Mọi người ở Ba Lan đều biết rõ về sơ Małgorzata Chmielewska, người thường được gọi là "Mẹ Têrêsa của Ba Lan". Sơ cùng với cộng đồng Chleb Zycia (Bánh Sự sống) điều hành mười một ngôi nhà, nơi ngày nay tiếp đón ba trăm người vô gia cư.
Đây là một ơn gọi nảy sinh từ cuộc gặp gỡ cá nhân của sơ Małgorzata với Chúa Kitô cách đây ba mươi năm, sau đó là nhiều nỗ lực để thực hành những gì sơ hiểu được từ Tin Mừng. Khi đó, sơ phát hiện ra rằng một số điều được nói một cách rất đơn giản: "Ta đói và các ngươi đã cho Ta ăn ...". Và rồi, vào một ngày năm 1988, sơ gặp những người vô gia cư đang ngủ trong nhà thờ. Sơ biết được rằng vào cuối Thánh lễ cuối cùng, họ đã bị đuổi đi
Sơ chia sẻ: “Tôi thường nhớ đến một người bạn; khi nhìn thấy họ, người bạn này đã nói với tôi: ‘Chúng ta trở về nhà sẽ thấy giường của chúng ta ấm áp đẹp đẽ, còn những người này thì đi tới thùng rác và cống rãnh.’”
Những câu nói này khiến sơ Małgorzata có ý tưởng làm cho họ "một điều gì đó cụ thể, một cái gì đó tuyệt vời". Và không có gì đáng ngạc nhiên khi sơ cũng hành động theo cách tương tự khi thấy cuộc chiến ở Ucraina bùng nổ vào ngày 24/2: ngay lập tức sơ quyết định chào đón những người tị nạn Ucraina.
Sơ không thể tin được rằng cuộc chiến Ucraina đã xảy ra. Sơ đã hy vọng rằng Vladimir Putin sẽ không đi xa đến vậy, ngay cả khi trực giác của sơ đồng thời mách bảo sơ rằng hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất ...
Cách đây không lâu, cộng đoàn của sơ Małgorzata đã quyết định đóng cửa một trong những ngôi nhà đón tiếp người vô gia cư, và may mắn là họ chưa trả lại chìa khóa tòa nhà cho Thành phố. Sơ giải thích rằng có lẽ sơ nghĩ rằng dù thế nào thì sơ cũng sẽ cần nó. Và đúng thật như thế! Hiện tại cộng đoàn của sơ dùng ngôi nhà này cho những người tị nạn Ucraina. Hai mươi gia đình có thể định cư ở đó. Trong những ngôi nhà khác của cộng đoàn của sơ đã đón tiếp một số người tị nạn. Hầu hết người tị nạn là các bà mẹ và con cái, đi cùng với mẹ hoặc mẹ chồng.
Sơ cho biết những người mẹ người bà này đều bị chấn thương tâm lý. Khi họ đến gặp sơ, luôn có một người khóc. Đôi khi tất cả cùng khóc. Sơ giải thích thêm: “Mỗi người đều có chồng, con trai hoặc cháu trai trong quân đội. Chúng tôi làm mọi cách để hỗ trợ họ, an ủi họ, nhưng làm thế nào bạn có thể an ủi một người phụ nữ biết rằng mình có thể nhận được tin tức về cái chết của chồng, con trai hoặc cháu trai của mình bất cứ lúc nào?”
Từ khi chiến tranh bùng nổ, người ta có thể nhận thấy sự thúc đẩy liên đới thực sự của người Ba Lan đối với người Ucraina. Theo sơ Małgorzata, “Đó là một lực đẩy của trái tim, hoàn toàn tự phát và tuyệt vời, hướng tới những người đang rất thiếu thốn. Cuộc chiến này không còn là cuộc chiến ở Syria mà chúng ta đã thấy trên tivi nữa: nó diễn ra ngay dưới mắt chúng ta, ngay bên cạnh chúng ta. Nó có thể nhìn thấy và nó có thể sờ thấy được. Làm sao có thể không giúp đỡ?”
Sức mạnh liên đới này không chỉ mang chiều kích nhân đạo xã hội mà còn có chiều kích thiêng liêng. Sơ Małgorzata nhận định: “Mọi cử chỉ đối với người gặp hoạn nạn đều là cử chỉ đến từ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Cho dù những người giúp đỡ có nhận ra điều đó hay không, thì cử chỉ của họ đến từ Thiên Chúa. Các giáo xứ, các dòng tu, các hiệp hội Công giáo làm việc ngày đêm để giúp đỡ những người tị nạn. Các tu viện nam cũng như nữ đều đã mở cửa. Một điều gì đó phi thường xảy ra, chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái. Không chỉ giúp đỡ cụ thể những người gặp khó khăn, mà còn là một sự biến đổi thiêng liêng: đó là một cái nhìn mới, vượt ra ngoài ‘tháp chuông’. Tôi chắc chắn về điều này. Đó là một sự thức tỉnh tuyệt vời và cởi mở với nhu cầu của người khác.”
Làm việc, căng thẳng, mệt mỏi... nhưng sơ Małgorzata kín múc sức mạnh thiêng liêng bằng việc cố gắng ở với Chúa Ki-tô từ sáng đến tối. Sơ chia sẻ: “Và khi tôi ngủ, tôi biết rằng Người đang dõi nhìn tôi.” Về thể lý, sơ cố gắng cho mình những giây phút nghỉ ngơi, thỉnh thoảng buông tay. Sơ chia sẻ rằng có những tình huống khó khăn khủng khiếp. Để giữ vững, chúng ta phải chăm sóc bản thân: ngủ, ăn và sau đó hành động. Sơ nói: “Chúng tôi có hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày, hàng trăm việc cần phối hợp, hàng trăm vấn đề cần giải quyết. Để đối phó với nó, điều cần thiết là phải duy trì sự bình tĩnh nội tâm.”
Cuối cùng, để không bị choáng ngợp bởi nỗi sợ hãi, tức giận hay tuyệt vọng, sơ Małgorzat nói: “Tôi nghĩ chìa khóa nằm ở sự cầu nguyện: khi tôi có vài phút, tôi cầu nguyện cho hòa bình. Và tôi cố gắng sống với Chúa Ki-tô với ý thức rằng chính Người là Đấng sai tôi đến. Công việc của tôi chỉ là sẵn sàng phục vụ.” (Aleteia 15/03/2022)
Tác giả bài viết: Hồng Thủy - Vatican News
Nguồn tin: https://www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc