Lectio Divina 

Lectio: Chúa Nhật XVIII Thường Niên (C)

Mối lo lắng về sự giàu sang

làm chúng ta xa rời Thiên Chúa và

ngăn trở chúng ta trong việc phục vụ tha nhân   

Lc 12:13 – 21

1.  Chúng ta hãy lắng đọng tâm hồn trong lời cầu nguyện – Statio

Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con đang tụ họp nhau đây trước mặt Chúa; chúng con cảm thấy gánh nặng của sự yếu đuối chúng con, nhưng tất cả chúng con đã tụ tập nhau đây trong danh thánh Chúa; xin Chúa hãy đến với chúng con, xin giúp chúng con; xin hiện diện trong lòng chúng con, xin dạy cho chúng con biết chúng con phải làm gì, xin hãy chỉ cho chúng con đường lối chúng con nên theo, xin hãy thực hiện những gì Chúa đã đòi hỏi nơi chúng con. Chỉ có Chúa là Đấng đề nghị và hướng dẫn các quyết định của chúng con, bởi vì chỉ có Chúa, cùng với Đức Chúa Cha và Chúa Con có một danh thánh và vinh hiển; xin đừng để sự công chính bị tổn thương vì chúng con, Chúa là Đấng yêu chuộng trật tự và hòa bình; nguyện xin cho những điều kém hiểu biết không làm cho chúng con xa rời Chúa; nguyện xin cho sự cảm thông thường tình loài người không khiến chúng con trở nên thiên vị, hay những trách nhiệm hoặc bản thân cũng không làm ảnh hưởng đến chúng con; xin gìn giữ chúng con gần bên Chúa để chúng con không thể lìa xa sự thật trong bất cứ điều gì; xin Chúa hãy giúp chúng con là những người đang tụ họp nhau đây nhân danh Chúa, biết làm thế nào để chiêm niệm sự tốt lành cùng với sự dịu dàng, để chúng con có thể làm mọi việc hợp với thánh ý Chúa, trong niềm hy vọng rằng bằng vào việc trung thành chu toàn bổn phận của chúng con, chúng con có thể được hưởng phúc đời đời trong tương lai. Amen.

2.  Đọc và cầu nguyện Lời Chúa – Lectio

Tin Mừng theo thánh Luca:

13 Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng:  “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi.”  14 Người bảo kẻ ấy rằng:  “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?”  15 Rồi Người bảo họ rằng:  “Các ngươi hãy coi chừng giữ mình tránh mọi thứ tham lam:  vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu.”  16 Người lại nói với họ dụ ngôn này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, 17 nên suy tính trong lòng rằng:  ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’  18 Đoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, 19 và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng:  ‘Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm; ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi.’ 20 Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng:  ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’  21 Vì kẻ tích lũy của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng như vậy.”

3.  Suy niệm Lời Chúa – Meditatio

3.1 Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Bài Tin Mừng Phụng Vụ cho Chúa Nhật thứ 18 Thường Niên là một phần của một bài giảng khá dài của Chúa Giêsu về sự tín thác vào Thiên Chúa sẽ xua đuổi được mọi nỗi lo sợ (Lc 12:6-7) và về việc tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng (Lc 12:22-23).  Một cách chính xác, đoạn Tin Mừng hôm nay thực sự ở giữa hai đoạn sau.  Ở đây là một số bài giáo huấn của Chúa Giêsu, lần trước Người bị làm gián đoạn bởi “có người trong đám đông” (Lc 12:13), về việc tin tưởng và từ bỏ này:

Lc 12:4-7:  “Thầy nói cho các con là bạn hữu của Thầy được biết:  Các con đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không thể làm gì hơn được nữa.  Thầy sẽ chỉ các con biết phải sợ ai:  hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục.  Thật vậy, Thầy nói cho các con biết:  các con hãy sợ Đấng ấy.  Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không?  Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa.  Ngay đến tóc trên đầu các con cũng được đếm cả rồi.  Các con đừng sợ, các con còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

Lc 12:11-12:  “Khi người ta đưa các con ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì các con đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gi, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho các con biết những điều phải nói.”

Tại chính vào lúc này người đàn ông đã làm gián đoạn bài giảng của Chúa Giêsu, cho thấy mối quan tâm của anh ta về vấn đề thừa kế (Lc 12:13).  Chúa Giêsu giảng dạy và nói đừng “sợ những kẻ giết thân xác mà sau đó không thể làm gì hơn được nữa” (Lc 12:4) và người này không nhận thức được ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu muốn nói với những người mà Chúa gọi là “bạn hữu của Thầy” (Lc 12:4).  Theo Tin Mừng của Gioan chúng ta biết rằng một người bạn của Chúa Giêsu là một người phải biết Chúa Giêsu.  Nói cách khác, biết tất cả mọi việc mà Chúa đã được nghe từ nơi Đức Chúa Cha (Ga 15:15).  Bạn của Chúa Giêsu thì nên biết rằng Thầy của anh ta có gốc rễ sâu xa từ Thiên Chúa (Ga 1:1) và rằng mối quan tâm duy nhất của Người là tìm cách để thi hành Thánh Ý của Đấng đã sai Người (Ga 4:34).  Lời khuyên và ví dụ của Chúa Giêsu đã gửi cho bạn hữu của Người là đừng lo lắng hay bối rối cho những thứ vật chất bởi vì “mạng sống thì trọng hơn của ăn và thân thể thì trọng hơn áo mặc” (Mt 6:25).  Trong một bối cảnh của ngày sau hết, Chúa Giêsu nhắc nhở:  “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con” (Lc 21:34).

Đây là lý do tại sao câu hỏi của người nhờ Chúa Giêsu nói với “người anh để chia phần thừa kế của gia đình mình” (Lc 12:13) là một việc không cần thiết trước mặt Chúa.  Chúa Giêsu từ chối làm quan tòa cho đôi bên (Lc 12:14) cũng như trong trường hợp của người đàn bà ngoại tình (Ga 8:2-11).  Chúng ta có thể thấy rằng đối với Chúa Giêsu là chuyện ai đúng ai sai chẳng quan trọng.  Người vẫn giữ thái độ trung lập trước lời yêu cầu giữa hai anh em bởi vì Nước của Người không thuộc về thế gian này (Ga 18:36).  Thái độ này của Chúa Giêsu phản ảnh hình ảnh mà Luca cho chúng ta thấy về Chúa, hiền lành và khiêm nhường.  Việc tích lũy của cải vật chất, thừa kế tài sản, danh vọng, quyền lực, không hề thuộc vào một phần các cấp bậc giá trị của Chúa Giêsu.  Trong thực tế, Người dùng câu hỏi của hai anh em để lập lại và xác nhận rằng “đời sống không lệ thuộc vào của cải vật chất” (Lc 12:15) ngay cả lúc dư thừa.

Như thường lệ, ở đây Chúa Giêsu cũng giảng dạy bằng cách dùng dụ ngôn, trong đó Người nói về “một người phú hộ” (Lc 12:16); chúng ta có thể nói một người phú hộ với lòng tham vô độ, không bao giờ hài lòng, người không biết phải làm gì với số của cải thừa mứa của ông ta (Lc 12:17).  Người phú hộ này gợi cho chúng ta nhớ lại về người giàu có chỉ biết sống cho mình mà không nhận thấy được sự khốn cùng của người nghèo Lagiarô (Lc 16:1-31).  Có điều chắc chắn rằng chúng ta không thể xác định người phú hộ này là người công bằng hay không. Người công bằng là người giống như sách Gióp đã viết là biết chia xẻ với người nghèo khổ những của cải nhận được sự Quan Phòng của Thiên Chúa:  “bởi vì tôi trợ giúp người nghèo khổ kêu cầu, và trẻ mồ côi không ai giúp đỡ.  Tôi được người hấp hối chúc lành, và tôi đem lại niềm vui cho lòng góa phụ” (G 29:12-13).  Người phú hộ của dụ ngôn là một người ngu dại (Lc 12:20), người mà lòng chỉ nghĩ đến của cải đã có được, quên hẳn Thiên Chúa, Đấng Tối Thượng và Duy Nhất tốt lành.  Ông ta “tích lũy của cải kho tàng cho mình, nhưng không làm giàu trước mặt Chúa” (Lc 12:21).  Sự ngu dại của ông ta là đã không nhận thức được rằng tất cả mọi thứ có được là nhờ việc ban cho nhưng không từ sự Quan Phòng của Thiên Chúa, không chỉ những của cải của ông ta mà chính cả mạng sống của ông ta nữa.  Các từ ngữ được dùng trong dụ ngôn làm chúng ta lưu ý điều này:

–  Hoa lợi:  “Ruộng đất sinh nhiều hoa lợi” (Lc 12:16)

–  Mạng sống:  “Đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi” (Lc 12:20)

Sự giàu có chính nó không tạo thành sự ngu dại của người này nhưng chính lòng hám lợi và tham lam đã làm tiết lộ sự ngu ngốc của ông ta.  Thật ra, “người ấy nói:  “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm; ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi.” (Lc 12:19)

Thái độ của người khôn ngoan thì sẽ rất khác.  Ví dụ chúng ta thấy điều này được hiển hiện trong con người của ông Gióp là người với cuộc sống không cầu lợi ông, kêu lên rằng:  “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.  Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi.  Xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21).  Sự khôn ngoan truyền thống đã được truyền cho hậu thế hoặc truyền đạt cho chúng ta một số lời khuyên dạy về thái độ đúng đắn phải có trước sự giàu có: Pr 27:1; Si 11:19; Gv 2:17-23, 5:17, 6:2.  Sách Tân Ước cũng khuyên răn về điểm này:  Mt 6:19-23; 1Cr 15:32; Gb 4:13-15; Kh 3:17-18.

3.2  Câu hỏi quy hướng cho việc suy gẫm và áp dụng:

  •  Điều gì đã đánh động bạn nhất trong đoạn Tin Mừng này và trong việc suy gẫm?
  • Việc Chúa Giêsu có thái độ trung lập trước câu hỏi của người phú hộ mang ý nghĩa gì đối với bạn?
  • Bạn có tin rằng tính tham lam hoàn toàn có liên hệ đến điều kiện sinh sống trong xã hội của người ta không?
  • Bạn có tin vào việc Quan Phòng của Thiên Chúa không?
  • Bạn có ý thức hay nhận thức được rằng những gì bạn đang có là được trao ban từ Thiên Chúa không, hay bạn cảm thấy chính mình là người chủ tuyệt đối những của cải của trong tay bạn?

4.  Cầu Nguyện – Oratio

1 Sử Biên Niên 29:10-19

“Lạy CHÚA, là Thiên Chúa Israel, tổ phụ chúng con, xin dâng lên Ngài lời chúc tụng, từ muôn thuở đến muôn ngàn đời!
Lạy CHÚA, Ngài vĩ đại quyền năng, Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ, vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài.
Ngài nắm giữ vương quyền, lạy CHÚA, và địa vị tối cao, vượt trên tất cả.

Ngài cũng là nguồn phú quý vinh quang.  Chính Chúa làm bá chủ muôn loài:  nắm trong tay dũng lực quyền năng, nhờ tay Ngài, tất cả lớn lên và mạnh sức.
Giờ đây, lạy Thiên Chúa chúng con thờ, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ, và ca tụng Danh Thánh hiển vinh.
Quả thật, con là ai và dân của con là gì, mà chúng con cả lòng tự ý dâng hiến như vậy, vì mọi sự chúng con dâng lên Ngài, đều do Ngài mà có bởi tay Ngài mà ra.  Trước mặt Ngài, chúng con chỉ là ngoại kiều và khách trọ, như tất cả cha ông chúng con. Ngày đời của chúng con trên mặt đất như chiếc bóng thoáng qua, không để lại dấu vết.

Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng con, tất cả những của cải mà chúng con thu góp đây để xây dựng một ngôi nhà kính thánh danh Ngài, đều bởi tay Ngài mà có: tất cả là của Ngài.

Lạy Thiên Chúa của con, con biết Ngài là Đấng dò xét tâm can và ưa thích điều chính trực. Vì thế, với tấm lòng thành, con đã tự nguyện dâng hiến Ngài tất cả những của đó. Và bây giờ con vui mừng nhận thấy rằng dân của Ngài đang có mặt nơi đây cũng tự nguyện dâng hiến cho Ngài như vậy.

Lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của Abraham, Isaác và Israel tổ phụ chúng con, xin mãi gìn giữ những ý nguyện và tâm tình ấy trong lòng dân của Ngài và làm cho họ luôn hướng lòng về Ngài.  Xin ban cho Salômôn con của con, một quả tim tinh tuyền để nó tuân giữ và thi hành mọi huấn lệnh, chỉ thị và quy tắc của Ngài, và để nó xây Đền Thờ con đã chuẩn bị dâng kính Ngài.”

5.  Chiêm Niệm – Comtempatio

Thánh Vịnh 119:36-37 

Xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý,
không ngả theo lợi lộc tiền tài.
Xin giữ mắt này khỏi nhìn theo những gì hư ảo,
và cho con được sống nhờ đường lối của Ngài.

 —————————

về tác giả và dịch giả: 

Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.

 dongcatminh

Related posts