Có thể phạm tội do nhầm lẫn không?

Thứ sáu - 18/03/2022 01:17 1.437 0
 
Philip Kosloski
 

Chúng ta nói "rơi vào tội lỗi", nhưng để gọi là có tội thì phải luôn có một sự lựa chọn tự do.

Trong ngôn ngữ nói, đặc biệt là tiếng Anglophone [tiếng Anh], người Công giáo thường nói “rơi vào tội lỗi”. Nếu hiểu theo nghĩa đen, có vẻ thành ngữ này cho thấy rằng, bằng cách này hay cách khác, chúng ta “đang ở trong” tội mà thậm chí không biết rằng nó đã xảy ra.

Như thể chúng ta rơi vào hố sâu tội lỗi mà không để ý mình đang đi đâu.

Khẳng định trên có thể có chút nào đó sự thật. Chúng ta có thể bị phạm tội cách bất ngờ qua những hành động của mình.

Ví dụ: có thể chúng ta đã nhìn thấy một quảng cáo nguy hiểm khi lướt trên internet và vô tình đã nhấp vào nó. Thoạt tiên, chúng ta không mắc tội vì nhấn nhầm, nhưng nếu chúng ta dừng lại trên quảng cáo đó và tương tác với nó thì lúc đó chúng ta đã phạm tội.

Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo giải thích tại sao mọi tội trọng đều dựa trên một sự lựa chọn tự do.
"Cũng như tình yêu, tội trọng là một chọn lựa triệt để của tự do con người. Khi phạm tội trọng, con người đánh mất đức mến, tự tước bỏ ơn thánh hóa, tức là tình trạng ân sủng. Nếu tội trọng không được chuộc lại bằng việc hối cải của tội nhân và bằng ơn tha thứ của Thiên Chúa, người mắc tội trọng sẽ bị loại khỏi vương quốc của Đức Kitô và bị án phạt đời đời trong hỏa ngục, vì tự do của chúng ta có khả năng thực hiện những lựa chọn vĩnh viễn, không đảo ngược được. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể phán đoán một hành vi là lỗi nặng, chúng ta vẫn phải dành quyền phán xét người đó cho Thiên Chúa công bình và giàu lòng thương xót" (GLCG 1861).


và cả khi
 
"Con người phạm tội trong khi chủ ý lựa chọn, nghĩa là biết rõ và muốn một sự việc trái với lề luật Thiên Chúa và với cùng đích tối hậu của con người một cách nghiêm trọng. Tội trọng phá hủy đức mến là nhân đức cần thiết để được hưởng phúc thật vĩnh cửu. Ai phạm tội trọng mà không sám hối, sẽ phải chết đời đời" (GLCG 1874).


Mặt khác, sự thiếu hiểu biết ngoài ý muốn có thể xóa bỏ lỗi lầm, đặc biệt nếu đó thực sự là một tai nạn và không phải là điều chúng ta muốn phạm.
 
"Nếu thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, người phạm lỗi nặng có thể được giảm hoặc miễn trách nhiệm. Nhưng không ai được coi là không biết đến những nguyên tắc của luân lý đã được ghi khắc trong lương tâm mỗi người. Các thúc đẩy của bản năng, các đam mê, các áp lực bên ngoài, hoặc những rối loạn do bệnh tật, cũng có thể làm cho hành vi phạm lỗi bớt tính cách tự ý và tự do. Nặng nhất là tội phạm do ác tâm, vì chủ ý lựa chọn điều xấu" (GLCG 1860).


Thiên Chúa đã khắc ghi trật tự luân lý trong tâm khảm của chúng ta, và vì thế, ngay cả khi chúng ta không biết hết các luật lệ của Giáo hội, thậm chí là 10 Điều răn, chúng ta vẫn có thể có một ý thức bẩm sinh về điều tốt và điều xấu.

Khi phạm tội, tùy thuộc vào ý thức của chúng ta để biết được liệu chúng ta có tự do lựa chọn hay vì vô tình, không cố ý.

Có thể rơi vào tội lỗi, nhưng nếu phạm tội chống lại Thiên Chúa thực sự thì hành động của chúng ta phải là hành động tự do và việc chúng ta làm không có gì là nhầm lẫn. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình, và nếu chúng ta có thói quen phạm tội chúng ta phải giải thoát mình khỏi sự lệ thuộc này và cảm nghiệm lòng thương xót tuyệt vời của Thiên Chúa.

 

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: https://hoangcatholic.blogspot.com

 Tags: giáo lý

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây