Lectio Divina Chúa nhật 27 TN C
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN C
Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta,
để đời sống chúng ta có thể tự nguyện phục vụ Chúa và tha nhân
Lc 17:5 –10
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng của phần phụng vụ Chúa Nhật tuần này là một phần của một đoạn Phúc Âm tiêu biểu và dài của Luca (Lc 9:51 đến 19:28), trong đó mô tả chuyến đi lên Giêrusalem chậm chạp của Chúa Giêsu, nơi Người sẽ bị trở thành tội nhân, bị kết án và chịu chết. Một phần lớn của đoạn Tin Mừng này là để hướng dẫn cho các môn đệ. Bài Tin Mừng của chúng ta là một phần của lời hướng dẫn ấy. Chúa Giêsu chỉ dạy cho các ông cách sống trong cộng đoàn (Lc 17:1).
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 17:5: Các tông đồ xin Chúa Giêsu ban thêm đức tin cho các ông
Lc 17:6: Cuộc sống của người với đức tin bằng hạt cải
Lc 17:7-9: Đời sống của người tự nguyện phục vụ Chúa và tha nhân
Lc 17:10: Áp dụng sự so sánh với người đầy tớ vô dụng
c) Phúc Âm:
5 Khi ấy, các tông đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con.” 6 Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển,’ nó liền vâng lời các con. 7 Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăm sóc súc vật ngoài đồng trở về, liền bảo nó rằng: ‘Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa’, 8 mà trái lại không bảo nó rằng: ‘Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống.’ 9 Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng: ‘Không’. 10 Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm.’”
3. Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Phần nào của bài Phúc Âm này tôi thích nhất hoặc điều gì đã đánh động tôi nhất?
b) Tin vào ai đây? Tin vào Thiên Chúa? Tin vào người khác? Hay tin vào chính mình?
c) Đức tin chỉ bằng hạt cải: có phải đức tin của tôi là như thế không?
d) Hiến dâng đời sống của một người cho việc phục vụ mà không mong đáp trả: tôi có khả năng sống đời sống như thế chăng?
5. Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng
Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề
a) Bối cảnh lịch sử của đoạn Phúc Âm:
Bối cảnh lịch sử của Phúc Âm viết bởi Luca luôn có hai chiều: vào thời Chúa Giêsu của thập niên 30, khi những điều được mô tả trong văn bản đã xảy ra, và vào thời điểm của các cộng đoàn là những người mà sách Tin Mừng của thánh Luca chú tâm tới, hơn năm mươi năm sau khi sự việc đã xảy ra. Khi Luca tường trình những lời và các cử chỉ của Chúa Giêsu, ông không chỉ nghĩ đến những việc đã xảy ra vào thập niên 30, mà đúng hơn là đời sống của các cộng đoàn của những năm thuộc thập niên 80 với tất cả các vấn nạn và mối quan tâm của họ, và ông đã cố gắng cung cấp cho họ một số ánh sáng và các giải pháp khả thi (Lc 1:1-4).
b) Ý chính của bài Phúc Âm: Bối cảnh văn học:
Bối cảnh văn học (Lc 17:1-21) trong đó có đoạn Tin Mừng của chúng ta (Lc 17:5-10) giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những Lời của Chúa Giêsu. Trong đoạn Tin Mừng này, thánh Luca tập hợp những Lời của Chúa Giêsu dùng để giảng dạy cách người ta phải sống như thế nào trong cộng đoàn. Thứ nhất (Lc 17:1-2), Chúa Giêsu lôi cuốn sự chú ý của các môn đệ đến những người nhỏ bé, đó là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Các cộng đoàn phải ghi nhớ kỹ điều này. Thứ hai (Lc 17:3-4), Chúa thu hút sự chú ý đến những thành viên yếu kém của cộng đoàn. Về vấn đề của họ, Chúa Giêsu muốn các môn đệ lãnh nhận trách nhiệm đối với họ và có một thái độ hiểu biết và hòa giải với họ. Thứ ba (Lc 17:5-6) ( và ở đây bắt đầu đoạn Tin Mừng của chúng ta), Chúa Giêsu nói về đức tin vào Thiên Chúa phải là động lực đời sống của các cộng đoàn. Thứ tư (c 17:7-10), Chúa Giêsu bảo các môn đệ phải phục vụ tha nhân với lòng xả kỷ và vị tha tối đa, tự nhận mình là các tôi tớ vô dụng. Thứ năm(Lc 17:20-21), Chúa Giêsu dạy các ông cách làm thế nào để nhận việc phục vụ của tha nhân. Họ phải tỏ lòng biết ơn. Thứ sáu (Lc 17:20-21), Chúa Giêsu dạy các ông phải nhìn vào thực tế chung quanh. Người bảo các ông không nên chạy theo các lời truyền giáo giả dối của những kẻ loan báo rằng Nước Thiên Chúa, khi xuất hiện, sẽ được chứng kiến bởi tất cả mọi người. Chúa Giêsu lại dạy khác. Nước Trời sắp đến, không như vương quốc của các kẻ cai trị ở thế gian, sẽ không được trông thấy. Đối với Chúa Giêsu, Vương Quốc Nước Trời đã đến rồi! Nó đang ở giữa chúng ta, độc lập với những nỗ lực và thành tích của chúng ta. Đó là thuần khiết ân sủng! Và chỉ có đức tin mới có thể lãnh hội được.
c) Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:
Lc 17:5: Các tông đồ xin Chúa Giêsu ban thêm đức tin cho các ông
Các môn đệ nhận thức rằng không phải dễ dàng gì để có được những phẩm chất mà Chúa Giêsu vừa mới đòi hỏi nơi họ: chăm sóc cho những người bé mọn (Lc 17:1-2) và hòa đồng với những anh chị em cô thế trong cộng đoàn (Lc 17:3-4). Và với nhiều đức tin! Không chỉ là niềm tin vào Thiên Chúa, mà cũng còn là lòng tin vào khả năng mua chuộc lại anh chị em. Đó là lý do tại sao các ông đến và thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy ban thêm đức tin cho chúng con!”
Lc 17:6: Cuộc sống với đức tin bằng hạt cải
Chúa Giêsu trả lời: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy bứng rễ lên mà đi trồng dưới biển,’ nó liền vâng lời các con”. Câu nói này của Chúa Giêsu đặt ra hai câu hỏi: (1) Có phải Chúa đang nói bóng gió rằng các thánh tông đồ không có đức tin lớn bằng hạt cải không? Sự so sánh của Chúa Giêsu thật là mạnh mẽ và bóng gió xa xôi. Hạt cải thì rất bé, nhỏ bé như sự tầm thường của các môn đệ. Nhưng với đức tin, các ông có thể trở nên mạnh mẽ, mạnh hơn núi rừng hoặc biển cả! Nếu là thời bây giờ, có lẽ Chúa Giêsu sẽ nói: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt nguyên tử, các con có thể san bằng ngọn núi này.” Đó là, mặc dù có những khó khăn cố hữu, việc hòa giải giữa các anh chị em là việc có thể làm được, bởi vì đức tin có thể làm cho những điều dường như không thể lại trở thành sự thật. Nếu không có trục chính là đức tin, thì mối quan hệ sứt mẻ không thể nào hàn gắn được và cộng đoàn mong muốn bởi Chúa Giêsu không thể nào thực hiện được. Đức tin của chúng ta phải mang chúng ta đến điểm mà chúng ta có thể dời được ngọn núi của những thành kiến trong lòng chúng ta và vất nó xuống biển. (2) Với câu nói này, Chúa Giêsu có đang đề cập tới đức tin vào Thiên Chúa hoặc niềm tin vào khả năng đem lại những anh chị em yếu kém nhất không? Có lẽ câu nói này đề cập đến cả hai. Khi tình yêu Thiên Chúa được thể hiện cụ thể trong tình yêu tha nhân, cũng như đức tin vào Thiên Chúa phải được thực hiện cụ thể trong niềm tin vào anh chị em, trong sự hòa giải và tha thứ đến bảy mươi lần bảy! (Mt 18:22) Đức tin là sự điều khiển từ xa của quyền năng Thiên Chúa, Đấng đã làm và mặc khải chính Người trong mối tương quan đổi mới loài người được sống trong cộng đoàn!
Lc 17:7-9: Chúa Giêsu đã chỉ cho biết chúng ta phải thực hành các bổn phận của chúng ta đối với cộng đoàn như thế nào
Để dạy rằng trong đời sống cộng đoàn tất cả mọi người đều phải chối bỏ và tách rời khỏi bản thân mình, Chúa Giêsu đã dùng thí dụ của người đày tớ. Vào thời bấy giờ, một người đày tớ không thể được hưởng một công trạng nào. Người chủ nhà, khó khăn và đòi hỏi, chỉ muốn sự phục vụ của các đày tớ. Người đày tớhiếm khi được cảm ơn. Đối với Thiên Chúa, chúng ta giống như một người đày tớ trước mặt ông chủ mình.
Nó có vẻ kỳ lạ khi Chúa Giêsu phải dùng một ví dụ chói tai như thế trích ra từ một tổ chức xã hội bất công thời bấy giờ, để mô tả mối quan hệ của chúng ta với cộng đoàn. Người đã làm việc này vào một dịp khác khi Người so sánh cuộc sống trên Nước Trời với một tên trộm. Điều quan trọng là mục đích của sự so sánh này: Thiên Chúa đến như một kẻ trộm, không lời báo trước, vào lúc mà chúng ta không ngờ nhất; giống như một người đày tớ trước mặt chủ mình vì vậy chúng ta không thể và không nên kể công trước anh chị em chúng ta trong cộng đoàn.
Lc 17:10: Áp dụng sự so sánh với người đầy tớ vô dụng
Chúa Giêsu áp dụng ví dụ này vào đời sống trong cộng đoàn: như một người đày tớ trước mặt chủ mình, do đó thái độ của chúng ta cũng phải tùy thuộc vào cộng đoàn: chúng ta không được làm những điều gì để đáng được thưởng công, tán thành, thăng thưởng hay khen ngợi, nhưng chỉ để cho thấy rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa! “Vì vậy, với bạn, khi bạn đã làm xong tất cả những việc bạn đã được bảo phải làm, thì hãy nói: ‘Chúng tôi chỉ là những người đầy tớ; chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm’.” Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta không xứng đáng bất cứ điều gì. Bất cứ những gì chúng ta nhận lãnh, chúng đã không xứng đáng. Chúng ta đang sống nhờ vào tình yêu cho không của Thiên Chúa.
c) Phần tìm hiểu thêm về đức tin và sự phục vụ:
i) Đức tin vào Thiên Chúa được thể hiện cụ thể trong việc đem anh chị em trở lại
Sự kiện thứ nhất: Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến ở Đức, chuyện xảy ra cho hai người Do-Thái, Samuel và Gioan bị đẩy vào trại tập trung. Họ bị đối xử tàn nhẫn và thường bị hành hạ. Gioan là người trẻ hơn, lấy làm bực dọc. Anh ta đã trút bỏ sự tức giận của mình bằng cách nguyền rủa và dùng những lời lẽ thô tục đối với quân nhân Đức Quốc Xã là những người đối cử tàn tệ và đánh đập họ. Samuel, là người lớn tuổi hơn, tỏ ra bình tĩnh. Ngày kia, trong một lúc phân tâm, Gioan nói với Samuel: “Làm cách nào mà anh có thể giữ được sự thản nhiên khi anh bị đối xử tàn nhẫn như thế? Tại sao anh có được lòng can đảm lớn lao như thế? Lẽ ra anh phải phản ứng và tỏ ra lòng bất mãn của anh đối với chế độ vô lý này chứ!” Samuel đáp lại: “Giữ cho được bình tĩnh thì khó hơn tỏ ra can đảm. Tôi không tìm kiếm sự can đảm, vì tôi sợ rằng, do sự tức giận của tôi, người lính ấy có thể dập tắt tia lửa nhân đạo cuối cùng đang tiềm ẩn trong người lính dã man này”.
Sự kiện thứ hai: Trong thời gian đế quốc La-Mã chiếm đóng vùng Paléstin, Chúa Giêsu bị kết án tử hình bởi Thượng Hội Đồng Do Thái. Chính vì đức tin của Người vào Chúa Cha, Chúa Giêsu đón nhận tất cả mọi người như anh chị em, và khi làm như thế, Người đã thách đố một cách mạnh mẽ cái hệ thống nhân danh Thiên Chúa, đã khiến cho rất nhiều người dân chịu thiệt thòi. Bản án bởi Thượng Hội Đồng Do Thái đã được duyệt xét bởi Đế quốc La-Mã và Chúa Giêsu đã bị dẫn đến đồi Canvê để chịu chết. Các quân lính La-Mã đã thi hành bản án. Một người trong bọn họ đã đâm thủng bàn tay Chúa Giêsu với những chiếc đinh. Phản ứng của Chúa Giêsu là: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ đang làm!” (Lc 23:34). Đức tin vào Thiên Chúa cho thấy tự nó đã có sự tha thứ đối với những kẻ đang giết Chúa.
