Điện thoại : Vĩ khí giết người thầm lặng

Thứ tư - 24/01/2024 23:56 374 0
 
ĐIỆN THOẠI : VŨ KHÍ GIẾT NGƯỜI THẦM LẶNG
           
Thi thoảng hay có thể nói là chú bé hàng xóm thường xuyên ghé vào chơi với Cha già. Thế nhưng dài ngày không thấy. Tìm hiểu thì ra là mẹ của chú bé vừa mua cho chú cái ... điện thoại.

           
Từ ngày “ôm” điện thoại thì chú mất dạng. Sau khi có điện thoại thì cũng ra vào lui tới nhưng đến giờ thì biệt tăm. Vắng chú cũng nhớ nhớ nhưng biết sao giờ khi vì cái điện thoại mà chú không nỡ lìa xa nó và suốt cả ngày “ôm” điện thoại.

           
Tiếc và buồn thay cho người mẹ. Kinh nghiệm giết chết người anh còn đó. Sau khi mua điện thoại, anh của chú em này ôm điện thoại cho đến nỗi là không quan tâm đến ai. Ai chào hỏi khi đến nhà thì mặc kệ. Nể nhất là sức khỏe của chú này. Chú có thể thức thâu đêm suốt sáng với cái điện thoại.

           
Người anh như rơi vào trầm cảm vì chỉ biết cái điện thoại còn ngoài ra không biết ai. Giờ đến lượt người em cũng thế. Người em dõi gót theo anh là không xa cái điện thoại thời khắc nào.

           
Mê điện thoại hay cày game ngày đêm có lẽ chả phải là chuyện của hai anh em này. Chuyện mê điện thoại và cày game bất kể thơi gian cũng rơi vào một số trường hợp. Có trường hợp không ở với nhau được và phải ly dị vì lý do : chồng con mê game !

           
Chiếc điện thoại cũng như máy tính có thể nói là sát thủ thầm lặng trong cuộc sống. Nhiều và nhiều người bị điện thoại hay máy tính giết hại mình. Chả phải họ không biết nhưng rồi vì quá đam mê để rồi người ta không tài nào bỏ được. Có trường hợp tử vong vì bỏ ăn bỏ ngủ mà cày game.

           
Chiếc điện thoại hay máy tính là công cụ giúp người ta hòa nhập với cuộc sống hiện đại, có thể giúp người ta tốt hơn trong công việc nhưng rồi nó lại là vũ khí giết người. Nếu ai nào đó không làm chủ bản thân của mình thì dần dần sẽ bị điện thoại giết mình lúc nào không biết.

           
Thật vậy, khi tiếp xúc với hai anh em người nghiện điện thoại này thì dễ thấy hành vi của hai anh em. Người lúc nào cũng ngơ ngơ không tỉnh táo. Họ rơi vào tình trạng như thế vì tâm trí dán vào điện thoại và có cái hay là không quan tâm đến ai hết.

           
Tôi tự hỏi người như thế thì sẽ sống như thế nào và tìm cách gì để kiếm sống ? Dĩ nhiên với những người như thế thì đâu có thể làm việc được và nếu có làm thì cũng không tập trung. Và rồi họ cứ sống bám vào gia đình và bám cha bám mẹ. Gia đình nào có con như thế chắc có lẽ hiểu được và đau đến chừng nào.

           
Trước đây, 2 cháu trong nhà cũng coi như là nghiện game. Nhỏ tuổi ham game đến độ anh rủ em, em rủ anh trốn Lễ để chơi game. Tình cờ phát hiện được, tôi đầu tư luôn cái máy game ở nhà để cho chơi. Chơi ở nhà sẽ giải quyết được rất nhiều chuyện. Trước là không trốn Lễ, sau là không phải tìm tiền bằng mọi giá. Ban đầu có thể nhịn ăn sáng nhưng khi quá nghiện sẽ dẫn đến chuyện trộm cắp và bao nhiêu chuyện đàng sau lưng đó nữa. Thứ đến là chơi ở nhà thì gia đình kiểm tra được giờ giấc. Chẳng hạn chỉ chơi vào cuối tuần hay chơi đến 9 giờ là tắt máy.

           
Chiêu này tôi học từ Mẹ tôi. Mẹ tôi có cái “tật”. Thấy con thèm ăn uống cái gì là cho con ăn cho bằng đủ và đầy để con không còn cảm giác thèm nữa. Mẹ tôi biết nếu cứ để con thèm sẽ sinh ra những chuyện không hay nên Bà dùng phương pháp thế.

           
Quả thật, khi đã đủ rồi thì tôi chả còn thèm món gì nữa. Có cho cũng không muốn ăn vì ngán.

           
Áp dụng bài này cho chuyện chơi game của 2 nhóc. Phương pháp này thành công. Đến một lúc nào đó chúng nhận ra trách nhiệm học hành và gánh vác đời mình để rồi chúng không dính vào game nữa.

           
Nói như thế chứ cũng tùy người và tùy nhận định. Có người cứ mãi dính vào game và điện thoại để không thoát mình ra khỏi những điều đó. Tốt hơn cả là phụ huynh cần có cách nào đó tốt nhất để huấn luyện con cái của mình về chuyện sử dụng điện thoại.

           
Nói về tác hại của điện thoại nên chăng cũng nói chút chút về tác hại với nhà tu. Có cách nào đó hướng dẫn lương tâm hơn là luật dành cho đời tu.

           
Có những nơi áp dụng là cứ đến giờ nào đó là nạp điện thoại cho bề trên. Cách này xem chừng ra không ổn. Nếu áp dụng cách này thì sẽ sinh ra chuyện không hay là người tu sẽ có 2 cái. 1 cái là cứ đúng giờ bỏ hộc bàn của bề trên còn 1 cái thì vô tư sử dụng.

           
Tiền túi hàng tháng chỉ có nhiêu đó thôi nhưng nếu giấu diếm để xài 2 cái thì số tiền nạp cho nó tăng lên gấp đôi. Từ chuyện gian dối nhỏ nó sẽ lan sang chuyện gian dối khác là chi tiêu cho điện thoại. Cái nộp cho bề trên là cái cùi bắp và cái để đầu nằm có khi là Pro Max 15 !

           
Nếu cứ cứng ngắt như thế làm cho người ta đi sâu vào chuyện gian dối. Có chăng là huấn luyện lương tâm của con người chứ không hà cứ gì là luật và luật. Cũng đừng quên rằng thì là luật nó sẽ giết chết con người chứ luật không làm cho con người sống. Kinh nghiệm về chuyện này trong cuộc sống có lẽ nhiều người đã biết.

           
Điện thoại hay các thiết bị điện tử nó sẽ là công cụ cho ta làm việc hay là vũ khí sát hại chúng ta là do cách nhìn nhận, cách sử dụng cũng như lương tâm của mỗi người. Bảo là cấm ngặt cái điện thoại có lẽ e rằng khó. Có chăng là huấn luyện về việc lợi hại khi sử dụng chúng hay lương tâm đối với chúng.

           
 Có một nhóm nhỏ hay vào chơi với cha già này. Có gì cho chúng cái đó. Hỏi thăm sao xóm này có hơn chục đứa thì được biết là nhóm này là nhóm gia đình không cho chơi điện thoại. Những đứa có điện thoại nó chả vào đây đâu !

           
Câu trả lời cho thắc mắc nghe sao mà nó đắng. Chỉ mới cấp I thôi mà có những gia đình cưng con đến độ cấp cho chúng cái điện thoại để chơi.

           
Lần nọ, chờ kết quả thử máu ở bệnh viện, vào căn
tin của bệnh viện kiếm chút gì đó lót lòng. Thật lạ khi đứa bé tầm 2  tuổi hơn một chút ôm cái điện thoại một cách say sưa. Mắt con bé cứ dán vào màn hình điện thoại mặc dù mẹ ép bé ăn. Nhìn cảnh tượng này thấy cũng khó nói. Và cũng chả phải chỉ mình đứa bé này nhưng ngày nay nhiều người làm cha làm mẹ tự tay đưa cho con mình vũ khí sát hại quá sớm. Buồn thay là có người còn khoe răng : “Nhìn nó vậy chứ các tính năng trong điện thoại là nó biết hết ! Nó còn sành hơn con nữa cha ơi !”.

           
Nhiều cách giỗ con nhưng cách sát hại con nhanh nhất đó là cái điện thoại. Nếu như mình không đưa cho chúng cũng như không cho chúng sử dụng thì làm gì nhau. Có cha mẹ sợ con đến độ chỉ cần nó ré lên một cái thôi là đưa ngay cái điện thoại.

           
Nghe sao mà đau quá ! Mới dăm ba tuổi mà cứ “ôm” cái điện thoại thì lớn lên học hành sẽ ra sao và sẽ làm được gì.

           
Bi đát là có những người lớn, đi làm thu nhập chả đâu vào đâu nhưng hễ cái điện thoại nào mớ ra là lo đi trả góp mà có nó. Cứ như thế suốt đời cú mang nợ vì chạy theo cái điện thoại để làm sao cho bằng chị bằng em.

           
Nhiều người nghĩ rằng cho con xài điện thoại đâu có sao đâu. Nhà nào cũng vậy mà ! Cha mẹ nào cũng thế mà !

           
Thôi thì tự do suy nghĩ và tự do lựa chọn trong cuộc sống. Đến một lúc nào đó con mình cứ ngơ ngơ hay không còn khả năng để giao tiếp, học tập và tự mưu sinh thì sẽ hiểu.



 

Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây