Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm B

Thứ sáu - 30/08/2024 20:59 81 0

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM B : MC 7,1-8a.14-15.21-23

            Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.  Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận ; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn ; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?”Người trả lời họ : “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng : “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”
        Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo : “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ : Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất xa, là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người,  ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.  Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”.
                       
YÊU MẾN : GẦN GŨI VÀ TRONG SẠCH

            Đức Phật Thích Ca, trong kinh Majjhima- Nikâya (Trung Bộ), đã có lần dạy đệ tử rằng : “Hỡi Tapassin, ta đặt nguyên tắc là có 3 thứ hành vi mỗi khi con người làm một điều ác : hành vi của thân xác, hành vi của ngôn ngữ và hành vi của tư tưởng. Hành vi thân xác thì khác, hành vi ngôn ngữ cũng khác, hành vi tư tưởng lại khác nữa. Xếp lại 3 thứ hành vi đó và phân hạng chúng, thì ta đặt nguyên tắc này : hành vi của tư tưởng đáng trách nhất khi con người làm điều gì ác, hành vi của thân xác không đáng trách bằng ấy, hành vi của ngôn ngữ không đáng trách bằng ấy”. Để phê bình quan niệm Bà-la-môn giáo cho rằng tội là những tì bợn chất thể, muốn sạch tội thì cứ xuống tắm dưới sông Hằng, Đức Phật dạy trong kinh Theragâthâ (Trưởng lão tăng kệ) : “Chớ có điên cuồng ! Nước sông không có sức rửa sạch tội đâu. Nếu nước sông Hằng rửa sạch tội, thì những con cá sấu sát nhân kia sẽ lên thiên đàng hết.”  

            1. Sự gần gũi nào ?
            Sống xa Đức Giê-su trong thời gian và không gian, ông tổ của Phật giáo quả đã “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với ông tổ của Ki-tô giáo. Hôm nay, cũng nhân dịp đối đầu với quan niệm rất ư vật chất của kinh sư và Pha-ri-sêu về ô uế thanh sạch, Đức Giê-su đã đưa ra quan niệm của mình, một quan niệm hoàn toàn đi vào chiều sâu tâm linh đồng thời mang một nội dung rất cơ bản và nhân bản.
            Đáp lại lời trách móc của các thủ lãnh tôn giáo, Đức Giê-su đã trích lại lời Thiên Chúa nói trên miệng ngôn sứ I-sai-a : “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. “Lòng chúng thì lại xa Ta !” Cái khốn nạn của nghi thức tôn giáo là thế. Được thực hành để đẩy chúng ta tới Thiên Chúa, nó có thể khiến ta sống xa Người và thậm chí đôi khi chống lại Người. Đức Giê-su cho một ví dụ gây ấn tượng (mà ở đây bản văn phụng vụ đã loại bỏ). Lấy cớ đạo đức, người ta có thể lỗi tình yêu thiêng thánh đối với cha mẹ : tôi không thể giúp cha mẹ, vì cái tôi muốn biếu cha mẹ thì tôi đã dâng cho Thiên Chúa rồi. Kẻ làm điều này có thể đọc hàng tấn kinh nguyện, lòng của y vẫn rất xa Thiên Chúa. Y như kẻ buôn gian bán lận, tham nhũng bóc lột, dửng dưng trước gia đình nghèo cận nhà, nhưng xin lễ béo với cha xứ, dâng hoa đèn đắt tiền lên Đức Mẹ, đóng góp lớn cho nhà thờ... Đức Giê-su kêu mời chúng ta chống lại cách sử dụng Thiên Chúa ghê tởm như thế để trốn tránh nghĩa vụ đối với cha mẹ, đối với kẻ nghèo.
            Nhưng khi nào thì chúng ta cầu nguyện với một quả tim xa Thiên Chúa ? Chúng ta nghĩ ngay tới những lần lo ra chia trí, cũng đúng thôi, nhưng sự thể sâu xa hơn nhiều. Nếu suốt cả một buổi lễ, tôi lo lắng cho một ông lão có bà vợ mới qua đời, cho một em bé vừa mồ côi mẹ, cho cộng đoàn tôi có một chủ chăn quá quỵ lụy trước quyền lực thế gian hay quá ham mê tiện nghi, của cải… thì chính lúc trí tôi lang thang, lòng tôi lại gần kề Thiên Chúa.
            Sự gần gũi Thiên Chúa, đó là tình huynh đệ. Lương tri của thánh Vinh-sơn Phao-lô soi sáng chúng ta ở điểm này. Nghe một nữ tu hỏi phải chăng chị có thể bỏ nguyện ngắm vì một bệnh nhân gọi, thánh nhân trả lời : “Dĩ nhiên là có thể ! Chị bỏ Thiên Chúa vì Thiên Chúa”. Chúng ta sẽ mỉm cười và hoan hô : “Đúng thế !” Tuy nhiên, chúng ta có thể tiếp tục đi gần bên Thiên Chúa mà chẳng tự hỏi đủ là phải chăng mình có mang theo một trái tim yêu mến Người. Hoặc chúng ta lăn xả vào hoạt động huynh đệ với cảm thức lờ mờ rằng mình đang đánh mất Thiên Chúa ở đó.
            Ưu tư duy nhất mang tính đạo đức thật sự, đó là khi cầu nguyện cũng như khi làm việc, phải kiểm tra xem mình có chan chứa tình yêu không. Lúc đó, trái tim chúng ta mới gần Thiên Chúa.

