Philip Kosloski
Cam tùng là một loại dầu rất đắt tiền, nhưng nó cũng có tính biểu tượng liên quan đến sách Diễm Ca.
Trong những ngày trước cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Chúa Giêsu đến làng Bêtania và trong bữa ăn tối, một người phụ nữ bước vào mang theo một bình thạch cao đầy dầu. Cô mở bình và đổ dầu lên đầu Chúa Giêsu (một số tường thuật ghi rằng cô xức chân Chúa), một hành động xức dầu theo truyền thống. Tin mừng Marcô nói rằng đây là một loại dầu đặc biệt, được gọi là dầu “cam tùng” (Mc 14,3).
Việc dùng dầu cam tùng để xức cho Chúa Giêsu mang ý nghĩa thế nào?
Trước hết, dầu cam tùng rất đắt tiền, như từ điển bách khoa Công giáo giải thích: “dầu cam tùng, là một loại thuốc mỡ vô cùng đắt tiền, được đề cập trong Marcô 14,3, “một cái bình bằng thạch cao chứa đầy dầu cam tùng quý giá” (x. Ga 12,3). Dầu loại này quý đến mức chúng được giữ trong chiếc bình bằng thạch cao, và người Ai Cập cho rằng hương thơm của chúng thậm chí không mất đi sau nhiều thế kỷ”.
Loại dầu này có thể đến từ Ấn Độ, vì thế khiến nó trở thành một loại dầu quý hiếm, không dễ tìm.
Tuy nhiên, nó có tính biểu tượng thậm chí còn sâu sắc hơn là vì loại dầu đắt tiền.
Dầu cam tùng được đề cập trong một cuốn sách khác của Kinh Thánh. Nó được trình bày trong sách Diễm Ca, viết dưới dạng thơ tình, diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Trong sách Diễm Ca, người phụ nữ (đại diện cho chúng ta) được xức dầu cam tùng, trong khi nhà vua, người bà sủng ái, đang ngã mình trên chiếc trường kỷ của ông.
“Lúc quân vương ngự giữa nội cung,
dầu cam tùng của tôi toả hương thơm ngát.
Người tôi yêu là chùm mộc dược
nằm gọn trên ngực tôi”.
(Diễm ca 1, 12-13)
Theo bối cảnh này, có thể dễ dàng nhận ra người phụ nữ làng Bêtania – theo truyền thống, là người có liên quan đến Maria Mađalêna, mặc dù bà không được các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca nêu tên, nhưng được Gioan gọi là Maria, chị của Matta và Lazarô – tượng trưng cho người phụ nữ trong sách Diễm Ca, đổ dầu cam tùng lên Chúa Giêsu, người mình sủng ái, là “quân vương” .
Linh mục Prosper Gueranger xác nhận bài đọc này trong Năm Phụng Vụ của mình, ám chỉ đến “bình dầu cam tùng quý giá của Mađalêna, là biểu tượng của một tình yêu quảng đại và từ bi”.
Khi đọc đoạn Phúc âm này, chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của người phụ nữ làng Bêtania và tự hỏi, liệu chúng ta có yêu Chúa Giêsu nhiều như cô ấy không?
Tất cả mọi thứ được đề cập trong các sách Phúc âm đều có lý do của nó, và mặc dù có thể ban đầu chúng ta không hiểu, nhưng khi đào sâu kinh thánh, chúng ta sẽ tìm thấy được nhiều cấp độ ý nghĩa của nó.