Lectio : Chúa Nhật XV Thường Niên (C)
Dụ ngôn người Samaria nhân lành
Ai là anh em của tôi?
Lc 10:25-37
1. Bài Đọc
a) Lời nguyện mở đầu:
Lời nguyện của Chân Phước Giorgio Preca trong quyển Đền Thờ Thần Khí Chúa Kitô (Il Sacrario dello spirito di Cristo)
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
Xin hãy ban cho con sự khôn ngoan để con biết được Thần Khí Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
Xin hãy ban cho con ân sủng Thần Khí của Chúa, Chúa Giêsu Kitô của con.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
Xin hãy hướng dẫn con trên mọi nẻo đường với ánh sáng của Chúa
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
Xin hãy dạy con biết thực thi thánh ý Chúa trong mọi lúc.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
Xin hãy đừng để con lạc xa Thần Khí Chúa, Thần Khí của tình yêu.
Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đang hiện diện ở đây và con đang ở trong Chúa:
Xin đừng lìa xa con khi con yếu đuối sa ngã.
b) Tin Mừng
25 Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” 26 Người nói với ông: “Trong Lề Luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” 27 Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi; và hãy thương yêu anh em như chính mình.” 28 Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống.”
29 Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” 30 Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó; trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua phía bên kia đường. 32 Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. 33 Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. 34 Người đó lại gần và băng bó những vết thương, xức dầu và rượu; rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. 35 Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán và bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy, ngoài ra, còn tổn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông.” 36 Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị bỏ rơi vào tay bọn cướp?” 37 Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót người ấy.” Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy.”
c) Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào tâm hồn chúng ta và soi sáng đời sống chúng ta
2. Suy niệm
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Đây là chương 10 của Phúc Âm theo thánh Luca. Đây là phần trọng tâm của sách Tin Mừng Luca và phần này dõi bước theo cuộc hành trình của Chúa Giêsu đi về Giêrusalem: “Vì gần tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem” (Lc 9:51). Chúng ta biết rằng đối với Luca, Giêrusalem là thành phố nơi sẽ diễn ra ơn cứu độ, và cuộc hành trình của Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem tạo nên chủ đề chính. Câu chuyện của Luca bắt đầu tại thành thánh Giêrusalem (Lc 1:5) và cũng kết thúc tại cùng thành này (Lc 24:52). Trong đoạn giữa của sách Tin Mừng, Luca sẽ liên tục nhấn mạnh vào sự kiện rằng Chúa Giêsu sẽ đi về Giêrusalem (ví dụ trong các câu Lc 13:22; 17:11). Đoạn Tin Mừng này kể về dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu trong bối cảnh của một cuộc đối thoại của Chúa với một nhà thông luật liên quan đến điều răn lớn nhất, người ta lại tìm thấy chủ đề về một cuộc hành trình, lần này từ Giêrusalem đến Giêricô (LC 10:30). Dụ ngôn là một phần của đoạn giữa của sách Tin Mừng bắt đầu với Chúa Giêsu, một khách hành hương cùng với các môn đệ của Người trên đường tới Giêrusalem. Người sai các ông đi trước để dọn đường cho Người nghỉ chân ở một ngôi làng Samaria và ở đó các ông chỉ gặp thấy sự thù nghịch chính vì các ông đang trên đường đi đến Giêrusalem (Lc 9:51-53). Người Samaria đã tránh né các khách hành hương trên đường đến Giêrusalem và thường tỏ ra không thân thiện với họ. “Sau đó Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, vào tất cả các thành và những nơi mà chính Người sẽ tới” (Lc 10:1). Bảy mươi hai là con số truyền thống của các quốc gia dân ngoại.
Hãy nhớ rằng tất cả các biểu tượng liên hệ tới Giêrusalem, thành thánh của sự cứu rỗi, các vị Tổ Phụ của Giáo Hội (thánh Ambrose, Âugústinô, Giêrômê, và các thánh khác) giải thích bài dụ ngôn này theo một cách cụ thể. Trong nhân vật người đàn ông đi từ Giêrusalem đến thành Giêricô, họ nhìn thấy ông Adong, người đại diện cho toàn thể nhân loại đã bị khai trừ khỏi Eden, vườn địa đàng, bởi vì tội lỗi. Các vị Tổ Phụ Giáo Hội quan niệm các tên trộm như là sự cám dỗ đã dùng các mưu chước của chúng để đưa chúng ta rời xa tình bằng hữu của Thiên Chúa và chúng đã cầm buộc chúng ta thành những tên nô lệ trong bản chất loài người của chúng ta đã bị tổn thương vì tội lỗi. Trong nhân vật thầy tư tế và thầy trợ tế Lêvi, các Tổ Phụ cho là sự thiếu sót của lề luật cũ cho ơn cứu rỗi của chúng ta sẽ được hoàn thành bởi người Samaria Nhân Lành của chúng ta, đó là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Chuộc, Người đã rời khỏi thiên đàng Giêrusalem, đến để cứu giúp tình trạng tội lỗi của chúng ta và chữa lành chúng ta với dầu của ân sủng và rượu của Thần Khí. Trong quán trọ, các vị Tổ Phụ quan niệm hình ảnh của Giáo Hội trong nhân vật chủ quán, các ông nhận ra bàn tay các vị chủ chăn đã được Chúa Giêsu ủy thác để chăm sóc cho dân Người. Việc rời khỏi quán trọ của người Samaria được quan niệm bởi các thánh Tổ Phụ như sự phục sinh và sự vinh hiển về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha của Chúa Giêsu, nhưng Người hứa sẽ trở lại để phán xét công trạng mỗi người. Sau đó, Chúa Giêsu để lại hai quan tiền cho Giáo Hội để dùng vào sự cứu rỗi của chúng ta, hai quan tiền đó là quyển Kinh Thánh và các Bí Tích giúp chúng ta trên con đường nên thánh.
Lời giải thích bí ẩn và bóng bảy này của đoạn Tin Mừng giúp chúng ta chấp nhận một cách sâu sắc thông điệp của dụ ngôn này. Bài dụ ngôn bắt đầu với cuộc đối thoại giữa một nhà thông luật đứng lên thử thách Chúa bằng câu hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Lc 10:25). Chúa Giêsu trả lời với một câu hỏi khác: “Trong Lề Luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” (Lc 10:26). Chúng ta phải quan niệm cuộc đối thoại này như là một cuộc đối đầu giữa hai bậc thầy, một điều rất phổ biến trong những ngày ấy như là một phương cách để làm sáng tỏ và đào sâu thêm về những quan điểm lề luật. Phong thái cuộc tranh luận miêu tả ở đây thì khác hơn so với trong Tin Mừng của Máccô nơi câu hỏi được đặt ra bởi một người Kinh Sư, kẻ “đã lắng nghe họ tranh luận (Chúa Giêsu và nhóm Sađốc), và đã quan sát Chúa Giêsu trả lời họ như thế nào” (Mc 12:28), rồi sau đó đặt câu hỏi với Chúa Giêsu. Người Kinh Sư này đã chú tâm lắng nghe Chúa Giêsu, đến nỗi Đức Giêsu đã kết thúc cuộc đối thoại với câu: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” (Mc 12:34). Tuy nhiên, thánh sử Mátthêu đặt câu hỏi này trong bối cảnh của một cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Sađốc với sự hiện diện của những người Biệt Phái khi họ “nghe nói rằng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người trong bọn họ đặt một câu hỏi …” (Mt 22:34-35). Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời ngay lập tức trích dẫn giới răn yêu thương được tìm thấy trong sách Đệ Nhị Luật và Lêvi.
Chỉ trong Tin Mừng của Luca thì câu hỏi không phải về điều răn lớn nhất nhưng về làm cách nào để được hưởng sự sống đời đời, một câu hỏi được nhắc lại lần nữa trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm trên môi của người thanh niên giàu có (Mt 19:16; Mk 10:17; Lc 18:18). Như trong sách Tin Mừng của Máccô, cũng như ở đây, Chúa Giêsu ca ngợi người thông luật: “Ông đã trả lời đúng… hãy làm như vậy và ông sẽ được sống” (Lc 10:28). Nhưng người thông luật vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Chúa Giêsu và muốn “biện minh cho mình” (Lc 10:28) cho nên đã đặt thêm câu hỏi nữa “nhưng ai là anh em của tôi”! Câu hỏi thứ hai này giới thiệu và nối kết dụ ngôn sau đây với cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật. Chúng ta cũng nhận thấy rằng sự bao hàm giữa câu 26 kết thúc cuộc tranh luận và dẫn chúng ta tới câu chuyện về dụ ngôn trong câu 37, kết thúc dứt khoát cuộc đối thoại và câu chuyện dụ ngôn. Trong câu này, Chúa Giêsu nhắc lại cho người thông luật rằng ông ta đã định nghĩa người anh em là người đã tỏ lòng thương xót: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”. Câu nói này của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về những câu nói tại bữa tiệc ly đã được ghi lại trong Tin Mừng Gioan, sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu kêu gọi các ông hãy làm theo gương của Người (Ga 13:12-15). Tại bữa tiệc ly, Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ giới răn yêu thương được hiểu như sự sẵn lòng “hy sinh mạng sống mình” vì tình yêu dành cho nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta (Ga 15:12-14).
Giới răn này đi xa hơn việc tuân giữ lề luật. Thày tư tế và thày trợ tế Lêvi đã tuân giữ lề luật bằng cách tránh xa người xấu số đã bị bọn cướp đánh bị thương và bỏ cho dở sống dở chết, để họ không bị ra ô uế (Lv 21:1). Chúa Giêsu đi xa hơn việc tuân giữ lề luật và Người mong muốn các môn đệ cũng làm giống như Người. “Bằng lòng yêu thương này anh em dành cho nhau, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy” (Ga 13:35). Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, chỉ có lòng thương người thôi thì chưa đủ. Người Kitô hữu được kêu gọi phải làm hơn thế nữa, đó là họ phải noi theo gương của Chúa Giêsu, như thánh Phaolô Tông Đồ đã nói: “Chúng ta là những người có tư tưởng của Chúa Kitô” (1Cr 2:16) “Tình yêu của Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người” (2Cr 5:14).
b) Một vài câu hỏi gợi ý để hướng dẫn việc suy niệm và thực hành của chúng ta:
* Điều gì trong bài dụ ngôn đã làm bạn cảm động nhất?
* Bạn nghĩ mình là ai trong câu chuyện?
* Bạn đã có bao giờ nghĩ về Chúa Giêsu như là người Samaria Nhân Lành chưa?
* Bạn có cảm thấy có sự cần thiết cho ơn cứu rỗi trong cuộc sống bạn không?
* Bạn có thể nói với thánh Phaolô Tông Đồ rằng bạn có tư tưởng của Đức Kitô không?
* Điều gì thúc đẩy bạn yêu mến những người anh em của bạn? Đó có phải là nhu cầu yêu và được yêu, hay đó có phải là lòng bác ái và tình yêu của Chúa Kitô không?
* Anh em của bạn là ai?
3. Cầu Nguyện
Thánh Ca – Thư thứ nhất của Thánh Phêrô 2:21-24
21 Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. 22Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. 23 Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại; chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. 24 Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.
4. Chiêm Niệm
Chiêm niệm là biết làm thế nào để giữ vững tâm hồn và trí óc cho Thiên Chúa, Đấng mà Lời của Người đã biến đổi chúng ta thành con người mới luôn tuân theo thánh ý Người.
“Anh em đã biết những điều này, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13:17)
————————-
về tác giả và dịch giả:
Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.
dongcatminh