Ánh sáng đã đến giữa chúng ta

Thứ năm - 21/12/2023 18:45 509 0
 

ÁNH SÁNG ĐÃ ĐẾN GIỮA CHÚNG TA
Francis Daoust

Parabole, Décembre 2020, Vol. XXXVI, no 4, tr. 6-7


Ánh sáng là tước hiệu đầu tiên gắn với Ngôi Lời trong tựa ngôn của Tin Mừng Gioan và là một trong những chủ đề chính của toàn bộ cuốn sách Thánh này. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của hình ảnh này được gán cho Đức Giêsu, thật hữu ích khi so sánh phần đầu của tựa ngôn này với những câu đầu tiên trong sách Sáng Thế Ký, sau đó chú ý đến biểu tượng bóng tối và ánh sáng trong toàn bộ Cựu Ước.

Sau khi trình bày điều có thể gọi là bản tính của Ngôi Lời (Ga 1, 1-3), trong ba câu đầu tiên, tựa ngôn của Tin Mừng Gioan nói rằng ở Ngôi Lời “là sự sống” và sự sống này là “ánh sáng cho nhân loại”, chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không tiêu diệt được ánh sáng (Ga 1, 4-5). Như vậy, ánh sáng là thuộc tính đầu tiên gắn với Ngôi Lời trong Tin Mừng Gioan. Tầm quan trọng của thuộc tính này trong Tin Mừng thứ tư cũng được biểu lộ bởi vô số đoạn văn nhắm về chủ đề này trong phần còn lại của tác phẩm. Bên cạnh những đề cập trong Ga 1, 7-9; nó luôn được tìm thấy trong lời của Đức Giêsu và thường liên quan đến bóng tối, trong Ga 3, 19-21; 5,35; 8, 12; 9,5; 11, 10; 12, 35-36,46. Do đó, điều quan trọng là phải xem xét kỹ hơn hình ảnh quan trọng này của Thánh Gioan, bằng cách nhìn vào những lời đầu tiên của Cựu Ước, nguồn cảm hứng cho phần tựa ngôn, và rồi xét ý nghĩa của bóng tối trong Kinh Thánh, vì chúng hầu như luôn gắn liền với ánh sáng trong Tin Mừng thứ tư.

Một nhãn quan mới về sáng tạo

Tựa ngôn gợi lại trình thuật sáng tạo đầu tiên (Stk 1, 1 - 2, 4a) theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, việc sử dụng công thức Hy Lạp arkhe, “lúc khởi đầu” (au commencement), tương ứng với danh từ bereshit trong Kinh thánh Do Thái giáo (Cựu Ước), có cùng một ý nghĩa. Đây cũng là cách diễn đạt bằng tiếng Hy Lạp được sử dụng trong bản Bảy Mươi (Septuagint) để dịch từ bereshit trong tiếng Hípri. Sự song hành giữa hai văn bản được tiếp tục với những mô tả về tình trạng thế giới trước khi có sự can thiệp của Thiên Chúa, tuy khác nhau nhưng không mâu thuẫn. Quả thực, trong trình thuật Sáng thế ký, câu thứ hai dùng để mô tả một thế giới không thể hỗn loạn hơn: “Trái đất hỗn độn. Bóng tối bao trùm vực thẳm và một cơn gió dữ dội làm rung chuyển mặt nước
[1] (Stk 1, 2), trong khi những câu tiếp theo của phần tựa ngôn thể hiện sự hài hòa giữa Ngôi Lời và Thiên Chúa: “Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 2-3). Những điểm tương đồng cuối cùng giữa hai bản văn xuất hiện với việc đưa ánh sáng vào những câu tiếp theo ngay sau đó: “Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng". Liền có ánh sáng” (Stk 1, 3); “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,4-5). Hai bản văn sau đó đã đi theo những hướng khác nhau, bản đầu tiên kể lại các giai đoạn tạo dựng khác nhau và bản thứ hai tập trung vào các tuyên ngôn thần học và Kitô học.

Mặc dù rõ ràng gợi lên lúc khởi đầu của sách Sáng Thế Ký trong những câu đầu tiên, nhưng tựa ngôn không cấu thành một trình thuật mới về tạo dựng và thậm chí càng không làm nên một cuộc tạo dựng mới. Ngược lại, nó gợi lại những trang đầu tiên của Cựu Ước để cho thấy rằng Đức Giêsu, với tư cách là Ngôi Lời, là sự biểu hiện trong thế giới của chúng ta về một thực tại đã hiện diện từ vĩnh cửu. Hơn nữa, khi nhấn mạnh đến tính chất hài hòa của mối tương quan giữa Thiên Chúa và Ngôi Lời, nó tuyên bố rằng giáo huấn của Đức Giêsu sẽ không gây hiểu lầm hay ngạc nhiên cho bất cứ ai thực sự biết Thiên Chúa, vì Đức Giêsu là chính tư tưởng của Thiên Chúa, là đấng tạo dựng quyền năng của Thiên Chúa đã nhập thể.

Bóng tối và ánh sáng

Như đã lưu ý ở trên, trong tựa ngôn và xuyên suốt Tin Mừng Gioan, chủ đề ánh sáng hầu như gắn liền một cách có hệ thống với bóng tối và luôn theo sau chủ đề ấy. Đây cũng là trường hợp của trình thuật sáng tạo đầu tiên, nơi mà sự hỗn loạn nguyên thủy chìm trong bóng tối. Do đó, trong phần tựa ngôn và trong trình thuật Sáng Thế, bóng tối gợi lên sự hỗn loạn và mọi thứ xảy ra trước sự can thiệp ban đầu của Thiên Chúa vào thế giới. Trong khi đó,  ánh sáng tượng trưng cho trật tự, và vì thế tạo dựng tượng trưng cho sự sống.

 Tuy nhiên, xuyên suốt Cựu Ước, bóng tối tượng trưng nhiều hơn cả sự hỗn loạn. Chúng chủ yếu đề cập đến sự chết và đặc biệt hơn là lãnh địa của người chết: “Ngày đời con, nào có được bao nhiêu! Xin Ngài nương tay, để con được đôi phần thanh thoả, trước khi con ra đi, không hẹn ngày trở lại, đi về nơi tăm tối, dưới bóng tử thần” (G 10, 20-21
[2]). Chúng cũng tượng trưng cho sự đau khổ, ngặt nghèo: “Rồi nhìn xuống đất, và kìa: ngặt nghèo và tối tăm, bóng đêm đè nặng, và tứ phía mịt mù” (Is 8, 22); tình trạng nô lệ hoặc tù đày: “Ngài đã đưa họ ra đưa ra khỏi cảnh tối tăm mù mịt và đập tan xiềng xích gông cùm” (Tv 107, 14); và vô hiểu biết: “Vậy mà chúng chẳng hay chẳng hiểu, cứ bước đi, giữa tăm tối mịt mù, khiến nền tảng địa cầu phải lung lay nghiêng ngả” (Tv 82, 5).

Ngược lại, ánh sáng tượng trưng cho sự sống: “Để lôi kéo họ lên khỏi hố, cho nhìn thấy ánh sáng cõi nhân sinh” (G 33, 30); cho niềm vui: “Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính, niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay” (Tv 97, 11); giải phóng: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9, 2) và nhận thức: “Vì huấn lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng” (Cn 6, 23). Nhưng điều đáng quan tâm nhất là, trong Cựu Ước, ánh sáng chỉ chính Thiên Chúa: “Chúa là nguồn ánh sáng và là ơn cứu độ của tôi” (Tv 27, 1). Ngài là “Ánh sáng của Israel” (Is 10, 17).

Tất cả những ý nghĩa này làm nền tảng cho hình ảnh ánh sáng trong tựa ngôn của Tin Mừng Gioan. Đức Giêsu, với tư cách là “ánh sáng của nhân loại” (Ga 1, 4) và là “ánh sáng cho thế gian” (Ga 9, 5), không phải “chỉ” là nhập thể của chính tư tưởng Thiên Chúa, hiện hữu từ đời đời; Ngài cũng là sự sống: “Ta là đường, sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6) và là Đấng ban sự sống “Ai theo Ta… sẽ có ánh sáng của sự sống” (Ga 8, 12). Ngài là người hướng dẫn những bước đi và đưa chúng ta thoát khỏi đau khổ và sự nô lệ. Và điều phi thường là Ngài kêu gọi chúng ta trở thành con cái ánh sáng (Ga 12, 36).

 Do đó, đây là một lý do tuyệt vời để cử hành Lễ Giáng sinh với niềm vui, thắp lên những ngọn đèn sáng nhất trên cây thông Giáng sinh và chiếu sáng ngôi nhà của chúng ta hết sức có thể. Bởi vì đó là một tin rất vui khi ánh sáng đã đến giữa chúng ta!
 

[1] Dịch theo tiếng Pháp của tác giả bài viết: “La terre était un tohu-bohu. Il y avait des ténèbres au-dessus de l’abîme et un vent violent secouait la surface des eaux”. Và tác giả giải thích rằng bản dịch thông thường “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” [La terre était vide et vague. Il y avait des ténèbres au-dessus de l’abîme et l’Esprit de Dieu planait à la surface des eaux] (Stk 1, 2) cách xa đáng kể với ý nghĩa của bản văn Hípri nhấn mạnh đến tình trạng hỗn độn của thế giới trước khi có sự can thiệp của Thiên Chúa. Trước hết, từ “trống rỗng” (vide et vague) mà các bản dịch thường dùng phải có khuynh hướng gợi lại âm thanh tương tự với từ tohou wabohou trong tiếng Hípri, là từ nguyên của danh từ tohu-bohu trong tiếng Pháp. Thứ hai, không có mạo từ (article) trước từ Thần khí (Esprit) trong tiếng Hípri. Thứ ba, cho dù từ Hípri rouah đôi khi được dùng để nói về Thần khí Thiên Chúa, nhưng nghĩa đầu tiên và là nghĩa phổ biến nhất vẫn là hơi thở và gió bão. Thứ tư, phẩm định từ “de Dieu” (của Thiên Chúa) trong tiếng Hípri đôi khi được dùng để chỉ sự cực độ, quá mức (chẳng hạn, “hai con sư tử của Thiên Chúa” trong 2 Samuel 23, 20, có nghĩa là “những con sư tử hung dữ”. Và cuối cùng, động từ rahaph không có nghĩa là “bay lượn” (planer) mà có nghĩa là “làm rung chuyển, lay động” (trembler, secouer), xem Đệ Nhị Luật 32, 11, từ này được dùng như từ đồng nghĩa của động từ ‘our, nghĩa là “đánh thức, khích động (réveiller, exciter); và Giêrêmia 23, 9: “Tâm can tôi tan nát, xương cốt tôi rã rời” chứ không phải “xương cốt tôi bay lượn”.
[2] Thật thú vị khi nhận thấy các Tin Mừng Nhất Lãm nói rằng cả trái đất phủ đầy bóng tối khi Đức Giêsu chết (Mt 27, 45; Mc 15, 33; Lc 23, 44), nhưng Gioan lại không nói gì, vì đối với ông thì bóng tối không triệt tiêu được ánh sáng (Ga 1, 5).

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Nguồn tin: https://gpquinhon.org

 Tags: giáo lý

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây