Niềm vui mà Chúa Giêsu để lại trong tâm hồn không phải là niềm vui pha nước.
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
2022-01-16T20:35:56-05:00
2022-01-16T20:35:56-05:00
https://hoidongmtgquinhon.org/giao-hoi/niem-vui-ma-chua-giesu-de-lai-trong-tam-hon-khong-phai-la-niem-vui-pha-nuoc-929.html
https://tonggiaophanhanoi.org/wp-content/uploads/2020/03/17641_phep_lanh_Urbi_et_Orbi.jpeg
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
Thiên Chúa muốn điều tốt cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta hạnh phúc. Đây là khẳng định của ĐTC Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, trong khi quảng diễn bài Tin mừng Chúa nhật II thường niên: Tiệc cưới tại Cana. Cuối cùng ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người luôn biết nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa thực hiện trong đời sống của mình.
Anh chị em thân mến!
Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay thuật lại diễn biến tiệc cưới Cana, nơi Chúa Giêsu biến nước thành rượu đem lại niềm vui cho đôi vợ chồng. Tin mừng kết thúc: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Anh chị em lưu ý rằng thánh sử Gioan không nói về phép lạ, tức về một sự kiện mạnh mẽ, phi thường làm nên điều kỳ diệu. Thánh Gioan viết rằng một “dấu lạ” đã xảy ra ở Cana làm sống lại niềm tin của các môn đệ. Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi: dấu lạ là gì theo Tin mừng?
Dấu lạ là một dấu chỉ mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, vốn không kêu gọi sự chú ý về sức mạnh của hành động mà về tình yêu đã làm nên nó. Điều đó dạy cho chúng ta biết rằng tình yêu của Thiên Chúa thì luôn luôn gần gũi, dịu dàng và thương xót. Dấu chỉ đầu tiên xảy ra khi đôi vợ chồng gặp khó khăn trong ngày trọng đại của cuộc đời họ. Giữa bữa tiệc thiếu một thứ gì đó cơ bản, rượu, và cuộc vui có nguy cơ bị dập tắt giữa những lời chỉ trích và không hài lòng của thực khách. Anh chị em nghĩ xem, làm sao có thể tiếp tục tiệc cưới với nước không thôi! Thật khủng khiếp, nó gây ấn tượng xấu cho cô dâu chú rể!
Chính Đức Mẹ đã nhận ra được vấn đề và kín đáo báo hiệu cho Chúa Giêsu. Và Ngài đã can thiệp cách lặng lẽ, hầu như không để ai thấy. Mọi việc diễn ra trong ý tứ, ở “hậu trường”: Chúa Giêsu nói với những người phục vụ đổ đầy nước vào các chum để từ đó nước thành rượu. Thiên Chúa hành động như vậy đó, với sự gần gũi, kín đáo. Các môn đệ của Chúa Giêsu hiểu được điều này: họ thấy rằng nhờ ơn Chúa mà bữa tiệc cưới càng trở nên tuyệt vời hơn. Họ cũng thấy cách Chúa Giêsu hành động, Ngài phục vụ trong sự kín đáo – Chúa Giêsu là vậy đó: Ngài nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta trong sự kín đáo, trong thời khắc đó – đến nỗi những lời khen vì rượu ngon đến tai chú rể, không ai nhận ra ngoại trừ những người phục vụ. Như vậy, hạt mầm đức tin bắt đầu lớn lên trong họ, tức là họ tin rằng Thiên Chúa và tình yêu của Ngài hiện diện nơi Chúa Giêsu.
Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng dấu lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện không phải là một sự chữa lành phi thường hay một một điều kỳ diệu trong đền thờ Giêrusalem, mà là một cử chỉ đáp ứng cho một nhu cầu đơn giản và cụ thể của dân chúng, một cử chỉ gia đình, một phép lạ, chúng ta gọi là “kiễng chân”, kín đáo, yên lặng. Chúa Giêsu sẵn sàng giúp đỡ chúng ta và nâng chúng ta lên. Và sau đó, nếu chúng ta chú ý đến các “dấu lạ” này, chúng ta sẽ bị tình yêu của Chúa chinh phục và chúng ta sẽ trở thành môn đệ của Ngài.
Nhưng có một đặc điểm khác về dấu lạ ở Cana. Rượu được tiếp vào cuối buổi tiệc thường là rượu kém ngon; thời nay người ta cũng làm như vậy, lúc đó thực khách không phân biệt đâu là rượu ngon và đâu là rượu pha nước. Trái lại, Chúa Giêsu làm cho bữa tiệc thành công mĩ mãn với rượu ngon. Biểu tượng này nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn điều tốt cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta hạnh phúc. Ngài không đặt ra những giới hạn và không yêu cầu chúng ta về những quyền lợi. Trong dấu lạ của Chúa Giêsu không có chỗ cho những động cơ hay cho những yêu sách đối với đôi vợ chồng. Không, niềm vui mà Chúa Giêsu để lại trong tâm hồn đó là một niềm vui viên mãn và vô vị lợi, không phải là niềm vui pha nước.
Vì vậy, tôi đề xuất một bài tập có thể giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Hôm nay anh chị em hãy thử lục lại giữa những ký ức để tìm kiếm những dấu chỉ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mình. Mỗi người hãy tự hỏi: đâu là những dấu lạ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời tôi? Đâu là những dấu hiệu về sự hiện diện của Ngài. Những dấu lạ Chúa đã thực hiện hầu cho chúng ta biết rằng Ngài yêu thương chúng ta; anh chị em hãy nghĩ đến những lúc khó khăn mà qua đó Thiên Chúa đã làm cho mình cảm nghiệm được tình yêu của Ngài… Chúng ta hãy tự hỏi: bằng những dấu lạ nào, kín đáo và ân cần, Chúa đã cho tôi cảm nhận được sự dịu dàng và lòng từ bi của Ngài? Mỗi một người chúng ta trong lịch sử của mình đều đã trải qua những khoảnh khắc này. Anh chị em cố gắng tìm lại những dấu lạ đó, hãy ghi nhớ. Tôi đã khám phá ra sự gần gũi của mình như thế nào? Tôi đã tôi duy trì niềm vui rạng rỡ trong lòng mình như thế nào?
Chúng ta hãy hồi tưởng lại những khoảnh khắc mà chúng ta đã trải nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Và nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, như tại Cana, Mẹ luôn là người quan tâm, xin mẹ giúp chúng ta biết trân quý những dấu lạ của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.
Sau Kinh Truyền tin, ĐTC nói:
Anh chị em thân mến!
Tôi muốn tỏ bày sự gần gũi của tôi với những người bị ảnh hưởng bởi mưa bão và lũ lụt ở các vùng miền khác nhau của Brasil trong những ngày gần đây. Cách đặc biệt tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ và cho những người mất nhà cửa. Xin Thiên Chúa nâng đỡ nỗ lực của những người đang cứu trợ.
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu sẽ diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 1. Đề xuất năm nay phản ánh kinh nghiệm của các Đạo sĩ, từ phương Đông đến Bêlem để tôn vinh vị Vua Mêsia. Cũng thế, những người kitô hữu chúng ta trong sự đang dạng về các tín điều và truyền thống của mình, chúng ta là những khách hành hương trên bước đường tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn, và càng tiến gần đến mục tiêu chúng ta càng phải hướng nhìn lên Chúa Giêsu, Thiên Chúa duy nhất của chúng ta. Trong Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp nhất, chúng ta cũng dâng lên Chúa những khó khăn và đau khổ của mình cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.