ii) Sự phục vụ cho dân Chúa và cho tha nhân
Vào thời của Chúa Giêsu, đã có một loạt các kỳ vọng khác nhau vào đấng cứu thế. Theo nhiều lời giải thích từ các lời tiên tri, đã có người mong đợi một vị Vua Cứu Thế (Lc 15:9-32), Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1:24), một Thiên Tướng (Lc 23:5; Mc15:6; 13:6-8), một Thày Thuốc Cứu Tinh (Ga 4:25; Mc 1:22-27); một Đấng Phán XétMêssia (Lc 3:5-9; Mc 1:8); một vị Thiên Sai Tiên Tri (Mc 6:4; 14:65). Tất cả mọi người, theo lợi ích riêng của họ hoặc theo tầng lớp xã hội, ngóng chờ Đấng Thiên Sai theo như ước nguyện và sự mong đợi của họ. Dường như không một ai, ngoại trừ người nghèo hèn, người nghèo của Đấng Gia-Vê, đã mong đợi một Đấng Cứu Thế Tôi Trung, đã được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 42:1; 49:3; 52:13). Người nghèo khó thường nhớ lại lời hứa đấng cứu tinh được xem như một sự phục vụ tặng cho nhân loại qua dân của Chúa. Đức Maria, người nghèo khó của Thiên Chúa, đã nói với thiên sứ: “Này tôi là tôi tá của Chúa!” Từ Đức Maria, Chúa Giêsu đã học được cách phục vụ. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10:45).
Hình ảnh của Người Tôi Trung được mô tả trong bốn bài thánh ca của tiên tri Isaia (Is 42:1-9; 49:1-6; 50:4-9; 52:13 đến 53:12), đã không chỉ về một cá nhân riêng rẽ nào, nhưng nói về dân tộc bị trị (Is 41:4-9; 42:18-20; 43:10; 44:1-2; 44:21; 45:4; 48:20; 54:17), được mô tả bởi tiên tri Isaia như là một dân tộc “bị đàn áp, bị biến dạng, không còn hình thù của một con người và không điều kiện tối thiểu của con người, một dân tộc bị khai thác, bị ngược đãi, không có tiếng nói, không thanh nhã hoặc vẻ đẹp, đầy đau khổ, bị mọi người xa lánh như người cùi hủi, bị lên án như một tội phạm, không được bênh vực hoặc bào chữa” (xem Is 53:2-8). Đây là hình ảnh trung thực của một phần ba nhân loại ngày nay! Những người tôi tớ này “không than van, không gào thét, sẽ không để ai nghe tiếng giữa phố phường, sẽ không đành bẻ gãy cây lau bị dập” (Is 42:2). Bị ngược đãi nhưng không bức hại; bị đàn áp nhưng sẽ không đàn áp; bị giày xéo dưới chân nhưng sẽ không chà đạp những người khác. Những người này sẽ không sa vào vực thẳm bạo lực của chế độ đã đàn áp. Thái độ chịu đựng này của Đấng Tôi Trung Thiên Chúa là cội rễ của công lý mà Thiên Chúa mong muốn được nhìn thấy lan tràn khắp thế gian. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta trở nên tôi tớ của Người với sứ mạng đem công lý chiếu sáng rực rỡ trên khắp thế giới (Is 42:2-6; 49:6).
Chúa Giêsu biết các bài thánh ca này và trong việc thi hành sứ vụ của mình, Người đã để cho những bài thánh ca này hướng dẫn Người. Vào lúc Người chịu phép rửa trên sông Giođan, Đức Chúa Cha đã giao phó Người với sứ mệnh của người Tôi Trung (Mc 1:11). Lúc trong hội đường tại Nazarét, Người giải thích chương trình của mình với các dân của Người, Đức Giêsu đã công khai nhận lãnh sứ mệnh này (Lc 4:16-21). Trong thái độ của sự phục vụ này, Chúa Giêsu mặc khải gương mặt của Thiên Chúa, lôi cuốn chúng ta và chỉ cho chúng ta thấy con đường tìm về với Thiên Chúa.
6. Cầu Nguyện: Thánh Vịnh 72 (71)
Hy vọng cho tất cả mọi người rằng Đấng Cứu Thế sắp đến
Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân!
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp!
Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.
Tân Vương vạn vạn tuế!
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại.
Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
A-men. A-men.
7. Lời nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
———————–
về tác giả và dịch giả:
Các bài viết Lectio Divina cho nhóm tác giả; Lm. Carlos Mesters, O.Carm. Nt. Maria Anastasia di Gerusalemme, O.Carm., Lm. Cosimo Pagliara, O.Carm. Nt. Maria Teresa della Croce, O.Carm. Lm. Charlò Camilleri, O.Carm. Lm. Tiberio Scorrano, O.Carm. Nt. Marianerina De Simone, SCMTBG và lm. Roberto Toni, O.Carm., Dòng Cát Minh biên soạn. Bản dịch tiếng việt do Cô Martha Nhung Trần thực hiện. Tác giả và dịch giả giữ bản quyền.
dongcatminh