            2. Sự trong sạch nào ?
            Tiếp đến, hướng về cử tọa đông đảo của Người, Đức Giê-su cảnh báo, kêu gọi, như thể Người sắp dạy họ một điều gì khó khăn : “Xin hết thảy nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ”. Thậm chí sau đó Người còn cắt nghĩa tỉ mỉ giáo huấn này cho các môn đệ.
            Sự ô uế, Người giải thích, là một vấn đề không phải của thể xác nhưng là của trái tim, của tâm lòng. Một vấn đề “bên trong”. Đây là lời mời gọi khám phá các chiều sâu của chúng ta : “Từ bên trong lòng người phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người…”. Bảng liệt kê dài dòng khai triển ba sự ô uế lớn : độc ác, kiêu căng, trụy lạc.
            Thật khó sống với bao thứ lúc nhúc đó trong lòng đến nỗi các tín hữu đã phát minh một cách chống đỡ : thực hành các nghi thức tôn giáo. Người Do-thái thì dùng các việc thanh tẩy lau chùi đến độ ám ảnh, các lễ nghi long trọng, các buổi cầu nguyện dài giờ. Ki-tô hữu chúng ta thì có nước, nến, ảnh tượng, hành hương, tràng chuỗi, suy niệm, cử hành phụng vụ, cầu khẩn Thánh Thần... Toàn những điều tốt đẹp, thậm chí tuyệt hảo, nếu...
            Nếu tất cả cái đó phát xuất từ một “nội tâm” trong sạch. Hay đúng hơn, một nội tâm ao ước trong sạch, bởi lẽ chẳng có ai sạch trong. Quả thế, tỏ ra khá bi quan về sự trong sạch của bất cứ nhân tâm nào, Đức Giê-su đã ngỏ lời với tất cả : “Xin mọi người nghe tôi nói đây : chính cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế.”
            Hãy hiểu từ ô uế theo nghĩa của Tin Mừng, vì chúng ta đã biến đổi nó khi thu hẹp nó vào lãnh vực tính dục. Ở đây, “ý định xấu” là các ý định làm tổn thương lòng bác ái huynh đệ. Độc ác là sự ô uế lớn hơn cả. Đức Giê-su thâu tóm hết thảy về một ưu tư duy nhất : nguồn mạch các tư tưởng chúng ta phải chăng là một nguồn nước tình yêu khá trong sạch ? Hay thường xuyên bị ô nhiễm bởi lòng độc ác, tính kiêu căng và một thèm muốn tính dục không kiểm soát nổi ? Thành thử vấn đề không phải là tìm biết lòng ta trong sạch hay ô uế. Nó ô uế, nó chẳng bao giờ trong sạch. Phải chấp nhận rằng mình xấu, nhưng cùng lúc kiên trì cố gắng thanh tẩy các nguồn suối của chúng ta : tâm lòng sâu xa của chúng ta.
            Điều này đòi hỏi một “ý thức nội tâm hóa” lớn lao, việc nội tâm hóa mà Đức Giê-su hết sức nhấn mạnh : “Anh em đã nghe luật dạy : chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28). Ta cảm thấy Đức Giê-su kinh tởm những kẻ gian lận, những kẻ dùng nhiều lời nói tốt lành đạo đức và nhiều kiểu trình diễn bề ngoài che giấu được cái xảy ra trong lòng họ.
            Dù có lẽ chúng ta chưa tới độ giả hình kiểu đó, việc kiểm tra các nỗ lực thanh tẩy “nội tâm” của chúng ta vẫn là điều cần. Trên điểm này, ảo tưởng là thường xuyên : ta không ý cố ý gian lận nhưng vẫn gian lận ! Càng chăm chăm chú chú hành đạo, chúng ta càng có nguy cơ tin rằng đi lễ, cầu nguyện, xưng tội tự động thanh tẩy lòng chúng ta.
            Đây là những phương pháp thanh tẩy lớn lao, dĩ nhiên, nếu chúng được nội tâm hóa, nghĩa là được hết sức mong muốn từ sâu thẳm con người mình, để yêu mến TC, yêu mến anh em cách chính xác, cụ thể.
            Chỉ có một sự thanh sạch kiểu Ki-tô giáo : đó là lòng ao ước mến yêu thật mạnh mẽ, được minh chứng qua nhiều hành động công bằng nghiêm minh, trợ giúp quảng đại, ân cần âu yếm và can đảm chống lại những thế lực áp bức con người. Khi ước muốn này lớn lên và khi chúng ta ngày càng hành động cách huynh đệ hơn, con tim chúng ta sẽ được thanh tẩy và từ đó sẽ vọt ra những điều chân thật và trong sạch.

 

Tác giả bài viết: Lm Phêrô Phan Văn Lợi, TGP Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây