Lectio: Chúa Nhật XII Thường Niên (C)
Lời tuyên xưng của thánh Phêrô
“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Lc 9:18-24
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Thánh Thần, Người là Đấng hợp nhất linh hồn con với Thiên Chúa: xin hãy tác động linh hồn con với lòng mong muốn nồng nhiệt và xin nhóm lại trong hồn con ngọn lửa của tình yêu Chúa. Ôi lạy Chúa Thánh Thần, Người đã đối xử đại lượng với con dường bao: chớ gì Người được tán tụng và chúc phúc cho tình yêu tuyệt vời mà Người đã tuôn đổ trên con! Lạy Thiên Chúa và Đấng Tạo Hóa của con, có thể nào mà lại có người không yêu mến Chúa được chăng? Vì chính con đã không yêu mến Chúa trong thời gian dài! Lạy Chúa, xin hãy tha thứ cho con. Ôi lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ban cho linh hồn con có thể được hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, và xin cho con có thể phụng sự Người không vì một mảy may tư lợi cá nhân nào, nhưng chỉ vì Người là Cha con và vì Người yêu thương con. Lạy Thiên Chúa của con và là Đấng con tôn thờ, còn có việc gì đáng để cho con mong ước hơn chăng? Chỉ có Chúa mới đáp ứng được khát vọng của con. Amen.” (Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu)
2. Phúc Âm – Luca 9:18-24
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại.” Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại.” Người lại phán cùng mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
- Tất cả chúng ta tin vào Đức Giêsu. Nhưng có một số người hiểu về Người theo cách này lại có những người hiểu theo cách khác. Ngày nay, trong lối suy nghĩ của người ta, Chúa Giêsu nào thì phổ biến hơn?
- Việc tuyên truyền đã ảnh hưởng tới lối nhìn của tôi về Chúa Giêsu như thế nào? Tôi phải làm gì để không cho phép bản thân mình bị lôi cuốn bởi lời tuyên truyền? Ngày nay, điều gì đã ngăn cản chúng ta không công nhận và đảm đương kế hoạch của Chúa Giêsu?
- Chúng ta đang mong đợi Đấng Cứu Thế, theo cách riêng của mỗi chúng ta. Đấng Cứu Thế mà tôi đang tìm kiếm và mong đợi là Đấng nào?
- Điều kiện cần thiết để theo chân Đức Giêsu là thập giá. Tôi đã phản ứng như thế nào với cây thập giá của đời tôi?
5. Ý chính của bài Tin Mừng
Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề
- Bài Tin Mừng hôm nay theo cùng một chủ đề như những câu trước đó: quan điểm của mọi người về Chúa Giêsu. Những câu Tin Mừng dẫn trước trong chương 9, bắt đầu với Hêrôđê, hôm nay tới phiên Chúa Giêsu, Người hỏi về ý kiến của dân chúng, dư luận và các Tông Đồ đáp ứng cho cùng một ý kiến đã được đưa ra hôm trước. Ngay sau lời loan báo đầu tiên về cuộc Thương Khó, cuộc tử nạn và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.
- Luca 9:18: Câu hỏi của Chúa Giêsu sau khi Người cầu nguyện. “Một ngày, khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Trong sách Tin Mừng của Luca, vào những dịp quan trọng và có tính cách quyết định, Chúa Giêsu được mô tả trong lời cầu nguyện: trong lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa khi Người đảm nhận sứ vụ của mình (Lc 3:21); trong 40 ngày nơi sa mạc, khi Người đã vượt qua được những cám dỗ của ma quỷ (Lc 4:1-13); đêm trước ngày Chúa tuyển chọn mười hai tông đồ (Lc 6:12); lúc Chúa Biến Hình, cùng với Môisen và Êlia đàm đạo về cuộc thương khó của Người tại Giêrusalem (Lc 9:29); trong vườn Cây Dầu khi Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi (Lc 22:39-46); lúc bị đóng đinh trên Thập Giá, Người cầu nguyện cùng Chúa Cha tha thứ cho những người lính (Lc 23:34) và khi Người phó thác linh hồn mình cho Thiên Chúa (Lc 23:46).
- Luca 9:19: Ý kiến của dân chúng về Chúa Giêsu. Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả; kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại”. Giống như Hêrôđê, nhiều người đã nghĩ là Gioan Tẩy Giả đã sống lại trong thân xác của Chúa Giêsu. Một điều tin tưởng thông thường là tiên tri Êlia đã trở lại (Mt 17:10-13; Mc 9:11-12; Ml 3:23-24; Hc 48:10). Và tất cả mọi người nuôi dưỡng niềm hy vọng về sự xuất hiện của bậc tiên tri đã hứa bởi Môisen (Đn 18:15). Đây là một câu trả lời không thỏa đáng.
- Luca 9:20: Câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ. Sau khi nghe ý kiến của những người khác, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa!” Phêrô nhận thức được Chúa Giêsu chính là Đấng mà mọi người đang trông đợi và Người đến để làm tròn lời hứa. Thánh Luca bỏ qua phản ứng của ông Phêrô là người đã cố gắng khuyên can Chúa Giêsu đừng chọn con đường thập giá và cũng bỏ qua những lời quở trách gay gắt của Chúa Giêsu nói với Phêrô (Mc 8:32-33; Mt 16:22-33).
- Luca 9:21: Việc cấm tiết lộ rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa. “Rồi Chúa ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai”. Các môn đệ bị cấm không được tiết lộ cho dân chúng biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa. Tại sao Chúa Giêsu lại cấm điều này? Vào thời điểm ấy, như chúng ta đã biết, mọi người đang trông đợi sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng mỗi người trông đợi theo ý riêng của họ: một số thì trông đợi một vị vua, số khác thì nghĩ là một thày cả, người thì nghĩ một thày chữa bệnh, một chiến bình, một người thẩm phán hoặc một vị tiên tri! Dường như chẳng có ai mong đợi một Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, đã được loan báo bởi tiên tri Isaia (Is 42:1-9). Bất cứ ai nhất quyết duy trì ý tưởng của Phêrô, đó là một Đấng Cứu Thế vinh hiển, không có cây thập giá, thì không hiểu điều gì và sẽ không bao giờ có thể đảm đương được thái độ của một người môn đệ thực sự. Người ấy sẽ tiếp tục là người mù, nhầm lẫn người ta với cây cối (xem Mc 8:24). Bởi vì nếu không có cây thập giá, người ta không thể nào hiểu nổi Chúa Giêsu là ai và đi theo Chúa Giêsu thì có ý nghĩa gì. Bởi vì điều này, Chúa Giêsu khẳng định một lần nữa trên Thập Giá và loan báo lần thứ hai về sự thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người.
- Luca 9:22-24: Đi theo Chúa Giêsu. Người lại phán cùng mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống mình.” Sự hiểu biết đầy đủ về việc đi theo Chúa Giêsu không thể có được qua việc giảng dạy lý thuyết, nhưng phải qua sự dấn thân thực tiễn, cùng đi với Người trên con đường phục vụ, từ Galilê đến Giêrusalem. Con đường đi theo Chúa là con đường củatự hiến thân mình, của sự từ bỏ, của sự phục vụ, của sự sẵn lòng, của chấp nhận sự xung đột, và biết rằng sẽ có sự sống lại. Cây thập giá không là một biến cố ngẫu nhiên, nhưng nó là một phần của cuộc hành trình này, bởi vì trong một thế giới được tổ chức trên các nguyên tắc vị kỷ, tình yêu và sự phục vụ chỉ có thể tồn tại như kẻ chịu đóng đinh! Người ấy phải biến cuộc đời mình thành sự phục vụ cho kẻ khác, sẽ làm phiền hà đến các kẻ sống bám víu vào những đặc quyền, và sẽ phải chịu đau khổ ….
6. Đáp Ca: Thánh Vịnh 1
1 Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
2 nhưng vui thú với lề luật CHÚA,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
3 Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
4 Ác nhân đâu được vậy:
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.
5 Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,
quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!
6 Vì CHÚA hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
——————————–
về tác giả và dịch giả:
Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.
dongcatminh