Năm B 

“Dệt cho xong tấm khăn cuộc đời”.

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B (2011)

“Dệt cho xong tấm khăn cuộc đời”.

LM. Giuse Trương Đình Hiền

Trong sử thi “Cuộc chiến thành Troa” có câu chuyện nàng Penelope chờ đợi chồng là tráng sĩ Ullisse chiến đấu phương xa không nản lòng, không mệt mõi và khước từ mọi cám dỗ bằng cách “dệt cho xong tấm khăn”. Ban ngày dệt, ban đêm tháo. Mãi 20 năm sau mới gặp lại chồng…

Ý nghĩa “đợi chờ Chúa đến” của Mùa Vọng, một cách nào đó, cũng là một cuộc “dệt cho xong tấm khăn của cuộc đời mình” để gặp gỡ Thiên Chúa. Điều đó phải chăng muốn nói lên rằng :

Tỉnh thức của Mùa Vọng trước hết, không chỉ là một “giải pháp tình thế”, một thái độ mang tính “đối phó” đột xuất chỉ cần phải có khi đối diện với hiểm nguy, khi cận kề sự chết.

          Không. Tỉnh thức của Mùa vọng là chuyện của cả con người, của cả cuộc đời. Tỉnh thức không phải chỉ để một hai lần trong năm dọn mình xưng tội để mừng lễ trọng, hay để khi tới cơn hấp hối “dọn mình chết lành”. Tỉnh thức của Mùa Vọng hôm nay đó chính là “để sống cho ra sống”.

Sống một cách “tỉnh thức’ đó là không ngừng trang bị cho mình một đôi tai thính để biết lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe lẽ phải, lắng nghe lương tâm, lắng nghe Hội Thánh…

Sống tỉnh thức đó chính là luôn có đôi mắt sáng để nhận ra Chúa nơi anh chị em và thấy Chúa hiện diện trong mọi biến cố của đời thường.

Sống tỉnh thức là luôn trang bị cho mình một trí khôn minh mẩn để nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa, đâu là dấu chỉ của Ngài để thực thi các trung thành và can đảm.

Sống tỉnh thức là luôn có đôi tay mở rộng để phục vụ, đôi chân nhiệt thành loan báo tin Mừng, và trái tim nhạy cảm để yêu thương và biết nghiêng mình trên những thân phận khổ đau bất hạnh của đồng loại.

          Trong trích đoạn Tin mừng hôm nay, Thánh Mát-cô đã thuật lại một bài giáo lý của Đức Kitô mà nội dung cốt lỏi cũng chính là thể hiện niềm tin bằng lối sống luôn là “sắp sẳn, tỉnh táo như người đầy tớ đang đón đợi chủ về”. Đây không phải là chuyện dễ ợt, mà là một cuộc phấn đấu nhọc mệt, là cả một cuộc hành trình cam go và mạo hiểm, một cuộc sống khôn ngoan biết tiên liệu và tỉnh táo sắp sẳn cho dù “chủ trở về lúc chặp tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. (TM)

          Và nếu tích cực hơn nữa, theo đúng tinh thần của sứ điệp Tin Mừng, sự đợi chờ, tỉnh thức của Mùa Vọng chính là sự khao khát “cần Chúa” đến viếng thăm, khao khát được gặp gỡ Đức Kitô để đổi mới cuộc đời.

Tôi cần Ngài như dân ít-ra-en xưa, giữa một hoàn cảnh éo le và đầy tăm tối thất vọng của kiếp sống nô lệ, hậu quả của tội lỗi, bất trung và lệch xa Giao ước, đã khát khao sự can thiệp của Gia-vê Thiên Chúa bằng những lời cầu xin tha thiết : “Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan…Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con ; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài” (BĐ 1)”.

          Tôi cần Ngài như Giakê sẵn sàng leo lên cây sung đón đợi để nhìn cho được gương mặt chí thánh của thầy Giêsu để xin Ngài thương tình mà ngó ngàng đến thân phận tội lỗi xấu xa của một đời bon chen với bất công và tham lam dối trá.

          Tôi cần Ngài như những người phung cùi bị xã hội ném ra ngoài hoang mạc chỉ còn kéo lê cuộc đời trong đau thương thất vọng, những người mù lê lết ăn xin bên vệ đường, những tên bị quỷ ám sống cù bơ cù bất nơi những nghĩa trang hoang lạnh, những người đàn bà mất con như bà góa thành Naim, những người chị mất em như Matta Bêtania, những bệnh nhân tiền mất tật mang như người phụ nữ loạn huyết Canan, hay như maria Mađalêna, cả một đời buông trôi trong kiếp “gái giang hồ’…. Và Ngài đã đến cho kẻ què được đi, người mù được thấy, kẻ phung cùi được sạch, người chết sống lại và ai mang thân phận tội lỗi hoang đàng được hồi tâm trở về làm lại cuộc đời trong tin yêu ân sủng.

Tôi cần Ngài như người thu thuế đang thiết tha mong chờ “Chúa đến” bằng thái độ khiêm hạ đấm ngực ăn năn với lời nguyện cầu tha thiết “Lạy Chúa xin thương xót con vì con là người tội lỗi”.

Tôi cần Ngài khi tôi chẳng khác nào như những anh chàng ngư phủ xứ Galilê suốt cuộc đời chỉ biết con thuyền tấm lưới và kéo lê cuộc sống trong sự tầm thường, ích kỷ, nhỏ nhen thì Ngài đã đến gọi tôi để dẫn tôi dấn thân trên những nẽo đường lý tưởng, phục vụ tha nhân, loan báo Tin mừng.

Người ta sẽ không cần “Chúa đến”, không cần Chúa viếng thăm, Chúa thương xót khi tự hào mình đang có những “võ bọc an toàn”, những “tháp canh kiên cố”, những”kho lẫm” vững chắc đầy những công trạng, đạo đức, như kiểu người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện, không phải để trông chờ Chúa đến mà là để “dâng công bộ” vì bao công đức của mình, hay như người thanh niên giàu có đã xụ mặt quay đi bởi vì “anh ta có nhiều của cải”.

Và như thế, sống đức tin phải chăng là “dệt cho xong tấm khăn cuộc đời”, là sống một Mùa Vọng triền miên, một mùa của ắp đầy khát khao tin yêu và hy vọng ; bởi vì có khi nào mà chúng ta lại không cần Chúa Đến ! Mà thật sự Chúa “đang trở về” hôm nay, ở đây trong thánh lễ nầy, ở giữa cộng đoàn nầy. Chính vì thế, không phải chúng ta hát mà là thực sự sống chính cái ý nghĩa của lời ca Nhập Lễ vừa vang lên lúc khởi đầu : “Con vươn linh hồn lên tới Chúa”.  Amen.

Related posts