguồn tin: https://www.giaophanlongxuyen.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây