Tại sao tôi không cảm thấy muốn cầu nguyện?

Thứ năm - 07/11/2024 19:17 70 0

 

Tại sao tôi không cảm thấy muốn cầu nguyện?
 

Trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày 6 tháng 11 năm 2024, tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã suy tư về vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện của người tín hữu. Ngài nhấn mạnh rằng, khi cầu nguyện, chúng ta không bao giờ đơn độc. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta cầu nguyện, dẫn dắt chúng ta trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Ngài cũng giải thích rằng : “Chúa Thánh Thần vừa là chủ thể vừa là đối tượng của việc cầu nguyện Kitô giáo. Ngài là Đấng ban cho chúng ta khả năng cầu nguyện và cũng là Đấng được nhận qua cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện để nhận được Chúa Thánh Thần, và chúng ta nhận được Chúa Thánh Thần để có thể cầu nguyện một cách thật sự, tức là cầu nguyện như con cái của Thiên Chúa, không phải như những nô lệ”.

Ngài nói tiếp: “Cầu nguyện là tự do. Bạn cầu nguyện khi Chúa Thánh Thần giúp bạn cầu nguyện. Bạn cầu nguyện khi bạn cảm nhận trong trái tim mình nhu cầu cầu nguyện; và khi không cảm thấy gì cả, hãy dừng lại và tự hỏi: tại sao tôi không cảm thấy muốn cầu nguyện, chuyện gì đang xảy ra trong cuộc đời tôi?”.

Chúng ta phải cầu nguyện để nhận được Chúa Thánh Thần. Vì “nếu các ngươi là những kẻ xấu mà biết cho con cái mình những điều tốt, huống chi Cha của các ngươi ở trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Ngài!" (Lc 11,13). Thánh Phaolô thì khẳng định: "Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8,26-27).

Đúng vậy, chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho đúng. Chúng ta phải học mỗi ngày. Và Chúa Thánh Thần đến, để giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta.

Phải cầu nguyện như thế nào. 

“Cầu nguyện Kitô giáo không phải là từ đầu dây điện thoại bên này con người nói chuyện với Thiên Chúa ở đầu dây kia, không, mà là Thiên Chúa cầu nguyện trong chúng ta! Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa nhờ Thiên Chúa. Cầu nguyện là đặt mình vào trong Thiên Chúa và để Thiên Chúa vào trong chúng ta”. Chính trong cầu nguyện mà Chúa Thánh Thần tỏ mình ra như là “Paraclito”, nghĩa là Đấng bào chữa và người bảo vệ. Ngài không buộc tội chúng ta trước mặt Chúa Cha, mà Ngài bênh vực chúng ta. Ngài bênh vực chúng ta, thuyết phục chúng ta rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi. Ngài giúp chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng tha thứ và Ngài không hủy diệt chúng ta vì tội lỗi. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng dù chúng ta là tội nhân, Thiên Chúa lớn hơn mọi tội lỗi và Ngài luôn tha thứ trước khi chúng ta có thể hoàn tất lời xin tha thứ. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta vượt qua cảm giác tội lỗi và dẫn chúng ta đến niềm vui của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần cầu thay cho chúng ta và Ngài cũng dạy chúng ta cầu thay cho người khác: cầu nguyện cho người này, cho bệnh nhân kia, cho người đang bị cầm tù,... cho cả mẹ chồng! thậm chí là người mà chúng ta không ưa thích và cầu nguyện luôn luôn. Cầu nguyện như vậy rất được Thiên Chúa yêu mến vì đó là một hình thức cầu nguyện vô vị lợi, không có động cơ ích kỷ.

Cuối cùng Đức Thánh cha khuyên các tín hữu “đừng cầu nguyện như con vẹt”. Đừng nói “bla, bla, bla… tức là lời nói không xuất phát từ con tim, mà phải cầu nguyện với sự cảm nhận thực sự, nói lên sự khao khát “Xin Chúa giúp con”, “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”. Đây là một nhiệm vụ quý giá và cần thiết trong Giáo hội, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị cho Năm Thánh, khi chúng ta hợp nhất với Chúa Thánh Thần (Paraclito), Đấng cầu thay cho tất cả chúng ta theo ý muốn của Thiên Chúa.

 

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng

Nguồn tin: https://www.hoangcatholic.com

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây