Chuyện tình Tôma và Lòng Thương Xót Chúa
Sau khi Thầy mình bị người ta giết chết, các môn đệ rất sợ hãi nên vào trong phòng đóng kín cửa lại, chốt cửa rất cẩn thận vì sợ người Do Thái. Họ mới giết Thầy mình, bây giờ không khéo họ lại xơi tái mình luôn!
Giữa lúc tâm trạng đang hoang mang, giao động, sợ hãi như vậy các môn đệ cần điều gì nhất? Thưa sự bình an. Bình an cả trong lẫn ngoài. Chúa Giêsu hiểu thấu tâm trạng này của các đồ đệ, nên quyết định hiện đến với các ông, đứng giữa phòng kín và nói ngay câu đầu tiên: “Bình an cho anh em”. Họ ngơ ngác không hiểu Chúa Giêsu vào bằng cách nào: Bẻ khoá? Chui kẽ hở? Dỡ mái nhà?! Lạ quá nhỉ. Một sự bất ngờ đáng hoài nghi nhưng cũng đầy sửng sốt mà không một vị tông đồ nào dám nói câu gì. Chúa Giêsu tiếp tục làm công việc thứ hai là cho các ông xem tay và cạnh sườn vẫn còn vết thương để đừng ai hồ nghi, ngờ vực gì nữa. Không ai ý kiến gì cả. Chúa Giêsu tiếp tục làm công việc thứ ba: nói lại câu “bình an cho anh em” và trao cho họ lệnh truyền sai họ đi làm chứng cho Chúa. Không ai ý kiến gì cả. Im lặng là đồng ý. Chúa Giêsu tiếp tục làm công việc cuối cùng: thổi hơi vào các ông và trao ban Chúa Thánh Thần, trao quyền tha tội cho các ông. Ôi sao mà sướng thế! Suốt từ nãy đến giờ có khoảng vài phút thôi mà Thầy cho nhiều thứ thế. Quả là Thầy mình quá rộng rãi, dễ tính!
Sự việc xảy ra đang ngon trớn, êm xuôi giữa thầy và trò thì xảy ra sự trục trặc cắt ngang, đó là sự xuất hiện của vị thánh Tông đồ Tôma. Có ông này một cái là rắc rối ngay những lại rất hay.
Các tông đồ kia kể cho Tôma: Chúng tôi được nhìn thấy Chúa rồi đấy nhá. Tiếc cho mỗi mình ông thôi. Lúc ấy ông đi đâu mà không về gặp Thầy. Thiệt thòi cho ông quá! Tôma tức lên: Này các ông đừng ăn nói linh tinh! Còn lâu tôi mới tin chuyện các ông kể. Nếu như đôi mắt này không thấy dấu đinh ở tay chân Thầy; nếu như bàn tay này mà không trực tiếp xỏ vào lỗ đinh, thọc vào cạnh sườn Thầy, thì còn lâu tôi mới tin! Giêsu lạy Chúa tôi! Sao cái ông Tôma này ăn nói vớ vẩn, ngạo mạn thế nhỉ!
Chúa mà nghe thấy thì ông toi đời! Chúa Giêsu nghe thấy thật. Đúng mt tuần sau, y như lần trước, Chúa Giêsu lại hiện đến, đứng giữa phòng đóng kín, tấn công Tôma luôn: Này, Tôma, đến đây thầy bảo, đưa tay đây, đặt vào lỗ đinh ngay,… từ nay đừng cứng lòng nữa nhé và phải vững lòng tin. Ông khiếp quá: “Lạy Chúa tôi! Từ nay con chỉ có tin… trở lên thôi. Chuyện quá sức tưởng tượng. Con không dám hoài nghi, không dám nói linh tinh lang tang nữa đâu”! Các Tông đồ ngơ ngác nhìn nhau, chỉ chỏ vào Tôma: Đấy, đấy! Chết chưa! Đã nói mà không chịu nghe. Bây giờ mở mắt ra nhé! (từ ngữ ở đây có ý diễn tả thêm cho vui, dễ hiểu).
Chúng ta thường gán cho Tôma là người cứng lòng tin, “thẳng như ruột ngựa”, con người của sự thách thức, yếu kém về đức tin… Ông thuộc loại đa nghi, không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác. “Bá nhân bá tính” mà. Ong là người có tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin. Ông nghi ngờ những chuyện thần tiên; không tin những gì có vẻ hoang đường do người khác kể lại nhỡ ra không có thật thì sao? Cũng có phần đúng. Nhưng nên nhớ, Phúc Âm đã thuật lại: Khi mấy người phụ nữ báo tin cho các môn đệ: Chúa đã sống lại rồi, các ông cũng hoài nghi. Rồi, “khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17). Huống chi Tôma chưa được nhìn thấy, mà chỉ nghe 10 ông kia kể lại, ông phải hoài nghi là đúng rồi. Quả vậy, Thánh Tôma để lại cho chúng ta kinh nghiệm sống đức tin hôm nay.
Đây phải chăng là thái độ khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi Tôma. “Có thể nói Tôma Tông đồ nếu không phải là thánh tổ của các nhà khoa học thì cũng là vị thánh có tinh thần khoa học, có óc thực tiễn. Trước khi tin, ông phải nghi ngờ đã. Ông chỉ tin những điều hợp lý, những gì thấy được, sờ được”. Đây không phải là thái độ cố chấp của Tôma mà ngược lại là thái độ không nhẹ dạ, không cả tin vội vã bằng tai nghe. Đó là lối phân tích theo nhận định tự nhiên của con người và cũng là kinh nghiệm sống đức tin của nhiều người chúng ta.
Dù sao, đây cũng là một khó khăn riêng tư của Tôma trong việc tin vào Chúa sống lại. Chúa Giêsu hiểu ông, nên đã đích thân đến và giúp cho ông dễ dàng hơn để tin vào Chúa. Ngài mời gọi ông hãy tin vững vàng. Và ông đã nói lên lời tuyên xưng đức tin thật đẹp đẽ, thật quan trọng “lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”.
Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ban cho Tôma sự bình an và đức tin mạnh mẽ qua sự hoài nghi, để ông tuyên xưng đức tin cá nhân của mình: “Lạy Thiên Chúa của con”. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Tôma đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Theo lưu truyền, ông đi rao giảng đức tin và lòng thương xót của Chúa ở Ba Tư, Xyri rồi chịu tử đạo ở Ấn Độ.
Thần học gia Hans Kung nói: “Người tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi”. Nhà thần học Paul Tillich nói: “Sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin. Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh”. Còn Thomas Merton thì lại bảo: “Người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin”. Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy.
Như tin vào cha mẹ, thầy cô, những người có thế giá; tin vào tình yêu và lòng tốt của người khác dù họ chưa làm gì cho ta; tin vào lời hứa trong tương lai dù chưa thấy kết quả trước mắt. Phải chăng đấy là những dấu hiệu của đức tin và niềm hy vọng. Phải chăng vì thế mà cuộc sống của ta được bình an và phấn khởi.
Đức tin cũng vậy là một sự bấp bênh, có thể bị lừa. Khủng hoảng đức tin là khủng hoảng lớn nhất. Nhưng sự hoài nghi giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin, thúc đẩy ta thắc mắc, tìm hiểu, học hỏi, cầu nguyện, nghiên cứu sách vở…
Mỗi người Kitô hữu hôm nay không mong đợi những dấu chỉ mà Chúa Giêsu đã tỏ mình cho Tôma: được nhìn thấy bằng mắt, đụng chạm bằng tay, nghe thấy bằng tai, và cảm nhận sự hiện diện của Chúa bằng chính giác quan của mình. Nhưng Chúa lại bảo: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Như thế, ngoài Tám Mối Phúc Thật ra, đây là Mối Phúc thứ chín. Không thấy mà tin không có nghĩa là tin một cách mù quáng, vu vơ, không có cơ sở, không có lập trường mà là đức tin vững mạnh hơn, truởng thành hơn.
Trong đời sống thiêng liêng còn đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt và tình táo hơn để nhận ra những dấu chỉ mà Chúa vẫn dọn sẵn để mời gọi chúng ta vững tin. Như là dấu chỉ của bánh rượu trên bàn thờ mà chính Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện để nuôi sống chúng ta. Dấu chỉ của Lời Chúa trong Kinh Thánh mà chính Chúa đang tỏ mình cho ta. Dấu chỉ của những việc bác ái yêu thương nơi anh chị em đồng loại đang hiện diện khắp đó đây là bằng chứng sự hiện diện của Thiên Chúa; vì ở đâu có tình yêu thương thì ở đấy có Đức Chúa Trời. Dấu chỉ của đời sống cầu nguyện là môi trừơng thuận lợi để gặp gỡ Chúa.
Nhưng dù chúng ta vẫn tin vào những dấu chỉ ấy thì chắc chắn không thể tránh khỏi đôi lần nghi ngờ như Tôma. Cho nên, ông Jean Guitton, một nhà triết học người Pháp, nói: “Chính vì nghi ngờ thường trực mà tôi lại có thể tin vững”. Người Kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà chúng ta sống bằng lòng mến. Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc. Càng tin vững thì càng bình an. Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến. Thánh Tôma Aquinô đã cầu nguyện: “Chúa ơi, con không xin đựơc xem thương tích Chúa như ông Tôma Tông đồ, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con. Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông vào Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa”. Lời cầu nguyện ấy cũng phải là tâm tình xác tín của chúng ta hôm nay để vực dậy đức tin cho mình và người thân giữa một thế giới đầy dẫy những dấu hiệu, hình ảnh, những lời mời gọi khác nhau. Thế nhưng, bất cứ ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu trong những cái tầm thường để có khả năng chứng mình về tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
Khi gặp sự rủi ro, thất bại, đau thương, sống trong bầu khí ngột ngạt của cộng đoàn hay làng xóm gia đình, chúng ta mới thấy cần ơn bình an và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa. Chúa Nhật II Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. ĐTC Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua Thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại duơng hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699). Dù mới thiết lập năm 2000, nhưng phong trào phổ biến Lòng Thương Xót Chúa thật lạ lùng.
Lòng Thương Xót của Chúa được diễn tả qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thập giá. Lòng thương xót ấy vẫn còn để lại dấu vết trên thân thể Chúa, kể cả sau khi Chúa đã sống lại sáng láng vinh hiển. Vì thế, việc đầu tiên khi hiện ra với các môn đệ, sau khi trao sự bình an, là cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, khiến các ông vui mừng và bình an.
Lòng thương xót Chúa đối với con người trước và sau phục sinh không thay đổi, vì Chúa Giêsu vẫn là một để cho người ta nhận ra Ngài. Vết thương diễn tả lòng thương yêu của Chúa với con người không thay đổi. Ngài còn khoe và cho phép Tôma lấy tay kiểm tra vết thương. Nghĩa là Chúa không che giấu, không tiếc xót dù Tôma có cứng lòng, đòi thực tế phải thấy mới tin.
Hằng ngày chúng ta vẫn được hưởng sự bình an và lòng thương xót của Chúa qua giáo hội khi chúng ta nghe Chúa dạy, lãnh các bí tích nhất là Thánh lễ và Bí tích Hoà Giải. Nghĩa là Chúa đã trao cho chúng ta trách nhiệm như Tôma và các môn đệ xưa: hãy đi loan báo và làm chứng về sự bình an và lòng thương xót Chúa cho người khác.
Thế giới, xã hội còn đầy bất công, bạo hành, sự bất an, chúng ta hãy đem sự bình an của Chúa Phục Sinh cho họ, đặt cơ sở niềm tin cho người ta. Người Kitô hữu là sứ giả sự bình an sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, hiểu lầm, chống đối để bảo vệ niềm tin của mình. Thế giới, xã hội còn đầy vết thương do sự hận thù, tranh chấp, xáo trộn, chúng ta hãy đem lòng thương xót Chúa đến cho họ để chữa lành nỗi đau khổ thể xác và tinh thần giúp người ta tiếp tục sống và vươn lên. Đó chính là những sứ điệp và trách nhiệm Chúa gửi cho chúng ta trong Mùa Phục Sinh.
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn