Lectio: Chúa Nhật XXV Thường Niên (C)
Dụ ngôn về người quản lý bất trung
Trung tín cùng Thiên Chúa như chỉ một Chúa
Lc 16:1 – 13
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, Cha của con, hôm nay con sấp mình trước mặt Chúa với sự yếu đuối của con, sự hổ ngươi của con, sự xa cách của con với Chúa; con không còn giấu diếm lòng gian dối và thiếu chung thủy của con nữa, vì Chúa thông biết và nhìn thấy mọi sự, trong sâu thẳm, với đôi mắt tình yêu và lòng lân tuất của Chúa. Con cầu xin Chúa, Người Thầy Thuốc nhân lành, xin đổ lên các vết thương của con niềm an ủi của Lời Chúa, của tiếng Chúa nói với con, gọi con và dạy con. Xin đừng cất đi món quà của Chúa đó là Chúa Thánh Thần: xin hãy để Chúa Thánh Thần thổi hơi trên con, như hơi thở của sự sống, từ gió bốn phương; Người bao phủ lấy con như ngọn lửa và nhận chìm con như nước cứu độ; xin sai Chúa Thánh Linh từ Thiên Đàng đổ xuống con như chim bồ câu của chân lý, để công bố rằng hôm nay Chúa đang và vẫn mãi đợi con, và cuối cùng Chúa sẽ đưa con đến với Chúa, như ngày đầu tiên, khi Chúa tạo dựng nên con và gọi con.
2. Bài Đọc
a) Bối cảnh của bài Phúc Âm:
Đoạn Tin Mừng này thuộc về phần tường thuật tường tận của Luca trong đó bao gồm cuộc hành trình dài của Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem; nó bắt đầu từ câu Lc 9:51 và kết thúc ở Lc 19:27. Trong phần này, lần lượt, được chia ra làm ba phần, như ba giai đoạn trong cuộc hành trình của Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem; nó bắt đầu từ câu Lc 9:51 và kết thúc ở câu Lc 19:27. Phần này lần lượt được chia thành ba phần, như ba giai đoạn trong cuộc hành trình của Chúa Giêsu, trong mỗi một giai đoạn được giới thiệu bởi một chú thích gần như là lời lặp lại: “Chúa Giêsu nhất quyết đi về Giêrusalem” (9:51); “Trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy” (13:22); “…Trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê” (17:11); để đi đến kết luận trong câu 19:28 “Ðức Giêsu nói những lời ấy xong, Người đi đầu, tiến lên Giêrusalem”, khi Chúa Giêsu tiến vào thành phố.
Chúng ta thấy chính mình trong phần thứ hai, từ câu Lc 13:22 đến câu 17:10, trong đó bao gồm những giáo lý đa dạng, mà Chúa Giêsu cống hiến cho những kẻ đối thoại với Người: đám đông, những người Biệt Phái, Kinh Sư, các môn đệ. Trong sự hiệp nhất này, Chúa Giêsu nhập vào cuộc đối thoại với các môn đệ và dạy cho họ một dụ ngôn, để cho họ biết cách phải xử dụng của cải thế gian như thế nào cho đúng và đời sống riêng của họ phải sống cụ thể như thế nào, chen vào giữa là một sự liên hệ tôn kính với Thiên Chúa. Sau đó là ba “câu nói” hoặc các ứng dụng phụ của cùng một dụ ngôn trong những hoàn cảnh khác nhau, hầu giúp cho các môn đệ dọn chỗ cho đời sống mới trong Chúa Thánh Thần, mà Chúa Cha đã ban cho họ.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Các câu 1-8: Chúa Giêsu nói về dụ ngôn người quản lý khôn ngoan và sắc sảo: một người đàn ông bị tố cáo đã tham lam quá độ, đã trở thành người không ai chịu nổi, kẻ thấy mình ở trong lúc khó khăn và cần phải quyết định cho cuộc đời của mình, nhưng cũng là kẻ đã thành công trong việc dùng các nguồn nhân lực của mình để chuyển sự thất bại hổ ngươi thành chuyện tốt đẹp. Giống như con cái thế gian này biết cách tạo ích lợi cho riêng mình, vì thế con cái sự sáng cũng nên học để nhận thức được thánh ý về tình yêu và ân huệ của Chúa Cha, để sống giống như Người.
Câu 9: Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng tiền của bất chính và sự giàu có bất lương thu nhặt được từ thế gian này, nếu được xử dụng cho việc lợi ích, như một món quà, thì có thể đưa đến sự cứu rỗi.
Các câu 10-12: Chúa Giêsu giải thích rằng những của cải thế gian này không phải để bị chúc dữ, mà nên được hiểu theo giá trị của chúng. Chúng được cho là “tối thiểu”, là “bé nhỏ” trong đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta được gọi để quản lý chúng một cách trung thực và chu đáo, bởi vì chúng là những phương tiện để tham gia vào sự hiệp thông với các anh chị em và theo đó với Đức Chúa Cha.
Câu 13: Chúa Giêsu ban cho chúng ta một giáo lý căn bản: cứu cánh duy nhất và độc nhất đời chúng ta là Thiên Chúa, là Chúa. Tìm kiếm để phục vụ bất cứ điều gì khác trên thực tế có nghĩa là trở thành kẻ nô lệ, tự ràng buộc mình vào gian dối và sự chết, ngay cả thời đại này.
c) Phúc Âm:
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. 2 Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: “Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa.” 3 Người quản lý nghĩ thầm rằng: “Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ.” 5 Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: “Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?” 6 Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu.” Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi.” 7 Rồi anh hỏi người khác rằng: “Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm dạ lúa miến.” Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự mà viết lại tám mươi.” 8 Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo. Vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.” 9Phần Thầy, Thầy bảo các con: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. 10 Ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. 11 Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con? 12 Và nếu các con không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em? 13 Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: hoặc vì nó ghét chủ này và mến chủ kia, hoặc phục vụ chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Con nhận lãnh sự im lặng trong lúc này, của thời khắc thiêng liêng được gặp gỡ Chúa. Con là kẻ khó nghèo, không tiền bạc, không của cải, không nhà cửa và không sức mạnh của riêng con, bởi vì con chẳng tạo nên được sự gì cả, nhưng mọi thứ đều từ Chúa, chính là Người, con xin dâng lên Chúa bản thân con, xin Chúa đón nhận con với đầy lòng bác ái và thương xót.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
a) Giống như bất kỳ một Kitô hữu nào, tôi cũng là một người “quản lý” của Chúa, Chúa là người Phú Hộ của sự hiện hữu của chúng ta, Đấng Duy Nhất sở hữu các của cải và sự giàu có. Điều gì đã kiểm soát các ý nghĩ hằng ngày của tôi, và do đó ảnh hưởng tới các quyết định, các hành động, các mối quan hệ của tôi?
b) Đời sống, của cải, những món quà mà Chúa Cha đã ban cho tôi, những của cải vô định này thì có giá trị hơn bất kỳ một thứ gì trên thế gian, tôi có đang lãng phí chúng không? Tôi có ném chúng như ném những viên ngọc trai cho các con heo không?
c) Người quản lý bất trung, nhưng khôn ngoan và xảo quyệt, bất ngờ thay đổi lối sống, các mối liên hệ, các suy tính và ý nghĩ của anh ta. Hôm nay là một ngày mới, đó là sự khởi đầu của một đời sống mới, sắp đặt theo lý lẽ của sự miễn trừ, ân xá, phân phối: tôi có biết rằng sự khôn ngoan đích thực được ẩn dấu trong lòng thương xót của Chúa không?
d) “Hoặc là các con sẽ mến chủ này và ghét chủ kia …” Tôi muốn làm đầy tớ cho người chủ nào? Tôi muốn sống trong nhà của người chủ nào? Tôi muốn sống chung với chủ nào trong cuộc sống của tôi? …
5. Ý chính của bài Tin Mừng
*
“Ai là người quản lý của Chúa?”
Trong bài dụ ngôn, thánh Luca dùng thuật ngữ “người quản lý” hoặc “việc quản lý” bảy lần, và do đó nó trở thành chữ chính của đoạn Tin Mừng và của sứ điệp mà Chúa muốn ban cho tôi. Sau đó, tôi cố gắng tìm trong Kinh Thánh một số dấu vết, hoặc một tia sáng sẽ giúp tôi hiểu cặn kẽ hơn và minh xác cuộc đời tôi, việc quản lý mà Chúa đã giao phó cho tôi.
Trong Cựu Ước, nhiều lần thực tế này đã được tái diễn, đặc biệt nói về sự giàu có của các vua chúa hoặc sự thịnh vượng của thành phố hoặc của các đế chế: ví dụ, trong sách Sử Biên, có nói về các viên chức phụ trách tài sản của Vua Đa-Vít (1Sb 27:31; 28:1) và trong các sách Étte (3:9), Đanien (2:49; 6:4) và Tôbia (1:22) cuộc gặp gỡ của các viên quản lý cho các vị vua và hoàng tử. Đó là việc quản trị hoàn toàn thuộc về thế gian, liên quan đến tài sản, tiền bạc, giàu có, quyền lực; vì thế, bị ràng buộc vào một thực tế tiêu cực, chẳng hạn như sự tích lũy tài sản, tiếm quyền, bạo lực. Nói một cách ngắn gọn, một chính quyền mà kết thúc, đó là một thời gianngắn ngủi và dối trá, bất luận nó được công nhận hay không, điều này trong một cách nào đó, thì cần thiết cho guồng máy xã hội.
Mặt khác, sách Tân Ước lập tức giới thiệu tôi vào trong một chiều hướng đa dạng, cao siêu hơn, bởi vì nó liên quan tới những thứ về tinh thần, linh hồn, và những thứ không chấm dứt, không thay đổi với thời gian và với con người. Thánh Phaolô nói: “Mỗi người nên tự xem mình như một người tôi tớ của Đức Giêsu, người quản lý được trao phó với các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong vấn đề như vậy, những người quản lý được đòi hỏi phải chứng tỏ lòng trung thành của mỗi người” (1Cr 4:1) và theo thánh Phêrô: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, vì vậy, như những người quản lý khéo có trách nhiệm về tất cả những ân sủng của Thiên Chúa, phải dùng mà phục vụ kẻ khác” (1Pr 4:10). Do đó, tôi hiểu rằng tôi cũng là một người quản lý các mầu nhiệm và ân sủng của Thiên Chúa, qua khí cụ đơn sơ và nghèo khó, đó là đời sống của chính tôi; trong đó tôi được kêu gọi trở nên trung tín và tốt lành. Nhưng tĩnh từ “tốt lành” này, giống như Gioan đã dùng để đề cập đến Người Mục Tử, đến Đức Giêsu: “kalòs” có nghĩa là đẹp và tốt. Và, tại sao? Một cách đơn giản, bởi vì Người dâng chính mạng sống của Người lên Chúa Cha cho đoàn chiên. Đây là sự độc đáo, sự quản lý đích thực đã được giao phó cho tôi trong thế gian này, cho thế giới ngày sau.
* Sự sắc sảo của người quản lý của Chúa là gì?
Đoạn Kinh Thánh này nói rằng ông chủ khen người quản lý bất lương, vì hắn đã hành động với “sự tinh ranh” và ông lập lại chữ “sắc sảo” sau đó. Có lẽ nên dịch sát nghĩa hơn một chút là “khôn ngoan” hoặc “khôn khéo”, hay “thận trọng”. Đó là sự khôn ngoan kết quả từ sự suy nghĩ sâu xa chu đáo, từ sự phản tỉnh, từ sự học hỏi và ứng dụng của trí óc, của sự ảnh hưởng đến điều gì đó được quan tâm sâu xa. Chữ này được tìm thấy như một tĩnh từ, ví dụ như trong Phúc Âm Mátthêu 7:24 nơi mà sự khôn ngoan thực sự được biểu hiện khi một người xây nhà trên đá chứ không phải trên cát, đó là người tìm được sự hiện hữu của mình trên Lời của Chúa hoặc cũng như trong Mátthêu chương 25, nơi ông nói rằng các cô trinh nữ, cùng với đèn của họ, có đầy dầu là người khôn ngoan, để các cô sẽ không bị chìm vào bóng tối, nhưng là người biết cách luôn chờ đợi với một tình yêu thuần khiết và bất diệt với người Phối Ngẫu của họ và với Chúa, khi Người trở lại. Vì vậy, người quản lý này khôn ngoan và khéo léo, không phải vì anh ta lợi dụng người khác, nhưng vì anh ta biết cách điều chỉnh và biến đổi đời anh ta theo mẫu mực và hình thức đời sống của Chúa mình: anh ta đã tự cam tâm hoàn toàn, với tất cả thể xác, tâm trí, con tim, ý chí, sở nguyện mô phỏng theo Đấng anh ta phục vụ.
* Gian dối và bất công
Một chữ khác cũng được lặp lại nhiều lần là “bất lương”, “gian dối”; người quản lý bị cho là bất lương và vì thế cũng giàu có. Gian dối là một cá tính có thể soi mòn con người, trong những việc lớn, việc to nhất, nhưng cũng trong việc tối thiểu, việc nhỏ. Kinh Thánh bằng chữ Hy Lạp không xử dụng chính xác chữ “bất lương”, nhưng viết là “người quản lý bất công”, “sự giàu có bất công”, và “không công bằng trong việc tối thiểu”, “không công bằng trong việc lớn”. Bất công là sự phân phối tồi tệ, thiếu khách quan hoặc thiếu xứng đáng, không công bằng; nó thiếu hài hòa, nó thiếu một tâm điểm mà sẽ thu hút tất cả năng lượng, tất cả sự chăm sóc và ý định của nó; nó gây ra các rạn nứt, vết thương, đau khổ chồng chất đau khổ, tích tụ về một phía và tất cả các phía khác thiếu thốn. Tất cả chúng ta, một cách nào đó, đã tiếp xúc với thực tế của sự bất công, vì nó thuộc về thế gian này. Và chúng ta cảm thấy bị giằng co giữa hai bên, chúng ta đánh mất sự hài hòa, quân bình và vẻ đẹp; và chúng ta không thể phủ nhận điều đó vì nó là như thế. Phúc Âm chính xác kết án việc thiếu hài hòa hiển nhiên này, là sự tích trữ, giữ những thứ sang một bên, để họ luôn thu nhặt của cải nhiều hơn, sự chiếm hữu, và nó cho chúng ta thấy cách để có được sự chữa lành, đó là quà tặng hoặc sự cho đi, chia sẻ, cho đi với một trái tim rộng mở, với lòng nhân từ, như Chúa Cha đã làm với chúng ta, không mệt mỏi, không có việc trở thành ít hơn hay nghèo hơn.
* Và, tiền của là gì?
Danh từ tiền của xuất hiện trong toàn bộ Kinh Thánh, trong chương này của sách Tin Mừng Luca (các câu 9, 11, và 13) và trong Mátthêu 6:24. Cổ ngữ Do-Thái tương ứng với “giàu có”, “của cải”, “lợi lộc”, nhưng nó trở nên gần như hiện thân của thần-tiền mà loài người phục vụ nó một cách ngu xuẩn, nô lệ cho “lòng tham không đáy đó cũng là sự tôn thờ ngẫu tượng” (Col 3:5). Ở đây mọi thứ trở nên rõ ràng, hoàn toàn sáng tỏ. Bây giờ, tôi biết rõ câu hỏi nào tôi cần phải trả lời, sau khi gặp gỡ với Lời này của Chúa: “Tôi, tôi muốn làm tôi cho chủ nào?” Chỉ có một sự lựa chọn, duy nhất, cụ thể. Tôi giữ trong lòng tôi động từ kỳ diệu, tuyệt vời và ngọt ngào này, động từ “làm tôi” và tôi ngẫm nghĩ về nó, và rút ra từ nó tất cả các sự thật mà nó chứa đựng. Những lời mà ông Giô-Suê nói với dân chúng hiện ra trong tâm trí tôi: “Nếu phụng thờ Đức Chúa dường như là một điều xấu cho anh em, thì hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ!” (Yôs 24:15). Tôi biết rằng tôi không công bằng, rằng tôi là một người quản lý bất trung, ngu ngốc; tôi biết rằng tôi không có gì, nhưng hôm nay tôi sẽ chọn, với tất cả lòng thành, tôi phụng thờ Thiên Chúa. (Cv 20:19; 1Th 1:9; Ga 1:10; Rm 12:11).
6. Giây phút Cầu Nguyện: Thánh Vịnh 49
Phản ảnh của sự Khôn Ngoan lên lòng trí
mà tìm thấy việc giàu có trong sự hiện diện của Thiên Chúa
Đáp ca: Phúc cho anh em có lòng nghèo khó: vì Nước Trời sẽ là của anh em.
Hãy nghe đây, ngàn muôn dân hỡi,
lắng tai nào, hết thảy thế nhân,
cả thường dân lẫn người quyền quý,
hạng phú gia với kẻ cơ bần!
Miệng tôi nói lời hay lẽ phải,
lòng gẫm suy câu khéo điều khôn,
tai lắng nghe nhịp câu ngạn ngữ,
mượn phím đàn giải nghĩa nhiệm mầu.
Ngày vận hạn cớ chi phải sợ,
lúc bọn gian manh theo sát bủa vây tôi?
Chúng cậy vào của cải,
lại vênh vang bởi lắm bạc tiền.
Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình
và trả được giá tiền chuộc cho Thiên Chúa?
Mạng người dù giá cao mấy nữa,
thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.
Nào phàm nhân sống mãi được sao
mà chẳng phải đến ngày tận số?
Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết.
Nhưng Chúa Trời sẽ chuộc mạng tôi,
gỡ tôi ra khỏi quyền lực âm phủ.
Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài,
hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu,
vì khi chết, nó đâu mang được cả,
kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần.
Lúc sinh thời, nó tự hào tự đắc:
“Mình làm nên, thiên hạ tán dương mình! ”
Nhưng rồi nó cùng tổ tiên về chung kiếp,
chẳng bao giờ còn được thấy ánh dương!
“Thiên Chúa muốn một tình yêu cho không, đó là một tình yêu thuần khiết … Thiên Chúa tràn ngập các cõi lòng, không phải tủ sắt hoặc kho bạc. Sự giàu có thì ích gì nếu trái tim của anh em trống rỗng?” (Thánh Augustinô).
7. Lời nguyện kết
Lạy Chúa, con xin cảm tạ thì giờ Chúa đã dành cho con, lắng nghe tiếng Chúa nói với con với tình yêu và lòng thương xót vô biên; con cảm thấy đời con chỉ được chữa lành khi con ở gần bên Chúa, trong Chúa, khi con để cho Chúa dẫn dắt con. Chúa đã đón nhận trong tay Chúa lòng tham lam của con đã khiến con khô khan và cằn cỗi, nó cô lập con và khiến con trở nên u sầu và cô đơn; Chúa đã đón nhận lòng tham lam vô độ của con, nó đã tạo cho con sự trống vắng và đau khổ; Chúa đã chấp nhận và đón nhận sự bất nhất và lòng bất trung của con, sự khập khiễng và mỏi mệt của con. Lạy Chúa, con hạnh phúc khi con mở lòng con cho Chúa và cho Chúa xem thấy tất cả các vết thương của con! Con cảm tạ Chúa niềm an ủi của Lời Chúa và về sự im lặng của Chúa. Con xin cảm tạ hơi thở của Thần Khí Chúa đã đem con rời xa khỏi hơi thở của sự dữ và của kẻ thù nghịch.
Lạy Chúa, con đã tiếm đoạt, con biết thế, con đã lấy đi những gì không thuộc về con, con đã giấu diếm nó, con đã lãng phí nó; từ giờ trở đi con muốn bắt đầu quay về, cho lại, con muốn sống đời con như một món quà luôn được hóa ra nhiều và san sẻ với những người khác. Cuộc đời con là một vật hèn mọn, nhưng trong tay Chúa nó sẽ trở thành những thùng dầu, những giạ lúa, sự ủi an và thức ăn cho các anh chị em con.
Lạy Chúa, con không có lời gì khác để nói trước một tình yêu tuyệt vời và dư tràn, đó là lý do tại sao con chỉ làm được một điều: con mở cửa trái tim con với một nụ cười, con sẽ chấp nhận tất cả những ai mà Chúa sẽ gửi đến cho con … (Cv 28:30)
—————————
về tác giả và dịch giả: Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.
dongcatminh