Thân thế và sự nghiệp của Léopold Cadière

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA L. CADIÈRE

Linh mục Gérard Moussay M.E.P.

 Léopold Cadière sinh ngày 14 tháng 02 năm 1869 tại Giáo xứ Pinchinats, gần d’Aix-en-Provence (Hạt Bouches-du-Rhône), trong một gia đình nông dân bình thường.

Học sinh trường Trung học Aix, cậu là đồng môn của Charles Maurras và Maurice Blondel, là một học sinh thông minh và chăm chỉ theo nhận xét của các cựu giáo viên của trường.

Trong các loại sách cậu thích đọc, ngoài các truyện về du lịch và thám hiểm, cậu đặc biệt chú ý đến các tập san về truyền giáo, cụ thể như tập san định kỳ của Thánh Bộ Truyền Giáo và tập san về các trẻ mồ côi.

Tốt nghiệp trung học, anh Cadière gia nhập chủng viện Xuân Bích ở Aix, ở đó, cậu học tập nghiêm túc và căn bản. Sau này, cha Cadière đã viết trong “Hồi ký của một cụ già được Việt Nam hoá” (Souvenirs d’un vieil annamitsant, viết tại Đông Dương ngày 13 tháng 7 năm 1944): “Khi tôi còn là một thầy đại chủng sinh trẻ bắt đầu học các môn Triết lý và Thần học ở Đại Chủng viện Aix thì cũng là lúc mà các linh mục Xuân Bích danh tiếng, các linh mục Biển Đức lỗi lạc cho phổ biến những nghiên cứu của họ về Kinh Thánh, về nguồn gốc Đạo Thiên Chúa. Dưới sự hướng dẫn của các giáo sư thông thái, tôi đọc ngấu nghiến những tác phẩm này. Và tôi cũng có ý muốn giống như họ, một ngày nào đó”.

Sức hấp dẫn của công cuộc truyền giáo đã dẫn thầy Cadière tới Hội Thừa Sai Paris. Ngày 6/6/1890, thầy gia nhập chủng viện của Hội ở Phố du Bac, được thụ phong linh mục ngày 24 tháng 9 năm 1892 và gia nhập cánh đồng truyền giáo ở Việt Nam ngày 26 tháng 10 năm 1892.

So với các bạn đồng trang lứa, cha Cadière không có vẻ gì khác lạ ngoài vóc dáng mảnh khảnh khiến cho một vị bề trên lo ngại: “Chắc cha không trụ nổi quá 5 năm ở xứ truyền giáo.”

Cha Cadière vẫn giữ giọng nói vùng quê của cha, điều mà chính cha đã nhận xét là “Có thể hội nhập không khó khăn lắm với cách phát âm tiếng Việt”.

Khi cha Léopold Cadière đến Huế, ngài đã tìm thấy ngay vị hướng dẫn đầu tiên nơi Đức Giám Mục sở tại, Đức Cha Caspar. Ngài đã viết trong Hồi ký: “Tôi mang ơn Đức Cha nhiều lắm. Chính ngài đã dẫn dắt tôi những bước đầu tiên trong việc học tiếng Việt, lịch sử Việt Nam và về Phụng vụ. Ngài đã khuyến khích tôi và đã hướng dẫn tôi, ngài không những hiểu biết sâu rộng về tiếng Việt và chữ Hán, ngài còn dành nhiều công sức trong việc học Lich sử Việt Nam”… “đây quả thực là một bộ óc ham học và thành thạo nhiều lãnh vực. Ngài tỏ ra thích thú mọi vấn đề và ngài muốn rằng các cha Thừa sai cũng làm như ngài. Ngoài những môn khoa học tự nhiên mà ngài thông thạo, ngài còn hiểu biết nhiều về những tập tục, tín ngưỡng và những thực hành tín ngưỡng của người Việt Nam mà ngài hiểu biết một cách chính xác và có hệ thống.”

Khi đến Đà Nẵng vào năm 1982, cha Léopold Cadière đã can đảm và kiên nhẫn học tiếng Việt. Sau này, ngài kể lại trong “Hồi ký…” những bước khởi đầu của ngài trong việc học tiếng Việt: “để học một ngôn ngữ, không phải chỉ là vấn đề của thanh quản và lỗ tai, không phải chỉ là vấn đề của trí nhớ, nhưng còn là và nhất là vấn đề của cái đầu, trong trường hợp hai ngôn ngữ rất khác nhau như tiếng Pháp và tiếng Việt Nam. Không phải chỉ là nói được như người Việt Nam nhưng còn là suy nghĩ như họ.

Sau một thời gian học tiếng Huế, cha Cadière nhận được bài sai về dạy học tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, rồi Đại Chủng Viện Huế.

Năm 1896, ngài được đổi về Vĩnh Lộc thuộc Tỉnh Quảng Bình, rồi nhận chức chính xứ Cù Lạc, ngài vừa thi hành chức vụ linh mục một cách hoàn hảo, đồng thời kiện toàn việc học tiếng Việt, ngài cũng bắt đầu những nghiên cứu đầu tiên về lịch sử và những phong tục địa phương. Chính tại Cù Lạc mà ngài đã gặp Louis Finot và Thiếu tá Lunet de Lajonquilière đang trên đường công tác cho Trường Viễn Đông Bác Cổ vừa mới được thành lập. Họ kết thân với nhau. “Louis Finot thường hay nói rằng cuộc khám phá ngoạn mục nhất trong chuyến công tác đầu tiên của ông ở Đông Dương, chính là cha Cadière” (L. Malleret).

Léopold Cadière cộng tác với công việc của Trường Viễn Đông Bác Cổ ngay từ khi trường mới được thành lập, tham dự hội nghị đầu tiên về những nghiên cứu Viễn Đông do nhà trường tổ chức ở Hà Nội năm 1902. Trong tập san của Trường (BEFEO), ngài đã mô tả rất chính xác những phương ngữ của các Tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên, dưới nhan đề “Ngữ âm tiếng Việt: thổ ngữ miền Bắc Trung Kỳ”. Năm 1904, một nghiên cứu của ngài trong việc so sánh tiếng Việt và tiếng Hán Việt dưới tựa đề “Chuyên khảo âm A, nguyên âm cuối không nhấn mạnh trong tiếng Việt và Hán Việt”. Năm 1906, ngài được bầu làm hội viên Thông Tấn của Trường và đến năm 1908, ngài cho ấn hành tài liệu “Chuyên khảo về bán nguyên âm trong tiếng Hán Việt và tiếng Việt”.

Nếu cha Léopold Cadière đã dành những bài viết đầu tiên về Ngữ học, thời kỳ mà ngài đang tìm hiểu tiếng Việt, thì sau đó ngài đã dành toàn thời gian để khảo cứu về những thực hành tôn giáo hay nghi thức thần bí trong vùng, qua các truyện cổ, tục ngữ và những bài hát dân gian, những tin tưởng liên quan đến thế giới siêu nhiên, đến cây cỏ, đến muông thú và những nơi linh thiêng. Vào năm 1901, trong tập san BEFEO đầu tiên, ngài đã cho in bài nghiên cứu về “Các tín ngưỡng và ngạn ngữ ở thung lũng Nguồn Son” mà năm sau, bài viết sẽ được bổ sung bằng việc nghiên cứu về “Các tập tục dân gian ở thung lũng Nguồn Son”.

Léopold Cadière cũng đã sớm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Nghiên cứu đầu tiên của ngài là về nguồn gốc của Lịch sử Việt Nam. Nghiên cứu này được ấn hành năm 1904 với sự cộng tác của Paul Pelliot. Sang năm 1905, với những khám phá vừa nói ngài đã có thể hoàn thành một “Niên Biểu các triều đại Việt Nam”. Nhưng chính Nhà Nguyễn và sự mở mang về phương Nam đã đem lại cho ngài một nghiên cứu xuất sắc được ấn hành trong BEFEO năm 1906 dưới nhan đề “Luỹ Đồng Hới nghiên cứu về sự thành lập Nhà Nguyễn ở phương Nam”. Bài viết này đã giúp rất nhiều cho các sử gia khi nghiên cứu về sự phát triển của Việt Nam về đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu này sẽ được bổ sung vào năm 1912 với bài viết “Những tài liệu liên quan đến Triều vua Gia Long”, những tài liệu mà ngài đã thu thập được trong thời gian ở Âu Châu mà phần lớn trong văn khố của Hội Thừa Sai Paris.

Từ 1910 đến 1913, cha Léopold Cadière về Pháp để hoàn tất những nghiên cứu của ngài trong văn khố của Hội Thừa Sai Paris và tại một vài trung tâm lưu trữ khác trong vùng Paris. Khi trở lại Việt Nam, ngài được chỉ định làm tuyên uý cho Trường Péllerin ở Huế, gần Thành Nội. Ngài sẽ giữ chức vụ này đến năm 1918, điều đó làm cho ngài được dễ dàng hơn trong các hoạt động nghiên cứu của ngài. Ngài kết thân với một số những nhân vật ở đây, cụ thể là L. Aurousseau, hội viên Trường Viễn Đông Bác Cổ và là thầy dạy của hoàng đế, bác sĩ A. Sallet, Y sĩ của các đơn vị quân đội thuộc địa, L. Sogny, Thanh tra quân đội địa phương, R. Orband, phái viên cạnh các Bộ của triều đình.

Những Người Bạn Của Huế Xưa

Hội Những Người Bạn của Huế xưa được thành lập vào tháng 11 năm 1913. Hoàng đế Khải Định đã là một trong những vị chủ tịch danh dự. Ngày 16 tháng 11, 17 vị dự buổi họp đầu tiên tổ chức tại Cung Thọ Viên, ngay giữa Thành Nội. L. Dumoutier được bầu làm chủ tịch Hội, A. Sallet thư ký tiên khởi và cha Cadière biên tập tờ Nội San của Hội, chức vụ mà ngài đã giữ liên tục đến năm 1944.

Qua trung gian của Hội Những Người Bạn Của Huế Xưa và tờ báo của Hội (BAVH), hoạt động của cha Cadière từ đây được tập trung đặc biệt vào việc phổ biến văn hóa Việt Nam và việc bảo tồn các công trình kiến trúc.

Khác với tờ báo của Trường Viễn Đông Bác Cổ (BEFEO) chuyên phổ biến những bài về khoa học và đặc biệt dành cho các nhà trí thức, tờ Nội San của các bạn Huế xưa (BAVH) lại là một cơ quan nhắm phổ biến cho tất cả những ai có thiện chí tìm hiểu những khám phá mới về dân tộc học, vào những thời kỳ đáng ghi nhớ của lịch sử Việt Nam (BAVH, 1925).

Những đề tài được đề cập đến trong tập san rất phong phú. Không có lãnh vực nào mà các tác giả đã bỏ qua:

a) Lịch sử: kể chuyện về những chuyến đi, những nghi lễ của triều đình, tiểu sử các nhân vật, bản đồ khảo sát những nơi danh tiếng …

b) Địa lý: chuyên khảo về Quảng Ngãi, các động ở Hang Túi, những núi đá cẩm thạch…

c) Dân tộc học: các lễ hội của ngày Tết, gia đình Việt Nam về phương diện tôn giáo, tục nhuộm răng, viết về những tổ chim én…

d) Mỹ thuật: những suy nghĩ về một món đồ cổ (1934), 3 dáng vẻ của những con rồng trong nghệ thuật Việt Nam (1941), nghiên cứu về những lăng tẩm ở Huế, những chiếc gương bằng đồng (1933), tượng các quan đại thần (1926).

e) Những nghiên cứu về văn học: Truyện Hoa Tiên (1938), ngôn ngữ Chàm (1934).

f) Những nghiên cứu về tôn giáo: những nơi thờ tự, chùa chiền quanh vùng Huế, những lễ nghi, những ác thần ở Bình Thuận, bắt đầu đời tu hành của các vị sư v… v… Công trình đã mang rõ nét về nghiên cứu dân tộc học tôn giáo. Léopold Cadière đã viết: “Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam”, tác phẩm tổng hợp phần lớn những nghiên cứu của ngài, phát hành năm 1944 do Hội Địa Lý Hà Nội và Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Từ tháng Giêng 1915 đến tháng Sáu 1944, Hội Những Người Bạn Của Huế Xưa đã phát hành 123 tập san, tổng cộng 16.000 trang viết, 3.200 phụ bản và 800 hình ảnh đen trắng và màu.

Được bầu làm hội viên thực thụ của Trường Viễn Đông Bác Cổ vào năm 1918, cha Cadière chỉ giữ chức vụ này trong 2 năm, bởi ngài từ chối cư ngụ tại Hà Nội, ngài trở về với nhiệm vụ chính xứ ở Cửa Tùng, tại đây ngài xây một nhà thờ đẹp đến nỗi người ta gọi là Vương Cung Thánh Đương. Ngài cũng mở các trường học tại đây và thành lập một vườn bách thảo nổi tiếng với các loại cây dương xỉ quý hiếm.

Vào thời kỳ này, cha Cadière đã cho phát hành một tài liệu quan trọng: “Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt Nam vùng Huế”. Ngài nghiên cứu tục thờ cúng gốc cây, những tảng đá, những cột mốc, những hòn đá trừ tà và những bùa ngải. Điều quan trọng nhất của tác phẩm đồ sộ này nằm trong phương pháp nghiên cứu của ngài, luôn luôn phân biệt rõ nét lãnh vực quan sát và mô tả những sự kiện với “lối giải thích gán ghép cho những mô tả này”.

Vì lý do sức khỏe, cha Léopold Cadière buộc phải trở lại Châu Âu để nghỉ ngơi một lần chót từ 1928 – 1929. Ngài lại vào các thư viện: ngài tìm được những tài liệu mới về cha Alexandre de Rhodes, và một tài liệu quan trọng của linh mục Dòng Tên Gaspar Luis về những ngày đầu của các cộng đoàn Công Giáo ở Việt Nam.

Những công trình bác học này của cha Cadière đã không đi ngược lại nhiệm vụ truyền giáo của ngài, nhưng lại làm cho hữu hiệu hơn, đối với ngài cũng như đối với tất cả những ai được học hỏi từ những nghiên cứu này.

Trong suốt 24 năm ở Di Loan, gần bãi biển Cửa Tùng, với tư cách là Hạt trưởng, người ta có thể quả quyết rằng không ai ngoài cha Cadière, đã hiểu sâu sắc não trạng và những sinh hoạt của các cộng đoàn Công giáo Việt Nam. Bằng một cử chỉ ưu ái, Đức Thánh Cha Piô XI đã cho ấn hành tại nhà in Vatican tập sách về Gia Đình và Tôn Giáo tại Việt Nam, như một cách để xác nhận những cố gắng của cha Cadière.

Vào năm 1942, trong dịp kỷ niệm năm thứ 50 ngày cha đến Việt Nam, cha Cadière đã đưa ra một chứng từ xúc động về dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà ngài đã gắn bó suốt đời: “Tôi đã nghiên cứu những tín ngưỡng, những thực hành tôn giáo, những phong tục tập quán và tôi xác tín rằng người Việt Nam có quan niệm sâu sắc về tôn giáo, những tin tưởng của họ rất thuần khiết và rằng có lẽ khi họ cầu Trời, tế Trời, họ cũng đang thờ lạy một Đấng Toàn Năng mà chính tôi cũng đang thờ lạy và tôi gọi là Thiên Chúa, dân tộc Việt Nam đã nuôi dưỡng tận đáy lòng mình ánh lửa của một tôn giáo tự nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã đặt trong tâm hồn của mọi thọ tạo có trí khôn….. tôi yêu họ vì những đức tính luân lý của họ. Là con của một nông dân, tôi đã sống trọn đời ở Việt Nam giữa những người nông dân, tôi nhận thấy rằng người nông dân Pháp và người nông dân Việt Nam giống nhau lạ lùng: ở đây cũng như ở bên ấy, có những ý tưởng nhỏ bé thường nhật về đồng ruộng, chợ búa, những bữa cơm, xóm làng; nhưng ở đây cũng như ở bên ấy, có những tình cảm lớn, lòng yêu mến sâu sắc đối với gia đình, trợ giúp và nâng đỡ nhau, làm việc cần cù, nhẫn nhục trong cuộc sống nghèo nàn, trong cuộc sống vất vả thường ngày”.

Trong cuộc đảo chánh của người Nhật vào tháng 3 năm 1945, cha Cadière và các vị thừa sai khác bị tập trung trong vòng 15 tháng tại trụ sở các cha Thừa Sai Huế.

Ngay sau đó, sau cuộc phản công của bộ đội cụ Hồ Chí Minh vào các vị trí của người Pháp ở Hà Nội, 19 tháng 12 năm 1946, cha Cadière cùng với 6 cha khác bị đưa về quản chế tại Vinh từ tháng Giêng 1947 đến tháng Sáu 1953. Ngài đã lợi dụng thời gian quản thúc này để viết hồi ký: 1.500 trang đã được in thành sách. Cũng chính trong thời gian này vào tháng 9 năm 1948, ngài được bầu làm hội viên danh dự của Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Khi được trả tự do, ngài từ chối trở về Pháp và ở lại Huế, khi đó ngài đã 84 tuổi.

Ngài qua đời ngày 6 tháng 7 năm 1955 vào lúc bế mạc Tuần Tĩnh Tâm của các linh mục Giáo Phận Huế.

Tất cả các linh mục đã đi theo linh cữu của ngài tới nghĩa trang Đại Chủng Viện. Từ khắp nơi, người ta bày tỏ tình cảm thương tiếc và ngưỡng mộ ngài.

Người đứng đầu nhà cầm quyền Việt Nam lúc bấy giờ đã gởi điện tới Đức Cha Urrutia, Giám Mục Tông Tòa Giáo Phận Huế: “Tôi rất xúc động khi được tin cha Cadière qua đời, người mà cuộc sống đã cống hiến trọn vẹn cho xứ sở này. Những tác phẩm mà linh mục quá cố để lại trong lãnh vực xã hội và tôn giáo, cũng như trong lãnh vực văn học và ngôn ngữ học, đã nói lên tình cảm của ngài đối với dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam sẽ giữ mãi một kỷ niệm không phai về vị học giả lỗi lạc và là người bạn lớn. Sự ra đi của người tông đồ lỗi lạc này, mà suốt cuộc đời đã dành cho đồng bào của tôi, là một mất mát lớn đối với chúng tôi. Trong giờ phút đau thương này, kính xin Đức Cha nhận nơi đây nỗi lòng thương tiếc chân thành và những lời chia buồn sâu sắc của tôi”.

Related posts