Chuyện ông Nguyễn Văn Thành

Thứ tư - 05/06/2024 08:40 149 0
 
Chuyện ông Nguyễn Văn Thành

Ông Nguyễn Văn Thành  sinh năm 1961 là người dân tộc Bana ở Kontum. Ông không còn nhớ bà con thân tộc là ai. Ông cưới bà Đỗ Thị Nhàn sinh năm 1962, một giáo dân người Kinh ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh.

Ông bà cưới nhau nhưng không có phép Hôn phối. Ông không chịu theo Chúa. Có thể vì lúc bấy giờ thiếu người thôi thúc, thiếu người giải thích cho ông về Chúa. Nơi ông bà sinh sống lúc bấy giờ, nhà thờ Đức Bình được dùng làm kho chứa lương thực của huyện.

Lúc bấy giờ, Bà con giáo dân ở đây sống đức tin "hầm trú". Muốn lãnh nhận các bí tích, bà con phải đi ghe vượt qua sông Ba, đến nhà thờ Củng Sơn. Trong thời gian chiến tranh (1971-1975) và thời bao cấp (1975-1990), cha sở Tịnh Sơn ở tại Củng Sơn.  Cuối năm 1991, cha Phêrô Nguyễn Cao Hiên, cha sở Tịnh Sơn (1971-1998) dời cư sở từ Củng Sơn về Tịnh Sơn. Theo đó giáo dân Đức Bình vượt sông Ba (đò ngang) đến Tịnh Sơn. Mùa nước chảy xiết, không dám đi.

Sau 20 năm làm kho lương thực, ngày 16.9.1995, chính quyền huyện Sông Hinh trả lại nhà thờ Phú Đức (Đức Bình) cho giáo dân. Ngày 10.6.1997, cha Phêrô Nguyễn Cao Hiên  khởi công xây dựng lại nhà thờ. Ngày 07.9.1997, nhà thờ được khánh thành.

Năm 1992, dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn thành lập cộng đoàn tại Tịnh Sơn. Cha Phêrô Hiên dành cơ sở của giáo xứ trong khuôn viên nhà thờ Tịnh Sơn cho cộng đoàn.

Ngày 01.7.2008, cầu Sông Ba nối hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh được thông xe, đưa vào sử dụng sau hơn 04 năm thi công. Kể từ đây người ở đôi bờ khỏi trông, khỏi ước như đã từng: “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”.

Năm 2015, cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn dời đến cơ sở mới do nhà dòng mua đất và xây dựng như hiện nay. Các nữ tu ở đây chỉ lo làm mục vụ, thăm viếng, an ủi dân Chúa. Đời sống vật chất hằng ngày của cộng đoàn nhờ chị em trong Hội dòng tài trợ, nhờ bá tánh biếu tặng. Thế mới thấy rõ, mới xác tín chân lý Chúa quan phòng "Vì thợ thì đáng được nuôi ăn" (Mt 10,10). Dẫu có thiếu, dẫu có khó khổ, miễn sao người tông đồ đem được về cho Chúa dù một linh hồn thôi. Đó là điểm sàn của các thừa sai. "Dù chỉ chinh phục một linh hồn thôi, thì anh cũng sẽ đi, bất cứ giá nào". Đó là lời của thừa sai Jean Poirier Tân nói với người em gái, khi cô tỏ ý không muốn anh mình phải đi truyền giáo nơi một miền đất xa xôi, xa gia đình. Ngày 16.7.1885, cha bị Văn Thân sát hại tại Bàu Gốc, Quảng Ngãi, sau gần 08 năm làm việc tại miền truyền giáo Đông Đàng Trong.

Sau khi các nữ tu Mến Thánh Giá tiếp cận, thăm viếng, an ủi, giải thích, dịp Lễ sinh nhật Chúa Giêsu năm 2023, ông Thành chịu tin Chúa và theo Chúa.

Trước khi lãnh Bí tích Thánh tẩy, ông Thành khoanh tay đứng trước bàn thờ, ông thỏ thẻ với Chúa: "Lạy Chúa, con xin lỗi Chúa, trước mặt Chúa, trước mặt xơ, từ nay con hứa sẽ  bớt uống rượu". Lời cầu nguyện của ông Thành làm mình nhớ cách hơn 400 năm, tại Nước Mặn, cư sở truyền giáo đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên tại Đại Việt, một ông Sãi vừa mới lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy vào đêm lễ Sinh nhật Chúa Giêsu, ông quỳ trước máng cỏ, hai giòng lệ tuôn rơi từ đôi má, lẩm bẩm những lời "Tui chẳng biết – Tuij ciam biet" như thể ông muốn nói: Lạy Chúa, xin tha thứ cho tôi vì từ lâu nay cho đến bây giờ tôi chưa nhận biết Chúa.
[1]

Chúa Giêsu phải chịu tử nạn trên thánh giá vì và để cho các linh hồn. Để đem về cho Chúa một Linh hồn, người tông đồ phải có những hy sinh. Qua sự cọng tác của người tông đồ, Chúa làm cho một Linh hồn nhận biết Chúa. Chúa không cưỡng chế ai phải tin Chúa, theo Chúa (trừ trường hợp Phaolô). Đó là cách của Chúa. "Tôi trồng, Apôlô tưới, Thiên Chúa cho lớn lên" (1Cr 3,6).

 
 

[1] Xem Borri, Tường Trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631, bản dịch của Hồng Nhuệ, nxb. Thăng Long, Hoa Kỳ 1989, trang 110.

Tác giả bài viết: MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây