Chương trình học hỏi về Thượng hội đồng Giám mục 16(bài 6)

Thứ năm - 20/01/2022 19:33 716 0

CHƯƠNG TRÌNH HỌC HỎI

VỀ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI, 2023
 


GIỚI THIỆU

Chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi chủ đề Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI, 2023. Chương trình học hỏi gồm các bài học do Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận soạn dựa trên hai tài liệu chính: 1/ “Tài liệu chuẩn bị”; 2/ “Cẩm nang” thực hành. Đây là hai tài liệu Toà Thánh gởi cho các giáo phận nghiên cứu, học hỏi để góp ý cho THĐGM: các bài 2-13: dựa trên “Cẩm nang” thực hành; các bài 14-16: dựa trên “Tài liệu chuẩn bị”;

Ước mong những bài học ngắn gọn này sẽ giúp anh chị em trong giáo phận Long Xuyên chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của chủ đề THĐGM và góp ý tích cực cho THĐGM.

 

                                         

Bài 6

CÁC CẠM BẪY CẦN TRÁNH TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

 

Chúng ta cần nhận ra những cạm bẫy có thể gây cản trở trong suốt thời gian hiệp hành này. Phải tránh những cám dỗ sau đây để tiến trình hiệp hành thêm năng động và tăng hiệu quả.

 

+ Cám dỗ muốn tự mình dẫn dắt mình thay vì để Thiên Chúa dẫn dắt.

Hiệp hành không phải là một cuộc thao dượt của tập thể mang tính chiến lược, đúng hơn, đây là một tiến trình thiêng liêng do Chúa Thánh Thần dẫn dắt.

 

+ Cám dỗ tập trung vào mình và những mối quan tâm tức thời của chúng ta.

Tiến trình hiệp hành là cơ hội để mở ra, để nhìn chung quanh, để nhìn thấy từ những góc độ khác, và trong sứ vụ truyền giáo, là để đi ra, đi đến những vùng ngoại biên. Việc này đòi chúng ta phải nghĩ đến những mục tiêu dài hạn, đồng thời nới rộng viễn tượng của chúng ta tới những chiều kích của Giáo hội toàn thể.

 

+ Cám dỗ chỉ nhìn thấy “những vấn đề”.

Thế giới và Giáo Hội đang đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn và thiếu thốn. Tuy nhiên, nếu chú ý thái quá đến những vấn đề đó, chúng ta sẽ kiệt sức, mất can đảm và bi quan. Chúng ta hãy biết nhận ra đâu là nơi Chúa Thánh Thần đang tác sinh sự sống và cách thức chúng ta có thể để cho Thiên Chúa hoạt động nhiều hơn.

 

+ Cám dỗ chỉ chú trọng đến cơ cấu.

Dĩ nhiên, tiến trình hiệp hành sẽ thực hiện ở mọi cơ cấu của Giáo hội ở mọi cấp độ, để thúc đẩy sự hiệp thông sâu xa hơn, tham gia trọn vẹn hơn và sứ vụ trổ sinh nhiều hoa trái hơn. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm đến kinh nghiệm hiệp hành của mọi chi thể trong Thân thể Đức Kitô.

 

+ Cám dỗ không nhìn quá những ranh giới hữu hình của Giáo hội.

Tiến trình hiệp hành là thời gian để đối thoại với những người thuộc mọi tầng lớp xã hội, thuộc nhiều lãnh vực (khoa học, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội v.v…) để suy tư về nhiều chủ đề, để đào sâu hành trình đại kết với các tông phái Kitô giáo khác và hiểu những truyền thống tôn giáo khác cách sâu sắc hơn.

 

+ Cám dỗ lơ là các mục tiêu của tiến trình hiệp hành.

Mục đích của tiến trình hiệp hành là phân định cách thức Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cùng nhau tiến bước. Không có tiến trình hiệp hành nào giải quyết được mọi ưu tư và vấn đề của chúng ta. Tính hiệp hành là thái độ và cách tiếp cận của việc tiến bước theo cách thức đồng trách nhiệm vốn mở ra đón chào những hoa trái của Thiên Chúa được dần dần tỏ hiện.

 

+ Cám dỗ xung đột và chia rẽ.

“Để tất cả chúng nên một” (Ga 17,21). Đây là lời Chúa Giêsu thiết tha khẩn cầu Thiên Chúa Cha, để các môn đệ của Ngài được hiệp nhất với nhau. Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đi sâu hơn vào mối hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau.

 

+ Cám dỗ coi Thượng hội đồng như một kiểu nghị trường.

Cám dỗ này nhầm lẫn giữa hiệp hành với “cuộc tranh luận chính trị”, bên này phải triệt hạ bên kia để dành quyền quyết định. Việc chống đối người khác hay cổ vũ các cuộc xung đột gây chia rẽ, đe dọa sự hiệp nhất và hiệp thông trong Hội thánh đều là những điều trái ngược với tinh thần hiệp hành.

 

+ Cám dỗ chỉ lắng nghe những thành phần hoạt động trong Giáo hội.

Làm như thế có thể giúp cho việc điều hành được dễ dàng hơn, nhưng rốt cuộc lại bỏ sót một số lượng dân Chúa đáng kể.

 

Câu hỏi ôn bài:

1/ Theo ông bà, anh chị, cám dỗ nào trên đây có tính cách nguy hại nhất?

2/ Khi buổi thỉnh ý hiệp hành mà ông bà anh chị tham dự có nguy cơ trở thành một cuộc tranh luận gây bất đồng dẫn đến phe phái, ông bà anh chị sẽ đưa ra lời khuyên nào?

3/ Cần làm gì để tránh xung đột và chia rẽ trong tiến trình hiệp hành?

 

Tác giả bài viết: Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận

Nguồn tin: http://gplongxuyen.org

 Tags: giáo lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây