Bản đồng ca Dân Chúa

Thứ ba - 17/09/2024 05:21 165 0

Bản đồng ca Dân Chúa
 
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi. Phút gần gủi nhau mất rồi. Tạ từ là hết người ơi!” Ca khúc” Nỗi Buồn Hoa Phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn, được ca sĩ Hoàng Châu thực hiện, vọng lại từ nhà hàng xóm, làm tôi nhớ lại tuổi học cấp hai - cấp ba của mình. Cũng để lấp lại phần nào nỗi nhớ ‘mái trường xưa’, lớp tôi còn duy trì truyền thông ‘họp lớp mỗi năm’. Mỗi lần họp lớp chúng tôi có chương trình vui chơi, chia sẻ chuyện đời tư, hoàn cảnh gia đình, sự nghiệp mỗi bạn, cách riêng cũng dành thời gian để chia sẻ một chủ đề ‘hot’ mà đa số chúng tôi ưu tư, quan tâm.
 
****

Lần này đề nghị bạn Chí Dũng ‘chủ trì’ buổi chia sẻ với đề tài “Ca đoàn”, bạn nào đồng ý? Các cánh tay của lớp đồng loạt đưa lớn. Thế là bạn Chí Dũng bắt đầu vào việc:
 Vậy, xin mới bạn Cúc, người phát biểu đầu tiên nhé:
  • Mỗi lần đi tập hát hay hát lễ Cúc cảm thấy có niềm vui vì làm được một chút gì đó cho Chúa và Giáo hội. Chính em cũng cảm nhận được lời của bài hát nâng tâm hồn em lên với Chúa, như thể em thưa chuyện cùng Chúa qua nội dung của từng lời hát. Mỗi tuần tập hát một lần có khi hai lần, mỗi ngày đều đi hát lễ, lời hát thấm nhập vào tâm trí em một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, mà khi buồn em ngâm nga như phản xạ có điều kiện: “ Chúa đau nỗi đau của con, Chúa buồn nỗi buồn của con…” (Sr. Quỳnh Thoại). Lúc an vui, em hớn hở ca tụng Chúa: “Chúa là gia nghiệp đời con. Xin Ngài bảo toàn thân con. Vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc và chỉ nơi Chúa con tìm thấy được niềm vui. Chúa là gia nghiệp đời con” (Lm. Mi Trâm). Lúc yếu đuối lỡ lầm em thì thầm, thú nhận với Chúa: “Con tưởng rằng con vững tin, tin vào Chúa là Cha nhân hiền, khi cuộc sống nhẹ trôi êm đềm với tháng ngày lặng lẽ bình yên. Nhưng khi đường đời gieo nguy khó, bên trời ngập tràn cơn giông tố. Con lo âu lạc bến xa bờ, con mới biết rằng con chưa vững tin” (Lm. Nguyễn Duy). Lúc em gặp khó khăn, bối rối không biết phải làm sao, em hát nho nhỏ: “ Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý, xin dạy bảo con những điều cao quí. Vì Chúa là Đấng Cứu độ con là Đấng ngày đêm con cậy trông” (Hùng Lân). Từ nhà em đến nhà thờ đi ngang qua cánh đồng lúa, lác đác bên đường có vài cây cao bóng cả, xa xa có giòng sông lượn quanh ôm lấy cánh đồng, với cỏ hoa đồng nội thơm ngát hương quê. Em đi lễ chiều có đàn chim sẻ hát, đàn bướm lượn thanh bình. Em đi lễ sáng sớm có cuốc kêu, tiếng gàu sòng hòa nhau như “dàn nhạc giao hưởng” em cũng góp vào: “Muôn thụ tạo ơi cùng tôi hát lên một bài. Ca mừng Thượng Đế quyền uy tác sinh muôn loài. Hỡi người công chính hãy cất cao lên muôn lời. Ngợi khen Chúa Trời chan hòa ngàn tiếng nơi… Ngài ban cho tôi ruộng nương lúa thơm bao mùa. Ngàn muôn hoa lá khoe sắc thắm tươi bình minh. Đàn chim hót vang trời, đàn bươm bướm bay lượn. Xanh mầu thời gian ôi biết bao nhiêu tình thương ” (Ngọc Kon). Rồi khi thấy mình được chan chứa hồng ân, cũng như gia đình và Giáo xứ mình được biết bao ơn lành của Chúa, em sung sướng ca ngợi Chúa trong tâm tình: “Thương con từ ngàn xưa một tình yêu chan chứa.Và chọn con đi làm đuốc sáng Chúa trên trần gian. Cho con say tình mến và này con xin đến. Một đời trung trinh làm muối đất ướp cho mặn đời. Biết lấy gì cảm mến biết lấy chi báo đền. Hồng ân Chúa cao vời Chúa đã làm cho con”. Dạ,  hết rồi ạ. Cúc cám ơn các bạn đã lắng nghe tâm tư của mình

Công nhận bạn Cúc lớp mình có trải nghiệm hay nha. Mời bạn Lan.
  • Lan thì có kỷ niệm ghi dấu ấn trong đời, khi mình có người yêu bên đạo, ngày Chủ nhật anh thường đưa mình đến nhà thờ. Lúc đó mình có biết đạo gì đâu, mình chỉ thích nghe ca đoàn hát. Hát nhịp nhàng đều đặn và âm thanh như hòa quyện vào nhau. Mình nghĩ để được vậy chắc họ phải lắng nghe nhau và tất cả cùng theo sự điều khiển của ca trưởng. Thật vậy, có những bài thánh ca hòa tấu ba bốn bè, lúc nhặt lúc khoan, lúc dồn dập hùng mạnh, lúc nhẹ nhàng ngắt quảng. Mình nghĩ đến đời sống gia đình với người yêu mai sau. Cuộc sống chắc chắc cũng có nhiều “nốt nhạc” thăng trầm như bản thánh ca, nhưng nếu vợ chồng con cái thuận theo vị ca trưởng là Thiên Chúa và cả nhà như ca đoàn lắng nghe nhau, thì gia đình mình trở nên giai điệu hạnh phúc. Mà thật, sau  ngày lãnh nhận ba bí tích Khai tâm Kitô giáo: Rửa tội, Thêm sức và Mình Thánh Chúa, rồi thành hôn với anh, vài năm sau có hai mụn con. Chia sẻ và đề nghị với anh, chúng ta huấn luyện gia đình mình như ca đoàn anh nhé. Kết quả gia đình mình hạnh phúc lắm, đúng như có lời trong bài hát: “Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà…” (Phi Dương).

Chúc mừng bạn Lan. Mời ca sĩ Thanh Tâm.
  • Chia sẻ thật sự với các bạn, vì hoàn cảnh khó khăn nên mình phải đi hát chỗ này chỗ kia để kiếm sống, chứ nếu có điều kiện thì mình dâng hết thời gian để phục vụ cho ca đoàn đó các bạn ạ. Mình nói vậy không phải vì mình đạo đức đâu nhé, nhưng mình có kinh nghiệm cá nhân này xin chia sẻ với các bạn. Hát cho khán giả thì mình phải lo lắng đủ điều, nào là dáng điệu, nào là trang điểm, nào là y phục hợp thời đại, nhất là ‘action’ đúng cách theo từng bài hát… thêm đón nhận lời phẩm bình đủ kiểu. Dù thành công trước mắt khán giả, nhưng đêm về mình thấy tâm hồn không thanh thản bình yên. Đem niềm vui cho khán giả, đôi khi nội tâm mình lại trống rỗng tình Chúa và tình người, thấy buồn tênh. Chen vào khoảng lặng là lo toan tính toán cho ngày mai có còn như hôm nay! Gần đây, mình gia nhập ca đoàn, một tâm trạng khác hẳn. Mình càng đến nhà thờ, càng vào vị trí của ca đoàn, mình càng thấy bình an và nỗi niềm êm nhẹ khó tả đến trong tâm hồn mình, bởi vì đây thuộc về lãnh vực tâm linh. Nơi đây, mình không kiếm lời về vật chất, nhưng mình nhận lãnh ân ban thiêng liêng. Việc tốt tự nguyện, Thiên Chúa không để mình thiệt thòi. Hát với ca đoàn, mình hoàn toàn tự do, không lệ thuộc về cách ăn mặc hay cử điệu, dáng vẻ bên ngoài, trái lại, mình hát cách đơn sơ, thật lòng như con thơ nói với mẹ hiền, thưa với cha yêu. Đúng như thánh Augustinô nói: “Hát là cầu nguyện hai lần”. Như vậy, từ nay nếu có đi hát cho khán giả bất cứ ở đâu, mình cũng đặt tâm tình cầu nguyện vào đó, và lựa nội dung bài hát cho lành mạnh. Cám ơn các bạn đã rủ mình vào ca đoàn. Ca đoàn đã làm thức tỉnh nghể nghiệp của mình: hát và cầu nguyện là hai đôi bạn thân.

Tạ ơn Chúa với Thanh Tâm nhé. Mời bạn Đào.
  • Mình thì khác các bạn lắm cơ. Trong ca đoàn, thỉnh thoảng mình cũng buồn vì mình không được hát solo, và ca trưởng thường yêu cầu mình hát bè nhì, mình nghĩ bè nhì là bè phụ nên không mấy hài lòng. Nhưng gần đây, mình học thêm về âm nhạc, mình hiểu hơn về những yêu cầu của ca đoàn cách chung, và dàn hợp xướng cách đặc biệt. Mình ý thức hơn về vai trò của ca viên, giống như một chi thể trong thân thể, mỗi chi thể có một nhiệm vụ riêng để phục vụ cho toàn thân nên lành mạnh và làm được việc hữu ích như Chúa muốn. Có thể nói mỗi ca viên, mỗi bè trong ca đoàn là một đặc sủng để làm phong phú cho đoàn sủng của ca đoàn mình.
Cụ thể, dựa trên âm sắc và trầm của giọng, người ta chia giọng hát thành những loại giọng khác nhau; (a) Giọng thiếu nhi: Là loại giọng đang phát triển, chưa ổn định nên chưa phân biệt giới tính (nam hay nữ). (b). Giọng nam: (Nam cao-Tenor; nam trung - Bryton; nam trầm –Basse; ngoài ra còn có giọng Nam cực trầm – actavist nhưng rất hiếm). (c). Giọng nữ: (Nữ cao- Soprano; nữ trung- Mezzo soprano; nữ trầm- Alto; và giọng nữ cực trầm - Contralto rất hiếm gặp).
Như vậy một ca đoàn thường có ít nhất là 2 hoặc 3 bè. Trong các dịp lễ lớn các ca đoàn của giáo xứ hay giáo phận hát chung, thành hợp xướng. Hợp xướng thì thường có đủ bốn bè, chẳng hạn như: nam cao bè 1, nữ trầm bè 2, nam cao bè 3, và nữ trầm bè 4. Để ca đoàn hay dàn hợp xướng đúng theo chuẩn mực, các ca viên phải hát chuẩn xác về cao độ và âm thanh của bè được phân phối, âm thanh của mỗi bè phải hòa quyện với nhau như thể một người hát, không có tiếng to quá hay nhỏ quá. Khi hợp âm vang lên phải được cân bằng về âm lượng và đồng nhất về âm sắc, các âm thanh và nốt nhạc giữa các giọng phải hòa quyện với nhau, sự đồng đều và chuẩn xác về cao độ là yếu tố nền tảng tạo nên âm thanh dàn hợp xướng hay ca đoàn. Bên cạnh đó, âm thanh giữa các bè phải cân bằng không được bè nọ át bè kia, tất cả ca đoàn hay hợp xướng phải tạo thành một âm thanh thống nhất, hài hòa cho dù hát rất khẽ cũng có thể vang lên rất rõ và bay rất xa. Mình cũng nhớ, một hợp âm có âm sắc rất to mà không chuẩn xác về cao độ cũng như không có sự đồng nhất về âm sắc thì đáng tiếc lắm.
Chúng mình cần siêng năng đi tập hát để thánh ca được hát đều đặn, rõ tiếng, đúng theo chủ ý của tác giả, hát đúng các yêu cầu về sắc thái to dần, nhỏ dần theo các ký hiệu, có lúc lại hát nẩy từng tiếng một (stacato), có lúc hát liền giọng (legarto). Cố gắng để tạo màu sắc của giọng hát nhẹ nhàng hay mạnh mẽ, ngọt nẩy hay mềm mại, du dương, rõ ràng mạch lạc và truyền cảm. Các ca trưởng cũng cần tuyền đạt cho các ca viên kiến thức tối thiểu về kỷ thuật thanh nhạc để họ phục vụ tốt sứ vụ trong ca đoàn hay dàn hợp xướng: sứ vụ đó là: “hát là cầu nguyện hai lần và giúp cho cộng đoàn cũng cầu nguyện sốt sắng, tất cả cho vinh danh Chúa”. Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Bạn Đào của lớp mình dạy nhạc được rồi đó, hi hi…Xin mời bạn Hòa.
  • Mình thấy bạn Đào nói đúng đó. Mỗi người có một khả năng riêng. Mình rất thích vào ca đoàn, nhưng mình hát không tốt, mình vào ca đoàn sẽ gây thành “bè rối” nên mình chấp nhận giới hạn của mình vậy, để ca đoàn được tốt hơn. Trong nhà thờ, mình ngồi dưới mình nghe ca đoàn hát mình cũng thấy sốt sắng theo. Thánh lễ nào ca đoàn không hát, hoặc hát chỉ một bài mình thấy thiếu thiếu đó.
Yêu Chúa,  yêu đời nhỉ!…Mời bạn Linh Đan.
  • Linh Đan chưa là người Công giáo, nghe các bạn nói về ca đoàn, mình thích lắm, mình sẽ đi nhà thờ để nghe ca đoàn hát, biết đâu lời ca tiếng hát sẽ giúp mình biết Chúa và gần gũi với Chúa hơn, các bạn cầu nguyện cho Linh Đan nhé.
Xin các bạn cho một tràng pháo tay chúc mừng Linh Đan. Có lần mình nghe Đức Cha Khảm chia sẻ: có người kia chưa theo đạo, nhưng thường đi lễ để nghe thánh ca và nghe cha giảng lễ, sau thời gian họ đã trở lại đạo. Chúc Linh Đan đạt ước nguyện nha... Để tiếp tục chia sẻ, xin mời bạn Mạnh Hùng.
  • Mình không biết hát, nhưng mình biết đàn. Đàn cũng cần cho ca đoàn để hát đạt tiêu chuẩn. Đánh đàn cũng cần có “ kiến thức và nghệ thuật đàn thánh ca” để hổ trợ cho ca đoàn hát nhịp nhàng và thể hiện các yếu tố: cao độ và âm thanh, âm lượng và âm sắc nữa. Nên nhiều lúc mình suy nghĩ và nói thầm với Chúa: “Con chẳng có gì để dâng Chúa, con chỉ có chút thời gian sau giờ làm việc, con xem bài hát trước khi vào đệm đàn ở nhà thờ, để tiết điệu và nhịp theo các yêu cầu của bài hát. Bên cạnh đó con nghiên cứu thêm về nhạc thánh ca để chọn hợp âm cho mỗi bài hát và chọn ‘tone’ bài hát. Những lúc ca đoàn tập hát con cũng cố gắng đi dạo đàn cho ca đoàn, để giúp cho ca đoàn dễ hát và quen với cung đàn”.

Cám ơn đàn sĩ Mạnh Hùng, nhớ cho con cái học đàn để kế thừa sự nghiệp của bố chúng nhé. Mời bạn Ánh Hồng.
  • Mình không vào ca đoàn nhưng mình làm công việc ở sở với công việc nhà, và tin tưởng để ‘ông xã’ mình có thời gian đi tập hát và đi hát lễ thường xuyên. Mình thấy cũng an ủi, từ ngày anh lo việc nhà Chúa, anh đỡ ‘sinh tật’ nhiều lắm, và gia đình mình thấy hạnh phúc hơn nhiều.

Thế à, mừng cho gia đình Ánh Hồng nhen. Xin mời Sr. Bạn, Quỳnh Giao.
  • Mình luôn cảm tạ ơn Chúa cho mình biết hát và được hát để ca tụng Chúa cũng như phục vụ các anh chị em trong ca đoàn với vai trò ca trưởng. Nhìn sự trung thành của ca viên, dù thời tiết thay đổi, khi giá lạnh, khi mưa to, sáng sớm hay chiều hôm đa số ca viên vẫn đến với Chúa trong Thánh Lễ để hiệp nhất trong lời ca tiếng hát ngợi khen - chúc tụng Chúa, và giúp cộng đoàn Dân Chúa dâng lễ sốt sắng hơn. Mình biết trong gia đình các anh chị em có nhiều công việc phải làm, nhưng đã dành thời gian ưu tiên cho Chúa. Các bạn hy sinh những chương trình giải trí hấp dẫn với bạn bè, với các cuộc hẹn thân tình nào đó nhằm ngay vào giờ tập hát hoặc giờ lễ, các bạn đã can đảm chọn lựa và ý thức bổn phận ca viên của mình.

Tuy nhiên mình cũng có chút ưu tư khi thấy các ca đoàn của em đang học cấp hai và cấp ba, các em phải đi học thêm nhiều môn, các em không thường xuyên đi hát lễ ngày thường, nhất là vài ca đoàn ở thành phố. Một số em mệt mỏi vì học nhiều, một số em không bận học nhiều nhưng phần thì chưa ý thức đủ sứ vụ hát để phụng sự Chúa và phục vụ cộng đoàn, phần thì thấy các bạn mình không đi hát lễ cũng bị “cám dỗ” ở nhà không đi. Không biết mình nói vậy có đúng không? Có nhiều hôm mình phải dùng điện thoại để gọi từng em đi hát lễ, vậy mà có hôm chỉ có mình và vài em hát thôi. Không biết trong những năm tới tình trạng này giảm xuống hay tăng lên, các bạn đoán xem thử. Mình cầu mong và chúc các bạn duy trì và phát huy nhiệt huyết tông đồ qua việc siêng năng đi tập hát và hát lễ, cũng như hi sinh gánh vác việc nhà để ‘bạn tình’ của mình chu toàn bổn phận ca viên. Chúa không thua sự quảng đại của mình đâu.

Sơ và các bạn nói hết ý tưởng của Chí Dũng rồi. Bây giờ mình chỉ biết nhắc lại đôi dòng vắng tắt vài tư tưởng các bạn đã chia sẻ vậy: Nếu mình là tay mình không thể là chân. Nếu mình là mắt mình không thể là miệng. Điều này muốn nói lên khả năng, ơn riêng hay đặc sủng Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Áp dụng vào lãnh vực một ca đoàn, hay dàn hợp xướng, mình phải cộng tác với ca trưởng để vui nhận bổn phận chung của ca viên phải làm gì, bổn phận riêng như hát solo, hát bè nào, vv… và ý thức ca đoàn như vườn hoa của Giáo hội, mỗi ca viên một vẻ đẹp, cần hiệp hành: hiệp thông trong tư tưởng, tham gia trong suy nghĩ và hành động, nhiệt huyết trong sứ vụ tông đồ cho vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
 
***
 
Họp rồi cũng tan. Chúng tôi chia tay về với gia đình, về với Tu viện. Cám ơn Chúa đã cho chúng tôi có lớp, có bạn để chia sẻ và khích lệ nhau trong chủ đề mà chúng tôi, người Công giáo hay không Công giáo, dù ở trong ca đoàn hay ở ngoài ca đoàn cũng ảnh hưởng nhiều đến chiều kích cầu nguyện liên lỉ trong tâm tình phụng sự Chúa (Thượng Đế) qua thánh ca, và phục vụ tha nhân trong vai trò chuyển cầu. Kính chúc mọi người kín múc được sự thanh thản, an vui, tăng sức sống trong đời sống tâm linh khi mình được hát hoặc được nghe hát.

“Thánh ca ngọt sữa Mẹ hiền
Tình Cha khoe sắc ơn thiêng đong đầy
Bắt tay tạm biệt từ đây
Gặp nhau trong Chúa dựng xây cuộc đời”.

Tác giả bài viết: Nt. Maria Võ Thị Tuyết

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây